Ăn chơi thời bão giá

Thứ Hai, 25/04/2011, 15:59
Trong khi những người nghèo đang oằn mình trong cơn bão giá, thì giới ăn chơi Hà Thành vẫn không tiếc đổ tiền vào những chốn ăn chơi… Đó là những nhà hàng sang trọng, với những món sơn hào hải vị, những bữa ăn trị giá hàng… tấn gạo.

Trong vai hai nhân viên đi đặt thực đơn cho sếp, chúng tôi đã mục sở thị một số nhà hàng ở Hà Nội, và "choáng" và "sốc" trước cái thú ăn chơi của những kẻ lắm tiền trong thời bão giá…

Giật mình món khai vị hàng…  tạ gạo

"Nhà hàng chúng tôi có hơn 300 món, nhưng những món đặc biệt như bào ngư, súp vi cá thì anh chị nên đặt trước khoảng 3-4 ngày thì chúng tôi mới chuẩn bị chu đáo được. Khách đến nhà hàng hầu như là khách quen, và tối nào cũng đặt kín bàn, anh chị nên đặt chỗ trước một vài ngày". Lời mời chào nhẹ nhàng của cô nhân viên khi chúng tôi vừa bước chân vào nhà hàng Long Đình.

Liếc qua menu của nhà hàng, thì quả thực, những món đắt nhất là món khai vị, súp tổ yến gạch cua 48 USD, tổ yến tiềm hạnh nhân 33 USD, súp vây cá tổ yến thượng hạng hồng xíu 72 USD, súp bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 USD… Nhưng đó lại là những món ăn thường xuyên có trong các thực đơn của khách đến nhà hàng Long Đình. Ở đây, các món ăn đều được niêm yết theo giá USD. "Nhà hàng của người Trung Quốc, nhưng thực khách lại chủ yếu là người Việt, toàn người sang trọng chị ạ".

Súp tổ yến và vi cá mập.

Còn ở nhà hàng San Hô, một nhà hàng có lối kiến trúc thời Pháp, sang trọng và nhẹ nhàng, nằm trên con đường lý tưởng, Lý Thường Kiệt thì thực đơn cũng không kém phần "long trọng". Tuy nhiên, giá ở đây đều niêm yết bằng Việt Nam đồng, một bát súp vi cá hồng xíu cua gạch đặc biệt 1.500.000 đồng, súp yến vi cá 1.000.000 đồng, súp vi cá bào ngư Úc, 1.000.000 đồng. Ngoài ra nhà hàng này còn có những món hàng "độc" được nhập khẩu từ các nước, như ốc vòi voi nhập từ Canada 1.900.000 đồng một kg, bào ngư Mexico một hộp khoảng 8 lạng cho 4 người ăn, giá ngót nghét 5.000.000 đồng.

Không khó khăn gì khi chúng tôi có được những thực đơn đặc biệt của hai nhà hàng này, giá thường vào khoảng 88 USD một người, đó là theo suất ăn. Khi được nhờ tư vấn cho một menu 6 người ăn, chỉ sau 5 phút, tôi đã có ngay một thực đơn toàn những món hảo hạng,  súp vi cá hồng xíu, bào ngư Mexico tươi, tôm hùm, măng tây và cháo đầu tôm, với mức giá... 24 triệu đồng, chưa VAT và đồ uống.

Bởi, với những nhà hàng sang trọng này, thì đồ uống là một hạng mục khá nặng ký trong các thực đơn, giá của các loại rượu ở đây thường cao gấp 5 - 6 lần ở ngoài, rẻ nhất cũng phải 5 đến 7 triệu, còn loại đắt nhất là rượu Mỹ, thì giá cũng phải từ 21 triệu đến 24 triệu đồng. Vị chi, một bữa ăn tròm trèm cũng phải đến vài ngàn đô… Các nhà hàng này thì khách có thể mang rượu đến. Nhưng phí ở rượu cũng khá "chát": Một chai rượu nhẹ, thường là 15 USD, còn rượu nặng, thì phải 20 USD.

Chị nhân viên của nhà hàng San Hô bảo: "Mỗi tối, nhà hàng thường có khoảng 100 khách, chủ yếu tập trung vào các ngày làm việc, chứ thứ 7, chủ nhật thì vắng hơn. Và hầu hết những khách đến đây là vì công việc, việc công nhiều hơn việc tư. Tôi làm ở đây nhiều năm rồi, tôi biết, các sếp thường tiếp khách bằng tiền chùa, phải là tiền chùa thì người ta mới có thể vung vãi như thế, chứ ở đây làm gì có gia đình nào đến ăn đâu".

