97 tỷ và hồ sơ của kẻ lừa đảo xuyên lục địa

Chủ Nhật, 12/07/2009, 16:26

Trong khi có biết bao người Việt Nam sống ở nước ngoài đang trở về góp sức xây dựng đất nước sau những năm tháng chiến tranh thì có những kẻ đội lốt "Việt kiều yêu nước" nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân trên mồ hôi nước mắt của đồng bào mình. Một trong những kẻ đó là "Doanh nhân rởm" Lý Hữu Hoàng.

Nếu vụ lừa đảo đó thành công, Lý Hữu Hoàng cùng đồng bọn sẽ bỏ túi một số tiền trị giá 97 tỷ đồng.

Vào khoảng giữa tháng 8/2006 người dân ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng thấy xuất hiện một người đàn ông ngoài 60 tuổi, có phong thái rất lịch lãm. Ông ta thuê một biệt thự sang trọng ngay tại Vạn Hoa, Đồ Sơn và tự xưng là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt, chuyên tổ chức sàn giao dịch chứng khoán. Lần này ông ta đến Đồ Sơn để mở một phiên chợ giới thiệu chứng khoán vốn V5G "khổng lồ" mục đích quảng bá và bán cổ phiếu phổ thông của Công ty Cổ phần Việt Toàn Cầu, Nam Định.

Và để thực hiện phiên chợ giới thiệu chứng khoán đó, người đàn ông này đã tổ chức những cuộc PR rất rầm rộ: in thiếp mời, tờ rơi, băng rôn, biển quảng cáo… Không những thế ông ta còn thuê một số phương tiện thông tin đại chúng quảng bá cho phiên chợ chứng khoán tại Đồ Sơn.

Hồi đó, các cụm từ "chứng khoán", "cổ phiếu"… còn khá lạ lẫm với nhiều người. Kiến thức của đại đa số dân chúng và ngay cả với các doanh nghiệp về vấn đề này còn non kém, thậm chí bằng không. Vì thế, rất nhiều doanh nghiệp, các nhà quản lý, và ngay cả những giáo sư, tiến sỹ về lĩnh vực kinh tế cũng rất tò mò và hào hứng tham gia phiên chợ chứng khoán hào nhoáng đó.

Trong khi không ít người đang "sốt" lên vì phiên chợ chứng khoán thì các chiến sỹ Công an Hải Phòng im lặng. Họ im lặng vì thấy một điều gì đó bất ổn từ phiên chợ đầy hào nhoáng này. Một cảnh sát điều tra kể lại, có lần thấy trên truyền hình giới thiệu về hội chợ chứng khoán và người đàn ông lịch lãm kia, bằng linh cảm nghề nghiệp anh thấy nhiều điều bất ổn. Ngay lập tức anh báo cáo ban giám đốc và được lệnh bí mật theo dõi.

Các trinh sát đã về Nam Định - nơi đặt trụ sở chính của Công ty Cổ phần Việt Toàn Cầu, để điều tra. Thật bất ngờ, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị của Công ty Cổ phần Việt Toàn Cầu là ông Trần Mạnh Lưu không hề biết sẽ có một hội chợ giới thiệu và bán cổ phiếu phổ thông tại Đồ Sơn.

Ông khẳng định, con dấu có trên những lá phiếu đang được rao bán ấy là giả. Ngay sau đó và ngày 26/8/2006, ông đã viết đơn tố cáo lên Công an Hải Phòng để kịp thời ngăn chặn.

Lý Hữu Hoàng và cổ phiếu giả.

Sự thực đã rõ, nhưng những ngày đó hội chợ vẫn chưa diễn ra (theo giấy mời, hội chợ sẽ diễn ra vào ngày 1/9/2006), nếu đánh động những kẻ lừa đảo này có thể tẩu thoát. Các chiến sỹ trinh sát vẫn được cử đi theo dõi, đồng thời một nhóm khác bắt đầu tìm hiểu lai lịch của vị doanh nhân Việt kiều bí ẩn nọ.

