Nhức nhối tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng rong ở Bỉm Sơn

Chủ Nhật, 21/05/2023, 07:16

Lâu nay, tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè xung quanh khu vực chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn là vấn đề nhức nhối, khiến người dân bức xúc.

Đáng chú ý, tuyến đường Hai Bà Trưng ở phía Nam chợ Bỉm Sơn luôn có đông phương tiện tham gia giao thông, song tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè dẫn đến ách tắc giao thông cục bộ... Trật tự chỉ được thiết lập khi các địa phương tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý, thế nhưng khi lực lượng chức năng vừa rút đi, mọi việc lại đâu vào đó, chẳng khác nào “đá ném ao bèo”.

screenshot (147).jpg -0
Một trường hợp dừng ôtô giữa cầu để mua rau.

Vỉa hè, lòng đường “biến” thành chợ

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè ở đường Hai Bà Trưng, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa diễn ra từ lâu, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Việc lấn chiếm hành lang, vỉa hè buôn bán hàng rong không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Thực tế tìm hiểu, ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại thị xã Bỉm Sơn có chợ Bỉm Sơn (phường Ngọc Trạo) đang hoạt động lâu nay, ở cổng phía Nam chợ Bỉm Sơn là tuyến đường Hai Bà Trưng (một phần nằm trên địa bàn phường Ngọc Trạo, một phần nằm trên địa bàn phường Phú Sơn - PV), tồn tại tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè buôn bán hàng rong...

Theo quan sát của phóng viên, tại các ki ốt mặt đường, người dân kinh doanh buôn bán các mặt hàng tạp hóa đủ loại; ở vỉa hè người dân trải bạt, thúng, mẹt... với vô số mặt hàng thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rau ...

Trực tiếp ghi nhận thực trạng, chúng tôi còn nhận thấy, đường Hai Bà Trưng không chỉ có xe gắn máy, xe đạp lưu thông mà còn rất nhiều xe ôtô, trong đó nhiều xe tải có trọng tải lớn chở hàng, chở vật liệu xây dựng cũng đi qua đây... Vào thời điểm cuối buổi chiều hằng ngày, khi lượng người tham gia giao thông tăng cao, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán hai bên tấp nập cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông cục bộ...

Anh Lê Văn Q một người dân nhiều lần lưu thông qua tuyến đường Hai Bà Trưng, cho hay: Đường Hai Bà Trưng lòng đường khá hẹp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất nhiều, chỉ cần có 2 xe ôtô tránh nhau trên đường, các phương tiện đã dồn ứ các phương tiện phía sau. Đặc biệt, vào buổi chiều, người bán hàng rong hai bên đường càng nhiều, người đi chợ vô tư dừng xe giữa đường mua hàng, khiến cho việc ách tắc giao thông ở đây xảy ra liên tục...

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng buôn bán hàng rong không chỉ diễn ra hai bên đường Hai Bà Trưng mà người dân còn trưng bày hải sản, rau ... bán ngay trên cây cầu bắc qua sông Tam Điệp...

Giải pháp nào để “đường thông, hè thoáng”?

Trao đổi với phóng viên, ông Bạch Ninh Nhất, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, thừa nhận: Tình trạng người dân lấn chiếm, lòng đường, vỉa hè buôn bán ở cổng phía Nam chợ Bỉm Sơn là đúng thực tế.

Ông Nhất cho hay, thời gian qua, UBND phường Ngọc Trạo thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, kết hợp tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, hành lang vỉa hè buôn bán; đồng thời, phường tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, người dân lại tiếp tục tái lấn chiếm vỉa hè buôn bán.

Ông Nhất phân tích nguyên nhân, cán bộ ở phường rất ít, mỗi lần ra quân xử lý bán hàng rong là phải thuê xe, huy động thêm lực lượng ở tổ dân phố, thế nhưng kinh phí lại không có nên việc huy động rất khó khăn. Mặt khác, đối tượng buôn bán hàng rong không chỉ có người trên địa bàn mà ở những người ở các địa phương khác đến buôn bán, hôm nào đẩy đuổi thì họ dạt đi, hôm sau quay lại...

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, cho biết: Phường Phú Sơn cũng đã triển khai nhiều giải pháp vừa tuyên truyền vừa xử lý những người vi phạm nhưng không xuể. Hiện nay, phường đã giao cho Hội Cựu chiến binh đảm bảo trật tự trên tuyến đường Hai Bà Trưng, song chức năng của Hội Cựu chiến binh cũng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, không thể xử phạt.

Ông Lương cho biết, mức phạt hành vi vi phạm lần đầu là 200.000 đồng, nếu tái phạm sẽ xử phạt mức 2.500.000 đồng, tuy nhiên dường như mức xử phạt đó vẫn không đủ sức răn đe. Ông Lương nói rằng, có lần lực lượng chức năng phường thu giữ hơn 30kg mực của một người kinh doanh và yêu cầu họ lên xử lý để trả lại hàng nhưng người ta vẫn không lên, thậm chí có những hôm thấy lực lượng chức năng đến, người bán hàng sẵn sàng đổ bỏ số hải sản bày bán xuống sông...

Lý giải việc buôn bán hàng rong lâu nay khó xử lý, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn cho biết, do mặt hàng buôn bán vốn đầu tư không cao, việc buôn bán ở vỉa hè vừa thuận cho người bán, lợi cho người mua. Người mua chỉ cần dừng xe bên đường là mua được hàng, không phải vào chợ, không phải gửi xe, trong khi đó, người bán hàng lại không mất bất cứ khoản lệ phí nào...

Để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè đường Hai Bà Trưng, lãnh đạo phường Ngọc Trạo và phường Phú Sơn đồng nhất quan điểm, cần có sự vào cuộc của UBND thị xã Bỉm Sơn. Giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp đồng bộ các phường (Ngọc Trạo, Phú Sơn, Ba Đình) ra quân cùng lúc để xử lý, nếu không phường này đang xử lý người ta lại mang hàng sang địa giới hành chính phường bên cạnh...

Đặc biệt, các phường kiến nghị UBND thị xã Bỉm Sơn nghiên cứu cho cắm biển cấm “dừng, đỗ” hai chiều trên đường Hai Bà Trưng, để lực lượng Công an phường có căn cứ xử lý các phương tiện vi phạm.

Trần Thắng
.
.
.