8 bí ẩn "lỗ thủng" khổng lồ của trái đất

Thứ Bảy, 04/06/2011, 15:57
Hành tinh của chúng ta rất đẹp nhưng cũng rất đáng sợ bởi những nơi do tự nhiên và con người tạo nên khiến ai cũng phải sửng sốt trước vẻ đẹp cũng như sự kinh hoàng của nó. Một phần trong số này chính là các hố sâu trên bề mặt trái đất. Chúng đều có những điểm chung: tròn một cách hoàn hảo và vì thế cũng rất đẹp.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, những "lỗ thủng" này có nguy cơ phá hủy trái đất. Dưới đây là danh sách 8 hố sâu bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo.

Mỏ kim cương Mirny tại Yakutia, Siberia

Hố sâu nhân tạo này nằm ngay chính trung tâm thành phố với cái tên khiêm tốn "Mirny" (trong tiếng Nga có nghĩa "hòa bình"), sâu 525m và có đường kính 1.200m. Người ta thường gọi đây là "Cái rốn của trái đất" và có tin đồn rằng, các máy bay trực thăng không được phép đi qua miệng hố vì sẽ bị hút vào trong đó.

Trong suốt 45 năm qua, mỏ đã không ngừng cung cấp cho thế giới những viên kim cương được coi là chuẩn mực của cái đẹp và chất lượng. Văn phòng kiến trúc "AB Ellis" đã đưa ra dự thảo xây dựng một "thành phố sinh thái" ngay trong hố sâu này vào năm 2020, với quy mô khổng lồ có sức chứa trên 1.000 dân. Công trình được chia làm 3 phần chính: khu vực sinh sống, khu vực sinh hoạt văn hóa và khu vui chơi giải trí. Một trong những điểm nổi bật của công trình là được bảo vệ bởi 1 mái che bằng kính để tránh những tác động của mặt trời.

Mỏ Kimberley, đây cũng là mỏ kim cương do bàn tay con người tạo ra. Người ta đã đào gần 22 triệu tấn đất đá và chỉ thu được 3 triệu tấn đá quý. Đến năm 1914, mỏ đã ngừng hoạt động, và hiện nay nó có hình dạng như 1 miệng núi lửa với chu vi khoảng 1,8 km và độ sâu là 1.200m. Một nửa hố sâu này chứa nước ngầm. Hàng năm có rất nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng kì quan hùng vĩ này.

Đập Funnel Monticello ở Napa, California, Mỹ

Đây là hố sâu nhân tạo điển hình nhất thế giới, là hiện thân của lỗ đen vũ trụ. Sở dĩ người ta gọi như vậy vì trông nó như một đập tràn khổng lồ mà các phi công có thể nhìn thấy từ trên máy bay. Thực ra, đây là một đường ống khổng lồ có đường kính 22m dùng để điều phối lượng nước trong đập.

Vào mùa mưa, ống được mở nắp để làm giảm lượng nước ồ ạt chảy vào trong đập, chống vỡ đập. Tốc độ nước khoảng 1.370 mét khối/giây. Việc xây dựng đập hoàn thành vào năm 1957, với chiều cao 93m và chu vi 312m. Và chắc hẳn ai cũng đoán được, không ai được phép bơi trong bể chứa khi nắp mở vì nó có thể hút tất cả mọi thứ vào bên trong.

Bingham Canvon ở Utah, Mỹ

Đây là mỏ khai thác đồng, vàng bạc lớn nhất gần thành phố Salt Lake. Nó được mệnh danh là hố đào nhân tạo vĩ đại nhất. Mỏ hoạt động từ năm 1863 cho đến nay với tần suất cao. Hơn 17 triệu tấn đồng, 652 tấn vàng và 5386 tấn bạc đã được khai thác ở đây. Với độ sâu 1.200m và rộng khoảng  4.000m, năm 1996, hầm đã được công nhận là di sản lịch sử quốc gia của Mỹ và trở thành điểm đến của rất nhiều khách du lịch. Người ta đã thiết kế một chiếc bục quan sát để có thể giám sát công việc ở dưới đáy hầm.

Great Blue Hole đã được liệt kê vào danh sách nổi tiếng của Jacques Yves Cousteau, một nhà thám hiểm người Pháp, người đã tìm ra 10 nơi lý tưởng nhất dành cho môn lặn dưới nước. Đây là hố sâu dưới nước rộng hơn 300m và sâu 145m. Do vậy, nó được coi là hang động lớn nhất thế giới được biết đến. Great Blue Hole nằm trên biển Caribe, cách thành phố Belize 100km. Sự phong phú của các rải san hô bên làn nước trong cùng với hình dạng khác biệt đã biến Great Blue Hole thành địa điểm hấp dẫn cho các thợ lặn.

Abyss Sarisariama, Venezuela

Những lỗ tròn kỳ lạ này nằm trên một cao nguyên ở độ cao 2.300m so với mực nước biển ở miền Nam Venezuela ( bang Bolivar) và được gọi là những lỗ Sarisariama bí ẩn. Chúng có đường kính gần 350m và không biết nguồn gốc từ đâu. Một vài lỗ không hẳn là hình tròn, nhưng có điều kỳ lạ là chiều sâu của chúng bằng với đường kính.

Một trong những học thuyết giải thích rằng, các điểm trũng đó được hình thành do sự xói mòn của các dòng sông ngầm đã rửa trôi đá cát kết ở một số nơi nhất định. Khu vực này có một số loài động thực vật đặc hữu sinh sống, chứng tỏ sự biệt lập lâu dài của nó và nơi này không dành cho những khách du lịch bình thường.

Hố thiên thạch ở Barringer, Arizona, Mỹ

 

Khoảng 50 nghìn năm về trước, một thiên thạch rộng chừng 30m, nặng gần 100 tấn đã lao xuống trái đất. Nó không đủ mạnh để phá hủy một khu vực rộng lớn nhưng đã để lại một hố có chiều rộng 1.200m và sâu 200m. Hố sâu này có hình mặt trăng và được bảo tồn nguyên vẹn.

Guatemala, Sinkhole

Hố sâu này hình thành do đất lún với diện tích khoảng 12 tòa nhà ở thành phố Guatemala, Guatemala đã làm thiệt mạng 2 người. Thảm kịch xảy ra vào tháng 7/2010 sau cơn áp thấp nhiệt đới.

Các nhà địa chất giải thích rằng, hố có hình tròn khác thường, giống với các hang động đá vôi dưới lòng đất. Đất tại khu vực gần hố rất giàu đá vôi và muối, dễ bị rửa trôi trong nước. Những hố như thế này rất phổ biến tại khu vực Nam và Trung Mỹ, nhưng kích thước cũng như hình tròn của hố này là nổi bật hơn cả

Nguyễn Lai - Hoàng Cúc (theo Pradva) – CSTC tuần số 60
.
.
.