Qua các biện pháp nghiệp vụ, đội ngũ điều tra viên đã có khá đầy đủ sự thật về doanh nhân lịch lãm nọ: tên - Lý Hữu Hoàng, quốc tịch Mỹ, đã một lần lập dự án ma để lừa đảo đối tác là một công ty tại Mỹ, tổ chức một số hội chợ chứng khoán không minh bạch tại TPHCM và Huế v.v…

Bên cạnh đó các trinh sát viên bắt đầu tìm hiểu về hai "cộng sự" đắc lực của Lý Hữu Hoàng là Lâm Thu Hương và Trần Thị Sen. Hai người đàn bà này cũng đầy dấu hiệu khả nghi. Họ thường xuyên liên lạc với Lý Hữu Hoàng bằng thư điện tử có nội dung liên quan đến hội chợ sắp diễn ra.

Cũng bằng những biện pháp nghiệp vụ trên Internet các điều tra viên đã thu thập được nhiều bằng chứng có dấu hiệu lừa đảo. Ngay sau đó, Phòng Khoa học Hình sự của công an Hải Phòng có kết luận: những con dấu đóng trên lá phiếu là giả.

Gần đến ngày tổ chức hội chợ, qua những bức thư điện tử trao đổi với "cộng sự" của Lý Hữu Hoàng, các chiến sỹ biết rõ bọn chúng sẽ chuyển cổ phiếu qua đường hàng không tại sân bay Cát Bi. Một nhóm trinh sát đã mật phục sẵn, khi máy bay vừa đáp xuống, Trần Thị Sen cùng lô hàng vừa xuất hiện thì lập tức bị bắt giữ.

Qua kiểm tra, riêng trị giá số cổ phiếu mà Trần Thị Sen chuyển đến Hải Phòng cho hội chợ "lừa đảo" của chúng có mệnh giá lên tới 79 tỷ đồng.

Trong khi đó, Lý Hữu Hoàng vẫn hí hửng tổ chức hội chợ, vẫn đi lại trên thành phố cảng này như một doanh nhân Việt kiều uy tín và có một tài sản kếch sù. Rất đông các khách mời từ trung ương đến địa phương rầm rộ kéo đến. Để hâm nóng bầu không khí, Lý Hữu Hoàng còn thuê thêm một số "doanh nhân rởm" đóng vai như những người mua cổ phiếu rầm rộ giao dịch.

Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Công an Hải Phòng đã ra quyết định bắt giữ Lý Hữu Hoàng. Và để khỏi đánh động đến một số khách mời, Công an thị xã Đồ Sơn đã triệu tập Lý Hữu Hoàng đến trụ sở UBND thị xã với lý do: tổ chức hội chợ không báo cáo chính quyền địa phương.

Ban đầu Lý Hữu Hoàng tỏ ra ngoan cố, leo lẻo miệng lưỡi rằng hắn là doanh nhân, làm ăn đàng hoàng, có quan hệ mật thiết với những người uy tín. Hắn còn hăm dọa: "Các anh bắt tôi thì dễ, nhưng thả tôi thì sẽ rất khó!". Trước sự ngoan cố của đối tượng, các chiến sỹ cảnh sát trả lời dứt khoát: "Nếu thả ông khó quá thì chúng tôi sẽ không thả nữa…".

Biết không thể chống lệnh, kẻ lừa đảo này còn gân cổ "lý luận" một thôi, một hồi: nào là đầu tư, tổ chức hội chợ chứng khoán là một hình thức mở rộng và đa dạng hóa quan hệ kinh tế, phải coi nó như một trận chiến trên thương trường, chấp nhận cả thắng lẫn thua… Nhưng trước những chứng cứ rõ ràng, cùng đơn tố cáo của ông Trần Mạnh Lưu và sự thú nhận của hai "cộng sự" đắc lực, Lý Hữu Hoàng đã phải cúi đầu nhận tội.

