Bà lão lầm lũi dành cả cuộc đời trông nom mộ vua Đinh Tiên Hoàng

Thứ Ba, 16/08/2011, 11:46
Trên đỉnh núi Yên Mã (Hoa Lư - Ninh Bình), bấy lâu nay người đời vẫn biết tới là nơi yên nghỉ của vua Đinh Tiên Hoàng. Cũng đã có thời kỳ, phần mộ của vị Anh hùng dân tộc bị lãng quên bởi chiến tranh, loạn lạc. Nhưng ít ai biết rằng, trên đỉnh núi Yên Mã, đã mấy chục năm nay, có một bà cụ, hàng ngày vẫn âm thầm trông nom, quét dọn cho phần mộ vua Đinh.

Công việc chẳng phải do ai phân công, cũng chẳng bởi một mưu cầu vụ lợi hay tâm linh nào cả, nhưng cả cuộc đời bà cụ vẫn kiên trì hàng ngày leo lên đỉnh núi để chăm sóc cho mộ phần của một người quá cố xa xưa.

Bà cụ "gàn" và công việc trên đỉnh Yên Mã

Bà cụ Dương Thị Sưu đã bước qua tuổi "bát tuần". Nhìn vẻ mặt của bà cụ vẫn còn rất rắn rỏi, nhanh lẹ giấu hẳn đi tuổi tác của bản thân. Đã hai lần leo lên đỉnh núi Yên Mã, cũng hai lần tôi bắt gặp hình một cụ già tuổi và khu lăng mộ lạnh lẽo. Đã bao nhiêu năm qua, ngày nào cũng vậy bà cụ Sưu âm thầm vượt qua những bậc thang cao vút của đỉnh Yên Mã, tìm lên mộ phần vua Đinh Tiên Hoàng để lo hương khói, dọn dẹp cây cỏ. Chẳng được ai phân công, cũng chẳng phải là công việc của mình nhưng bà cụ vẫn cứ tự gán cho mình trách nhiệm phải trông coi nơi an nghỉ của vua Đinh.

Từ khi còn là đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ bà cụ đã một mình trèo lên núi Yên Mã quét dọn cho mộ cụ Đinh Bộ Lĩnh. Những năm đó, núi Yên Mã vẫn còn hoang sơ, cây cối um tùm, muốn leo lên đỉnh phải len lỏi qua những kẽ đá sắc cạnh, phát từng cây cỏ sậy cao vượt đầu người mới có thể leo lên được đỉnh.

Khi bà cụ Sưu lên 8, 9 tuổi, trong một lần cùng mẹ đi ra ngoài đồng, lúc đi qua núi Yên Mã, đến chân núi mẹ chỉ tay lên đỉnh núi bảo rằng đây là nơi an tọa của lăng mộ vua Đinh. Tự nhiên trong suy nghĩ của cô bé Sưu lúc đó tự bảo mình sẽ phải leo lên tận nơi để xem khu lăng mộ như thế nào.

Rồi ngày hôm sau, một mình mang dao, chặt từng cây sậy rẽ lối đi, cô bé Sưu trèo lên đỉnh núi để tận mắt nhìn thấy phần mộ vua Đinh. Mất hơn một tiếng đồng hồ thì lên đến nơi, hiện ra trước mắt cô bé Sưu lúc đó chỉ là một ngôi mộ rất nhỏ được xây đắp bằng đá xanh xung quanh cỏ lau mọc um tùm…Sau lần leo lên đỉnh núi Yên Mã đó, trong suy nghĩ của cô bé Sưu luôn tự bảo mình sẽ phải làm một việc gì đó đối với ngôi mộ của vua Đinh.

