Anh cả của chúng tôi và những chuyên án mới

Thứ Ba, 23/08/2011, 14:55
Năm năm sau (1985), tôi may mắn được đơn vị cử đi học tại Liên Xô (Học viện An ninh, khoa Chống hoạt động phá hoại tư tưởng của địch), tôi mới vỡ lẽ về vốn kiến thức mà thầy Trần Mỹ đã dạy cho chúng tôi từ thuở ban đầu. Thì ra những gì đã học được của nước bạn, cộng với kinh nghiệm thực tế, ông đã truyền đạt hết cho anh em chúng tôi.

Về tuổi đời, ông thuộc bậc cha chú, dù tôi được xếp hạng thứ hai trong đơn vị, vậy mà vẫn thua ông tới hơn một con giáp; về kinh nghiệm công tác an ninh, ông thuộc bậc thầy của lớp chúng tôi. Tham gia cách mạng ở chiến trường cực Nam Trung bộ tại Quy Nhơn - Bình Định quê ông. Sau đó ông vào hoạt động tại chiến trường miền Đông Nam Bộ từ cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Mãi tới đầu thập niên 80, do biến động về tổ chức ở Tông cục An ninh tôi mới được công tác cùng đơn vị với ông. Hơn 10 năm gắn bó, ông đã để lại trong tôi bao kỷ niệm sâu sắc, nhất là những kỷ niệm trong đấu tranh chuyên án. Ông là Đại tá Trần Mỹ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng với bí số A25.

Bài học vỡ lòng về chuyên đề mới

Khoảng giữa năm 1980, Cục A25 được lãnh đạo Tổng cục An ninh giao trách nhiệm xây dựng một đơn vị trinh sát mới, gọi là phòng trinh sát chuyên đề chống hoạt động phá hoại tư tưởng của địch. Lấy bí số là P2 (phòng 2), trên cơ sở phòng chống chiến tranh tâm lý của địch, từ Cục Bảo vệ chính trị I chuyển sang. Nói là tiếp nhận cả một đơn vị cấp phòng, song cán bộ chiến sĩ chỉ có 3 người (trưởng phòng Trần Mỹ và 2 trinh sát). Cán bộ bổ sung cho đơn vị này được chọn từ các phòng của A25 và sinh viên mới ra trường (chủ yếu là Đại học An ninh, Đại học Ngoại ngữ, với 4 thứ tiếng: Nga, Trung, Anh và Pháp).

Với chúng tôi, đây là một chuyên đề, một lĩnh vực rất mới. Mới từ khái niệm tới phương thức hoạt động. Nó khác xa với công việc của một phòng trinh sát địa bàn.

Về lãnh đạo, duy nhất chỉ có Trưởng phòng Trần Mỹ. Lúc đó ông đeo quân hàm Trung tá, ngang cấp với nhiều vị Giám đốc Công an địa phương và Cục phó ở Cơ quan Bộ. Ở vị trí "đứng mũi chịu xào" nên việc gì cũng tới tay ông. Từ sắp xếp ổn định tổ chức, ổn định nhân sự; xây dựng chức năng nhiệm vụ của đơn vị tới chỉ đạo công tác nghiệp vụ…

Vì là lĩnh vực mới, giáo trình của trường Đại học An ninh chưa có, nên có thể nói Trưởng phòng là "linh hồn", dường cột của đơn vị. Sau khi bố trí nhân lực cho từng bộ phận, công việc cấp thiết của Trưởng phòng là lo chuẩn bị bài giảng, mở lớp bổ túc cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Cố nhiên thầy dạy là ông. Dẫu chỉ là mấy tuần lễ huấn luyện cấp tốc, song ông đã để lại cho chúng tôi ấn tượng về một thầy giáo nghiệp dư với kiến thức lý luận sâu sắc và vốn thực tế phong phú, giúp anh e bắt tay vào làm việc được ngay.

