Bà tiên cũng ngã gục vì ma túy!

Chủ Nhật, 09/10/2011, 15:26
LTS: Trong phần 1 cuốn nhật ký của Vì Văn Nguyên (CSTC số 76), cậu bé đã kể lại những biến cố lớn lao trong gia đình, cha bị tử hình và mẹ bị ngồi tù vì tội buôn bán ma túy, khiến 3 chị em bơ vơ. Chúng tôi đã nhận được hơn 8.000 ý kiến chia sẻ qua email cstcweekly@gmail.com và thư tay gửi về tòa soạn. Trân trọng cảm ơn bạn đọc và tiếp tục mời quý độc giả theo dõi tiếp phần 2.

Sau khi mẹ tôi bị bắt, 3 chị em tôi thành những chú gà con, nháo nhác loạn xạ khi thiếu gà mẹ. Nơi tôi sinh sống lúc đó là một hoang mạc, chứa nhiều loài thú săn mồi. Tôi nói những loài thú thì cũng đúng thôi, mọi trò đời, mọi tệ nạn đã chất hàng đống ngổn ngang tại nơi này.

Một nơi có tỉ lệ người nghiện ma túy và bị bắt, đứng trong tốp đầu những điểm "nóng" nhất tại Điện Biên. Quê hương bị bằm nát bởi hàng trắng. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Chúng tôi, những đứa trẻ đã không còn biết khóc, vì những chuyện đau lòng tràn qua mỗi ngày, như lũ dữ. Sống chung với lũ dữ, buộc lòng chúng ta phải dần quen…

Người nghiện ngáp ngắn, ngáp dài. Kẻ này không bụi đời, thì kẻ kia ngồi nhà giam… Thử tưởng tượng đến cảnh một góc phố đầy dẫy nhưng bơm kim tiêm, tổng hợp những trò xã hội không muốn có: trộm cắp, đấu đá, chém giết, cướp của…, dù không đến nỗi đáng sợ như các cảnh trong phim hành động Mỹ, nhưng có lẽ cũng đủ viết thành một kịch bản phim đặc sắc trên VTV3.

Tôi nhớ tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu tả lại một hình ảnh lộng lẫy: Một chiếc thuyền lồ lộ ra trước làn sương mù sáng sớm của góc biển, trên mũi thuyền là hình ảnh của người phụ nữ làm nghề chài lưới cùng với những đứa trẻ, tạo nên một cảnh đất trời khó kiếm với nhà nhiếp ảnh, với nét đẹp của nghệ thuật.

Nhưng nào ngờ đâu, sau màn viễn cảnh đẹp đẽ trước mắt ấy lại chứa những bất công, chiếc thuyền cập vào bờ, một người đàn ông thô kệch, nước da cháy nắng, cầm trên tay roi vọt, lôi người phụ nữ cùng những đứa con ra khỏi thuyền đánh đập tới tấp. Tác giả cuộn phim ảnh giật nảy với những gì mình đã chụp được… Ở nơi tôi sinh ra cũng khiến bao nhiêu người giật nảy, vì một cảnh đẹp thôn quê giả tạo, ngụy trang để làm bình phong cho những điều bất công. Những cảnh chồng ép vợ đi bán ma túy, cảnh bố yêu cầu con phải đi… đưa hàng. Đó chính là trường học đắt nhất tôi từng thấy.

Lúc 3 chị em tôi nháo nhác loạn xạ, buồn bã, một bà tiên xuất hiện giống như trong các truyện cổ tích mà chúng ta thường đọc. Đó là bác gái tôi, chị gái ruột của bố. Đầu tiên, chỉ cần thấy bác ấy xuất hiện, thì đã là một người phụ nữ vô cùng nhân hậu. Nhà bác chỉ cách nhà tôi 3m, câu đầu tiên nói khi bác ấy đến: "…Hãy lên ăn cơm nhà bác, ruộng vườn để bác chăm giúp đến khi chúng cháu biết làm, và phải tự về nhà ngủ để trông nhà"… Vậy là 3 chị em tôi không phải vào cô nhi viện, những "loài thú săn mồi" cũng bớt phần nguy hiểm. Có người hỏi, ông bà nội ngoại đâu?