Rồi đến một hôm, cô bé Sưu lẫm chẫm mang liềm leo lên đỉnh núi, cắt cỏ, chặt sậy xung quanh khu mộ, xếp lại từng viên đá cho ngay ngắn... Và cũng từ đó trở đi, cứ vài ngày cô bé Sưu lại leo lên núi, quét dọn, hương khói cho phần mộ vua Đinh. Suy nghĩ của bà lúc đó đã tự bảo mình rằng, phải thường xuyên lên đây trông coi và quét dọn cho khu lăng mộ. Mỗi khi đến ngày Rằm, mùng Một đầu tháng cô bé Sưu lại trèo lên đỉnh núi phát cỏ, quét dọn và hương khói cho phần mộ của vị vua quá cố.

Những năm đầu tiên khi lên trông coi quét dọn khu lăng mộ rất ít người biết bà làm công việc này. Lý do bởi lẽ, mỗi lần leo lên đỉnh núi, bà cụ thường "ngụy trang" bằng công việc đi cắt cỏ chăn trâu để tránh những lời trách móc của gia đình và sự đàm tiếu của dân làng. Kể cả khi chiến tranh ác liệt nhưng công việc với khu lăng mộ của bà cụ Sưu vẫn không bị ảnh hưởng.

Ngoài thời gian lao động ngoài đồng áng bà cụ Sưu đều lên đỉnh núi để trông nom cho phần mộ. Có lần, do cỏ mọc quá nhanh, dọn dẹp, phát quang cây cối mất đến vài ngày. Lần thì sáng leo lên tối leo xuống nhưng cũng có những lần thì ở đây đến 2 ngày khi xong việc thì mới xuống.

Dành dụm được ít tiền bà cụ Sưu mua gạch, mua vôi rồi gánh lên đỉnh núi. Mỗi lần mua một ít, mất gần 2 năm bà cụ Sưu đã gánh được vài trăm gạch với ít vôi. Rồi bà tự mình gánh nước lên đỉnh núi, tự nhào vữa và rồi cũng một mình tự xây lên một mộ phần nho nhỏ cho vua Đinh.

Thời gian cứ thế trôi đi, công việc trông nom mộ phần vua Đinh của cô bé Sưu cứ thế tiếp tục. Kể cả khi chiến tranh, loạn lạc, bom đạn cày xới đường làng, ngõ xóm, bà Sưu vẫn âm thầm thực hiện công việc của mình. Rồi khi hòa bình, lúc tuổi đã cao, có thời gian nhiều, bà cụ Sưu càng leo lên mộ vua Đinh nhiều hơn.

Đã hơn 20 năm nay, trừ những khi ốm đau bệnh tật, mưa to gió lớn hay có công việc hệ trọng thì bà cụ không leo lên đỉnh núi, còn không ngày nào cũng vậy, cứ đến từ tờ mờ sáng, bà cụ Sưu lầm lũi leo lên với phần mộ vua Đinh. Ngay cả ngày mùng một Tết, bà cụ cố gắng dành thời gian để lên hương khói cho vua Đinh. Bà cụ Sưu nghĩ rằng, càng những ngày lễ, Tết thì càng cần phải hương khói cho mộ vua để bớt đi phần lãnh lẽo.

Trong suy nghĩ của bà cụ già, mộ vua Đinh như là một phần cuộc sống của mình. Và bà cũng tự nghĩ, công việc mình làm là trách nhiệm của bản thân dù chẳng do được phân công hay mưu cầu danh lợi.

Nghiệp đời tự gán với mộ phần vua Đinh

Thời gian cứ trôi một cách tàn nhẫn, đã bước qua cái tuổi "bát thập", bà cụ Sưu đã đi đến những chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Rồi sẽ đến một ngày bà cụ Sưu sẽ không còn sức khỏe leo lên đỉnh Yên Mã để chăm nom cho mộ phần vua Đinh. Nhưng đã từ lâu, bà cụ Sưu đã có dự tính cho thời điểm đó.