Năm năm sau (1985), tôi may mắn được đơn vị cử đi học tại Liên Xô (Học viện An ninh, khoa Chống hoạt động phá hoại tư tưởng của địch), tôi mới vỡ lẽ về vốn kiến thức mà thầy Trần Mỹ đã dạy cho chúng tôi từ thuở ban đầu. Thì ra những gì đã học được của nước bạn, cộng với kinh nghiệm thực tế, ông đã truyền đạt hết cho anh em chúng tôi. Từ khái niệm (cũng có thể gọi là định nghĩa) về Hoạt động Phá hoại Tư tưởng (HĐPHTT) của địch; nguồn gốc ra đời và hoạt động cụ thể của nó; Từ HĐPHTT lợi dụng vấn đề về tôn giáo, sắc tộc; HĐPHTT thông qua hệ thống truyền thông đại chúng và các sản phẩm văn hóa, tới HĐPHTT thông qua các tài liệu phản tuyên truyền, lợi dụng mê tín dị đoan… Cũng nhờ đó, nhờ tí vốn kiến thức do thầy Trần Mỹ dạy trước cho mà khóa học ấy tôi nghiễm nhiên trở thành một trong số những học viên có khả năng tiếp thu các bài giảng tốt nhất.

Vụ án đầu tay của đơn vị

Nói là vụ án "đầu tay" là giới hạn trong đơn vị P2 của chúng tôi lúc đó, chứ thực ra Trưởng phòng Trần Mỹ đã từng tham gia nhiều vụ án "nổi đình đám" từ khi ông công tác ở đơn vị Bảo vệ Chính trị I. Mô hình tổ chức của phòng 2 được bố trí thành ba bộ phận. Tôi được trưởng phòng giao phụ trách bộ phận chuyên đề chống hoạt động phá hoại tư tưởng thù địch với Việt Nam và bọn phản động trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Gần tết năm đó xuất hiện một tình huống phức tạp, thông qua công tác nắm tình hình, đơn vị thấy xuất hiện ở một số khu vực tại Hà Nội người ta xầm xì bàn tán về một số tài liệu phản động bằng tiếng Việt có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài chuyển về. Tiếp theo là một loạt báo cáo của Công an Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Hải Hưng, thành phố Hà Nội… về hiện tượng trên. Tổng hợp tình hình cho thấy sự việc có liên quan tới nhiệm vụ của tổ 3 do tôi phụ trách. Trưởng phòng Trần Mỹ họp toàn đơn vị phổ biến tình hình và giao trách nhiệm cho bộ phận của tôi chủ trì nghiên cứu, làm báo cáo xác lập chuyên án đấu tranh. Lấy bí số làTX08.

Tài liệu, sách, báo phản động thu được trong vụ án TX08.

Trước mắt lập 2 tổ công tác tới ngay các địa phương xuất hiện tài liệu để nắm rõ thêm tình hình, xác định nguồn gốc và thu thập chứng cứ phục vụ công tác nghiên cứu. Sau một tuần triển khai kế hoạch, các mũi trinh sát đã thu về nhiều tài liệu xấu bao gồm báo, tạp chí, băng nhạc, tài liệu quảng cáo cho một số đài Phát thanh có chương trình chống Việt Nam. Điển hình trong số đó là các báo, tạp chí: Trăng đen, Văn nghệ Tiền phong, Lửa Việt, Hồn Việt, Nhân bản, Nhân chứng, Chuông Sài Gòn, Con ong tỵ nạn, Quê mẹ, Làng Văn… Tất cả đều được in và phát hành ở nước ngoài. Trọng tâm là địa bàn Mỹ, Pháp, Australia, Đức, Canada… Tài liệu được đóng thành từng gói, bọc cẩn thận bằng politinel, trọng lượng mỗi gói chừng mấy lạng.

