EU trừng phạt London sẽ là “sai lầm đắt giá”?

Thứ Sáu, 31/03/2017, 09:32
“Hôm nay không phải một ngày vui” là những gì Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk thốt lên khi nhận lá thư kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon chính thức bắt đầu vụ “ly dị” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Trong bức thư, Thủ tướng Anh Theresa May cũng cảnh báo việc EU cố trừng phạt London trong các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là “sai lầm đắt giá”.


Về phía EU, ông Tusk tuyên bố tiến trình Brexit sẽ “kiểm soát thiệt hại” cho đôi bên, song cũng cảnh báo về những cuộc đàm phán khó khăn trong thời gian tới, đồng thời hứa sẽ bảo đảm lợi ích cho 27 thành viên còn lại của EU. Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani thì cho rằng, bất cứ sự đảo ngược nào của Brexit cũng sẽ cần phải có sự ủng hộ đầy đủ của các quốc gia EU.

Theo ông, nếu Anh quyết định thay đổi quan điểm, London không thể tiến hành điều này một mình, tất cả các nước thành viên cần phải quyết định về khả năng của điều này. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo Anh sẽ bị tổn thương vì Brexit. Bộ trưởng kinh tế Đức Brigitte Zypries cho rằng Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro nhiều hơn so với EU sau khi kích hoạt Brexit. 

Ngoại trưởng Slovenia Karl Eriavec chia sẻ quan điểm trên khi nhắc lại rằng, việc Anh rời khỏi EU là điều không tốt cho cả liên minh này lẫn nước Anh. Ông Eriavec cũng thông báo rằng ông sẽ gặp Đại sứ Anh Sophie Honey tại Bộ Ngoại giao Slovenia để trao đổi quan điểm liên quan đến việc London nhìn nhận tiến trình Brexit như thế nào, cũng như tương lai hợp tác của nước này với EU.

Đặc phái viên Anh tại EU trao tận tay Chủ tịch EC Donald Tusk lá thư kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, phát biểu tại Jakarta trong chuyến thăm Indonesia hôm 29-3, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh, Brexit sẽ gây tổn thương về mặt kinh tế cho nước Anh, nhưng động thái này sẽ đẩy châu Âu tiến lên phía trước, với nhiều tốc độ khác nhau. 

Còn Chính phủ Ireland thì cho biết các cuộc đàm phán Brexit sắp tới sẽ rất thách thức, tuy nhiên Ireland đã được chuẩn bị tốt cho những khó khăn phía trước. Còn tại nước Anh, đa số người dân nước này tin rằng, Brexit sẽ gia tăng khả năng tan rã của Vương quốc Anh sau khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt.

Bên cạnh những lo lắng về tương lai của EU và những hệ lụy kéo dài bởi Brexit, cũng có những quan điểm tích cực về vấn đề này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh quá trình đàm phán Brexit sẽ diễn ra “công bằng và xây dựng”, đồng thời mong muốn Anh vẫn sẽ là đối tác thân thiết của Đức và EU trong tương lai. 

Tuy nhiên, bà Merkel bác bỏ mong muốn của người đồng cấp Anh về việc Anh và EU vừa đàm phán Brexit, vừa bàn đến mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Bà Merkel có lập trường rất rõ ràng “chỉ khi nào chúng ta giải quyết xong việc Anh rời khỏi EU thì mới có thể bàn về tương lai của mối quan hệ giữa hai bên”. 

Bộ trưởng ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho rằng, Đức và EU nên làm mọi thứ có thể để duy trì mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện với London trong tương lai. Trong khi đó, bà Ulrike Demmer, phó phát ngôn viên Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Anh vẫn là một đồng minh chủ chốt của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Trong khi đó, Tây Ban Nha đã thiết lập khu vực trợ giúp tại Đại sứ quán nước này ở London để giải đáp những thắc mắc của những người Tây Ban Nha hiện đang sinh sống tại Anh xoay quanh các vấn đề như thay đổi về học phí, luật cho phép định cư, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các vấn đề thuế quan sau khi Anh rời EU. 

Chính phủ Tây Ban Nha cũng ưu tiên đàm phán nhằm đạt thỏa thuận bảo vệ quyền lợi của công dân nước này tại Anh. Mandrid cũng sẽ chủ trì hội nghị lãnh đạo các quốc gia EU ở phía Nam như Pháp, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha.... vào ngày 10-4 tới để thảo luận về các vòng đàm phán Brexit. 

Về phía Anh, để trấn an các nước EU sau khi Anh chính thức bắt đầu tiến trình “chia tay ngôi nhà chung”, Thủ tướng May ngày 30-3 tuyên bố: “Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng không rời khỏi châu Âu”. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc (LHQ) Matthew Rycroft thì khẳng định việc kích hoạt Brexit không gây ảnh hưởng gì tới vai trò của quốc gia này tại LHQ. Anh sẽ tiếp tục duy trì vị trí của mình cùng với các quốc gia EU khác trong các vấn đề tại Hội đồng Bảo an LHQ trong khi các cuộc đàm phán Brexit vẫn đang diễn ra.

Ngay sau khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, nhiều nhật báo uy tín hàng đầu châu Âu đã đồng loạt yêu cầu London và Brussels coi việc giải quyết số phận của hơn 4 triệu công dân này (lên đến 5 triệu nếu tính cả gia đình), là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đây là chủ đề gai góc mà các quan chức châu Âu và Anh tranh cãi công khai trong nhiều tháng qua sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh tháng 6 năm ngoái. Thủ tướng May hôm 29-3 cho biết chính phủ nước này sẽ thúc đẩy việc ban hành một bộ luật quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân châu Âu sinh sống tại Anh, với điều kiện phía Brussels làm điều tương tự.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.