“Lời qua, tiếng lại” đẩy Mỹ - Iran tới miệng hố chiến tranh

Chủ Nhật, 19/01/2020, 07:11
Những tuyên bố “cực đoan” về nhau của giới lãnh đạo Mỹ và Iran trong thời gian gần đây đã thể hiện được phần nào mối quan hệ đang rất căng thẳng giữa 2 nước. Chỉ vài năm trước đây, không ai có thể tưởng tượng rằng Washington và Tehran có thể sẽ rơi vào tình trạng bên miệng hố chiến tranh như hiện nay.

Căng như dây đàn

Hôm 17-1, lần đầu tiên sau gần 8 năm, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã trở lại chủ trì buổi lễ cầu nguyện Ngày thứ 6 “linh thiêng” của người Hồi giáo tại Thủ đô Tehran. Trong bài thuyết giảng của mình, ông đã tập trung vào những bất đồng đang “khắc sâu” giữa nước này và Mỹ.

Với những ngôn từ, luận điệu chỉ trích Mỹ, Đại giáo chủ coi những tuyên bố “sát cánh với người dân Iran” của Mỹ gần đây là “dối trá”. Đại giáo chủ Iran đã chỉ trích cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Iraq khiến chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qasem Soleimani thiệt mạng, coi đây là “hành động hèn nhát” và “lén lút” và đã bị đáp trả xứng đáng bằng loạt vụ tấn công tên lửa của Iran.

Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, hành động của Iran đã giáng một “cú tát” vào Mỹ. Nhắc tới vụ lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắn nhầm chiếc máy bay chở khách của Ukraine, Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh đây là thảm kịch “đau buồn”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã “lợi dụng thảm kịch này” để chỉ trích và kích động người dân Iran biểu tình chống đối.

Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, Đại giáo chủ Iran đã chỉ trích 3 quốc gia châu Âu, Anh, Pháp và Đức, là những quốc gia “chỉ nói suông, chứ không làm” và mọi hành động của 3 quốc gia này cũng chỉ nhằm phục vụ cho các lợi ích của Mỹ. Theo Đại giáo chủ Iran, nước này sẽ sớm có hành động “đáp trả xứng đáng” với 3 nước châu Âu khi những quốc gia này mới đây kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân, cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận này.

Ngay sau bài phát biểu của Đại giáo chủ Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức đăng dòng Tweet, cảnh báo ông Ali Khamenei cần cẩn trọng với lời nói của mình. Tổng thống Mỹ cho rằng, “Người được gọi là lãnh đạo tối cao của Iran, mà gần đây chẳng tối cao cho lắm, đã nói những thứ khá tệ về Mỹ và châu Âu. Kinh tế của họ thì đang rơi tự do, con người thì khổ cực. Ông ta nên cẩn thận trong ngôn từ của mình”.

Còn Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook cũng cảnh báo, Tehran sẽ càng bị cô lập với những quan điểm thù địch của mình: “Chúng tôi rất vui khi thấy Anh, Pháp và Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Thủ tướng Anh cũng đã kêu gọi thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận mới, mà chúng tôi rất ủng hộ. Những ngày qua, Tổng thống Iran và Đại giáo chủ nước này đã đưa ra những lời lẽ đe dọa châu Âu. Chừng nào chính quyền Iran còn đe dọa thế giới, họ càng bị cô lập”.

Những tuyên bố “cực đoan” về nhau của giới lãnh đạo Mỹ và Iran đã thể hiện được phần nào của mối quan hệ đang rất căng thẳng giữa 2 nước. Dù 2 bên đều khẳng định “không muốn chiến tranh”, “không muốn 1 cuộc đổ máu”, song căng thẳng giữa 2 bên vẫn đang là rất lớn, khó có thể giải quyết; đặc biệt là khi Đại giáo chủ Iran tuyên bố, nước này luôn sẵn sàng đàm phán, nhưng sẽ không phải là với Mỹ.

Tổng thống Donald Trump và Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ảnh: Getty Images.

Những nỗ lực nhằm “hạ nhiệt lò lửa”

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Pakistan Mehmood Qureshi, người đang thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi giữa Washington và Tehran trong suốt tuần qua, bày tỏ tin tưởng rằng Iran đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Phát biểu trước báo giới ở Washington ngày 17-1, sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mehmood Qureshi cho biết ông hiểu được Iran “không muốn leo thang mọi việc”, song không cho biết thêm thông tin chi tiết. Ông khẳng định: “Họ (Iran) không muốn chiến tranh, họ không muốn đổ máu hơn nữa”.

Cũng theo quan chức trên, giới lãnh đạo Iran đã phát tín hiệu về thiện chí giảm căng thẳng với các quốc gia Arab láng giềng. Ông cho biết Tehran “đã nhấn mạnh những vấn đề, những sự bất đồng mà họ đang vấp phải với các quốc gia quan trọng trong khu vực… Họ nói rằng sẵn sàng tham dự ở bất cứ cấp độ nào và theo bất cứ hình thức nào”.

Trong khi đó, trong nhiều tháng qua, Nhật Bản đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Iran. Điều này được thể hiện rõ qua chuyến công du 3 quốc gia Trung Đông vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các chuyến thăm của những quan chức cấp cao Tokyo đến Mỹ.

Trong chuyến công du, Thủ tướng Nhật Bản đã nhận được cam kết hợp tác để ổn định tình hình khu vực từ phía lãnh đạo của 3 nước cho dù 2 trong số 3 nước này (Saudi Arabia và UAE) đều có mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Iran. Đáng chú ý, trong chặng dừng chân đầu tiên ở Saudi Arabia – quốc gia đối đầu truyền thống với Iran và là một trong những nước tham gia liên minh quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ an ninh hàng hải ở gần eo biển Hormuz cùng với UAE, Thủ tướng Shinzo Abe đã đạt được sự đồng thuận với Thái tử Mohammed bin Salman về việc cần phải có các nỗ lực tập thể để làm dịu tình hình căng thẳng ở khu vực này.

Tại UAE, Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhận được sự đồng tình của lãnh đạo quốc gia này, với lời cam kết của Hoàng Thái tử Mohamed bin Zayed Al Nahyan hợp tác chặt chẽ để “hạ nhiệt” căng thẳng. Một lời cam kết quan trọng nữa mà UAE dành cho Nhật Bản là lời đảm bảo một nguồn cung dầu mỏ ổn định. Cùng với chuyến công du Trung Đông của Thủ tướng Abe, hai quan chức cấp cao khác của Nhật Bản là Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đã có chuyến thăm Mỹ.

Những chuyến thăm này đều gặt hái được cam kết của giới lãnh đạo Mỹ gồm tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm tránh leo thang tình trạng căng thẳng ở Trung Đông, thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Trung lập và cân bằng là chủ trương ngoại giao mà Tokyo vẫn duy trì từ lâu đối với khu vực Trung Đông. Nhật Bản đang nỗ lực phát huy hiệu quả vai trò của một quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp truyền thống với cả Mỹ và Iran.

Việc có một quốc gia thứ ba tích cực làm trung gian là biện pháp cần thiết để thúc đẩy các giải pháp ngoại giao giữa Tehran với Washington. Rõ ràng, các nỗ lực nhằm góp phần hạ nhiệt chảo lửa Trung Đông, không chỉ đem lại lợi ích cho Nhật Bản, mà chắc chắn là lợi ích cho cả khu vực Trung Đông và toàn thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.