Đó là đợt phát tán tài liệu phản động lớn nhất vào Việt Nam, với nội dung: Đả kích Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam; xuyên tạc và phủ định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta; xuyên tạc chính sách tập trung giáo dục cải tạo những người thuộc chế độ cũ có tội lớn với dân tộc; Tuyên truyền, khuếch trương cho các tổ chức của người Việt phản động ở nước ngoài, mà điển hình là "Chí nguyện đoàn hải ngoại phục quốc" do Võ Đại Tôn cầm đầu và "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" do Hoàng Cơ Minh là "lãnh tụ"… Vào thời điểm đó, đất nước đang gặp quá nhiều khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại, những tài liệu trên đến với người đọc sẽ có tác động rất lớn về tư tưởng.

Sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, Trưởng phòng Trần Mỹ sơ bộ nhận định: "Trừ đường xâm nhập công khai qua hàng không (bưu phẩm, bưu kiện, thư tín…), rất có thể đây là đường xâm nhập mới qua tuyến xe lửa". Vì tất cả số tài liệu trên đều xuất hiện ở các ga tầu. Đây là thủ đoạn mới tinh vi của kẻ địch nhằm đánh lạc hướng kiểm tra của ta ở các cửa khẩu. Lưu ý đường nhập khẩu than.

Nếu bằng con đường đó, sẽ có 2 khả năng: Một là, kẻ địch "dàn binh bố trận" từ nước sở tại, bí mật trộn vào than. Hai là, có thể chúng mua chuộc, xây dựng được cơ sở bí mật trong số thủy thủ của ta, đêm về phát tán. Khả năng này khó thực hiện được. Vì với khối lượng rất lớn, không dễ gì đem trót lọt. Tuy nhiên, dù diễn ra ở khả năng nào cũng phải lưu ý yếu tố nội bộ. Vì vậy, quá trình thẩm tra, xác minh phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, thận trọng, khách quan. Trước mắt, cần tập trung vào địa bàn Hải Phòng, nếu như ở đó có chủ trương nhập khẩu than.

Từ nhận định trên, tôi và hai trinh sát Hoàng Phước Thuận và Phạm Văn Ba được cử về thành phố Cảng ngay. Qua phối hợp với Phòng Bảo vệ An ninh Kinh tế và An ninh Văn hóa Tư tưởng địa phương, được biết cách đó gần 1 tháng, có 1 chuyến tàu của ta chuyển than từ Úc về. Làm việc trực tiếp với thuyền trưởng, tìm hiểu về quy trình nhập than, quan hệ tiếp xúc của thủy thủ ta khi sang đó, những dấu hiệu có liên quan tới hoạt động của số người Việt cực đoan, phản động ở khu vực tàu lưu trú… và được biết tàu của ta đã chở than từ Úc về được mấy chuyến.

Xuất phát từ Hải Phòng, chạy thẳng tới cảng Sydney của Úc. "Ăn than" xong là về nước luôn. Trước khi đi, cán bộ PA17 (Phòng Bảo vệ An ninh Kinh tế) Hải Phòng đã gặp gỡ các thành viên trong chuyến đi, trao đổi rất kỹ tình hình bên đó. Đề phòng với hành động quá khích của một số đối tượng phản động người Việt lưu vong. Vì vậy, ngoài quy chế chung đối với các đoàn xuất ngoại, tàu còn xây dựng thêm nội quy riêng cho từng chuyến đi, với tinh thần "án binh bất động". Ai không có nhiệm vụ thì không lên khỏi tầu; không tiếp xúc với người không quen biết. Anh em trong đoàn đều là những người tốt, được tuyển chọn rất kỹ, ý thức tổ chức kỷ luật cao, nên trong thời gian chờ đợi ở cảng có nhiều tốp người Việt lảng vảng trên bờ, chủ động bắt chuyện làm quen, nhưng thấy anh em ta thờ ơ, không mặn mà gì nên họ lặng lẽ bỏ đi.