Những ngày nào bà bị mệt phải nằm ở nhà thì người con trai thứ 2 của bà lên đây làm thay. Bị tật nguyền từ nhỏ, chân đi tập tễnh nhưng cũng có suy nghĩ giống bà, coi công việc trên đỉnh Yên Mã là nhiệm vụ của bản thân. Bà cụ Sưu không giấu nổi  hạnh phúc khi phần mộ vua Đinh được chính quyền đầu tư, xây dựng khang trang hơn. Bây giờ cũng có nhiều người đến hướng khói, cầu khấn ở mộ vua Đinh nhưng công việc mà bà cụ Sưu làm bấy nhiêu năm nay vẫn không hề thay đổi.

Với bà cụ Sưu, mộ vua Đinh đã trở thành một phần của cuộc sống của mình. Cuộc đời đã trải qua biết bao sóng gió, bão bùng nhưng bà vẫn đứng vững và vẫn duy trì được công việc mà nhiều người cho rằng là "gàn dở" của mình. Công việc chẳng bởi nhu cầu danh lợi, cũng chẳng bởi một nghiệp chướng tâm linh, nhưng với bà cụ Sưu công việc đó là trách nhiệm của bà. Bà cụ tự nhận công việc đó, tự lăn xả vào nó để đổi lại sự hài lòng với bản thân, đúng hơn đó là sự an ủi. Đã có rất nhiều lần, khi người dân làng nói bà là gàn dở, đã đói rách còn bày đặt chuyện làm phúc tâm linh. Nhưng đi qua được những lời chê bai đó, bà tự nghĩ rằng, việc mình thì mình làm, chẳng ảnh hưởng đến ai, chẳng hại ai, như vậy là được…

Đôi lúc, bà cụ Sưu cảm thấy mình sống đến độ tuổi "xưa nay hiếm" như vậy cũng một phần nhờ vua Đinh phù hộ. Bà nghĩ rằng, hơn 80 tuổi rồi mà ngày nào tôi cũng leo được lên đỉnh núi như vậy là phúc phận lắm rồi. Nhiều người mới có hơn 60 đã sức cùng lực kiệt. Mình thì bát tuần rồi mà vẫn leo lên tận đỉnh núi, như vậy là hơn người! Bà cảm thấy hài lòng với mình, hài lòng với cuộc sống mình đang có. Đôi lúc bà tự nghĩ trong đầu rằng, mong sao vua Đinh phù hộ cho bà sức khỏe, sống lâu hơn để làm sao ngày nào bà cũng leo lên được núi Yên Mã để hương nhang cho cụ. Ngày nào bà còn sức, chân còn đi được thì ngày đó bà còn leo lên mộ vua Đinh.

Gắn bó gần như trọn cuộc đời với ngôi mộ vua Đinh Tiên Hoàng, với bà cụ Sưu, ngôi mộ mang đến cho bà rất nhiều giá trị tinh thần to lớn. Có lần bà lâm bệnh nặng, trong lòng bà cảm thấy bồn chồn, bà chẳng lo cho sức khỏe của mình mà trong lòng chỉ bồn chồn một nỗi sợ lâu ngày không quét dọn cỏ mọc phủ lên khu mộ. Vậy là lại cố gắng hết sức thuốc thang, ăn uống thật nhiều để mau chóng lành bệnh. Con cháu nhiều khi cũng lo lắng cho sức khỏe của bà khi thấy ngày nào cũng leo lên núi cao. Nhưng bảo rằng, nếu như cứ ngồi bà còn cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều. Cứ leo lên núi, dọn dẹp, hướng khói cho khu mộ của vua Đinh là bà cảm thấy nhẹ nhõm nỗi lòng. Ngày nào bà còn leo được lên đỉnh Yên Mã, còn trông nom được mộ vua thì bà còn cảm thấy mình còn có ích cho cuộc sống. Nghĩ vậy và cứ thế ngày này qua tháng khác, bà lão Sưu vẫn làm công việc không tên, không trách nhiệm giao phó, chẳng nhu cầu danh lợi…

Ngọc Cương - số 50
.
.
.