Món đặc sản bán chạy nhất của nhà hàng này là tôm hùm và bào ngư. Tôm hùm thì phải là thứ vớt lên từ biển Nha Trang, nặng hàng kg, giá 3.200.000đ/kg, cũng loại tôm này ở nhà hàng Long Đình giá 195 USD/kg. Trong khi đó giá tôm hùm tại các nhà hàng hải sản ở Hà Nội, như một nhà hàng ở 279 Trần Khát Chân, chỉ 1.800.000 đồng/kg.

Thế nhưng, hầu hết khách đã đặt chân vào những nhà hàng này, họ đều không bận tâm đến giá cả. Mỗi ngày nhà hàng San Hô tiêu thụ một lượng tôm hùm khủng, từ 45kg đến 50kg. Hầu như tôm hùm đều có tên trong thực đơn của khách đến đây. Ngoài ra, các món thuộc hàng "hảo hạng", năm châu bốn bể cũng được du nhập về các nhà hàng sang trọng này, để đáp ứng nhu cầu của những "thượng đế" đặc biệt. Bào ngư Mexico, ốc vòi voi nhập từ Canada, là những món bán chạy ở hầu hết các nhà hàng.

Trong khi cơn bão giá đang khoét thủng từng hầu bao của các gia đình, thì những nhà hàng này, vẫn đều đặn đón khách vào mỗi tối, mà nếu không đặt trước, còn không có chỗ. "Bão giá không có ảnh hưởng gì đâu chị ạ, khách chúng tôi toàn là khách Vip, bão ở đâu cứ bão, chứ ở đây, thấy chả sao. Có lẽ là tiền chùa nên chả mấy ai đắn đo". Ôi, xót xa thay tiền chùa.

Và những bữa tiệc vàng…

Lần đầu tiên trong vai nhân viên đi đặt đồ ăn cho sếp, tôi được bước chân vào "phòng vàng" của nhà hàng Long Đình. Vốn nức tiếng trong giới ăn chơi Hà Thành bởi sự sang trọng, huyền bí của nó, nhưng tôi vẫn không hết ngạc nhiên như tận mắt nhìn và sờ vào "hiện vật".

Gian phòng khoảng chừng 15m2, được phủ bằng một màu vàng, trang trí êm đềm trướng rủ màn che, như một cung điện thu nhỏ. Chính giữa phòng là một chiếc đèn chùm tỏa ánh sáng dìu dịu, đủ khiến cho những "thượng khách" khi bước vào gian phòng này, có cảm giác mình được "làm vua". Tôi giật mình khi chạm tay vào từng chiếc thìa và đĩa ở đây, tất cả đều được mạ vàng 24k. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể đặt chỗ trong gian "phòng vàng" này. Một bữa ăn trên 1.000 USD (chưa kể VAT), đó là điều kiện đầu tiên cho những vị khách muốn sở hữu gian phòng này và thưởng thức cảm giác được làm "vua" hay "hoàng hậu".

Tôi cũng không hiểu, trong không gian "đặc quánh vàng" đó, những thực khách của chúng ta sẽ được ân sủng bằng những cảm giác đặc biệt đến mức nào, khi phải chi cho mỗi bữa ăn vài… tấn gạo. “Phòng vàng” thường phải đặt trước. Ở đây có chỗ cho khoảng 10 người, tuy nhiên nhà hàng vẫn phục vụ theo yêu cầu của quý vị nếu lượng khách ít hơn, và tư vấn các món ăn cho hợp lý, tuy nhiên, hóa đơn thanh toán ở phòng vàng sẽ không dưới 1.000”.

Bão giá, chỉ kiệt quệ những người nghèo, chứ với những người thu nhập cao thì chả suy suyển gì. Nhà hàng chuyên phở bò Kobe (Nhật) ở khách sạn Vườn Thủ đô vẫn tấp nập khách vào ra, dù mỗi bát phở ở đây đều tăng giá thêm 100 ngàn, vị chi là 650 ngàn đến 850 ngàn một tô phở ăn sáng. Chưa thời nào mà các món ăn hảo hạng chỉ dành cho vua chúa thời xưa, giờ lại phổ biến đến như vậy.

Các nhà hàng ở Hà Nội trong cuộc chạy đua, dành món độc như là một chiêu để thu hút khách. Bởi có một bộ phận, họ chỉ ưa những món ăn độc, kẻ thì coi đó, như là cách để khẳng định "thương hiệu" của mình thuộc hàng Vip, đại gia; kẻ thì coi như một thú tiêu dao cho những đồng tiền kiếm quá dễ dàng mà không biết trút vào đâu. Còn kẻ thì xài tiền chùa cho những cuộc tiếp khách thả cửa...