Khi chúng tôi hỏi về quy trình chuyển than từ trên bờ xuống tàu, công tác tổ chức giám sát, việc cân đong đo đếm đối với các chuyến xe chở than vào cảng được thực hiện như thế nào? Vị thuyền trưởng khẽ cười, giải thích: "Ở bên đó không có việc chuyển than đến mạn tàu bằng ôtô, họ sử dụng băng chuyền. Bãi than cách tầu hàng trăm mét, than cứ trôi theo máng xuống tàu. Khi đủ trọng tải thì máy ngưng chạy. Vì vậy không mất thời gian theo dõi làm gì. Ta đã nhập về mấy chuyến đều như vậy, đảm bảo số lượng chính xác…". Còn quy trình chuyển than từ tầu lên bờ tại bến cảng của ta tiến hành ra sao, thưa đồng chí? -"Việc này thuộc trách nhiêm của đơn vị bốc dỡ ở cảng; Quy trình cũng đơn giản, đều thực hiện bằng xe cơ giới. Các toa xe chạy ra cầu cảng rồi cần cẩu ngoạm than từ tàu lên. Chỉ khi vét than, làm vệ sinh tàu mới sử dụng sức người trực tiếp".

Chúng tôi đem toàn bộ kết quả chuyến khảo sát về báo cáo Trưởng phòng Trần Mỹ. Sau khi tập hợp, nghiên cứu các nguồn tài liệu, ông triệu tập họp ban chuyên án và sơ bộ nhận định: "Đây là thủ đoạn mới của địch, đã tạo ra một đường dây xâm nhập tài liệu không ngờ đối với chúng ta. Dẫu sao đây cũng là vụ "lọt lưới" đáng tiếc. Có thể loại trừ yếu tố nội bộ (ý nói người của địch cài vào nội bộ ta). Sự việc diễn ra theo quy trình ngẫu nhiên, khép kín. Tài liệu do một tổ chức phản động ở Úc chuẩn bị rồi chuyển tới bãi than. Rất có thể họ có lực lượng bí mật làm việc ở cảng. Tài liệu được trộn vào trong than rồi theo đường máng chảy xuống tàu.

Quy trình bốc dỡ cũng giản đơn hơn, cũng chứa đựng yếu tố ngẫu nhiên. Cần cẩu ngoạm than từ tầu, đổ lên toa xe, chuyển về các ga, đổ xuống bãi than tại khu vực đầu máy. Như vậy, người đầu tiên tiếp cận các gói Politinel kia là công nhân của ngành đường sắt làm việc tại các ga tầu có nhận than từ Úc. Về tâm lý, hẳn không ai là không mở ra xem. Khi phát hiện đó là những tài liệu họ mới báo cho cơ quan chức năng ở địa phương.

Cố nhiên, rất có thể có những trường hợp đơn lẻ nhặt được, vì tâm lý tò mò, vì sợ phiền phức cho bản thân mà họ giấu đi, không báo cáo. Những trường hợp như thế, nếu có thì không nên quy kết. Cần báo cáo gấp lên lãnh đạo Cục và Tổng cục toàn bộ tình hình trên, đề xuất ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn Công an địa phương cảnh giác với âm mưu, phương thức, thủ đoạn mới của địch để nâng cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là những địa phương có cửa khẩu, kể cả đường hàng không, đường biển và đường bộ. TX08 có thể kết thúc, tiếp tục thu gom tài liệu còn sót lại".

Câu móc - một loại án mới

Những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với niềm vui khôn xiết - Bắc Nam sum họp, Tổ quốc thu về một mối, uy tín Việt Nam sáng ngời trên trường quốc tế… là biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đến cùng cực. Cái tất yếu do hậu quả chiến tranh để lại, cộng với những sơ hở, yếu kém, chủ quan duy ý chí của ta tạo nên. Song, cái nguyên nhân khách quan cực kì nguy hiểm là tư tưởng thù địch của các thế lực chống Việt Nam, rồi chính sách bao vây cấm vận… với âm mưu đẩy Việt Nam tới khủng hoảng kinh tế, dẫn tới khủng hoảng chính trị.

