Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế chậm khắc phục nhiều sai phạm

Thứ Bảy, 06/11/2021, 08:18

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế có kết luận thanh tra công tác quản lý 5 dự án (DA), đầu tư xây dựng tại Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế và các đơn vị trực thuộc, phát hiện nhiều sai phạm, như khai khống nhiều diện tích trồng rừng, chọn nhà thầu không đủ tiêu chuẩn, tiêu ngân sách tùy tiện, gây thất thoát ngân sách Nhà nước…

Thế nhưng, đã hơn 1 năm kể từ khi có kết luận thanh tra, đơn vị này vẫn chậm khắc phục khiến dư luận rất bức xúc.

Năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt DA đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá (SPRCC), với tổng mức đầu tư 110,536 tỷ đồng. DA do Chi cục Lâm nghiệp tỉnh (nay là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm chủ đầu tư, triển khai tại 5 huyện, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Trà. Sau đó, DA được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế điều chỉnh 4 lần, chủ yếu do thay đổi chủ đầu tư, quy mô và địa điểm, cơ cấu chi phí và nguồn vốn. Quy hoạch bảo vệ rừng 5.000ha trong DA không thể hiện địa chỉ lô, khoảnh, tiểu khu, hiện trạng, loại cây, mật độ và công tác quản lý bảo vệ rừng tại thời điểm lập DA. Theo hồ sơ khảo sát, thiết kế, một số tiểu khu ngoài phạm vi và mục tiêu của DA, thậm chí thuộc rừng tự nhiên vẫn đưa vào DA để quản lý bảo vệ rừng…

Trên hồ sơ thể hiện 60 lô quy hoạch trồng rừng trùng (đã có rừng) với quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh. Đơn vị tư vấn khảo sát không cụ thể địa điểm đất chưa có rừng theo quy hoạch phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2020 dẫn đến đề xuất diện tích trồng mới rừng thiếu cơ sở, nằm ngoài diện tích quy hoạch.

Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế chậm khắc phục nhiều sai phạm -0
Nhiều diện tích rừng trồng của dự án bị chết tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tại huyện Quảng Điền, diện tích chưa có rừng là 84,7ha nhưng DA quy hoạch trồng rừng 158,6ha. Tại thị xã Hương Trà, diện tích chưa có rừng 9,7ha nhưng DA quy hoạch trồng rừng 124,3ha... Bên cạnh đó, nhiều gói thầu trồng rừng của DA được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là “đặt hàng” với loại hợp đồng “trọn gói”. Tuy nhiên, hình thức “đặt hàng” chưa tuân thủ Luật Đấu thầu; các gói thầu trồng rừng không thuộc trường hợp phải đặt hàng do chưa đảm bảo về điều kiện, tiêu chí và căn cứ..

Theo nội dung hợp đồng đã ký kết với các đơn vị trồng rừng trên cát ven biển thì việc nghiệm thu, thanh toán được thực hiện sau khi hoàn thành trồng cây 30 ngày. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã nghiệm thu thanh toán khi chưa đủ 30 ngày, nghiệm thu khi cây trồng chưa ổn định.

Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế điều chỉnh DA đầu tư, diện tích trồng rừng ngập ngọt là 62,5ha. Cụ thể, diện tích trồng rừng tại huyện Phong Điền phê duyệt với 44ha nhưng chỉ trồng 22,7ha. Đối với tổng diện tích trồng rừng ngập mặn được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt là 164,7ha nhưng chủ đầu tư hợp đồng đặt hàng trồng và chăm sóc 121,3ha với tổng giá trị hợp đồng gần 46,423 tỷ đồng và đến hết năm 2018 mới trồng được 120,44ha. Gói thầu trồng và chăm sóc rừng ngập mặn tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) phê duyệt 12,7ha nhưng chủ đầu tư chỉ trồng 1,56ha. Gói trồng và chăm sóc rừng ngập mặn tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền), chủ đầu tư không tổ chức đặt hàng trọn gói các gói thầu như phê duyệt mà chia ra từng giai đoạn để phê duyệt dự toán và đặt hàng qua các năm, trước khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh. Chủ đầu tư đã nghiệm thu chăm sóc rừng trồng không đúng với thực tế. Gói thầu thực hiện tại xã Quảng Lợi mới chăm sóc hơn 10 tháng nhưng đã nghiệm thu hoàn thành năm thứ nhất.

