Nghĩa cử đáng trân trọng đang lan tỏa tại TP HCM:

Hiến “đất vàng” để đường vào tận ngõ

Chủ Nhật, 07/02/2021, 11:40
Cuối năm 2020, người dân phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM đã có thể đi qua cầu An Phú Đông nối quận 12 và Gò Vấp mà không còn phải… lụy phà. Sự kiện này khiến đất đai trong khu vực tăng giá vùn vụt.

Thế nhưng vì quyền lợi chung, hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", có rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã sẵn sàng hiến cho nhà nước những phần đất trị giá cả tỉ đồng mà không đòi hỏi một quyền lợi gì.

Mở lòng để… mở đường kênh

Tháng 7/2020, UBND quận 12 kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương chuyển giao việc thực hiện cải tạo 18 tuyến rạch từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho UBND quận 12 thực hiện nạo vét và kiên cố hóa. Mục tiêu dự án là kiên cố hóa và khơi thông dòng chảy, không gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị, tạo được môi trường sống trong sạch cho người dân trong khu vực nói riêng và quận 12 nói chung.

Cụ thể, rạch Sáu Trình có chiều dài 498,45m (điểm đầu giáp với đường Vườn Lài, điểm cuối giáp với sông Vàm Thuật); rạch Võ Đông Nhì có chiều dài 761,82m (từ giao với đường Vườn Lài tới giao với rạch Gia); rạch Sáu Sửu có chiều dài 1.308m (từ giáp với đường Vườn Lài tới giáp với sông Vàm Thuật) và rạch Tư Trang - Đất Sét có chiều dài 1.182,98m (từ giáp với Quốc lộ 1 tới giáp với cầu Đất Sét).

Anh Lê Hoàng Quân (SN 1981, ngụ tại số nhà 336/1D, khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM) cho biết, ông và gia đình không ngại ngần khi quyết định hiến gần 100 mét đất phía trước cho dự án nằm trên tuyến cải tạo rạch Sáu Sửu mà không đòi hỏi đền bù. 

"Nhiều năm, khu vực này không có đường. Mùa mưa nước ngập, khu vực lại bị ô nhiễm do ảnh hưởng của một số cơ sở sản xuất trong khu vực xả thải xuống kênh khiến mùi nồng nặc. Dự án kênh mương hoá sạch khiến bà con ai cũng mừng. Mỗi hộ dân trên tuyến rạch tuỳ từng chỗ mà hiến 3 mét đất làm thành đường để đi lại. Nhà tôi hiến bề ngang 30 mét, chiều sâu 3 mét, nếu quy ra giá thị trường thì bạc tỉ đấy", ông Quân chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Sách (SN 1948), có khu đất nằm ngay trên tuyến rạch Tư Trang - Đất Sét - An Phú Đông đã hiến tới hơn 1.000 mét vuông đất. Kể thêm về nghĩa cử của mình, ông bộc bạch: "Là khu bán đảo nên việc đi lại là trên bờ kênh mương. Dân khu vực này không có khái niệm thế nào là đường xá. Nhiều năm qua do ảnh hưởng ô nhiễm, bà con thấu cái cảnh đó lắm. Nay được kiên cố hoá kênh mương, ai cũng mừng. Gia đình tôi tự động lùi đất vào, tạo điều kiện cho Ban dự án làm thành con đường 5 mét phía trước. Miễn là sạch sẽ, thông thoáng là bà con tui chịu!". 

Được biết, trong tuyến rạch này, gia đình ông Sách là một trong những hộ dân hiến đất nhiều nhất. Dù phải mất đi phần lớn đất đang trồng rau sạch, mất đi một khoản thu nhập của gia đình.

Nhờ phong trào hiến đất của người dân, con đường kênh trên tuyến Rạch Tư Trang-Đất Sét- phường An Phú Đông, quận 12 giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp Xuân Tân Sửu.

Khi chủ trương biến thành phong trào

Ông Dương Văn Tân, Phó Ban Công tác Mặt trận Khu phố 1, phường An Phú Đông kể khi nhận nhiệm vụ vận động bà con lùi đất, lùi nhà vào cho dự án kiên cố hoá 3 tuyến rạch, ông lo lắm. 

