Bán trứng người - Niềm đau cơ cực

Chủ Nhật, 01/05/2011, 15:39
Chị Hà, quê ở Hà Nam kể, mấy tháng trước, chị đã phải mua trứng của một phụ nữ làm nghề đánh giày, quê Thanh Hóa. Chọc trứng hai lần, khi bác sĩ đưa phôi vào tử cung chị thì phôi không bám vì thành tử cung mỏng quá. Tốn mấy chục triệu tiền tiêm thuốc, chưa kể mỗi lần chọc trứng, phải bồi dưỡng một số tiền cũng tương đương như thế cho cô ấy.

"Em vì bất đắc dĩ thôi chị  ạ, chứ chả ai muốn con mình làm con người khác, nó sinh ra thế nào, mặt mũi hình dạng ra sao, rồi lớn lên sướng hay khổ, mình cũng đâu có biết. Vào nhà tử tế thì không nói làm gì, chẳng may rơi vào đúng nhà chả ra sao, càng nghĩ em càng thấy có tội. Nhiều khi ngồi bần thần không biết núm ruột của mình giờ ở phương trời nào, em cứ lạnh hết cả người. Mà gọi điện cho người ta thì họ đổi số, cũng không cho địa chỉ..." - chị Vân, người đàn bà ngoài 30 tuổi, đã từng một lần bán trứng của mình cho một người phụ nữ hiếm muộn, vừa nói vừa sụt sùi.

Quá trình tìm hiểu về việc chữa trị vô sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi chợt phát hiện ra những cảnh đời đau đớn, mà vì một lý do nào đó, họ buộc phải bán trứng của mình, giấu chồng, giấu con... 

Bán trứng để cứu cha

Trong căn phòng trên tầng 3 của khu tập thể có thể nói là cũ nhất, xấu nhất và xập xệ nhất Hà Nội ở đằng sau ga Trần Quý Cáp là nơi vợ chồng chị Vân tá túc. Gọi là phòng cho nó giống cái nơi mà con người ta có thể nằm, ngồi, chứ nơi ở của vợ chồng chị Vân chiều ngang vừa đúng mét mốt, chiều dài vừa đủ để một người đàn ông cao 1,65m nằm, còn nếu ông nào cao từ mét bẩy trở lên, đảm bảo khi ngủ, hai chân sẽ phải... gác ra bậu cửa. Có duy nhất một cửa vào nhỏ xíu, không cửa sổ, trần nhà thấp lè tè, ánh đèn vàng vọt hắt xuống thân hình một người đàn ông cởi trần. Đó chính là chồng chị Vân, anh ta vừa hết một ca lao động làm phụ hồ nên lăn ra ngủ.

Chị  Vân mời chúng tôi vào "nhà", loay hoay không biết xếp cho khách ngồi đâu. Tôi và cô bạn đồng nghiệp ái ngại nhìn "căn nhà". Chị Vân phân trần: "Thế mà cũng năm trăm đấy chị ạ. Giá cả tăng nên giá nhà thuê cũng tăng theo". Vừa biết ý định của chúng tôi, chị vội vàng kéo xuống tầng một. Người đàn bà thoăn thoắt leo qua cái cầu thang không ưa các thể loại guốc cao gót, thoắt cái đã xuống đất, ngóc cổ lên chờ chúng tôi. Dưới ánh đèn đường nhập nhoạng, chị Vân kê dép ngồi phệt xuống vỉa hè, bắt đầu câu chuyện đời mình.

"Em ra Hà Nội cả chục năm rồi các chị ạ. Quê em nghèo lắm, cả cái huyện nhà em rủ nhau ra thành phố hết. Chị cứ đi cả Hà Nội, dân đánh giày, bán báo, bán hàng rong, nhiều nhất vẫn là quê em" - người đàn bà mới ngoài 30 này hay chuyện, thân hình tròn lẳn, khá trắng trẻo, dù cả ngày lăn lộn trên đường với gánh khoai lang, lạc luộc. Mới năm ngoái đây, bố chị bị mấy thằng thanh niên thuộc dạng "ác ôn vùng nông thôn" đi xe máy lạng lách, đâm cho trúng 2 cẳng chân rồi vứt ông cụ nằm đấy, chúng hò nhau chạy.