Gói thầu trồng và chăm sóc rừng ngập mặn xã Quảng Phước (thị xã Hương Trà) mới chăm sóc 7 tháng; gói thầu trồng và chăm sóc rừng ngập mặn xã Lộc Điền (Phú Lộc) chăm sóc 5 tháng; gói thầu tại thị trấn Phú Lộc chăm sóc 6 tháng nhưng đã nghiệm thu hoàn thành cả năm...

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng và chăm sóc được duyệt thì thời gian chăm sóc là 4 năm nhưng quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã điều chỉnh giảm thời gian chăm sóc theo thời gian kết thúc của DA (năm 2020). Vì vậy, gói thầu trồng và chăm sóc rừng ngập mặn xã Phú Diên (huyện Phú Vang), Lộc Bình, Lộc Trì (huyện Phú Lộc) thiết kế phê duyệt thời gian chăm sóc 4 năm nhưng chủ đầu tư chỉ thực hiện hợp đồng với thời gian chăm sóc 2 năm... Cùng với đó, hàng loạt công trình do Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư cũng xảy ra nhiều sai phạm.

Điều đáng nói, từ khi Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế có kết luận (tháng 7/2020), đến nay đã hơn 1 năm, nhưng nhiều sai phạm vẫn chưa được đơn vị thi công, chủ đầu tư khắc phục. Đơn cử, đối với diện tích phát triển rừng ven biển đầm phá (SPRCC) bị chết, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề nghị trồng lại nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Cuối tháng 10/2021, có mặt tại xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc), chúng tôi được ông Nguyễn Đình Phú, cán bộ địa chính môi trường xã Lộc Điền cho biết, theo hồ sơ thiết kế DA, tại địa phương này sẽ trồng 7,51ha rừng ngập mặn ven phá Tam Giang, dọc QL1A. Vào khoảng tháng 7 và 8/2017, bên thực hiện DA đã đưa cây bần chua về trồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cây trồng chết rất nhiều với tỷ lệ chết khoảng 30% diện tích. Một số diện tích trồng chết trắng nhưng xã cũng như bên thực hiện DA không thống kê cụ thể.

Tương tự, tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền), theo thiết kế, DA sẽ trồng 18,7ha rừng tràm ngập ngọt. Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thanh Hương (xã Điền Hương, Phong Điền), việc trồng rừng được giao cho HTX thực hiện. Theo hợp đồng, đến 31/12/2016, HTX đã hoàn thành việc trồng 18,7ha rừng tràm ngập ngọt. Tuy nhiên đến thời điểm này, trong số 18,7ha chỉ còn 5,6ha có mật độ cây sống với tỷ lệ 70-80%; diện tích còn lại gần như chết sạch. Tại xã Điền Hương diện tích trồng tràm ngập ngọt đa phần bị chết, mật độ cây sống còn lại rất thấp. Nhiều cây tràm cao 40-50cm bị khô héo. Cũng theo ông Hùng, kể từ khi có kết luận của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế đến nay chưa có một động thái nào cho thấy, chủ đầu tư sẽ trồng lại diện tích rừng bị chết…

Về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài tại 5 dự án, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm chỉ đạo Sở NN&PTNT, Ban Quản lý DA JICA2… tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những thiếu sót, vi phạm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan; kiểm điểm trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán không đúng quy định và gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, BQLDA JICA2 chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và rút kinh nghiệm các sai phạm, thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra… Thế nhưng, sau kết luận thanh tra, một số cá nhân để xảy ra sai phạm chỉ bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm, thậm chí không ít trường hợp đã được cất nhắc công tác lãnh đạo ở vị trí cao hơn(?!).

Hải Lan
.
.
.