Liên minh chống IS chia rẽ vì sự hồi hương các tay súng khủng bố

Thứ Bảy, 16/11/2019, 00:24
Mỹ thúc ép các thành viên của Liên minh toàn cầu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho phép các tay súng nước ngoài được hồi hương bất chấp sự quan ngại của các nước khác về sự nghiêm trọng của vấn đề cũng như bất đồng về cách trao trả những tay súng này.

Trong bối cảnh IS đã mất gần như toàn bộ lãnh địa của mình tại Syria và các lực lượng của Mỹ đã tiêu diệt thành công thủ lĩnh của tổ chức này, các chuyên gia khẳng định IS vẫn là một mối đe dọa toàn cầu. Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc liên minh chống IS diễn ra hôm 14-11 tại thủ đô Washington, Mỹ, để bàn bạc các bước tiếp theo nhằm chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Mối quan tâm chủ đạo của các thành viên tham gia hội nghị là việc giải quyết khoảng 10.000 chiến binh IS bị giam giữ ở Đông Bắc Syria cũng như thân nhân của những người này. Hội nghị được tổ chức vào thời điểm khá nhạy cảm, sau quyết định rút quân khỏi khu vực đầy tranh cãi của Mỹ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria hôm 9-10. Hội nghị cũng chứng kiến sự khác biệt và chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu các nước đồng minh hồi hương ngay lập tức hàng nghìn tay súng khủng bố nước ngoài đang bị giam giữ tại các nhà tù của người Kurd ở Đông Bắc Syria và buộc chúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Các quốc gia thành viên cần phải hồi hương hàng nghìn tay súng khủng bố nước ngoài đang bị giam giữ tại Syria, cũng như Iraq và buộc chúng phải chịu trách nhiệm về những hành vi tội ác đã gây ra”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đưa ra lời kêu gọi. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã làm gia tăng lo ngại những tay súng này sẽ lợi dụng tình hình để trốn thoát. Ngoại trưởng Mỹ cũng yêu cầu các nước thành viên của liên minh tăng cường tài trợ nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng ở Iraq và Đông Bắc Syria, những khu vực bị tổn hại nghiêm trọng do xung đột.

Sự hồi hương của các chiến binh IS tạo nên mối bất hoà lớn giữa Mỹ và đồng minh. Ảnh minh họa: Getty Images.

Trong khi Washington nêu rõ quan điểm muốn trả những chiến binh về nước, bị truy tố hoặc cải tạo tại “quê nhà”, châu Âu không muốn những chiến binh IS đó trở về nước, nhấn mạnh đến khó khăn trong việc thu thập bằng chứng cũng như lo ngại về sự phản ứng của công chúng và nguy cơ các cuộc tấn công mới có thể tiếp tục xảy ra ngay trên đất châu Âu. Pháp cho rằng việc công nhận quốc tịch của những kẻ khủng bố là một sự xúc phạm đối với công luận, nhất là đối với một nước Pháp từng bị tổn thương bởi các vụ tấn công khủng bố trong những năm vừa qua.

Phát biểu ngay sau cuộc họp, Ngoại trưởng PhápJean Yves Le Drian một lần nữa nhắc lại lập trường của chính quyền Paris rằng những kẻ khủng bố nên bị xét xử tại nơi gần địa điểm chúng phạm tội ác nhất chứ không phải là tại “quê nhà”. Pháp đang đàm phán với Chính phủ Iraq để tòa án nước này thụ lý vụ việc.

Không đồng tình với quan điểm của Pháp, Điều phối viên hành động chống khủng bố của Mỹ Nathan Sales cho rằng sẽ là vô trách nhiệm và không khả thi nếu các nước tại khu vực phải tiếp nhận các tay súng nước ngoài, xét xử và giam giữ chúng trên đất nước của mình.

“Quan điểm của chúng tôi là nếu yêu cầu các nước khác trong khu vực tiếp nhận những chiến binh đến từ nước khác và yêu cầu các nước này truy tố và tống giam những chiến binh này ở đó sẽ là một lựa chọn không khả thi”. Ông này cũng cho biết them, việc giam giữ các chiến binh nước ngoài ở các nhà tù do lực lượng người Kurd quản lý ở Syria có vẻ như ổn định nhưng sẽ không duy trì mãi được. “Đó là Syria mà, chúng ta đều biết mọi việc có thể thay đổi chỉ trong chớp mắt”, ông Sales nói.

Ngoài ra, ông Sales cũng tái khẳng định chiến lược của Mỹ tại Syria vẫn không thay đổi, “đó là làm thất bại hoàn toàn IS, ngăn chặn các hành vi gây bất ổn tại khu vực và đưa ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Không chỉ tới cuộc họp NATO này, những ngày qua, các quan chức chính quyền Mỹ đã không ngừng đưa ra những phát biểu trấn an. Ngoại trưởng Mỹ trước đó đã tìm cách dung hòa hai sứ mệnh khi nhấn mạnh, Mỹ sẽ tái triển khai một phần lực lượng ở Đông Bắc Syria và rộng hơn là tại khu vực để ngăn không cho IS hồi sinh và chiếm các mỏ dầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 13-11 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh trong khu vực và duy trì khoảng 600 quân tại Syria, giảm so với con số 1.000 quân như tuyên bố trước đó. Ngoại trưởng Pháp cho biết đây là “một tin tốt lành”, và khẳng định Pháp sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria để tiếp tục chống lại IS cùng với các nước khác.

Một điều đáng chú ý là cuộc họp Ngoại trưởng diễn ra ngày 14-11 theo đề xuất của Pháp nhằm thảo luận về những hành động mà một số nước đồng minh cho là “lật mặt” của Mỹ thời gian qua. Dù với bất kỳ lý do gì, việc Mỹ rút quân khỏi Đông Bắc Syria đã dọn đường cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd, vốn là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Trước sự chỉ trích của các đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định duy trì một số lượng quân nhỏ tại Syria, tuy nhiên, là nhằm bảo vệ các mỏ dầu. Quyết định này không chỉ khiến các nước đồng minh lo ngại và đòi hỏi một sự rõ ràng trong chiến lược của Mỹ mà còn đặt liên minh đứng trước thử thách về sự đoàn kết và thống nhất.

Duy Tiến (tổng hợp)
.
.
.