Làm rõ sai phạm và sớm cấp sổ đỏ cho người mua nền của công ty ESL

Thứ Bảy, 15/04/2023, 14:20

Là công ty con của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP Hồ Chí Minh), nhưng sau khi được thành phố giao đất làm dự án, Công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (Công ty ESL, 75% vốn Nhà nước) đã nhiều lần tự ý đem tài sản hình thành chủ yếu từ phần vốn Nhà nước đi chuyển nhượng mà không qua đấu giá...

Từ 16 năm trước, UBND Thành phố đã giao cho Công ty ESL làm chủ đầu tư dự án thành phần có diện tích gần 14,4 ha tại Dự án khu dân cư 174 ha Thạnh Mỹ Lợi ở quận 2 cũ. Năm 2010, khu đất của Công ty ESL được UBND quận 2 phê duyệt đồ án quy hoạch 1.500. Theo đó, trên khu đất này Công ty ESL được phát triển 313 căn biệt thự đơn lập, song lập với diện tích khuôn viên từ 170- 280m2/căn. Được xây 2 lô chung cư cao tầng với 304 căn hộ và xây cao ốc văn phòng, thương mại dịch vụ cao tầng với tổng diện tích sàn lên đến gần 36 nghìn m2.

Thanh tra Thành phố xác định, để làm dự án này, ngay từ các năm 2004-2005 Công ty ESL đã phải bán “non” gần 250 nền đất cho các cá nhân với hình thức góp vốn - hoán đổi nền đất. Tổng số tiền chuyển nhượng số nền đất này là 273 tỉ đồng, Công ty ESL đã thu được 197 tỉ đồng. Số tiền Công ty ESL phải đóng góp làm hạ tầng chung cho cả dự án 174 ha là 107 tỉ đồng và Công ty ESL cũng đã nộp được hơn 70 tỉ đồng.

Làm rõ sai phạm và sớm cấp sổ đỏ cho người mua nền của công ty ESL -0
Người mua nền bức xúc phản đối chủ đầu tư ngay tại dự án.

Đang triển khai dự án suôn sẻ như vậy, nhưng dùng một cái, ngày 17/4/2017, HĐQT Công ty ESL đã có chủ trương hợp tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ dự án khi đủ điều kiện. Dù dự án còn chưa được thẩm định giá, nhưng ngày 19/5/2017 Công ty ESL đã ký hợp đồng được ghi rõ là “Hợp đồng hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án” với Công ty TNHH đầu tư Đồng Thuận với giá là 190 tỉ đồng. Sau khi hợp đồng chuyển nhượng dự án với đối tác này không thành, ngày 17/8/2017 Công ty ESL đã ký hợp đồng thuê thẩm định giá trị dự án. Theo chứng thư thẩm định giá, thì giá trị đầu tư giai đoạn 1 của Công ty ESL trên phần diện tích 250 nền đã bán là 221 tỉ đồng, giá trị đầu tư phần diện tích còn lại của giai đoạn 2 là 187 tỉ đồng. Căn cứ cứ vào mức giá thẩm định này, ngày 5/9/2017 Công ty ESL đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc chuyển nhượng dự án với Công ty CP bất động sản (BĐS) Hiệp Phát - một công ty con của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nắm 90% vốn. Tổng giá trị thỏa thuận chuyển nhượng là 223 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty ESL phải tự gánh khoản tiền sử dụng đất, khoản nợ phải trả cho đơn vị đầu tư hạ tầng và có trách nhiệm lập hồ sơ trình phê duyệt bổ sung thay đổi thiết kế toàn bộ khu cao tầng căn hộ và thương mại theo kế hoạch kinh doanh của Công ty CP BĐS Hiệp Phát.

Làm rõ sai phạm và sớm cấp sổ đỏ cho người mua nền của công ty ESL -0
Người mua đất nền phản đối chủ đầu tư ngay tại cổng Công ty ESL.

Ngày 5/9/2017, Công ty ESL và Công ty CP BĐS Hiệp Phát còn ký một thỏa thuận hợp tác đầu tư đối với dự án trên để tính toán tỉ lệ hợp tác, điều kiện phân chia lợi nhuận…trong đó có thỏa thuận trong mọi trường hợp số tiền Công ty ESL nhận được không thấp hơn 223 tỉ đồng. Thanh tra thành phố xác định, phải đến ngày 10/4/2018 - ngày cơ quan này công bố quyết định thanh tra đối với công ty mẹ IPC, thấy khó “nuốt” tài sản Nhà nước, hai bên mới ký biên bản thanh lý các thỏa thuận trên. Sau đó Công ty ESL đã hoàn trả lại Công ty CP BĐS Hiệp Phát số tiền gần 150 tỉ đồng. Từ đó đến nay vụ việc mua bán dự án được hình thành từ vốn Nhà nước trên không được tiếp tục làm rõ.

Trước đó Công ty ESL cũng tự ý đem khu đất ra đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH ĐTTM và DV hàng hải Hoàng Giang  - một doanh nghiệp có địa chỉ trùng với địa chỉ của Công ty ESL ở số 938/180 Nguyễn Thị Định, Phường Thạnh Mỹ Lợi. Hợp đồng này còn kéo dài đến ngày 18/7/2017 hai bên mới ký biên bản thanh lý thỏa thuận hợp tác đầu tư. Như vậy trong khi hợp đồng này vẫn đang còn hiệu lực, thì ngày 19/5/2017 Công ty ESL vẫn đặt bút ký hợp đồng “Hợp đồng hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án” với Công ty TNHH đầu tư Đồng Thuận. Với vụ thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty Hoàng Giang, đối tác đã chuyển vốn góp đợt 1 được 30 tỉ đồng, nhưng sau đó Công ty ESL đã phải bồi thường cho đối tác hơn 2,3 tỉ đồng.

Đối với hàng trăm người dân đã góp vốn để mua đất nền của Công ty ESL, sau hơn 18 năm và đã nộp từ 70-90% tiền mua nền, đến nay quyền lợi vẫn bị “treo” lơ lửng. Thanh tra Thành phố cũng đã kiến nghị UBND Thành phố chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra. Vì vậy, việc thực hiện yêu cầu cùa người mua nền phải chờ sau khi có kết luận của UBND Thành phố đối với dự án. Do đó, cần nhanh chóng làm rõ sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án và hoàn thiện pháp lý với khu đất nền đã bán để cấp sổ đỏ cho người dân là yêu cầu đặt ra với chính quyền thành phố.

Bảo Sơn
.
.
.