Mỹ và Iran cần giữ “thần kinh thép”

Chủ Nhật, 23/06/2019, 00:18
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nói rằng: “Tôi chỉ có một khuyến cáo mạnh mẽ: Cần giữ thần kinh thép!”.

“Cần giữ thần kinh thép”

Phát biểu trước báo giới ngày 22-6, Người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric, cho biết thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gửi tới các bên liên quan là tránh làm bất kỳ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng. Tổng Thư ký LHQ cho rằng, đối thoại giữa các bên liên quan là cách tốt nhất để giảm căng thẳng và tránh bất kỳ sự leo thang nào. Hiện Tổng Thư ký Antonio Guterres đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đã liên lạc với các bên ở nhiều cấp độ.

Khi được hỏi về khả năng ông Antonio Guterres có gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) vào tuần tới, ông Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký LHQ sẽ tận dụng mọi cơ hội để gửi thông điệp tránh làm leo thang căng thẳng tới các bên. Tuy nhiên, người phát ngôn này không xác nhận liệu cuộc gặp trên có diễn ra hay không.

Trước đó, hôm 21-6, người phát ngôn LHQ Alessandra Vellucci cho biết khi bình luận về tình hình vùng Vịnh, Tổng Thư ký Antonio Guterres nói rằng: “Tôi chỉ có một khuyến cáo mạnh mẽ: Cần giữ thần kinh thép”. Hội đồng Bảo an LHQ cũng dự kiến họp kín vào đầu tuần tới để thảo luận về vấn đề.

Lãnh đạo các nước châu Âu cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh đối đầu. Phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các bên kiềm chế tránh đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nước châu Âu quan ngại về tình hình hiện nay tại Trung Đông và vẫn đang hy vọng các bên có thể tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình căng thẳng hiện nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Nguồn: azerbaycan24.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi các bên kiềm chế, duy trì đối thoại để tránh leo thang căng thẳng trong khu vực. Ông nói: “Tôi muốn tránh leo thang trong khu vực. Chúng ta cần có một chương trình nghị sự với Iran và các đối tác của chúng ta trong khu vực để tìm ra giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng này. Chúng ta cần tiếp tục giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran, nhưng cũng phải tránh làm căng thẳng leo thang. Vì vậy, tôi muốn tất cả các bên giảm căng thẳng và ngồi vào bàn đàm phán”.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi chính quyền Mỹ cân nhắc kỹ đến những hậu quả tiềm tàng trong một cuộc xung đột với Iran.

Lời qua tiếng lại

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-6 cho thấy quyết tâm duy trì “sức ép” tối đa với Iran. Trong một loạt tuyên bố trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, quyết định đáp trả quân sự chống Iran đã từng được đưa ra, song đã được rút lại chỉ 10 phút trước khi tiến hành. Giải thích cho việc rút lại quyết định, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đã đặt câu hỏi bao nhiêu người sẽ phải hi sinh nếu một cuộc tấn công như thế diễn ra.

Theo ông, điều này là không đáng để đáp trả vụ tấn công nhằm vào một máy bay không người lái. Ông không vội vàng, bởi quân đội Mỹ luôn sẵn sàng và cho đến nay vẫn là lực lượng tốt nhất thế giới.

“Quân đội Mỹ đã sẵn sàng để tấn công đáp trả và nếu điều này thực sự xảy ra thì chúng ta sẽ không thể quay đầu lại. Tôi muốn biết sẽ có bao nhiêu người chết nếu chiến dịch này xảy ra. Họ nói với tôi là 150 người và tôi quyết định dừng tấn công. Tôi không thích điều đó. Tôi nghĩ nó không đáng”, người đứng đầu Nhà Trắng nói.

Trước đó cùng ngày, New York Times, hãng truyền thông đầu tiên công bố thông tin về cuộc tấn công bị trì hoãn này cho biết, 10 phút trước khi hủy quyết định, tức là lúc 19h30 ngày 20-6 theo giờ Mỹ, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã cất cánh và các tàu chiến của Mỹ đã vào vị trí. 3 mục tiêu tấn công đã được xác định, có thể là các trạm radar hoặc bệ phóng tên lửa của Iran.

Trong khi đó, tại cuộc thảo luận với Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran, cơ quan đại diện cho các lợi ích của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết, nước này nắm trong tay những bằng chứng không thể chối cãi cho thấy, chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ của Mỹ đã bay vào không phận Iran. Những mảnh vỡ của chiếc máy bay đã được tìm thấy trên vùng biển của Iran.

Theo nhà ngoại giao Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo không tìm kiếm chiến tranh song sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình chống lại mọi cuộc tấn công. Chỉ huy đơn vị phòng không thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh cho biết, một máy bay do thám của Mỹ đã xuất hiện gần chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ. Tuy nhiên, phía Iran đã lựa chọn phương án không tấn công chiếc máy bay thứ 2 của Mỹ. Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh đồng thời khẳng định các loại tên lửa của Iran đủ tầm bắn tới các căn cứ của Mỹ trong khu vực và các tàu sân bay của nước này tại vùng Vịnh.

Các quan chức Iran cũng phủ nhận thông tin nói rằng Tổng thống Donald Trump nhờ Oman báo với Iran về khả năng Washington tấn công Tehran để đáp trả vụ máy bay bị bắn hạ. “Mỹ không hề gửi bất cứ tin nhắn nào. Thông tin này không chính xác”, ông Key Keyvan Khosravi, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Iran nhấn mạnh.

Bình luận này bác bỏ thông tin Reuters đăng tải hôm 21-6, trong đó dẫn lời một quan chức Iran giấu tên khẳng định quốc gia Hồi giáo nhận được một “tin nhắn” từ Tổng thống Mỹ về việc Washington có thể sắp triển khai một cuộc tấn công đáp trả vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái. Reuters nói Mỹ đã chuyển thông tin này cho Oman trước khi đồng minh của Mỹ chuyển lại nó cho Iran bởi Tehran trước đó liên tục bác bỏ bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào với Washington.

Trong thông tin mà quan chức Iran cung cấp, Tổng thống Donald Trump nhắn nhủ rằng “Mỹ không muốn chiến tranh mà chỉ muốn nói chuyện”. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra thời hạn để Tehran trả lời và ngồi vào bàn đàm phán. Iran được cho là đã chuyển lời qua Oman rằng, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei phản đối “bất kỳ cuộc đàm phán nào” với Mỹ và “bất cứ cuộc tấn công nào chống lại Iran sẽ gây ra hậu quả trong khu vực và quốc tế”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.