"Nhưng không ngờ, tuy người dân còn nghèo và khó khăn nhưng hầu hết đều tự nguyện. Dự án thực hiện được chừng 1 tháng, bà con đã nóng lòng hỏi: "chừng nào làm đường vậy? Nhà tui còn sửa chữa cho kịp đó!", ông Tân kể.

Ông Tân cho biết thêm, lúc đầu bà con cũng thắc mắc ghê lắm, nhưng dần dần, khi thấy đơn vị thi công cho máy xúc đất đen dưới kênh mang đi, cải tạo bên dưới. Mùi hôi tan dần là bà con nhà nọ kêu gọi nhà kia. Dần việc hiến đất nơi đây trở thành phong trào. 

Các hộ dân đồng thuận dịch chuyển đất cho Ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện việc sửa sang, nắn các con đường trên kênh đúng theo dự án. Nhà nào có ý định sửa chữa nhà, tổ dân phố lại xin ý kiến quận tạo điều kiện. Ông Tân cho biết, Ban lãnh đạo khu phố 1 đang lên danh sách biểu dương các hộ dân hiến đất nhiều nhất trong dịp sinh hoạt mừng Xuân Tân Sửu sắp tới.

Người dân sẵn lòng "chịu thiệt", đơn vị thi công được tạo điều kiện tối đa nên việc thi công được làm cấp tập cả những ngày cuối tuần. Qua 6 tháng, con đường kênh rạch quanh khu vực An Phú Đông đã hình thành, thông thoáng, sạch đẹp, nước trong từ nguồn Sông Vàm Thuật chảy vào kênh, lấy đi dần mùi hôi vốn lưu cữu tại các dòng kênh đen từ bao năm. 

Bà Phạm Thị Mười, Bí thư Chi bộ khu phố 1 phường An Phú Đông nói trong niềm vui: "Dự án cải tạo 18 tuyến rạch tại quận 12 đang từng ngày mang lại diện mạo mới về cảnh quan nơi đây, sẽ cải thiện rất lớn tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường lâu nay. Theo Ban quản lý dự án, đến nay đã hoàn thành xong giai đoạn 1 tuyến đường ven kênh, rạch. Sang giai đoạn 2, Ban sẽ trồng các loại cây hoa nở theo mùa, bờ kè có hàng rào bảo vệ trẻ em. Hai bên bờ kênh chỗ nào có mặt bằng rộng thì làm khu tập thể dục thể thao ngoài trời cho người dân. Bà con đang náo nức lắm!".

Trong những năm qua, vì nghĩ đến lợi ích chung, với chủ trương vì một TP HCM văn minh, sạch đẹp, người dân khắp nơi trên địa bàn TP HCM hưởng ứng phong trào hiến đất và được Nhà nước đầu tư, nâng cấp hàng trăm tuyến đường, con hẻm tạo diện mạo mới khang trang, sạch đẹp.

 Không chỉ tại phường An Phú Đông quận 12 trên, tại nhiều địa phương, các ban, ngành bằng quyết tâm cao đã vận động thành công người dân hưởng ứng mở rộng được nhiều con hẻm, đường phố, mở ra một hướng mới trong công tác chỉnh trang đô thị. 

Như tại địa bàn quận Phú Nhuận, riêng từ năm 2009 đến 2019, quận này đã thực hiện được 54 dự án mở rộng đường, hẻm. Đến nay đã hoàn tất đưa vào sử dụng 43 công trình, gồm 5 đường và 38 hẻm. Trong đó, hơn 2.110 hộ dân đã hiến đất với tổng diện tích hơn 10.500m², trị giá trên 900 tỷ đồng. 

Tại quận 9, trong 5 năm qua, người dân đã hiến gần 45.600m² đất, trị giá khoảng 273 tỷ đồng để thực hiện 327 công trình sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa, nhựa hóa đường, hẻm…

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, tính đến nay, hàng chục ngàn người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m² đất, tương đương trên 2.200 tỷ đồng (tính giá trị đất theo đơn giá nhà nước). Điển hình như quận 2, người dân hiến 21.100m² (giá trị gần 122 tỷ đồng); quận 7 trên 5.500m² (74 tỷ đồng); quận 12 trên 11.000m² (33 tỷ đồng); huyện Hóc Môn 510.000m² (hơn 33 tỷ đồng); huyện Củ Chi gần 750.000m² (355 tỷ đồng); huyện Bình Chánh 790.000m² (trên 540 tỷ đồng);…

Huyền Nga
.
.
.