Tôi chợt thắt tim. Bên ngoại cũng chìm trong ma túy, nhà này không có người nghiện ngập thì cũng lại phải vào trại cải tạo. Nhà không liên quan đến tệ nạn thì lại đói nghèo, còn nghèo hơn nhà tôi trước kia. Bên nội, nói gần hơn là nhà ông nội tôi, cũng chỉ cách nhà tôi vài mét, ông bà tôi đang khốn khổ, khốn cùng, khóc ngày khóc đêm vì mấy ông chú nghiện ngập của tôi. Ông tôi lấy đất đai, ruộng vườn bán gần hết để lo những hậu quả bi kịch. Ông bà đã đuối sức lắm rồi, tâm trí rối ren lắm rồi, thì nghĩ và lo với lắng gì được cho 3 chị em tôi?!

Các bạn đang thắc mắc sao lại hàng đống người họ hàng nhà tôi và nhiều người ở nơi tôi lại xúm vào các tệ nạn như vậy. Bố mẹ tôi cùng sinh năm 1970, Lúc bố mẹ tôi lấy nhau là đầu năm 1987, một năm sau chị tôi ra đời, đến lượt tôi, rồi em gái tôi. Thời điểm đó kinh tế rất khó khăn, ở nông thôn thì lại càng khốn khổ hơn: khoai sắn… trộn cùng cơm ăn là tốt lắm rồi, lo ăn cơm còn chưa nổi, học hành xếp ở đâu cũng không phù hợp. Cuộc sống khó khăn như vậy trôi qua cho đến khi tôi học lớp 5.

Đến năm tôi học lớp 6 thì tôi mới biết thằng ma túy, tôi không biết nó đến chính xác vào năm nào, nhưng chắc nó đến từ khi tôi học cấp một, lúc mọi người ở chỗ tôi còn đang đi đào khoai sắn về để làm bữa ăn qua ngày. "Thằng ma túy" lúc đó đã đi ngao du sơn thủy khắp thế giới mệt nhừ người ra rồi, và quyết định tá túc tại vùng quê tôi một đêm.

"Thằng ma túy" không chịu ngủ yên, nó đi lượn lờ âu yếm khắp nơi tôi ở, mọi người thấy nó thướt tha và đem cơm ăn, rượu thịt… đến nhanh quá. Vậy là mọi người cùng đổ xô, xắn tay áo, dọn dẹp hành lý đi theo nó, cứ một người đi lần đầu lại được nhiều tiền, kéo theo dần dần… Giống như những chú sư tử con học sư tử mẹ cách săn mồi, mồi của trước mắt, của bữa ăn nóng sốt, mà không biết sau miếng mồi là những gì…!

Kết quả việc dừng chân của thằng ma túy để lại nơi tôi ở từ đó trở đi, các bạn biết đấy là muôn trùng các tệ nạn kéo theo, một tệ nạn đáng sợ hơn là chiến tranh.

Vậy là nguồn sống duy nhất của 3 chị em tôi từ lúc đó là bên nhà bác, nhà bác thật sự rất khó khăn, nhà bác thì có 5, 6 người, cộng thêm 3 miệng ăn của 3 chị em tôi là gần lập nên một doanh trại quân đội. Bên nhà bác chỉ có một người anh họ là được đi học, anh hơn tôi 3 tuổi. Còn lại cả nhà phải cặm cụi làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Chúng tôi vẫn xin bác cho 3 chị em tôi được tiếp tục đi học. Trước lúc bố tôi ra đi, câu cuối cùng bố tôi để lại: “Đời bố mẹ đã chịu nhiều khổ cực, vì không có kiến thức. Các con hãy cố gắng học hành, dù nghèo vẫn phải học, đói rách vẫn phải đàng hoàng mà đói rách, đừng làm những việc xấu…".

Tiềm thức tôi đã hằn sâu những câu nói đó và là nguồn lực để chúng tôi tiếp tục đến trường. Thật may mắn là 3 chị em tôi vẫn còn ruộng để làm ra gạo ăn, vườn để trồng rau. Thu hoạch lúa xong có phần để lại gạo ăn, một ít dư để bán và đã bớt được nhiều chi phí cho nhà bác và có phần trang trải chi phí đi học.

