Nguy cơ đổ vỡ quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Năm, 23/03/2017, 08:11
Sau khi đình chỉ quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang muốn bổ sung Đức vào danh sách "các quốc gia có căng thẳng" bằng hành động triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Đại sứ quán Đức ở Ankara đến để phản đối phát ngôn của quan chức Berlin về cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.


Đây là lần thứ 3 trong vòng 20 ngày qua, Đại sứ Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền Ankara triệu tập đến để bày tỏ sự phẫn nộ hoặc phản đối về một vấn đề gì đó. Lần thứ 1 là vào ngày 3-3 với lý do là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phản đối quyết định hủy buổi mít tinh ủng hộ Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan diễn ra cùng ngày tại Đức nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tới Đức.

 Khi đó, giới chức thị trấn Gaggenau, phía Tây Nam nước Đức đã rút lại việc cấp phép tổ chức một sự kiện của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực này và Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag đã gọi đây là "hành động không thể chấp nhận được".

Các công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống tại thị trấn Gaggenau đã tìm một địa điểm khác thay thế nhưng vẫn bị cảnh sát địa phương cản trở. Lần tiếp theo triệu tập Đại sứ Đức đối với chính quyền Ankara là nhằm mục đích bày tỏ sự phẫn nộ về cuộc tuần hành ở Frankfurt, nơi những người biểu tình giương cao những biểu tượng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng nổi dậy chống Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 3 thập kỷ qua.

Hãng tin AP cho biết, vụ việc xảy ra hôm 19-3, tức một ngày sau khi 30.000 người biểu tình ủng hộ người Kurd đã tham gia tuần hành phản đối cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16-4 tới về việc trao thêm quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Còn trong lần thứ 3 này, lý do mà Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là vì trong cuộc phỏng vấn báo chí cuối tuần qua, người đứng đầu Cơ quan tình báo liên bang Đức (BND) Bruno Kahl cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thuyết phục được Đức rằng Giáo sĩ Fethullah Gulen (đang sống lưu vong tại Mỹ) đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm ngoái.
Người Đức biểu tình trước cửa Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ đòi trả tự do cho nhà báo Deniz Yucel. Ảnh: AP

Chính quyền Ankara lập luận rằng, bình luận của ông Bruno Kahl mang tính chất bảo vệ và khoan nhượng đối với người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là đứng đầu tổ chức khủng bố Gulen. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin còn nhấn mạnh, Đại sứ Đức khi được triệu đến Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chỉ trích "theo cách mạnh mẽ nhất".

Rõ ràng, với những tiến triển theo chiều hướng không được tích cực, quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thời kỳ "sóng to gió lớn". Tờ Independent của Anh cho biết, mọi bất đồng giữa hai nước xuất phát từ việc tòa án thành phố Istanbul của Thổ  Nhĩ Kỳ hồi giữa tháng 2 vừa qua ra lệnh tạm giam đối với nhà báo Deniz Yucel, phóng viên thường trú của tờ Die Welt của Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà báo 43 tuổi này mang 2 quốc tịch Đức- Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc đưa tin sai về một cuộc tấn công mạng nhằm vào email cá nhân của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Điều đáng nói là bài báo của nhà báo Deniz Yucel lại tiết lộ nội dung của một số email trong đó nêu rõ những kế hoạch nhằm kiểm soát các cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và thao túng dư luận thông qua các tài khoản giả trên mạng xã hội.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã khẳng định vụ bắt giữ là "một tình thế vô cùng khó khăn và Berlin đang tìm một biện pháp để thỏa hiệp nhằm "giảm nhiệt" căng thẳng quan hệ hai nước.

Song mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, một số chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ khi đến Đức vận động chính trị lại có những phát ngôn "gây sốc" như so sánh hành động của chính phủ Đức với cách hành xử thời phát xít.

Mâu thuẫn bùng phát mạnh hơn nữa khi Berlin tuyên bố sẽ đáp trả lại những hành động này bằng việc bảo lưu quyền áp dụng lệnh cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức vận động bỏ phiếu.

Giới quan sát ban đầu nhận định, đây chỉ là những "rung chuyển" nhẹ trong bối cảnh chính trị châu Âu đang có nhiều thay đổi và rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó mà làm căng hơn với Đức bởi Đức là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng hàng đầu của nước này và có vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa ước mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ankara.

Ngược lại, Berlin cũng rất cần Ankara trong cuộc chiến chống lại "khủng hoảng nhập cư" đang đe dọa an ninh của riêng Đức cũng như toàn châu Âu. Dẫu vậy, "già néo thì đứt dây" nên các nhà bình luận cũng cho rằng, sự tranh luận đang bị đẩy đi khá xa và đã đến lúc cả hai bên nên dừng lại để ngồi vào bàn thảo luận, đặt lợi ích chung lên hàng đầu trước khi bị sa đà vào một cuộc đấu khẩu mới.

Sông Thương
.
.
.