Gánh một đống nợ vì vay tiền qua mạng

Chủ Nhật, 11/12/2022, 08:56

Ngày 8/12, anh V.H (35 tuổi, ở quận 12, TP Hồ Chí Minh) bức xúc cho PV Báo CAND biết, anh mới bị lừa đảo, tiền không vay được, lại còn mang nợ một số tiền không nhỏ. Anh H. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là nhân viên công ty cho vay tài chính Jaccs hỏi anh có vay tiền không.

Đang lúc cần tiền, anh N. kết bạn qua Zalo với một số điện thoại của người khác. Người này lại cho anh H. kết bạn Zalo với một người khác, người kế tiếp này tư vấn và làm hồ sơ cho anh vay tiền rất nhanh chóng. Sau khi báo là công ty đã xác nhận hồ sơ cho anh vay và gửi cho anh một đường link: https://tinyurl.com/JACCS-FINTECC, anh H. nhấn vào thì trang web có logo của công ty Jaccs hiện ra.

no.jpg -0
Đối tượng tạt sơn vào cổng nhà người vay tiền ở quận Gò Vấp để “khủng bố” đòi nợ.

Đối tượng hỏi anh nhận tiền qua tài khoản hay tiền mặt, do bận làm việc nên anh H. nói nhận qua tài khoản cho nhanh, chỉ một lúc sau người này báo đã giải ngân 100 triệu đồng cho anh vay. Đợi mãi không thấy tiền vào tài khoản, gọi hỏi thì đối tượng nói anh ghi sai số tài khoản nên chuyển không được. Đối tượng nói anh phải đóng tiền để phá băng số tiền đó, không thì phải nợ công ty 100 triệu. Sợ quá nên anh H. vay tiền người quen được 18 triệu chuyển cho đối tượng, rồi tới chiều có người khác gọi điện yêu cầu anh đóng tiền bảo hiểm, lúc đó anh H. mới sực tỉnh biết bị lừa.

Sau khi bị lừa, anh H. mới biết đây là hồ sơ giả công ty Jaccs vì trước đây anh đã từng vay tiền mua xe trả góp của công ty này. Khi xem kỹ thì công ty Jaccs thật là ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, còn công ty mà đối tượng lừa anh để địa chỉ trong hợp đồng vay tiền là ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Anh N.V (30 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vay tiền qua app số tiền 4 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 2,8 triệu, số tiền 1,2 triệu là tiền gốc và lãi tháng đầu tiên bị đối tượng cho vay lấy trước. Đến nay anh V. nợ cả gốc và lãi 60 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu để trả. Trong khi anh tải app vay tiền về, đăng nhập là đối tượng nắm luôn danh bạ điện thoại của anh. Ngoài liên tục gọi cho anh đòi tiền, từ danh bạ này, đối tượng gọi điện khủng bố tinh thần những người quen yêu cầu kêu anh V. trả tiền cho chúng.

Chị T.H (43 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) trớ trêu hơn, từ vay 300 triệu đồng, sau 2 tuần, mắc nợ 3 tỷ đồng. Chị H. vay “nóng” 300 triệu, trả góp hàng ngày, tính cả gốc và lãi trong 15 ngày phải trả khoảng 450 triệu đồng. Số tiền chị phải trả gốc và lãi từ 30 – 40 triệu đồng/ngày, không có tiền trả thì đối tượng cho vay giới thiệu chị gặp một người khác để chị vay trả tiền.

Cứ người trước giới thiệu người sau cho chị vay để trả tiền cho chúng, đến nay chị vay của 13 người mà các đối tượng giới thiệu. Những người cho vay sau thường ép chỉ cho chị vay trong 7 ngày, hoặc 10 ngày, 14 ngày, 21 ngày… để chị lấy tiền trả góp ngày. Hiện mỗi ngày chị phải trả cả gốc và lãi là 300 trăm triệu đồng. Chị H. không còn khả năng trả, các đối tượng nhắn tin, gọi diện thoại, đến công ty, đến nhà “khủng bố” tinh thần gia đình chị.

“Ngày nào cũng hàng trăm cuộc gọi điện thoại, nhắn tin khủng bố và đến công ty tôi, nhà tôi để quậy phá, chửi bới, ảnh hưởng tinh thần con cái, bố mẹ tôi, nhân viên công ty… Họ cho người đến nhà tôi liên tục quấy rối làm gia đình tôi bất an, con tôi phải nghỉ học, tôi phải nghỉ làm”, chị T.H buồn bã cho hay.

Mới đây, đối tượng đã tạt sơn vào cổng nhà chị, hình ảnh camera đã ghi lại. Chị đã phải làm đơn gửi đến cơ quan Công an quận Gò Vấp mong cơ quan chức năng vào cuộc để phòng ngừa điều đáng tiếc xảy ra.

Để ngăn chặn tình trạng này, Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ cũng như Công an quận, huyện tập trung theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo. Trong trường hợp nếu bị “khủng bố”, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng hơn là tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Nguyễn Cảnh
.
.
.