Tiếp tục những nỗ lực giải quyết xung đột ở Nagorny-Karabakh

Thứ Hai, 14/12/2020, 07:21
Hôm 12/12 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã có cuộc điện đàm thảo luận về tình hình thực thi tuyên bố 3 bên giữa Azerbaijan, Armenia và Nga về giải quyết cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh. Cuộc điện đàm diễn ra sau khi xảy ra trường hợp đầu tiên vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực trên.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, tại cuộc điện đàm, hai Ngoại trưởng thảo luận những vấn đề thiết yếu của chương trình nghị sự song phương và quốc tế, trong đó có các nhiệm vụ thực tế trong tiến trình thực thi tuyên bố 3 bên. 

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo Bộ trưởng Quốc phòng nước này Vagharshak Harutyunyan sẽ sang thăm và làm việc tại Nga, nơi ông dự kiến sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Sergei Shoigu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vagharshak Harutyunyan đến Nga trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Armenia. 

Cũng trong ngày 12/12, trong cuộc họp với đại diện của Pháp và Mỹ - 2 quốc gia đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về giải quyết xung đột Nagorny-Karabakh, Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev cho biết Trung tâm Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giám sát lệnh ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh sẽ được đặt tại huyện Agdam của Azerbaijan và hiện trung tâm đang trong giai đoạn thành lập. 

Nhà lãnh đạo Azerbaijan đánh giá đây là một dấu hiệu rất tích cực của hợp tác khu vực, đồng thời là dấu hiệu rõ nét về sự hợp tác giữa Moscow và Ankara. Tuy nhiên, ông Ilham Aliyev thẳng thắn rằng, nhóm Minsk không có bất kỳ đóng góp nào trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột Nagorny-Karabakh. 

Ông nhấn mạnh: “Đáng buồn là Nhóm Minsk không đóng góp bất cứ vai trò nào trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột mặc dù Nhóm Minsk đã có được sự ủy thác suốt 28 năm. Bản thân tôi đã tham gia vào tiến trình đàm phán trong vòng 17 năm. Mặc dù Nhóm Minsk đã đưa ra nhiều ý tưởng và nỗ lực hành động một cách sáng tạo, nhưng chẳng đạt được kết quả nào”. Cuộc họp trên cũng có sự tham dự của Đại sứ Nga tại Azerbaijan, ông Mikhail Bocharnikov và Đại sứ Andrzej Kasprzyk - đại diện cá nhân của Chủ tịch luân phiên OSCE.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Ảnh: Tass

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết, lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm lần đầu tiên ở Nagorno-Karabakh, kể từ khi kết thúc chiến sự và bắt đầu hoạt động gìn giữ hòa bình của Nga trong khu vực. 

Thông tin của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Tại 23 trạm quan sát, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang tiến hành giám sát tình hình và kiểm soát việc tuân thủ chế độ ngừng bắn. Vào ngày 11/12, một trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực Hadrut đã được ghi nhận”. 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Armenia đã thông báo bắt đầu các hoạt động tấn công của Azerbaijan ở phía Nam Karabakh vào ngày 12/12, theo hướng các làng Khin Taglar và Khtsaberd. Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nagorno-Karabakh không được công nhận báo cáo rằng, 3 quân nhân dự bị của Quân đội phòng thủ Karabakh đã bị thương trong vụ tấn công từ phía Azerbaijan. 

Đáp lại, Tổng thống Ilham Aliyev đã lên tiếng cho rằng Armenia đã vi phạm lệnh ngừng bắn: “Ngày hôm qua, tôi đã nhận được thông tin về một số hành động khủng bố do các lực lượng du kích Armenia hoặc các lực lượng còn lại của cái gọi là Quân đội Armenia thực hiện. Đương nhiên, tình hình này rất đáng quan ngại”. 

Bộ Quốc phòng Azerbaijan thì nêu rõ: “Phía Armenia đã thực hiện những hành động khiêu khích, cùng với một vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, tại các vùng lãnh thổ được giải phóng của Azerbaijan. Các lực lượng vũ trang Azerbaijan đã triển khai những biện pháp trả đũa tương xứng. Hiện nay, quy chế ngừng bắn đang được giám sát”.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh đã leo thang căng thẳng, dẫn đến thương vong cho dân thường. Các bên đã thực hiện nhiều nỗ lực để ký kết thỏa thuận ngừng bắn. Ngày 10/11, với sự trung gian của Nga, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn, bằng một Tuyên bố chung do Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ký. 

Thỏa thuận cũng bảo đảm việc thiết lập một hành lang trên bộ nối Nagorny-Karabakh với Armenia và do Nga kiểm soát (với khoảng 2.000 binh sỹ gìn giữ hòa bình và 100 xe vận tải bọc thép). Bên cạnh đó là các điều khoản về việc lực lượng Armenia từng bước rút khỏi các lãnh thổ của Azerbaijan quanh Nagorny-Karabakh trước ngày 1/12 vừa qua. 

Thỏa thuận ngừng bắn đã khép lại 6 tuần giao tranh ác liệt tại Nagorny-Karabakh, một khu vực thuộc lãnh thổ Azerbaijan có phần đông là cộng đồng người Armenia sinh sống, và là nơi Baku mất quyền kiểm soát trong cuộc chiến cay đắng hồi những năm 1990.

Không quá khi cho rằng cuộc xung đột Nagorny-Karabakh đã phơi bày những hạn chế của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giúp đỡ các đồng minh của họ khi khủng hoảng bùng phát. 

Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về mặt chiến lược chính là việc thực tế này đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho phong trào cực đoan hóa Hồi giáo, cũng như tham vọng quá mức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - trở thành một “Quốc vương Hồi giáo”, khôi phục Đế chế Ottoman và kiểm soát các đường ống dẫn dầu mỏ cũng như khí đốt trong khu vực. 

Tác động mà người ta có thể thấy ngay chính là thực tế xu hướng cấp tiến đang len lỏi trong lòng EU nhanh hơn những gì họ nghĩ, bởi liên minh này cho đến nay vẫn khoanh tay đứng nhìn cuộc thảm sát nhằm vào người Armenia theo Cơ Đốc giáo và chưa hề có bất cứ động thái nào nhằm trừng phạt Ankara. 

Xung đột Nagorny-Karabakh cũng cho thấy sự chia rẽ trong NATO bởi tổ chức này không thể có những hành động mang tính quyết định nhằm đương đầu với mối đe dọa mà đồng minh phải đối mặt.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.