Vì sao người dân vẫn phải xếp hàng xin cấp lý lịch tư pháp?

Thứ Sáu, 12/05/2023, 07:35

Thời điểm này, mặc dù tình trạng “ùn tắc” xếp hàng để xin cấp lý lịch tư pháp tại Hà Nội đã được giải quyết song người dân vẫn đang phải chờ khoảng 2 giờ đồng hồ mới đến lượt. Dư luận đặt câu hỏi về việc hiện Hà Nội đã triển khai cấp lý lịch tư pháp thông qua dịch vụ công trực tuyến, vì sao người dân vẫn phải xếp hàng ngồi chờ lâu đến vậy?

Vẫn mệt mỏi chờ đợi

Có mặt tại Sở Tư pháp Hà Nội ngày 9/5, theo ghi nhận của chúng tôi không còn xảy ra tình trạng “ùn tắc”, quá tải ở bộ phận 1 cửa đề nghị cấp lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, số lượng người chờ đợi vẫn khá đông, không chỉ ở trong phòng, người dân còn ngồi ra dọc hành lang.

phap ly.jpg -0
Mặc dù tình trạng quá tải đã được khắc phục nhưng người dân phải chờ đợi khá lâu mới đến lượt giải quyết hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp.

Cầm trên tay tấm phiếu mang số 988, chị Nguyễn Thu Hằng, trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi đã từng làm thủ tục trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, có lần tôi làm thủ tục thì không thấy phần mềm gửi mã OTP về điện thoại, khi thì lại không thể tải ảnh lên được. Chính vì vậy, tôi đã quyết định đến bộ phận 1 cửa của Sở Tư pháp để nộp hồ sơ trực tiếp”, chị Hằng chia sẻ. Tuy nhiên, đến từ khoảng 14h chiều, chị Hằng vẫn phải ngồi chờ hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình.

Cùng phải chờ đợi như chị Nguyễn Thu Hằng, anh Lê Toàn Thắng, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, trong hồ sơ xin việc, công ty yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp nên anh đến bộ phận 1 cửa của Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị xin cấp.

“Tôi cũng đã chờ gần 2 tiếng đồng hồ nhưng chưa đến lượt được gọi vào. Tôi biết việc giải quyết thủ tục hành chính thường mất nhiều thời gian nên tôi đã dành cả buổi chỉ để giải quyết xong việc này”, anh Thắng cho biết và thông tin thêm, anh đã thử làm qua dịch vụ công trực tuyến nhưng hệ thống báo lỗi.

Hào hứng cầm tờ giấy hẹn ngày 23/5 đến nhận kết quả, anh Nguyễn Hoàng Minh, SN 1998, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã tìm hiểu và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khai thông tin đề nghị cấp lý lịch tư pháp qua mạng Internet. Chỉ cần khoảng 5 phút là tôi đã khai xong đầy đủ thông tin”.

Tuy nhiên, anh Minh cũng thắc mắc, khi đến Sở Tư pháp để lấy giấy hẹn, anh lại phải chờ rất lâu mới đến lượt mình, đồng thời phải mang theo cả bản phô tô của thẻ căn cước công dân. Anh Minh cho rằng, nếu công dân nào cũng làm thủ tục trực tuyến thì sẽ không phải chờ đợi lâu như thế này. Sở Tư pháp nên tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể từng bước và khuyến khích người dân thực hiện trên môi trường điện tử.

Phần mềm trực tuyến chưa ổn định

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, thời điểm này, trung bình mỗi ngày bộ phận 1 cửa Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận khoảng 500 hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp. Sở đang tiếp nhận hồ sơ cấp lý lịch tư pháp qua 3 phương thức: Trực tiếp, trực tuyến và qua bưu điện, trong đó số hồ sơ cấp trực tuyến chiếm số lượng ít nhất, chỉ vài chục trường hợp. Người dân vẫn chủ yếu đến trực tiếp tại bộ phận 1 cửa để nộp hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Nhắc lại tình trạng người dân phải “ùn tắc” xếp hàng xin cấp lý lịch tư pháp diễn ra cách đây khoảng 1 tháng, bà  Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhu cầu xin cấp lý lịch tư pháp của người dân thời điểm đó tăng đột biến do các công ty ồ ạt tuyển dụng lao động sau 1 thời gian khó khăn vì COVID-19. Thêm vào đó là số lượng lớn sinh viên ra trường đi làm hoặc đi du học. Thông thường, hàng năm, thời điểm cuối tháng 3, tháng 4, tháng 5 cũng là giai đoạn cao điểm trong xin cấp lý lịch tư pháp. Việc nhiều người dân đến xếp hàng để làm hồ sơ trực tiếp còn có thể do hệ thống làm hồ sơ trực tuyến chưa ổn định.

Quá trình tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp Hà Nội cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc họ đăng ký hồ sơ trực tuyến qua phần mềm chạy thử nghiệm do UBND TP Hà Nội cung cấp nhưng gặp khó khăn. Ngay cả các công chức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cũng vất vả vì tờ khai đề nghị cấp lý lịch tư pháp trực tuyến của công dân bị thiếu thông tin. “Do phần mềm chạy thử nghiệm còn chưa ổn định nên có thông tin người dân không thể nhập được thông số. Hay có những tờ khai chưa điền đầy đủ thông tin nhưng phần mềm vẫn cho người dân tích vào ô hoàn thành và gửi đi”, bà Hương cho biết.

Trước tình trạng đó, Sở Tư pháp Hà Nội đã nhanh chóng điều động thêm cán bộ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phiếu lý lịch tư pháp. Sở cũng tăng thời gian làm việc thêm 1 - 2 giờ mỗi ngày và làm việc cả ngày cuối tuần để giải quyết thủ tục. Sau khoảng 3 tuần, số hồ sơ tồn cũng như hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp đều được giải quyết hết trong ngày. Không người dân nào đến xin cấp lý lịch tư pháp phải chờ đợi đến ngày hôm sau.

Bà Phạm Thị Thanh Hương cũng chia sẻ thêm, phần mềm dịch vụ công của TP Hà Nội chạy thử nghiệm từ ngày 11/4 và chưa ổn định. Sở đã có báo cáo TP và các đơn vị liên quan về những khó khăn, vướng mắc của công dân, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Hiện, TP đang chỉ đạo đơn vị xây dựng phần mềm khắc phục lỗi để hỗ trợ công dân và tiến tới sử dụng ổn định dịch vụ công trực tuyến. 

Trong khoảng 1-2 tháng tới, khi phần mềm đã ổn định, đường truyền thông suốt, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua môi trường trực tuyến. Người dân chỉ cần ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu, sử dụng thiết bị điện thoại thông minh, máy tính thực hiện các thao tác trên tờ khai điện tử, nộp phí và đăng ký nhận kết quả tại nhà, hoặc trực tiếp đến cơ quan cấp để nhận.

Nguyễn Hương
.
.
.