Cuba thông qua Luật Bầu cử mới, khôi phục chức danh Thủ tướng

Thứ Hai, 15/07/2019, 08:16
Với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối, Quốc hội Cuba ngày 13-7 (giờ địa phương) đã thông qua Luật Bầu cử mới, trong đó khôi phục cơ chế chủ tịch nước - thủ tướng, vốn từng được thay đổi theo Hiến pháp năm 1976.


Với quy định mới này, Quốc hội sẽ vẫn là cơ quan bầu ra các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trong số các đại biểu của mình và theo sự đề cử của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản. Chức danh Chủ tịch nước - người đứng đầu bộ máy Nhà nước Cuba, và chức danh thủ tướng chính phủ cũng được khôi phục.

Theo Hiến pháp 1976 vừa hết hiệu lực ngày 10-4 của Cuba, người đứng đầu Nhà nước Cuba là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, còn theo Luật Bầu cử mới, soạn thảo theo Hiến pháp mới, chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sẽ do Chủ tịch Quốc hội kiêm giữ, trong khi Hội đồng Nhà nước - vốn là cơ quan thường trực của Quốc hội, từ nay sẽ trở lại với chức năng lập pháp thuần túy hơn. Còn chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sẽ được chuyển thành Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên cơ quan nội các này sẽ đảm nhiệm toàn bộ công việc hành pháp - vốn trước đây chia sẻ với Hội đồng Nhà nước.

Phiên họp ngày 13-7 của Quốc hội Cuba. Ảnh: Cubadebate

Lãnh tụ cách mạng Fidel Castro chính là người gần nhất giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, từ khi Cách mạng thành công năm 1959 tới năm 1976, sau đó chức vụ này đã được thay thế theo bản Hiến pháp đầu tiên theo đường lối xã hội chủ nghĩa, và kể từ đó nhà lãnh đạo lịch sử này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.

Theo Luật Bầu cử mới, nhiệm kỳ của các chức danh này là năm năm và mỗi cá nhân được đảm nhiệm một chức danh lãnh đạo tối đa hai nhiệm kỳ. Luật Bầu cử cũng cụ thể hóa những điểm mới của Hiến pháp 2019 về việc định ra các chức danh Thống đốc và Thủ hiến tỉnh, và các chức danh này đều được bầu ra theo phương thức gián tiếp, qua hội nghị đại biểu các Hội đồng nhân dân các huyện trong tỉnh.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo cũng từng công bố rằng, sau khi Luật Bầu cử mới có hiệu lực, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 tới - với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng đương nhiệm Miguel Díaz-Canel là ứng viên rõ ràng nhất - và bầu Thủ tướng vào trước cuối năm nay.

Cùng ngày, Cuba đã điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2018, theo đó tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,2%. Phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba Alejandro Gil cho biết mức điều chỉnh trên cao hơn mức dự đoán 1,2% hồi tháng 12-2018.

Ông cho biết thêm mức tăng trưởng kinh tế mới được điều chỉnh sau khi cân bằng thống kê kinh tế của năm tài chính vừa qua. Ông nêu rõ một số lĩnh vực ghi nhận sự tăng trưởng cao hơn dự đoán là yếu tố góp phần cho mức tăng trưởng kinh tế cả năm ngoái được cải thiện.

Trong đó, lĩnh vực xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 9,3%, so với mức giảm 2,2% được dự đoán trước đó.Ngành y tế cộng đồng tăng 3% so với mức dự đoán tăng 1,3%. Cùng với xu hướng này, lĩnh vực nông nghiệp tăng 2,6% thay vì ước tính sụt giảm 4,9%.

Trước đó, hồi tháng 6, Chính phủ Cuba đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có việc tăng lương trong các lĩnh vực được hưởng ngân sách nhà nước và lương hưu cho gần 2,8 triệu người.

Cụ thể, theo quy định mới, mức lương tối thiểu đối với khu vực được cấp ngân sách nhà nước sẽ tăng lên 400 peso (do hệ thống hối đoái đa tỷ giá nên không quy đổi chính xác được sang USD) và mức lương trung bình hàng tháng của công nhân lao động sẽ tăng lên 1.067 peso.

Theo truyền thông Cuba, quyết định đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế, dựa trên việc tận dụng tối đa nội lực và tiềm năng con người của đất nước, được đưa ra sau các chuyến thăm cấp nhà nước tới các tỉnh nhằm tham khảo ý kiến của nhân dân, các đề xuất tại các đại hội như Đại hội Trung ương Người Lao động Cuba; các đề xuất của các học giả và với mục tiêu tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế quốc gia vốn đang ngày càng trầm trọng do chính sách thù địch gia tăng từ Chính phủ Mỹ.

Gói các biện pháp kinh tế được đưa ra chủ yếu tập trung vào việc đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của người dân và nền kinh tế, khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi chủ thể trong việc tìm kiếm giải pháp và đối phó với lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính mà Washington áp đặt lên đảo quốc Caribe trong gần 60 năm qua.

Theo Bộ trưởng Alejandro Gil, ngoài việc khuyến khích tiết kiệm, mục đích của việc đưa ra nhóm các biện pháp thúc đẩy kinh tế còn nhằm thúc đẩy phát triển và cho phép nâng cao hơn nữa các vấn đề cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển nền kinh tế Cuba.

Ngoài ra, gói các biện pháp mới còn giúp tìm kiếm phương thức bảo vệ sản xuất quốc gia, đa dạng hóa và tăng xuất khẩu, thay thế nhập khẩu, củng cố doanh nghiệp nhà nước, nâng cao an toàn-an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển địa phương, tuân thủ chính sách nhà ở và sử dụng khoa học để giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng Alejandro Gil cho biết thêm rằng các biện pháp trên sẽ được đưa vào thực hiện từng bước và trên các lĩnh vực khác nhau như gia tăng sản xuất quốc gia, khả năng tự cung theo vùng, các dự án phát triển địa phương; các khoản đầu tư; lưu thông thị trường bán lẻ; và tăng cường sản xuất nông nghiệp.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.