Al-Qaeda nhận hỗ trợ tài chính từ các tổ chức buôn lậu động vật quý hiếm

Thứ Sáu, 18/03/2011, 16:00
Mỗi năm, các tổ chức buôn lậu động vật quý hiếm trên thế giới thu lãi ít nhất là 10 tỷ USD. Số tiền này nếu đem so với lợi nhuận từ các băng nhóm buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí thì cũng không nhỏ. Cái đáng lo ngại nhất là theo kết quả điều tra của nhóm phóng viên tờ Independent, một phần số tiền nói trên đã được chuyển cho các tổ chức Hồi giáo vũ trang và khủng bố, trong đó có cả mạng lưới Al-Qaeda.

Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm, lực lượng cảnh sát và các tổ chức phi chính phủ, do mang lại lợi nhuận cao nên hoạt động buôn lậu động vật quý hiếm ngày càng gia tăng.

Nếu như hồi đầu thế kỷ XX, số lượng hổ trên thế giới là 100.000 con thì nay chỉ còn 4.000 con. 20.000 con voi bị sát hại mỗi năm chỉ để phục vụ cho mục đích lấy ngà voi. Tê giác, rùa biển và một số loài động vật khác cũng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu nạn săn bắn trái phép vẫn tiếp diễn.

Quỹ bảo vệ động vật quốc tế còn cho hay, nạn săn bắn động vật quý hiếm xảy ra nhiều nhất ở khu vực châu Phi. Đến cả lực lượng bảo vệ động vật cũng bị sát hại. Mỗi năm, ít nhất có 100 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng bị giết chết. Đó là chưa kể những người lấy danh nghĩa là tham gia các hoạt động bảo vệ động vật và môi trường nhưng thực chất là để dễ bề hoạt động trong lĩnh vực buôn bán động vật quý hiếm.

Sừng tê giác, ngà voi, mai rùa mà Anso Wong buôn lậu bị thu giữ.

Vì thế, không ít người thuộc những tổ chức này giấu ngà voi, sừng tê giác… trong hành lý mang về nước và bán ra thị trường đen. Bà Linda Arroyo, trưởng nhóm Cảnh sát quốc gia Thụy Điển chống tội phạm môi trường cho biết, mục đích buôn lậu động vật quý hiếm là để phục vụ những nhu cầu của con người như làm túi, áo, giầy dép từ da hổ, báo hoặc lấy sừng, ngà để làm thuốc chữa bệnh.

Sau châu Phi, châu Á là khu vực xảy ra tệ nạn buôn bán động vật quý hiếm nhiều thứ 2. Chẳng hạn như hổ thường bị giết để lấy xương nấu cao ở Mong La, phía Bắc Myanmar. Rượu ngâm cao hổ cốt được bán với giá từ 40 USD đến 100 USD/chai. Tại Brazil, những chú vẹt có bộ lông màu xanh nước biển được bán với giá 90.000 USD và hiện thế giới chỉ còn có 960 con; sừng tê giác cũng có giá khoảng 34.000 USD…

Trùm buôn lậu động vật  Jeffrey Lendrum bị bắt giữ hồi năm ngoái (ảnh trái). Anson Wong bị cảnh sát Malaysia bắt giữ năm 2010.

Như vậy, có thể thấy, lợi nhuận từ việc buôn bán động vật quý hiếm là rất lớn. Hồi tháng 8 năm ngoái, một trùm buôn bán động vật tên Jeffrey Lendrum bị bắt tại Birmingham (Anh) tiết lộ rằng,  trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều tổ chức khủng bố đã tham gia hoạt động này.

Riêng trong 3 tháng cuối năm 2010, tổ chức của Jeffrey Lendrum đã thu lợi được 35 triệu USD và 1/3 trong số này được chuyển tới một số tài khoản của các thành viên cấp cao trong Al-Qaeda.

Đích nhắm đến của các tổ chức khủng bố là mở rộng hoạt động buôn bán ở châu Phi, Chẳng thế mà chỉ từ năm 1989 đến 2009, giới chức CH Congo đã thu giữ được 15.562kg ngà voi, tức 50% số ngà voi bị buôn lậu. 50% còn lại đã bị bọn buôn lậu tuồn ra ngoài và 2/3 trong số đó lại được chuyển cho mạng lưới Al-Qaeda.

Tanzania cũng khẳng định đã tìm được bằng chứng cho thấy hoạt động buôn bán động vật quý hiếm ở nước này trải dài tới châu Âu và châu Á dưới sự bảo trợ của Al-Qaeda và một số chi nhánh của mạng lưới này.

Bà Elizabeth McLellan, chuyên gia thuộc tổ chức Quỹ động vật hoang dã quốc tế (WWF) cho hay, không chỉ Al-Qaeda quan tâm đến hoạt động buôn lậu này mà ngay cả nhiều tổ chức buôn lậu động vật quý hiếm cũng tìm tới sự giúp đỡ của các tổ chức có vũ trang và sẵn sàng cung cấp tiền của, giúp mua vũ khí phục vụ cho các nhóm này nếu xảy ra xung đột với chính phủ.

Năm 2008, Interpol đã phát hiện một số tổ chức buôn sừng tê giác chuyển tiền trực tiếp cho nhóm phiến quân ở CH Congo, đặc biệt là hỗ trợ phiến quân Hutu gây ra nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994.

Trong cuộc chiến thứ 2 ở Congo năm 1998-2003, vũ khí hiện đại của nhóm phiến quân cũng do các tổ chức buôn lậu động vật này cung cấp. Hay như ở Somalia và Sudan, các nhóm chống chính phủ cũng thường xuyên có quan hệ thân thiết với những nhóm tội phạm khác ở Congo và Chad.

Mới đây, tổ chức kiểm soát tài chính toàn cầu có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) cũng báo cáo rằng, ít nhất 2 nhóm Hồi giáo cực đoan là Harakat ul-Jihad-Islami-Bangladesh (HUJI-B) và Jamaat-ul Mujuhedin Bangladesh (JMB) đang chỉ huy các hoạt động buôn bán động vật quý hiếm ở châu Phi.

Còn nhóm vũ trang Janjaweed và các chiến binh Somalia ở Đông Phi thì ủng hộ Al-Qaeda thông qua lợi nhuận có được từ hai nhóm Hồi giáo cực đoan nói trên. Báo cáo mới nhất từ Interpol cho hay, so với các tội phạm buôn bán ma túy và buôn vũ khí, những ai bị kết tội buôn bán động vật trái phép thường được xử với bản án nhẹ.

Vì thế, các mạng lưới khủng bố mới gia tăng hoạt động ở lĩnh vực này. Ví dụ như trùm buôn bán động vật Anson Wong hồi năm ngoái chỉ bị phạt có 6 tháng tù giam và gần 70.000 tiền phạt cho tội buôn bán sừng tê giác và mai rùa vào Malaysia. Năm 2000, Anso Wong cũng từng bị bắt ở Mỹ với tội danh tương tự và chỉ phải ngồi tù có 71 tháng cùng khoản tiền phạt 60.000 USD…

Khánh Chi - CSTC tuần số 49
.
.
.