Anh: Nhiều cựu bộ trưởng và nghị sỹ dắt nhau vào tù

Thứ Sáu, 03/06/2011, 15:15
16 tháng tù giam là bản án mà cựu Bộ trưởng Môi trường Anh Elliot Morley (làm việc dưới thời Thủ tướng Tony Blair từ 2003 đến 2006) phải chấp hành vì bị toà buộc tội gian dối trong các khoản chi tiêu công quỹ. Bản án kể trên được toà tuyên hôm 20/5 và ông Elliot Morley trở thành cựu Bộ trưởng đầu tiên của xứ sở sương mù phải bóc lịch với tội danh này.

Theo cáo trạng tại toà, ông Elliot Morley đã ký nhiều đề xuất chi sai mục đích để lấy tiền thế chấp mua ngôi nhà thứ hai của mình tại thị trấn Winterton, North Lincolnshire trong khoảng thời gian từ tháng 5/2004 đến tháng 11/2007. Cựu Bộ trưởng Môi trường đã tư túi hơn 30.000 bảng Anh (gần 49.000 USD) sau khi ký khống 40 đề xuất chi tiêu.

Trước đó (31/3), nghị sỹ Jim Devine đã bị toà tuyên phạt 16 tháng tù cũng với tội danh tương tự. Hơn 1 tháng trước (10/2), Hạ nghị sĩ Eric Illsley bị toà tuyên phạt 12 tháng tù vì bị cáo buộc có tội trong vụ bê bối lạm dụng quỹ công. Ngày 12/1, tại Hạ viện, ông Eric Illsley bị cáo buộc 3 tội danh trong đó có tội khai man tài chính và không trung thực đối với khoản tiền trị giá 22.000 USD.

Thủ tướng David Cameron, Chủ tịch Công đảng Ed Miliband và hơn 2.000 người khác đã kêu gọi ông Eric Illsley sớm từ chức để khỏi bị phạt tù nặng hơn. Ông Eric Illsley bị coi là người lập kỷ lục khi tư túi gần 10.000 USD tiền chênh lệch kể từ năm 2004 đến năm 2008.

Ông Elliot Morley, ông David Chaytor, ông Eric Illsley, nghị sỹ Jim Devine.

Nhưng ông David Chaytor mới là chính khách Anh đầu tiên phải ngồi tù vì tội gian lận công quỹ. Ngày 7/1, cựu nghị sỹ David Chaytor đã bị toà án Southwark Crown ở London tuyên phạt 18 tháng tù và ông là chính khách đầu tiên bị kết tội vì có liên quan tới vụ bê bối chi tiêu công quỹ từng gây chấn động chính trường nước Anh từ năm 2009.

Ông David Chaytor bị cáo buộc tư túi 22.650 bảng Anh (khoảng 35.100 USD) và luật sư của cựu nghị sỹ cũng thừa nhận, thân chủ phải trả giá đắt cho những hành vi sai trái của mình. Thẩm phán John Saunders tuyên bố, việc bỏ tù ông David Chaytor là biện pháp cần thiết để khôi phục lòng tin của người dân đối với hệ thống nghị viện ở Anh.

Theo kết quả điều tra cho thấy, có tới 392 nghị sỹ và cựu nghị sỹ bị yêu cầu phải hoàn trả tổng số tiền trị giá 1,8 triệu USD vì chi sai nguyên tắc tài chính. Mặc dù có 26 người minh oan và 18 người được giảm số tiền bồi hoàn, nhưng đa số họ đều chấp nhận trả lại số tiền đã tư túi bất hợp pháp. Những người kể trên đã "bắt" chính phủ phải chi cho họ khoản kinh phí sửa nhà, mua sắm bàn ghế, làm vườn, kể cả thức ăn cho chó.

Bộ trưởng Nội vụ Jacqui Smith buộc phải từ chức với nguyên nhân tương tự. Bộ trưởng Tài chính Alistair Darling cũng phải ra đi vì bị tố cáo cố tình tìm cách đòi thanh toán càng nhiều khoản càng tốt. Nguyên Bộ trưởng Phát triển quốc tế Clara Short bị yêu cầu phải trả lại hơn 8.000 bảng Anh sau khi kê khai toàn bộ số tiền trả góp cho căn hộ thứ hai, thay vì chỉ khai số tiền lãi.

Còn Thứ trưởng Tư pháp Shahid Malik, người kê khai nhiều nhất trong tổng số 646 nghị sĩ vào năm 2007 với số tiền lên tới 66.827 bảng Anh trong 3 năm đối với căn hộ thứ hai của ông ở London cũng phải hoàn trả số tiền bất hợp pháp. Bộ trưởng phụ trách công tác nhà cửa Margaret Backett, cựu lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Menzies Campbell và Chủ tịch đảng Bảo thủ Theresa May từng bị khán giả vây hãm với các câu hỏi về chuyện kê khai.

Nhiều người nói rằng, sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Gordon Brown phải kết thúc bởi vụ bê bối kể trên. Theo quy định, nghị sỹ và thành viên chính phủ được thanh toán tiền thuê hoặc trả góp cho căn nhà thứ hai ở London và các đồ đạc trong nhà nếu ngôi nhà chính của họ ở địa hạt cử tri quá xa thủ đô với mức tối đa khoảng 20.000 bảng/năm.

Nhưng sau vụ bê bối năm 2009, nhiều người đã đề xuất thay đổi phương thức chi tiêu của nghị sỹ. Cựu Thủ tướng Gordon Brown từng muốn chấm dứt cách điều hành Hạ viện giống như "câu lạc bộ của các quý ngài".

Việc công khai các mối quan hệ của thành viên chính phủ cũng được dư luận quan tâm bởi thông qua vấn đề này dư luận biết rằng, ông Gordon Brown sở hữu một số cổ phiếu trong CLB bóng đá Raith Rovers, cựu Bộ trưởng Môi trường Hilary Benn sở hữu một phần tư khu bảo tồn thiên nhiên tại Essex, nhiều người có chân trong ban điều hành trường học, ban quản trị quỹ từ thiện hay chủ tịch CLB thể thao.

Giới truyền thông đưa tin, để đưa những quan tham ra vành móng ngựa, Sở Cảnh sát London đã mở cuộc điều tra cả công khai lẫn bí mật và họ luôn giữ kín danh tính các nghị sĩ bị đưa vào tầm ngắm. Cựu Tổng giám mục Canterbury Lord Carey khi trả lời phỏng vấn tờ News of the World đã khẳng định, uy tín và đạo đức của quốc hội đã suy sụp tới mức thấp nhất và những khoản kê khai chi phí của các nghị sĩ đã làm xáo trộn lòng tin đối với chính trị gia.

Ông Lord Carey thậm chí còn nói, việc này đã phơi bày thói tham lam vô độ của quan chức ngay giữa trung tâm văn hóa lạm quyền của Westminster

Phạm Thị An (tổng hợp) – CSTC tuần số 60
.
.
.