Ảo ảnh "Thiên đường vàng cám”

Thứ Bảy, 28/05/2011, 15:52
Vượt gần 300km từ thành phố Vinh trực chỉ về miền Tây Nghệ An, chúng tôi xuyên rừng khi trời còn bảng lảng khói sương đến đầu nguồn sông Nậm Nơn, Nậm Mộ nơi được xem là "thánh địa vàng cám". Dòng sông nơi đây như bị tắc nghẽn bởi vô số hầm vàng thổ phỉ, nước đục ngầu réo rắt. Lòng người dân bản như tê dại khi làm chẵn tuần cho 5 người xấu số vừa bị vùi lấp bởi giấc mộng vàng.

Dòng sông chạy qua "4 yên" gồm Yên Na, Yên Hoà, Yên Tĩnh, Yên Thắng không còn bình yên bởi những phu vàng đang hì hục đào đãi vàng. Có những phu vàng nhí người thấp hơn cán cuốc nhưng vẫn tỷ mẩn khoét lòng đất tìm vàng, và các em không hề biết chỉ cách đây ít ngày, hầm vàng đã chôn vùi 2 bạn nhỏ bằng tuổi chúng. Sông chết, người chết, núi rừng trở mình giận dữ, nhưng cơn sốt đào vàng không vì thế bị dừng lại ở đầu nguồn dòng sông đất Nghệ.

"Sông chết" vì vàng

Người Nghệ An có nhiều cái để tự hào là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Trong tâm thức địa linh của người Nghệ thì dòng sông Lam vẫn được xem trọng hơn cả. Khởi nguồn của dòng sông này bắt đầu từ 2 nhánh sông Nậm Nơn và Nậm Mộ chảy đến Cửa Rào thuộc huyện Tương Dương gộp thành sông Lam. Từ 2 bên dòng sông này đã sinh ra rất nhiều danh nhân, tao nhân mặc khách để người Nghệ mãi tự hào.

Đầu nguồn của sông Lam ở dòng Nậm Mộ và Nậm Nơn bắt đầu bị "giết chết" bởi vàng cám bắt đầu từ câu chuyện "cổ tích" có thật Lô Văn Ối nhặt được vàng. Trú ở xã Yên Hoà, Lô Văn Ối chưa bao giờ mộng mị có ngày đổi đời. Vậy mà, một ngày gần cuối năm 2010, Ối cùng 8 phu vàng đang tỷ mẫn xúc từng nhát cuốc đãi vàng ở khe Pu, bỗng Ối la lên "vàng, vàng…" cả đám phu vàng mắt tròn mắt dẹt nhìn vào cục vàng to hơn cả chiếc bình vôi nằm trên tay Ối.

Ngăn sông để đãi vàng.

Sau 3 ngày 2 đêm trằn trọc canh vàng, Ối đem vàng ra thị trấn Tương Dương bán. Cục vàng cân nặng 2,1kg nhanh chóng được chủ tiệm vàng mua lại hơn 1 tỷ đồng. Từ đó Ối đổi đời, thay nhà tranh bằng nhà ngói, quạt điện thay quạt tay, tivi, tủ lạnh… cũng về nhà Ối. Câu chuyện Lô Văn Ối nhặt được vàng lan dần từ bản này qua bản khác.

Cũng từ đây cả núi rừng, sông suối miền Tây đất Nghệ thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn dậy sóng bởi cơn sốt đào đãi vàng. Việc Lô Văn Ối nhặt được vàng chỉ là việc may rủi, còn từ đó đến nay chẳng ai đào được vàng cân nặng vài lạng, nhưng cả chục con người bỏ mạng vì vàng và dòng sông bị "giết chết" thì hiện rõ mồn một.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ dùng đủ loại phương tiện từ xe gắn máy, đò tay đến lội bộ, chúng tôi mục sở thị "thánh địa vàng cám" đầu dòng Nậm Nơn. Núi rừng như bị đánh động bởi hàng trăm con người với đủ loại phương tiện đang hì hục đào, đãi vàng cám.

