Ai tiếp tay cho khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn ở Quảng Bình?

Thứ Bảy, 11/12/2021, 06:06

Nhiều năm qua, các đối tượng đã vào khu vực mỏ khoáng sản nằm giáp ranh giữa xã Kim Hóa và xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình khai thác trái phép, vận chuyển đi hàng nghìn tấn quặng sắt. Điều đáng nói không hiểu tại sao “con voi lại dễ dàng chui lọt lỗ kim”, khi hàng ngày những chiếc xe tải vẫn chạy rầm rập chở quặng ra khỏi khu vực?

Vì sao “voi chui lọt lỗ kim”?

Cách đây gần chục năm, mỏ khoáng sản quặng sắt nằm giáp ranh giữa xã Kim Hóa và xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình được coi là nơi còn giữ trữ lượng lớn quặng sắt nguyên sơ. Tháng 8/2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp giấy phép khai thác mỏ quặng sắt này cho Công ty TNHH Anh Trang với diện tích hơn 7 ha.

Song do vướng phải thủ tục giấy tờ và ý kiến không đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đến năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đối với Công ty TNHH Anh Trang.

Ai tiếp tay cho khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn ở Quảng Bình? -0
Cả quả đồi lớn gần 10ha đã bị các đối tượng khai thác quặng sắt trái phép trong nhiều năm.

Tại quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Anh Trang, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp bàn giao mỏ quặng sắt thu hồi cho UBND xã Hương Hóa và UBND xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa quản lý theo quy định. Huyện Tuyên Hóa và các phòng, ban, cơ quan chức năng của huyện và xã Hương Hóa, Kim Hóa có trách nhiệm thực hiện quản lý, bảo vệ mỏ sắt theo quy định của Luật Khoáng sản.

Quy định là vậy, tuy nhiên, nhiều năm qua mỏ quặng sắt khu vực này vẫn liên tục bị nhiều đối tượng vào khai thác trái phép. Và gần đây thì rộ lên việc khai thác quy mô lớn. Lúc đầu, các đối tượng khai thác quặng sắt trái phép còn e dè thỉnh thoảng vào đêm khuya chở trộm một ít xe, sau tăng dần cho xe chạy rầm rập suốt đêm để chở quặng đem bán. Để khai thác được quặng, các đầu nậu đã thuê nhiều thanh niên khỏe mạnh tiến hành đào, múc quặng trên một diện tích rộng lớn lên đến nhiều ha.

Nhiều người dân sinh sống gần khu vực mỏ quặng sắt cho biết, trung bình mỗi đêm có hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn vào chở quặng đem đi. Người dân lúc đầu nghĩ chắc cơ quan chức năng cho phép họ mới dám khai thác. Nhưng sau thấy xe chạy toàn ban đêm, cuốn bụi bay mù mịt và tiếng động cơ gầm rú làm đảo lộn mọi sinh hoạt cuộc sống của người dân nên bà con sinh nghi và tìm hiểu thì được biết là các xe vào khai thác trộm quặng sắt.

Phản ánh của người dân là vậy, song theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa lại lý giải và nói về việc quặng sắt trên địa bàn bị khai thác trái phép là do khu vực này mặc dù đã được thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn thuộc đất do doanh nghiệp thuê sử dụng 50 năm. Xã cũng mời chủ đất có khu vực mỏ này làm việc về công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.

Xã đã nhiều lần báo cáo lên huyện Tuyên Hóa và đề nghị các ban, ngành phối hợp bảo vệ khoáng sản vì năng lực, kinh phí của xã có hạn. Đồng thời, xã có lập chốt tuần tra, các chốt trực gần mấy tháng trời, sau khi rút chốt thì cử lực lượng tuần tra thường xuyên làm đủ mọi cách để quản lý.

Xã thường xuyên báo cáo lên các cấp để có biện pháp phối hợp bởi vì nguồn kinh phí của xã không thể duy trì giữ chốt tuần tra thường xuyên, có thể một thời gian cắm chốt một thời gian rút về. Các trường hợp trộm cứ vào lúc 1, 2h nên chính quyền rất khó bảo vệ.

Lý giải của chính quyền địa phương ở cơ sở là vậy, song theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2018, tỉnh Quảng Bình đã có quyết định ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Theo quyết định này, cấp xã, huyện phải thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách từng khu vực, địa bàn xã đảm bảo kịp thời xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Cấp xã, cấp huyện thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin phản ánh, trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, cần báo cáo lên cấp trên để xử lý. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành quy chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện.

Đầu tiên là cấp xã, khi người khác vào trộm khoáng sản trên địa bàn thì xã phải quản lý, ai làm gì chưa có phép xã phải nắm, trách nhiệm của xã là phát hiện, nếu xử lý được thì xử lý tại chỗ. Nếu xử lý không được thì báo lên huyện, huyện xử lý không được thì báo lên cấp tỉnh.

Cuộc tập kích lúc O giờ

Những tin báo về việc khai thác khoáng sản trái phép ở xã Kim Hoá, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình mới đây được báo lên Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và chuyên án được xác lập. Sau gần 3 tháng tiến hành thu điều tra, thu thập chứng cứ… Công an Quảng Bình quyết định cất vó các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

Vào 0h ngày 5/12, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với các lực lượng An ninh điều tra, Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an huyện Tuyên Hóa, cùng một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh do Đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo đã đột kích bất ngờ và bắt quả tang vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn tại mỏ khoáng sản nằm giáp ranh giữa xã Kim Hóa và xã Hương Hóa. Lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ 9 người, thu giữ 9 xe tải và một máy xúc đang khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Theo đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ 2 đối tượng gồm Cao Minh Tuất (SN 1984), trú tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa và Trần Văn Đồng (SN 1973), trú tại xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình có hành vi điều khiển 2 phương tiện xe ôtô tải nhãn hiệu Howo, mỗi xe chở từ 35-40 tấn quặng đang đi tiêu thụ.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ thêm 6 đối tượng đang thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại mỏ quặng sắt thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Kim Hóa và xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình gồm: Trần Minh Tuấn, Nguyễn Văn Đàn, Đinh Xuân Hiếu, Phan Thanh Hùng, Đoàn Xuân Phúc, cùng trú tại huyện Tuyên Hóa và Phan Văn Toàn, trú tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch.

Ngay trong đêm, Công an tỉnh Quảng Bình đã thu giữ 1 máy xúc nhãn hiệu Doosan và 7 xe tải cỡ lớn loại 25-30 tấn nhãn hiệu Howo, Dongfeng. Trong đó, có 1 xe tải đã đổ đầy quặng và chuẩn bị rời mỏ, 6 xe tải đang đợi đến lượt để vào bãi xúc, thu giữ nhiều điện thoại liên lạc của các đối tượng.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã khai thác trái phép trên diện tích mỏ quặng sắt (khoảng 2-3ha), tàn phá với độ sâu từ 5-7 mét... Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, người thuê vận chuyển quặng là Phạm Xuân Ngư, trú tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Đại tá Phan Đăng Tĩnh cho biết, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xác định khối lượng khoáng sản đã bị khai thác, khai thác trong thời gian bao lâu và các hình thức tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

Dương Sông Lam
.
.
.