Quy định mới về xử lý kỷ luật đối với người lao động

Thứ Tư, 01/04/2015, 09:47
Hỏi: Xin tòa soạn cho biết những quy định về xử lý kỷ luật đối với người lao động theo Nghị định số 05/2015/NĐ-CP? (Ngô Thị Thanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội)

Trả lời: Ngày 12/1/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/3/2015. Theo đó, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động (NLĐ) dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự theo quy định nêu trên. Trường hợp NSDLĐ đã 3 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì NSDLĐ tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp NLĐ đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật như nghỉ ốm đau, đang bị tạm giữ, tạm giam... 

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp và người lập biên bản.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, và phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.

Trong quá trình tiến hành xử lý kỷ luật lao động, nếu xét thấy vụ việc vi phạm có tình tiết phức tạp và việc NLĐ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, NSDLĐ có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ trong thời hạn tối đa 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Hết thời hạn này, NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc.

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động, NLĐ cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Tuy nhiên, nếu không bị xử lý kỷ luật lao động thì NSDLĐ phải trả đủ tiền lương cho NLĐ cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Công ty Luật TNHH Đào và Đồng nghiệp
.
.
.