Đôi giầy trị giá 21 triệu đồng.

Không chỉ vung tiền vào những bữa tiệc ngàn đô, dân lắm tiền Hà Thành còn không tiếc vung tiền vào đồ hiệu. Mấy salon sang trọng trên phố Lý Thái Tổ vẫn tấp nập kẻ vào người ra. Hầu hết đều là người trẻ và không ngại rút ví trả tiền cho một món hàng mà mình đã OK.

Trong các cửa hàng này, một đôi giầy rẻ nhất cũng có giá từ 21 triệu đến 34 triệu đồng. Lần đầu tiên tôi được chạm tay vào một chiếc túi bằng da cá sấu, hàng độc, giá 245 triệu đồng, mà vẫn không cảm nhận được sự khác biệt của nó với những món hàng bình thường khác, hay cả đôi giầy, lên tới 21 triệu đồng.

Anh bạn đi cùng tôi tếu táo: "Trông chả khác hàng Trung Quốc là mấy". Nhưng cô bán hàng thì đon đả: "Hàng của bọn em toàn hàng độc, chỉ có một đôi, hay một chiếc duy nhất, thế mới làm nên đẳng cấp chị a, dân chơi sành lắm, không chấp nhận đụng hàng đâu. Nếu anh chị đắn đo, ngày mai ngày kia là có món hàng mới thay thế liền à".

Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng sao tôi vẫn thấy xót xa, khi nghĩ đến những bữa ăn nghèo của sinh viên trong thời bão giá, đến những người nông dân lầm lũi quanh năm với đồng ruộng, cả đời không kịp ngẩng  đầu lên, đang liêu xiêu chống chọi với bão… và bữa ăn chỉ còn lại cơm, muối trắng và mấy cọng rau… 

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện Xã hội học

Tôi có đọc mấy bài báo về những hiện tượng này trong xã hội, xã hội càng ngày càng phát triển, sự đa dạng hóa của các lĩnh vực, các chuẩn mực xã hội ngày càng rõ ràng. Về tính pháp lý, không có sơ sở để lên án những hiện tượng đó, vì họ không vi phạm pháp luật. Về mặt kinh tế thị trường, với bối cảnh xã hội hiện nay, đó là hiện tượng bình thường, là quyền của cá nhân tiêu dùng, quyền được khẳng định cá tính bằng hành vi này của một số người. Đó là một nhóm nhỏ trong xã hội, xét về một mặt nào đó, nó cũng giúp khuyến khích tiêu dùng, nên không cần phải bận tâm, và tôi nghĩ không nên phán xét họ ở góc độ đạo đức. Còn truy xét các vấn đề của xã hội thì còn nhiều chuyện phải bàn lắm...

Nhà văn Thiên Sơn, Tạp chí Điện ảnh Việt Nam

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm ở Hà Nội cũng rộ lên phong trào cho con học trường Tây, 3000 USD một tháng, rồi câu chuyện người Việt có những ngôi nhà dát vàng… cho thấy người Việt của chúng ta đã giàu lên và đã biết hưởng thụ. Sự hưởng thụ là chính đáng nhưng cũng phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Người Việt còn rất nghèo, thậm chí thu nhập của nhiều người dưới 1USD một ngày. Cho nên, hiện tượng trên không chỉ là vấn đề của lối sống mà đó còn là vấn đề của tư duy, không chỉ là sự lãng phí vật chất mà còn là sự lãng phí, suy đồi của đạo đức xã hội. Trong khi cả thế giới đang thắt lưng buộc bụng, thì dường như ở Việt Nam, chỉ người nghèo mới phải thắt lưng buộc bụng.

Chị Hiền, 53 tuổi, cán bộ về hưu, khu tập thể Thành Công, Hà Nội

Tôi có nằm mơ cũng không bao giờ dám  đặt chân đến những nơi như vậy. Lương hưu của tôi tháng có 2 triệu đồng, còn những người lao động, như xe ôm, bán rau, mỗi ngày thu nhập có 50- 60 ngàn, ăn một bát phở 30 ngàn còn khó chứ nói gì đến những món sơn hào hải vị đó. Tôi cho rằng đó là một lối sống xa hoa, lãng phí, thử hỏi có phải là tiền túi của họ hay không?

Thiện Thanh – CSTC tuần số 53
.
.
.