Chính trường Hàn Quốc chưa hết chao đảo

Thứ Bảy, 05/11/2016, 08:40
Vì những bê bối tham nhũng liên quan tới người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có thể sẽ là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước này phải đối mặt với một cuộc điều tra và có thể bị truy tố khi đang tại vị. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất hôm 4-11, bà Park Geun-hye khẳng định, bà sẽ chấp nhận một cuộc điều tra liên quan tới việc này “nếu thấy cần thiết”.

Tuyên bố trên được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra trong bài phát biểu gửi tới toàn dân lần thứ hai sau khi bà xuất hiện trên truyền thông hồi tuần trước thừa nhận đã đưa cho người bạn thân một số dự thảo bài phát biểu khi mới nhậm chức, đồng thời xin lỗi vì khiến công chúng lo ngại.

Bà Park Geun-hye cũng một lần nữa gửi lời xin lỗi đến người dân nước này vì vụ bê bối trên – vụ việc khiến bộ máy lãnh đạo đất nước rơi vào hỗn loạn và cũng làm cho tỷ lệ ủng hộ bà sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục và làm dấy lên những lời kêu gọi bà từ chức trên khắp cả nước.

Bài phát biểu hôm 4-11 của Tổng thống Hàn Quốc được truyền trực tiếp trên truyền hình quốc gia. Ảnh: Reuters.

Theo kết quả khảo sát của Viện Gallup (Mỹ) được công bố cùng ngày, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Park đã giảm xuống còn 5%. Đây là mức thấp nhất đối với bất kỳ tổng thống Hàn Quốc và điều này phản ánh rõ tác động của vụ bê bối chính trị hiện nay.

Theo Viện Gallup, kết quả khảo sát đối với 1.005 người Hàn Quốc, trong khoảng thời gian từ ngày 1 – 3-11 cho thấy 89% số người được hỏi bày tỏ thất vọng về bà Park. Trong bài phát biểu, bà Park thừa nhận “đây hoàn toàn là lỗi của tôi, do tôi bất cẩn”. Bà cho biết “không thể tha thứ cho mình” về việc này.

Tuy nhiên, bà bác bỏ những tin đồn xung quanh vụ bê bối cho rằng bà đã bắt đầu sùng bái tôn giáo và tiến hành các nghi lễ pháp sư tại Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống). Tổng thống Hàn Quốc cũng kêu gọi sự ủng hộ của chính giới và người dân để tránh làm gián đoạn các công việc điều hành đất nước trong khi cơ quan công tố điều tra vụ việc. Bà cam kết sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu có và sau khi quá trình điều tra kết thúc sẽ giải thích một cách chi tiết với công chúng về toàn bộ vụ việc này.

Bên cạnh đó, bà Park cam kết sẽ tăng cường tham vấn các chính đảng trong vấn đề cải tổ nhân sự Văn phòng Tổng thống, bổ nhiệm các cố vấn cũng như các công việc nhà nước khác. Tuyên bố này được đưa ra sau khi bà bất ngờ tiến hành cải tổ nội các, thay Thủ tướng và Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và Bộ trưởng An toàn và an ninh công cộng mà không có sự tham vấn trước, khiến các đảng đối lập phản đối mạnh mẽ.

Cùng ngày, các đảng Hàn Quốc đã lên tiếng về phát biểu của Tổng thống nước này. Đảng Saenuri cầm quyền cho rằng, bài phát biểu cho thấy Tổng thống Park quyết tâm đi tới cùng trong vụ bê bối. Người phát ngôn Yeom Dong-yeol của đảng trên đã ra một tuyên bố, trong đó nhấn mạnh rằng, điều này cho thấy lòng chân thành và quyết tâm mạnh mẽ của bà trong việc tìm kiếm sự thật đằng sau vụ bê bối và ngăn ngừa sự việc tái diễn.

Trong khi đó, Người phát ngôn Youn Kwan-suk của Đảng Dân chủ đối lập chính miêu tả bài phát biểu này chỉ là một lá thư xin lỗi của cá nhân, nhấn mạnh rằng Tổng thống Park chưa đưa ra được những giải pháp thiết thực cho vụ bê bối này.

Ông Youn được dẫn lời tuyên bố với báo giới rằng, trong bài phát biểu trên, bà Park không hề nói gì cho thấy bà phải chịu trách nhiệm về vụ này cũng như về tình trạng hiện nay của các vấn đề của chính phủ.

Trong một diễn biến liên quan, các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu cố vấn của Tổng thống, Jeong Ho-seong, người được xem là nhân vật trung tâm của vụ bê bối can thiệp vào công việc nhà nước của bà Choi Soon-sil. Jeong Ho-seong đã bị bắt đêm 3-11 do tình nghi làm rò rỉ các tài liệu mật cho bà Choi. Bà Choi Soon-sil trước đó thừa nhận đã nhận các tài liệu của Tổng thống, song bác bỏ việc can thiệp vào các vấn đề quốc gia hoặc gây áp lực lên các công ty để ủng hộ quỹ phi lợi nhuận của mình.

Liên quan tới vụ bê bối chính trị chấn động đất nước Kim Chi này, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Park có vẻ như đang tự gây thêm rắc rối cho chính mình. Việc bà mạnh tay cải tổ nội các, được đánh giá là một nỗ lực của bà Park nhằm xoa dịu cơn bất bình của dư luận đối với vụ bê bối đang loang rộng khiến đảng cầm quyền chao đảo, lại được cho là hại hơn là lợi.

Nhà phân tích cấp cao về châu Á Scott Seaman thuộc Công ty nghiên cứu Eurasia nhận xét: “Trái với kỳ vọng của bà Park, việc bất ngờ thay đổi nhân sự này phản tác dụng. Những người phản đối bà ấy càng thêm giận dữ vì tin rằng cách làm như vậy là một chiến lược để duy trì kiểm soát và không phù hợp với những kế hoạch đang được tính đến về một nội các trung lập, trong đó Thủ tướng được trao quyền hoạch định chính sách và bà Park ngồi ghế sau”.

Ông Seaman cũng nói rằng, các đảng đối lập của Hàn Quốc giờ đây có thể sử dụng đa số gộp chung của họ tại Quốc hội để cản trở những nỗ lực của bà Park nhằm đưa ra các ứng cử viên của bà.

Ngoài ra, bà Park sẽ không thể phớt lờ những phản đối của họ, xét đến vị thế mong manh của bà hiện nay. Bên cạnh đó, với sự sụt giảm niềm tin của công chúng Hàn Quốc đối với năng lực lãnh đạo của Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về khả năng suy giảm tiêu dùng, đầu tư, và thậm chí cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc cũng đứng trước rủi ro.

Khổng Hà
.
.
.