Đến khi dân làng phát hiện được mới đưa ông cụ ra trạm y tế, ở đây họ nói phải đưa lên tuyến trên, lên huyện rồi lại lên tỉnh, đến khi đưa ra Bệnh viện Việt - Đức thì các bác sĩ mới hết hồn bảo, suýt nữa thì phải cưa hai cái chân. "Em chăm ông cụ ở Việt - Đức mấy tháng trời. Ăn tiêu ở Hà Nội tốn kém vô cùng, em giỏi lắm một ngày cũng chỉ kiếm được một trăm nghìn tiền lãi, anh nhà em thì có khi chủ họ nợ lương mấy tháng còn chưa trả, giờ lại thêm ông cụ, thuốc men, viện phí, em chóng hết cả mặt".

Số người đến bệnh viện chữa vô sinh ngày càng nhiều.

Đúng lúc khó khăn nhất ấy, chị Vân được một người tên L., người này bán hàng gần cổng viện Việt - Đức hỏi han, thỉnh thoảng còn vào thăm bố chị Vân và cho ông cụ tiền. Đến khi tình thân giữa chị Vân và người đàn bà tên L. đã thắm thiết đến mức bà L. đi đâu cũng gửi cửa hàng cho chị Vân bán hộ thì chị Vân đã thấy bà này coi mình như em gái trong nhà.

Giữa Hà Nội ồn ào tấp nập, "triệu người quen có mấy người thân" mà lại có một người nhận làm chị kết nghĩa, chị Vân thấy lòng mình như được sưởi ấm. Mọi công việc nhà bà L., từ ma chay cưới hỏi đến giỗ chạp, chị Vân đều có mặt, tất nhiên là những công việc bếp núc. Chỉ thế thôi chị đã thấy hãnh diện với những người hàng xóm cùng quê mình lắm rồi. Một hôm, bà L. dẫn một phụ nữ còn khá trẻ tới gánh hàng lạc luộc của chị Vân, bà L. giới thiệu, chị này là người em họ của bà, quê ở Quảng Ninh, rất thích ăn... lạc luộc nên buổi đầu gặp mặt, chị này đã mua hộ chị Vân gần hết mấy cân lạc.

Vài hôm sau nữa, khi đã trở thành khách hàng quen của chị Vân thì chị này mới thổ lộ, rằng buồng trứng của mình có vấn đề nên vợ chồng lấy nhau cả chục năm rồi mà không có con, được bà L. giới thiệu chị Vân là "em kết nghĩa" nên rất yêu quý chị Vân và mong muốn được chị Vân cho... trứng.

"Em nghe chị T. đề nghị thế thì cũng hoảng, nhưng bà L. đã trấn an em rằng, cho trứng không việc gì đâu, chính bà trước đây cũng từng cho trứng 4-5 lần rồi mà bây giờ vẫn béo tốt có sao đâu. Em chưa kịp trả lời thì chị T. đã quỳ xuống van xin em. Em sợ quá bảo, thôi để em về suy nghĩ đêm nay đã. Chị T. hứa, nếu em đồng ý sẽ cho em tiền để chữa trị cho bố em bao giờ khỏi thì thôi".

Và một sự thỏa thuận miệng đã được thực hiện giữa chị Vân với người đàn bà mới quen T.. "13 hay 14 lần gì đó, em được đưa vào bệnh viện tiêm thuốc. Em cũng không nhớ họ tiêm thuốc gì, tím hết cả bụng, cả đùi, đau lắm. Có một lần, họ bảo phải tiêm vào đúng 12 giờ đêm. Em không biết làm thế nào để trốn chồng nên giả vờ đau bụng để xuống dưới đi ngoài. Em chạy một mạch đến bệnh viện để họ tiêm xong rồi lại cắm cổ chạy về. Đến một hay là hai hôm sau gì đó, họ bắt đầu chọc trứng. Em bị gây mê có biết gì đâu, đến khi tỉnh lại thì thấy mình đang phải truyền nước. Đau lắm chị ạ. Đến giờ bụng nó vẫn tưng tức như có cái gì trong đó".

