Khẩu chiến Nga - Đức - Pháp về vấn đề Ukraine

Thứ Tư, 24/06/2015, 08:34
Ngày 23/6, hội nghị theo thể thức Normande về vấn đề Ukraine đã khai mạc tại thủ đô Paris của Pháp với sự tham gia của Ngoại trưởng 4 nước Pháp, Đức, Ukraine và Nga. Tuy nhiên, những cuộc đấu khẩu trước đó một ngày giữa giới chức các nước này đã báo hiệu nguy cơ thất bại, nhất là khi tình hình ở miền Đông Ukraine ngày càng phức tạp kèm theo những tranh chấp gay gắt giữa Moskva-EU và Moskva-NATO.

Theo tin từ hãng AP, trong cuộc điện thoại 3 bên kéo dài 45 phút tối 22/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nảy sinh nhiều bất đồng.

Ông Vladimir Putin không ngần ngại bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình rằng lực lượng quân đội Ukraine phải ngay lập tức dừng việc ném bom và tấn công và các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Đồng thời, người đứng đầu điện Kremlin đã bày tỏ thất vọng về việc Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh trừng phạt đối với nước này, coi đây là hình thức “vận động” chống Nga.

Đáp lại, ông Vladimir Putin cho biết, Nga có thể sẽ có các biện pháp hạn chế đối với phương Tây. Cuộc điện đàm càng trở nên căng thẳng khi hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức bác bỏ các thông tin mà phía Nga đưa ra xung quanh vấn đề miền Đông Ukraine. 

Nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Đức ở Berlin cho hay, bà Angela Merkel lại cho rằng, một loạt vi phạm thỏa thuận Minsk giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine đều bắt nguồn từ phía lực lượng đối lập bởi các báo cáo của tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho thấy, việc sử dụng vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạng nặng ở khu vực này vẫn diễn ra.

Người phát ngôn chính phủ Đức còn nhấn mạnh đến khuyến cáo của OSCE về khả năng bị rò rỉ chất phóng xạ ở khu vực này cũng như việc gia tăng số lượng dân thường bị thương hoặc thiệt mạng do lực lượng hai bên gây ra trong các cuộc đụng độ.
Cuộc gặp theo thể thức Normande lần này vẫn khó tìm được giải pháp khả thi cho vấn đề Ukraine. Ảnh: 1TV.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande thì nhấn mạnh việc có quá ít tiến bộ trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài 15 tháng qua tại Ukraine. Bằng chứng mà ông Francois Hollande đưa ra là có tới 6.500 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người mất nhà cửa. Vì thế, người đứng đầu Điện Elysee cho rằng, cần phải gây áp lực với các bên liên quan để thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao.

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh hiện nay, cuộc gặp theo thể thức Normande lần này khó có thể đưa ra được giải pháp nào khả thi cho vấn đề Ukraine. Nói thế là bởi lẽ, khi muốn đàm phán một vấn đề gì đó, các bên ngồi vào bàn đàm phán đều phải thể hiện thiện chí của mình bằng hành động chứ không phải là lời nói xã giao. Và trong khi căng thẳng đang bị “làm nóng” bằng một loạt quyết định “chưa ráo mực” thì khả năng đàm phán lại càng trở nên mong manh hơn. 

Cụ thể là vào ngày 22/6, đúng vào thời điểm lãnh đạo Nga - Pháp - Đức có cuộc điện đàm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, thông qua kế hoạch tăng gấp đôi quy mô của lực lượng phản ứng nhanh – đơn vị xung kích đặc nhiệm được thành lập từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm châu Âu từ hôm 22/6 cũng kêu gọi Mỹ và NATO cùng theo đuổi cách tiếp cận “hai gọng kìm, mạnh nhưng cân bằng” đối với Moskva. 

Còn EU thì cách đây 3 ngày cũng đã thông qua việc kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2016 và tiếp tục lên án việc Moskva sáp nhập Crimea và khu vực Sevastopol, cam kết duy trì thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận tính hợp pháp của sự kiện này…

Trong khi đó, một số tờ báo tại Ukraine lại đưa tin về sự kiện này ở một khía cạnh khác. Đó là quan điểm của người dân Ukraine – những người đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này. 

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Sofia hồi tuần trước, có gần 62% người dân Ukraine ủng hộ việc kết thúc chiến tranh, kể cả việc từ bỏ một phần lãnh thổ Donbass và 48,5% người dân được hỏi yêu cầu Tổng thống và chính phủ nên chú trọng vào việc cải thiện tình hình kinh tế đất nước hơn là chuyện phát động cuộc chiến ở miền Đông.

Phan Hiển
.
.
.