Biết rõ xăng nhập lậu nhưng các chân rết vẫn giúp sức tích cực

Thứ Tư, 09/11/2022, 16:25

Ngày 9/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phiên tòa xét xử 74 bị cáo của “đại án” buôn lậu gần 200 triệu lít xăng; đưa và nhận hối lộ trong đường dây do Phan Thanh Hữu cầm đầu. Để làm rõ đường đi của hàng trăm triệu lít xăng lậu bán ra thị trường trong nước, HĐXX đã lần lượt xét hỏi lần lượt các bị cáo được gọi là “chân rết” trong đường dây buôn lậu này…

Trần Minh Giang, (SN 1985) ngụ tỉnh Long An được chủ kho Nam Phong là Lê Thanh Trung giao cho thủ kho quản lý kho với nhiệm vụ chính là theo dõi việc nhập và xuất xăng lậu tại kho Nam Phong.

Tại tòa, Giang khai nhận bị cáo là em họ của Trung nên việc giao, nhận hàng, quản lý kho Giang được Trung gần như giao toàn bộ. Trong đó có việc kiểm tra và chỉ đạo bơm xăng từ các tàu chở xăng lậu của Nguyễn Hữu Tứ vào kho Nam Phong mỗi khi tàu chở xăng lậu về, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo bơm xăng từ kho Nam Phong ra bán cho các khách hàng khi có đơn hàng từ giám đốc và kế toán Công ty Phúc Thịnh của Trung.

Cuối ngày Giang báo cáo số lượng cho giám đốc và kế toán Công ty Phúc Thịnh là Nguyễn Tiến Dũng và Trần Thị Cẩm Vân để tính toán số tiền khách hàng phải thanh toán. Ngoài lương hơn 12 triệu đồng do Trung trả, mỗi tháng Giang còn được Trung cho thêm 15 triệu đồng từ việc quản lý theo dõi và đảm nhận việc xuất nhập xăng lậu. Giang thừa nhận, hành vi của mình là vi phạm pháp luật và mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

Biết rõ xăng nhập lậu nhưng vẫn tham gia vào đường dây   -0
Trần Thị Cẩm Vân trả lời HĐXX.

Với vai trò là kế toán công ty Phúc Thịnh, Trần Thị Cẩm Vân có nhiệm vụ tính toán giá bán xăng hàng ngày, số tiền phải thu của khách hàng nhận xăng nhập lậu, số tiền được chiết khấu của khách hàng, công nợ phải thu… Ngoài ra Vân còn có nhiệm vụ liên lạc với Nguyễn Hữu Tứ để lập ra bộ hóa đơn chứng từ và hợp đồng khống của Công ty TNHH Phúc Thịnh thể hiện việc các tàu Huỳnh Ngân, Huỳnh Ngân 2, Sơn Tiền, Tây Nam của Tứ vận chuyển xăng cho Công ty TNHH Phúc Thịnh.

Hóa đơn được Vân sử dụng phần mềm xuất hóa đơn điện tử nhưng không xuất chữ ký số, không kê khai nộp thuế. Mục đích là để Tứ giao cho các thuyền trưởng sử dụng đối phó với các lực lượng chức năng kiểm tra trên đường vận chuyển xăng lậu. Sau khi tàu vận chuyển xăng nhập lậu về đến kho Nam Phong trót lọt, Vân thu hồi bộ chứng từ này và tiêu hủy. Tại phiên xét xử bị cáo Vân cũng đã thừa nhận hành vi gian dối của mình trong quá trình làm việc đã tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng của các “ông trùm”.

Tại phiên xét xử ngày 9/11, có 2 bị cáo là Lương Đình Tiến và Trần Huy Lập đã bình tĩnh nhận tội trước hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra trong quá trình tham gia vào đường dây buôn xăng lậu. Lương Đình Tiến cùng với Lê Thanh Trung góp vốn để thành lập các Công ty SFT, Công ty SWP, Công ty 3S, Công ty Sovigroup. Tiến giữ vai trò định hướng quan hệ với các cơ quan chức năng để doanh nghiệp được thuận tiện trong hoạt động và kinh doanh.

Tháng 9/2020, Tiến đã tham gia bán xăng nhập lậu tại kho Nam Phong với khách hàng là Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm do Trần Huy Lập làm giám đốc. Để cung cấp giá chiết khấu cho khách hàng này, Tiến đã liên lạc với Nguyễn Hữu Hiền là nhân viên của Lập đế nhận thông tin chiết khấu từng thời điểm. Sau khi thống nhất số lượng, giá chiết khấu thì  nhân viên của Lập thanh toán bằng cách chuyển tiền vào tài khoản Tiến. Tiến đã giúp Trung bán hơn 5 triệu lít xăng nhập lậu.

Tại tòa, Tiến đã thừa nhận hành vi giúp sức trong việc buôn lậu xăng nên Tiến xin khắc phục toàn bộ thiệt hại, toàn bộ thất thoát số tiền ngân sách Nhà nước do hành vi sai phạm của mình gây ra, tự nguyện sung công quỹ Nhà nước số tiền tịch thu của cá nhân trong quá trình điều tra vụ án. Khi được HĐXX hỏi tại sao hiểu rất về rõ về hành vi là phạm pháp luật mà vẫn thực hiện, Tiến cho rằng “Với bản thân bị cáo trong quan hệ “anh em” thì việc hỗ trợ giúp nhau là bình thường vì anh em là anh em, còn việc làm mình vi phạm pháp luật thì mình tự chịu thôi”.

Trần Huy Lập (SN 1960), nguyên giám đốc Công ty Phúc Lâm cũng đã bình thản nhận tội trước HĐXX do hành vi mình gây ra. Lập gửi lời xin lỗi đến tất cả các cổ đông của công ty vì hành vi của bị cáo đã đi ngược lại với phương châm của doanh nghiệp. Lập nhận tất cả trách nhiệm cá nhân mình vi phạm và xin được tự mình khắc phục hậu quả gây ra để không ảnh hưởng tới các cổ đông khác cũng như ảnh hưởng tới hoạt động của công ty. Bởi, việc kinh doanh xăng dầu của công ty bình thường nhập từ đầu mối Nhà Bè và nhiều khách hàng khác.

Tuy nhiên do đầu mối nhập Nhà Bè một số thời điểm khá đông khách hàng lại không nhập được hàng cuối tuần nên Lập đã chỉ đạo trưởng phòng kinh doanh nhập xăng lậu từ kho Nam Phong để phân phối đến các cửa hàng của Phúc Lâm và khách hàng bên ngoài. Việc nhập xăng lậu từ kho Nam Phong rẻ hơn giá xăng có hóa đơn chứng từ hợp pháp nên Lập đã chỉ đạo nhân viên tách riêng phần chênh lệch giá và trả riêng cho Lập nguồn thu lợi bất chính hơn 2,4 tỷ đồng.

Tại tòa Lập mong muốn HĐXX xem xét để Lập tự nhận tội về những sai phạm cá nhân mình gây ra và tự khắc phục hậu quả vì không muốn làm ảnh hưởng đến các cổ đông và hoạt động của công ty.

Ngọc Sơn
.
.
.