"Thế chị T.. có giữ lời hứa không?" - tôi hỏi chị Vân. "Từ hôm ấy em không gặp lại chị T. nữa. Duy nhất có một lần, em thấy chị ấy bịt khẩu trang kín mặt vào bệnh viện khám thai, nhìn thấy em, chị ấy lẩn mất. Hình như chị ấy sinh con trai kháu khỉnh lắm. Em nghe nói chị ấy đưa mấy chục triệu cho bà L., nhưng bà ấy chỉ đưa lại cho em 10 triệu thôi. 10 triệu thì chưa đủ một nửa tiền viện phí".

Giấu chồng, cứu con

Dọc hành lang trước Trung tâm hỗ trợ sinh sản thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày nào cũng đông nghịt phụ nữ tới khám vô sinh. Ngồi nghe các câu chuyện của họ, mới thấy tạo hóa quả là khéo biết đùa. Có người 14 năm đi đền nọ phủ kia, khắp trong Nam ngoài Bắc cầu tự, uống không biết bao nhiêu loại thuốc đông tây y kết hợp, vậy mà vẫn tịnh không có nổi một mụn con.

Trong vai những người cần trứng, chúng tôi lang thang trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương cả tuần liền và nhanh chóng thân quen với mấy chị bán hàng nước, hàng rong. Một chị hàng nước thì thầm: "Trưa mai quay lại đây rồi chị gọi cho bác sĩ X., không mua không bán gì đâu nhé, em cần trứng, bác sĩ X. sẽ giúp em tìm được người cho trứng, thỏa thuận thế nào là giữa hai người...". Chị hàng rong lại chỉ mối khác: "Cứ vào khu trọ ở sau ga Trần Quý Cáp ấy, hỏi chị T., lần trước chị T. cũng bán trứng cho một người hiếm muộn. Nhưng chị này chọc trứng nhiều nên nhìn da dẻ lúc nào cũng xanh mướt".

Chị  Hà, quê ở Hà Nam kể, mấy tháng trước, chị đã phải mua trứng của một phụ nữ làm nghề đánh giày, quê Thanh Hóa. Chọc trứng hai lần, khi bác sĩ đưa phôi vào tử cung chị thì phôi không bám vì thành tử cung mỏng quá. Tốn mấy chục triệu tiền tiêm thuốc, chưa kể mỗi lần chọc trứng, phải bồi dưỡng một số tiền cũng tương đương như thế cho cô ấy.

"Cô đánh giày khổ lắm. Mình đã đến nhà cô ta trọ, ở chân cầu Long Biên ấy. Cô này có tới 2 cậu con trai, một cô con gái nhưng đứa con gái bị bỏng cám lợn, biến dạng toàn thân. Cô ấy cần tiền chữa trị cho con nên nhận lời cho trứng, chứ mình biết, nếu không vì hoàn cảnh, chẳng ai chịu làm việc ấy đâu. Giúp được mình, họ có phúc, mà giúp được việc chữa bệnh cho con họ, mình cũng thấy nhẹ lòng. Mình thì cần con, người ta thì cần tiền, đành san sẻ cho nhau vậy".

Chị  Hà cho chúng tôi địa chỉ nhưng dặn: "Đừng nói mình giới thiệu nhé, vì cô ấy phải giấu chồng đấy, chồng cô ấy mà biết thì giết chết". Chúng tôi lần theo địa chỉ tới chân cầu Long Biên. Lại một căn phòng xập xệ, hôi hám, nằm cạnh một đống rác đầy ruồi. Chồng chị Tân đi đánh giày chưa về, nhưng chị thì đang lui cui nấu cơm trên chiếc bếp than tổ ong khói mù mịt.