Chúng tôi sống rất vui vẻ, nhà bên bác nghèo thì nghèo thật đấy nhưng tình cảm thì lại thật giàu có. Trong một ngày, nếu buổi sáng đi học thì buổi chiều làm, và ngược lại. Nếu được nghỉ, chị em tôi lên rừng lấy củi chăn trâu, cắt cỏ cho cá…. Có một điều vô cùng hạnh phúc rằng những người anh em họ của tôi không ai mắc vào tệ nạn, cuộc sống chung êm ả như vậy cho tới khi tôi học hết lớp 10.

Đầu năm lớp 11, gia đình tôi đón nhận một cơn mưa lạnh băng nữa. Người mà tôi không bao giờ ngờ tới. Bác gái tôi! Bà tiên đã cứu vớt ba chị em tôi khi còn là những chú gà con lạc mẹ. Người làm lụng nuôi nấng chúng tôi. Một cảnh tượng xót lòng. Chúng tôi ôm nhau khóc. Thật cay đắng...

Tôi nhớ tới người chú họ, nhà cách nhà tôi 10 bước chân. Chú sinh năm 1982, mất năm 2008, vài năm trước khi bước vào tuổi tuổi 26, chú nghiện ma túy và nhiễm HIV. Một cô gái kém chú 2 tuổi vẫn nguyện lấy chú làm vợ. Nhưng rồi, tình yêu đã không giữ chú lại được. Vì ma túy và AIDS đã kéo chú rời bỏ người phụ nữ yêu thương mình nhất trên đời. Tôi cũng nhớ hoài cảnh tượng ở năm tôi 15 tuổi tôi lại in hằn một cụ già 70 tuổi lụm khụm chạy theo người con trai duy nhất để bấu víu, nhằm giữ lại chiếc tivi, tài sản quý giá cuối cùng trong nhà, để bán lấy tiền chích ma túy.

Cụ già vừa rơi những giọt nước mắt cuối cuộc đời vừa nói: “Con ơi hãy về đi hãy bỏ ma túy và về với mẹ đi”! Nhưng người con đó đã lỡ bước sâu vào một con đường không thể quay đầu. Và bây giờ là người bác mù chữ đáng thương của tôi, người duy nhất mà 3 chị em tôi còn có thể nương tựa, cuối cùng cũng đã gục ngã trước cuộc sống. Bác ấy phải chịu hình phạt 8 năm tù, bắt đầu thụ án từ năm 2006…

(Trích email của bạn đọc gửi về chia sẻ với Vì Văn Nguyên)

Bạn đọc Lam Nguyễn Thiên Hà (TPHCM) chia sẻ: "Nguyên thân mến! Xin được nói lời chia sẻ với ba chị em, đã không may mắn khi phải đối diện với sự cố đau đớn của gia đình. Tất nhiên, dù là ai đi nữa, đã phạm tội nặng như buôn bán ma túy thì phải chấp nhận hình phạt mà thôi. Chị không thể bênh vực được bố mẹ em. Nhưng vừa thấy lo và vừa thấy phục ba chị em của Nguyên, đã dũng cảm vượt qua để tiếp tục học. Mong rằng, các em sẽ tiếp tục vượt qua sóng gió để thành người có ích".

Anh Nguyễn Vũ Trường Sơn (Hà Nội) tâm sự: "Anh đã nhiều lần đi Sơn La, Điện Biên… công tác, và luôn nhận ra những bất trắc có thể xảy ra với những người dân nghèo khó như bố mẹ em. Bởi vì cái nghèo sẽ khiến người ta mờ mắt trước cám dỗ của những đồng tiền đến một cách chóng vánh. Anh rất khâm phục chị gái em, người đã làm lụng để nuôi hai đứa em ăn học và giờ lại vào được đại học. Chỉ mong em và cô em gái sẽ tiếp tục được học để mai mốt sẽ thành người tốt".

Bác Phạm Duy Nghĩa (Hải Phòng) thì phân tích: "Bố mẹ cháu đã không là tấm gương tốt. Nhưng thật may mắn là các cháu đã có một nơi nương tựa. Bác tin là các cháu sẽ vượt qua được khó khăn này. Trải qua sóng gió, chúng ta sẽ vững tin hơn vào tương lai. Chắc chắn các cháu sẽ là những người nghị lực trong cuộc đời"…

Vì Văn Nguyên - CSTC tuần số 77
.
.
.