Họ đã đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng chống Việt Nam bằng việc sử dụng hàng chục đài phát thanh, hàng trăm tờ báo tiếng Việt, hàng vạn sản phẩm văn hóa có nội dung phản động vào các chiến dịch tuyên truyền vu cáo Việt Nam, kích động làn sóng người Việt vượt biên, di tản, kích động tư tưởng chống đối ở trong nước. Mục tiêu quan trọng là nhằm vào khu vực nội bộ các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương. Đồng thời khu vực nội bộ còn là "mảnh đất màu mỡ" mà các tổ chức phản động nhằm vào để thực hiện âm mưu câu móc, tác động, lôi kéo, mua chuộc xây dựng thành cơ sở trong nội bộ (nội gián) nhằm thu thập tài liệu bí mật, tạo điều kiện chui sâu, leo cao.

Từ tình hình trên, Trưởng phòng Trần Mỹ đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh mang bí số DM23, chuyên án HP87 nhằm ngăn chặn số đối tượng từ địa bàn Anh quốc và Pháp câu móc một số tri thức, văn nghệ sĩ ở khu vực Hà Nội; đồng thời chỉ đạo công tác phối hợp với Công an TP HCM, Cục Bảo vệ Chính trị I đấu tranh với chuyên án NC82, góp phần triệt tiêu âm mưu câu móc một số văn nghệ sỹ thuộc chế độ Sài Gòn cũ tại TP HCM mà đối tượng cầm đầu, chủ mưu là Trần Tam Hiệp (định cư tại Pháp). Lúc đó anh ta đương kiêm chức vụ Tổng thư ký một tổ chức gọi là "Trung tâm văn bút Việt Nam hải ngoại" (Pen Club Việt Nam). Đây là một tổ chức do các nhà văn của chế độ Sài Gòn cũ lập ra.

Vụ án liên quan nhiều đối tượng, kéo dài nhiều năm mà ta không phát hiện được. Nguyên do là Trần Tam Hiệp đã câu móc, xây dựng được một cơ sở bí mật cực kỳ lợi hại, nằm ngay trong nội bộ của ta, công tác tại Bưu điện thành phố. Đó là một cô gái, kém Trần Tam Hiệp tới 18 tuổi, là người tình của anh ta, mặc dù 2 người chưa từng gặp nhau bao giờ. Tài liệu phản động từ nước ngoài chuyển vào cho các đối tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tin tức, tài liệu từ trong nước chuyển ra cho Trần Tam Hiệp sử dụng vào các chiến dịch phản tuyên truyền chống Việt Nam đều thông qua đầu mối nội gián nguy hiểm này.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan An ninh đã làm rõ hoạt động của tất cả các đối tượng liên quan với vụ án. Kết thúc chuyên án NC82, đồng nghĩa với việc triệt tiêu một phương thức hoạt động mới của bọn phản động, góp phần làm trong sạch nội bộ, làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch giữ vững ổn định chính trị đất nước.

Những cặp uyên ương khéo chọn

Ở A25 thời đó, những lúc "trà dư tửu hậu", anh em chúng tôi vẫn thường vui đùa với 2 vị trưởng phòng: Văn Công Thượng (Trưởng phòng Bảo vệ An ninh lĩnh vực Y tế - Thể thao và Thương binh Xã hội - bí số là P5), vợ là bà Sửu; Huỳnh Hổ (tức Trưởng phòng Trần Mỹ của chúng tôi), vợ là bà Diệp, rằng "tình duyên của các bác quả là những cặp uyên ương khéo chọn". Ở họ có quá nhiều nét tương đồng - Cả 4 đều thuộc diện "suy dinh dưỡng, nhiều da ít thịt"; cả 4 vị đều là những người ít nói, nhỏ nhẹ, tử tế, sống nghĩa tình với đồng đội, anh em; cả 2 "đức lang quân" đều là cán bộ miền Nam tập kết, đều quen biết cán bộ ngành Y tế vào loại nhất cục An ninh.