Dòng suối Chà Hạ đục ngầu, gầm gừ bởi tiếng máy xúc, máy hút cát, xen lẫn với tiếng chửi thề, tiếng reo vui, tiếng nước chảy… tạo thành một mớ tạp âm hỗn độn. "Sáng dậy từ 4 giờ, đào gần 3 giờ rồi nhưng chẳng có chi. Nhà báo à, nhà báo thì không sợ, cứ chụp ảnh đi, hỏi đi mình nói, chỉ sợ cán bộ huyện thôi. Bị thu máy nhiều lần rồi…" - phu vàng Lương Văn Thiệt cởi mở câu chuyện với tôi.

Khi chúng tôi hỏi về việc có biết 5 người ở bản Định Hương, xã Tam Đình mới bị vùi chết vì đào vàng, những phụ vàng ở đây vẫn rất bàng quan; biết, nghe nói nhưng theo "cái lý" của họ thì ai không may mới bị chết thôi, nhiều người đào vàng nhưng hố sập thì thỉnh thoảng thôi, chính quyền vào truy quét thì họ nghỉ ở nhà, nhưng khi chính quyền ra khỏi bản thì họ tiếp tục đào, đãi vàng.

Từ trung tâm huyện lỵ vào chỗ khai thác vàng trái phép phải đi mất vài tiếng đồng hồ, vì vậy cơ quan chức năng không thể ngày nào cũng canh chừng việc khai thác. Men theo dòng Chà Hạ là 4 xã bắt đầu từ chữ Yên viết hoa nhưng chẳng yên chút nào: Yên Na, Yên Hoà, Yên Thắng và Yên Tĩnh bởi hàng trăm con người sống gắn bó với việc đào, đãi vàng. Bên cạnh đó, một số chủ khai thác vàng lậu từ nơi khác đến đem máy móc vào hoạt động hết công suất, đào hút rầm rộ suốt ngày đêm.

Dưới lòng sông nhiều người hụp lặn, mặt mày bê bết bùn đất. Nước sông đục ngầu màu gạch cua sôi réo bởi hàng trăm hầm hố vàng loang lổ. Có nơi, nước sông bị làm thay đổi dòng chảy ăn sâu vào tận chân núi đá.

Phu vàng Lương Văn H (24 tuổi, trú ở bản Na Pu, xã Yên Na) vừa ngoi lên từ dòng nước đục ngầu cho biết: "Anh em ở đây chỉ đi "mót" lại của các chủ có máy đào hút, sàng lọc bình thường thôi nên mỗi ngày cũng chỉ kiếm được dăm chục nghìn chớ mấy".

Nhiều chủ vàng sử dụng hoá chất, và dầu mỡ từ máy móc chảy lan ra nước làm dòng sông đục ngầu còn nổi váng lềnh bềnh. Không chỉ giữa dòng sông, ngọn núi Pù Phen tiếp giáp ranh giới địa bàn các xã như Yên Tĩnh, Yên Hoà, Yên Na cũng bị các phu vàng đục khoét thành hàng trăm cái hang để lấy đất đãi vàng. Trong các hang hầm kia, hàng trăm phu vàng đang chen chúc nhau kẻ đào, người vác đất xuống suối để đãi, hiểm họa chực chờ hàng trăm thân thể nhỏ nhoi…

Nỗi đau từ cái chết của các "phu vàng nhí"

Sau hơn 1 giờ quăng quật với con đường xuyên rừng, chúng tôi mới vào được bản Định Hương, xã Tam Đình huyện Tương Dương. Hàng chục dân bản đang ngồi bên hầm vàng sập chôn vùi 5 người cách đây đúng 1 tuần. Trưởng bản Lữ Văn Khuyên cho biết: Theo lệ thường mỗi lần đào được vàng các phu vàng thường làm lễ cúng đất, nhóm đào vàng bị vùi chết ở bản mới đào được 3 ngày, cũng được một ít vàng cám nhưng chưa kịp làm lễ tạ thì hầm sập. Hôm nay, bản vừa làm lễ cúng tuần vừa làm lễ tạ cho những người xấu số.