Khi lật lại hồ sơ vụ án, các điều tra viên đã đưa cho chúng tôi xem những tài liệu bị thu giữ, trong đó phải kể đến những tờ cổ phiếu, chúng được in ấn rất công phu, đẹp mắt. Có những người mắc lừa phải thừa nhận vì trông những giấy tờ này rất đẹp, công phu nên tin tưởng. Trong vô số những tài liệu ấy, có rất nhiều bản kế hoạch được khởi thảo rất bài bản. Chúng được soạn thảo với những ngôn ngữ rất mùi mẫn đầy tính thuyết phục.

Một số nhân chứng kể lại rằng, mỗi lần gặp Lý Hữu Hoàng đều được nghe hắn diễn thuyết, hắn có một khả năng hùng biện rất bài bản, đầy sức lôi cuốn. Không những thế, hắn luôn đem những tấm ảnh chụp chung với một số người có uy tín trong nước để chứng tỏ mối quan hệ của mình. Khả năng lừa đảo của hắn giỏi đến mức một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước đã bị hắn lợi dụng, hoặc trở thành "cộng sự" của hắn. Điển hình là nhân vật Trần Thị Sen, hay còn gọi là Kim Sa. Ngay cả với những chiến sỹ công an khi tiến hành thẩm vấn cũng gặp không ít khó khăn với cái miệng leo lẻo của tên lừa đảo này.

Đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng - người trực tiếp chỉ đạo vụ này cho biết: Phá những vụ án liên quan đến kinh tế như vậy rất khó khăn với lực lượng cảnh sát. Đặc biệt nó liên quan đến người nước ngoài và một hình thức kinh tế rất mới mẻ vào thời điểm đó. Bọn chúng có trong tay những công nghệ làm giả rất tinh vi, thậm chí tài liệu giả trông còn đẹp hơn tài liệu thật, điển hình là con dấu chúng thiết kế rất tinh vi. Bên cạnh đó, chúng thiết lập, hoặc giả danh những mối quan hệ liên quan đến các cơ quan công quyền nên rất nhạy cảm.

Sau khi tên Lý Hữu Hoàng bị bắt, không ít những khách mời là giáo sư, tiến sỹ về kinh tế đã tìm đến tận nhà của Đại tá Đỗ Hữu Ca để hỏi hư thực thế nào. Họ còn ngần ngại và sợ công an bắt nhầm một Việt kiều yêu nước, có trình độ về kinh tế. Đứng trước những tội phạm đội lốt doanh nhân nước ngoài như vậy, đòi hỏi người cảnh sát phải có trình độ, lòng kiên trì và sự nhạy cảm nghề nghệp rất cao. Đây là bài học quan trọng cho lực lượng cảnh sát.

Sau một thời gian học tập cải tạo, giờ đây Lý Hữu Hoàng đã nhận rõ hơn tội lỗi của mình. Thời gian trong trại là thời gian để cho Hoàng suy ngẫm về cuộc sống với những điều đúng sai và tội lỗi. Trong những ngày đầu bị bắt giam, Hoàng luôn luôn "lớn" tiếng hòng che giấu tội lỗi. Nhưng giờ đây, Hoàng đã phải cúi đầu thú nhận: "Tôi nghĩ là đối  với những người như tôi thì môi trường ở đây thật tốt về sức khỏe cũng như tinh thần. Trong trại tôi cũng có nhiều suy nghĩ mới. Tôi nhận ra tội lỗi của mình và rất ân hận về điều đó. Trong trại cải tạo, tôi có điều kiện để hướng thiện. Tôi được đối xử tốt, được tĩnh tâm. Tôi mong sau khi được tha bổng, tôi sẽ cố gắng làm những điều tốt và lập một đền thờ".

Tôi mong những lời thú nhận đó là sự nhận thức lẽ phải. Bởi nếu không nhận ra điều đó thì cho dù không bị bắt giữ Hoàng cũng chỉ sống một cuộc sống trong bóng tối của lương tâm mà thôi

Trùng Khánh - CSTC Số 3
.
.
.