Có khác chăng là tuổi tác - Ông Văn Công Thượng sinh năm 1924 (tuổi Giáp Tý), ông Trần Mỹ tuổi Canh Ngọ (1930) chênh nhau một phần hai con giáp. Và, ông Thượng có thâm niên bảo vệ lĩnh vực Y tế lâu hơn, từ khi còn là trinh sát cho tới lúc trở thành Đại tá Trưởng phòng. Còn ông Trần Mỹ, thâm niên bảo vệ lĩnh vực này ít hơn, chừng năm, sáu năm, từ khi được phong quân hàm Đại tá và được bổ nhiệm chức vụ Phó cục trưởng A25. Ngoài nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ an ninh lĩnh vực Văn hóa, Văn học Nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, Giáo dục đào tạo, khoa học xã hội… được giao thêm trách nhiệm phụ trách công tác đảm bảo an ninh lĩnh vực y tế, thể thao.

Cuối cùng, một nét tương đồng nữa thuộc về hai bà vợ. Cả bà Sửu và bà Diệp đều là cán bộ ngành y, công tác tại khoa Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tôi đồ rằng mối tình Mỹ - Diệp là do vợ chồng bà Sửu tác thành, nhằm tạo "đồng minh" các nàng dâu xứ thành đồng bất khuất. Tôi lan man đôi chút để nói về lớp đàn anh của chúng tôi, một thời họ đã sống nghĩa tình với nhau như thế. Ngoài động viên giúp đỡ nhau trong công tác, họ còn chăm lo cho cả tình cảm riêng cho nhau như thế.

Trở lại với người anh cả của chúng tôi, trong khuôn khổ một bài báo, tôi chỉ nêu một chút xíu sự việc để nói về nghĩa tình mà Đại tá Trần Mỹ dành cho cán bộ cấp dưới là tôi. Hồi đó vợ chồng ông sinh sống tại một căn hộ nhỏ trên tầng 2 khu lắp ghép Giảng Võ. Căn hộ rộng chừng trên 25m2 khép kín, vợ chồng ông đã chắt chiu tiết kiệm, vay mượn mua lại của một người quen. Một hôm ông gọi tôi sang phòng làm việc, đắn đo giây lát rồi vào đề luôn. -"Tôi sắp được Bộ cấp cho một căn hộ ở khu tập thể Hoàng Cầu. Tôi muốn anh (vốn bản tính nho nhã, ông vẫn gọi tôi như thế, không bao giờ gọi là chú, em, hay cậu như nhiều cán bộ cao niên thường gọi cấp dưới của mình) sẽ làm đơn xin được tiếp nhận căn hộ của tôi ở Giảng Võ. Chỗ anh ở chật chội và nóng nôi như thế…". Tôi như đi trong mơ, lặng nhìn ông, ứa lệ bởi lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được lãnh đạo thấu hiểu cảnh ngộ, vẽ cho một hướng đổi đời.

Quả là lúc đó vợ chồng con cái tôi với 4 nhân mạng sống trong một căn nhà tự tạo rộng chừng 16m2, vách toóc si, mái lợp giấy dầu tại xóm Đầm làng Kim Liên. Tôi đã bám trụ ở đó tới 10 năm. Từ 1979 tới 1989 mới được mua căn hộ ở tầng 2 khu cư xá Hoàng Cầu. Dẫu mừng rơn, vậy mà tối hôm đó tôi lại khước từ lòng tốt của ông. Chung quy cũng bởi cái bệnh sỹ. Vì cho rằng nhà đó là nhà riêng của ông. Nhận nhà mới, ông trả nhà cũ của mình cho cơ quan thì vẫn phải qua xét duyệt. Cái ngữ mình, đâu đến lượt. Thời bao cấp, biết bao hoàn cảnh khó khăn, sao có thể giơ cái mác chiến trường 10 năm ra để cầu mong ban phước!

Dẫu sao thì lòng tốt của ông - người thầy, người anh cả của chúng tôi, vẫn là nét son thắm mãi trong tâm hồn tôi, đứa học trò mà ông đã dày công chăm lo, dìu dắt

Hồi ức của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.
.