Anh: Hé lộ cuộc sống của những cảnh sát chìm

Thứ Hai, 24/01/2011, 19:42
Những ngày gần đây, cái tên Mark Kennedy - một nhân viên cảnh sát chìm của Anh tràn ngập trên báo chí của nhiều nước. Xâm nhập phong trào Xanh với biệt danh Mark "Flash" Stone kể từ năm 2000, bị phát hiện vào tháng 10/2010, Mark Kennedy đang gây tranh cãi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nước này khi đề nghị thay mặt sáu người bị cáo buộc âm mưu đóng cửa Nhà máy Điện Ratcliffe-on-Soar tại Nottingham hồi năm 2009 đưa ra những chứng cứ trước tòa.

Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra bàn luận, trong đó, không ít những nhân viên cảnh sát chìm giấu tên đã tiết lộ với báo giới những chi tiết rất đáng chú ý về cuộc sống của những cảnh sát chìm…

Cuộc sống hai mặt

Mark Kennedy đã sống một cuộc sống hai mặt: vừa là Mark Kennedy - nhân viên của lực lượng Metropolitan Police vừa là Mark Stone, nhà hoạt động Xanh ở Nottingham. Một cuộc sống hai mặt và thường xuyên phải vượt qua rất nhiều những thách thức, thậm chí cám dỗ là công việc thường xuyên của những cảnh sát chìm. Với mỗi "vai diễn", cảnh sát chìm phải diễn sao cho thật đạt mới mong thu thập được những thông tin cần thiết phục vụ hoạt động của lực lượng cảnh sát, có thể đó là một doanh nhân với sở thích đua ngựa, một người hoạt động vì môi trường hay bất cứ nhân vật nào khác.

"Bạn đang ở trên con đường của riêng mình với cuộc sống hai mặt. Bất chợt, các tay xã hội đen chặn chiếc xe của bạn, gí nòng súng vào miệng và quát: mày là cảnh sát phải không? Bất kỳ sự run sợ hay biểu hiện đáng ngờ nào đều có thể khiến tay xã hội đen nổ súng. Tôi đã từng không ít lần gặp phải tình huống như vậy nhưng quá trình đào tạo đã giúp tôi chuẩn bị tinh thần cho thời điểm như thế này, tôi đã bình tĩnh, không rùng mình: không, tôi đáp và chúng tôi đã đi uống rượu…", Liam Thomas - một người từng làm cảnh sát chìm nói với tờ Independent.

Một nhân viên cảnh sát chìm tốt cần có sự dũng cảm, một bản lĩnh thực sự vững vàng được ví như "đi vào địa ngục với sự tự tin" và biết cách giữ bí mật tuyệt đối ngay cả với gia đình và những người thân nhất của mình. "Một lần, tôi được giao nhiệm vụ phải đặt máy nghe trộm trong căn hộ của một tên tội phạm chuyên phạm tội hiếp dâm để thu thập bằng chứng và tôi đã phải tìm mọi cách để làm quen, kết bạn với anh ta. Tôi cũng đã phải dành 18 tháng để nghiên cứu địa điểm, dân cư khi dự định mở một hiệu cầm đồ ở Bermondsey, phía Đông Nam London để thu thập thông tin tình báo về một nhóm tội phạm. Một trong những người sau đó bị kết án đã gửi một tin nhắn lại cho tôi với những lời lẽ đe dọa", một nhân viên cảnh sát chìm giấu tên nói.

Hoạt động của cảnh sát chìm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hoạt động chung của lực lượng cảnh sát, những thông tin mà cảnh sát chìm thu thập được giúp cảnh sát nhanh chóng phá được những vụ án lớn, còn tại tòa án, những bằng chứng bí mật nhiều khi có ý nghĩa quyết định giúp tòa tuyên án. Trong hoạt động, những nhân viên cảnh sát chìm phải thường xuyên giữ mối liên lạc với người quản lý của mình.

"Chú" - cách gọi thân mật của nhân viên cảnh sát chìm về người quản lý của mình là những người thông minh, có trình độ, kỹ năng để định hướng hoạt động và kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trong quá trình đóng vai của nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên, người quản lý cấp cao không phải lúc nào cũng hiểu được thấu đáo những gánh nặng từ cuộc sống hai mặt mà người cảnh sát đang phải hóa thân. Với những vai diễn của mình, nhiều khi cảnh sát chìm cũng rơi vào những cám dỗ như rượu, thuốc phiện, tình dục, bị đối tượng mua chuộc… nhưng có lẽ bị phát hiện là rắc rối lớn nhất của những cảnh sát chìm.

Trở lại trường hợp của Mark Kennedy kể trên, sau gần 10 năm hoạt động, tháng 10/2010, Kennedy bị một số nhà hoạt động tìm thấy các tài liệu tiết lộ danh tính thật của ông. Danny Chivers, một trong số sáu người bị cáo buộc âm mưu đóng cửa Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar tại Nottingham hồi năm 2009 nói rằng ông Kennedy không chỉ là một nhà quan sát, mà còn là một đối tượng kích động. "Ông ta không chỉ ngồi trong phòng họp và ghi chép mà ông ta đã rất năng nổ". Ngay sau đó, các trang mạng của các nhà hoạt động đăng tràn những lời lẽ lên án ông Kennedy, thậm chí một số người cho rằng họ cảm thấy "bị vi phạm", "bị phản bội" và "ghê tởm".

"Sau 12 năm làm cảnh sát chìm, tôi là một chiếc bánh quy bị cắn dở"

Đó là lời tâm sự của Liam Thomas với Michael Gillard, phóng viên tờ Independent về cuộc sống của chính mình sau 12 năm làm cảnh sát chìm. "Cuối cùng, tôi đã rời lực lượng cảnh sát vào năm 2004. Áp lực của cuộc sống với những vai diễn nhiều khi khiến tôi muốn tự tử. Giờ đây, cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường, tôi đang hợp tác viết một kịch bản về những tình huống khó xử trong công việc của những cảnh sát chìm", Liam Thomas nói. Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cảnh sát chìm là những người thường xuyên phải đối mặt với tình huống nguy hiểm, khó khăn nhưng chưa thực sự được quan tâm và đãi ngộ xứng đáng.

Nói về vụ việc của Mark Kennedy, Peter Bleksley, một thành viên của lực lượng bí mật Scotland Yard trong giữa thập kỷ 80 nhận định: "Tại sao lực lượng cảnh sát lại để Kennedy ở lại quá lâu trong một tổ chức như vậy? Tại sao những nhà quản lý không kéo Kennedy ra và thay thế bằng một nhân viên khác để tránh bị phát hiện, để bảo tồn tính toàn vẹn của thông tin tình báo đã thu thập được và bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho những nhân viên của mình?". Trong khi đó, nhiều nhân viên cảnh sát cho rằng, sự việc trên giống như một cuộc khủng hoảng tinh thần sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến họ
Phạm Mạnh Tường - CSTC tuần số 43
.
.
.