Ông Mạc Văn Lợi đờ đẫn nhìn xa xăm, người đàn ông này đã khô nước mắt khi phút chốc 2 đứa con trai Mạc Văn Ánh và Mạc Văn Thọ vừa bị chết vì sập hầm vàng. "Thằng Thọ đang học, tranh thủ ngày nghỉ theo anh đào vàng, ai ngờ…", chỉ nói đến vậy ông Lợi ngước lên di ảnh của con với đôi mắt ráo hoảnh, đau đớn.

Cái chết của em Mạc Văn Thọ gây nhiều thương cảm cho người dân bản. Năm 2010, học xong lớp 9, Thọ không thể thi vào lớp 10 vì thiếu tiền đăng ký thi. Năm nay, Thọ nói với cha mẹ đi đào vàng kiếm ít tiền để chuẩn bị thi vào THPT. Ai ngờ giấc mơ học tiếp của em đã phải dừng lại ở buổi chiều 1/5 định mệnh. Cả nhóm 7 người đang tiến hành cho nước vào hầm vàng để đào, bất ngờ mái taluy đổ sập, vùi chết cả 5 người trong đó có Thọ.

Tại các xã Yên Tĩnh, Yên Thắng, Yên Hoà, Yên Na… ngoài cha mẹ đào đãi vàng, hiện xuất hiện rất nhiều "phu vàng nhí" cũng theo cha mẹ ra sông, suối đào đãi vàng suốt ngày đêm. Nhiều em chiều cao chưa bằng cán cuốc nhưng cũng mồ hôi, mồ kê nhễ nhại chui vào các hầm vàng để tìm vận may cho gia đình. Cơn sốt đào vàng đã làm hàng trăm học sinh bỏ học giữa chừng. Nhiều em tranh thủ ngày nghỉ học theo cha mẹ ra hầm vàng và gặp nạn.

Cách đây hơn 1 tháng (ngày 2/4/2011) tại xóm Dến, bản Huồi Pai, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, cháu La Thị Thu Trang học sinh lớp 5 trường Tiểu học xã Yên Tĩnh 2 đã tử vong vì sập hầm vàng. Trong căn nhà xiêu vẹo, chị Vi Thị Pá, mẹ cháu Trang kể lại: Ngày thứ 7 được nghỉ học, Trang theo chị ra hầm đào vàng cạnh nhà ông ngoại Vi Văn Toán. Khi 2 mẹ con đang tất tưởi đào, thì Trang bảo mẹ xuống suối để đãi vàng trước, còn cháu vẫn tiếp tục đào. Chưa đầy 15 phút sau, chị Pá nghe tiếng kêu thất thanh của con, chị chạy lên chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra, đất đá đổ ào ào đổ xuống chôn sống hơn nửa người con, chiếc xà bằng đè lên ngực cháu Trang. Chị Pá gọi chồng đào đất lên để cứu con, nhưng khi đưa được lên khỏi hầm đào vàng thì cháu Trang đã chết.

Trước đó không lâu, tại một hầm vàng bị sập làm chết 2 người, trong đó có một "phu vàng nhí". Tuy nhiên, khi vụ sập hầm xảy ra thì chủ hầm vàng đã tự thỏa thuận đền bù với gia đình nạn nhân. Bên cạnh thường trực nỗi lo hầm sập, hàng trăm "phu vàng nhí" ở miền quê này cũng bị nhiều bệnh ngoài da gây tấy đỏ, lở loét do suốt ngày đánh vật với dòng nước ô nhiễm để đãi vàng.

Anh Lữ Văn Khuyên- Trưởng bản Định Hương tâm sự: Xã Tam Đình có 7 bản, bản Tam Đình xa nhất và cũng nghèo nhất xã. Cả bản có 128 hộ với 524 nhân khẩu nhưng tất cả đều là hộ nghèo, chỉ có 1 hộ gia đình là cận nghèo. Đó là gia đình Lô Văn Yên có vợ là Lô Thị Phương làm giáo viên tiểu học, có lương nên được xếp diện cận nghèo.

Học sinh ở đây thường bỏ học khi mới học xong tiểu học. Muốn học THCS phải vượt hơn 10km đường rừng, học THPT phải đi hơn 20km, nhiều em đến trường ở nội trú được vài buổi, nhớ nhà lại bỏ học quay về

Dương Sông Lam - CSTC tuần số 58
.
.
.