"Các chị may đấy, chứ bình thường giờ này em chưa về đâu. Hôm nay thứ 7 nên em cho cháu ở bệnh viện về chơi" - chị Tân vừa nói, tay vừa thoăn thoắt nhặt rau. Cô bé khoảng 4 tuổi nằm trên giường, liên tục gọi "mẹ ơi" bằng cái giọng nửa nũng nịu, nửa đau đớn do cô bé mới được bác sĩ ghép da.

"Các chị chỉ nói chuyện đến khi nào chồng em về thôi nhé, anh ấy không biết em bán trứng đâu. Tính anh ấy cục súc, thô lỗ lắm. Mấy hôm trước đi đánh giày, có đứa nào nó ác mồm bơm vá, "vợ mày đi bán trứng, sắp mua xe máy cho mày làm xe ôm đổi nghề rồi", thế là bữa ấy em ăn đòn đủ. Anh ấy về, chưa hỏi câu gì đã đạp em bắn vào tường rồi tra hỏi: "Ai cho mày đi bán trứng? Mày có biết làm thế là mày vứt con mày đi không?", nhưng em lắc đầu lia lịa. Khổ thế đấy, cần tiền cứu con thì em phải cắn răng thôi, em có dám dùng một đồng để mua cái gì cho riêng mình đâu, nói các chị không tin chứ bữa cơm trưa em ăn chỉ hết 3 nghìn thôi, thế mà cũng phải giấu giếm cứ như đi ăn trộm, ăn cắp vậy".

3 nghìn một bữa cơm trong thời bão giá này, có tin được không? Bát cơm 3 nghìn của chị Tân gồm có hai lưng cơm được nấu bằng loại gạo trung bình kém ở một hàng cơm bụi mà đã có thời gian chị Tân rửa bát cho họ. Bà chủ thương tình vừa bán vừa cho. Thức ăn hôm nào sang lắm thì có thêm 2 miếng thịt luộc mỏng dính, còn bình thường chỉ có rau và mấy hạt lạc rang mặn kèm một bát canh, chan vào bát cơm nuốt cho nhanh. Bao nhiêu tiền dành dụm được, chị dành chữa lành vết thương cho con hết.

Tôi lặng người nghe câu chuyện của chị Tân và ngắm cô bé con đang đau đớn vì những mảng da đang lên da non. Đúng là chỉ có tình mẫu tử mới khiến người đàn bà ấy phải hy sinh đến thế. Người đàn bà ấy chưa từng được đi học, chưa một ngày đến trường làng, "trình độ văn hóa" của chị chỉ đủ để giúp chị viết được dòng tên mình bằng chữ... in hoa không dấu. Nhưng chị sẵn sàng cắt một phần cơ thể của mình ra để cứu con. Làm được như thế, hình như đối với tôi, chị đã là một người mẹ anh hùng.

"Hơn một chục ngày bị tiêm thuốc, em tím tái cả người. Mà chuyện vợ chồng bác sĩ bảo phải kiêng. Mỗi khi anh ấy động vào người, em giả vờ nhăn nhó bảo, "chả hiểu sao dạo này em mệt lắm", mà đúng là em mệt thật, cái thuốc nó kiểu gì đó, đến bây giờ nhiều lúc cứ thấy đơ đơ. Chồng em không tin, lại nghi ngờ có thằng nọ thằng kia, rồi cáu bẳn, đánh đập, nhục lắm chị ạ".

Vì lý do tế nhị, chúng tôi không thể đăng ảnh những người đàn bà bán trứng như chị Tân và chị Vân lên báo được. Đơn giản, họ không muốn bị thiên hạ chế giễu và quan trọng hơn cả, nếu chồng họ biết sẽ không tránh khỏi những trận đòn vũ phu (dù những ông chồng này chưa chắc đã một lần cầm đến tờ báo). Họ chưa bao giờ đáng thương hơn thế!

Những người gặp được người cần trứng trực tiếp rồi hai bên tự thỏa thuận như chị Tân không nhiều, hầu hết họ phải qua môi giới, tuy rằng, hoạt  động này thời gian gần đây là vô cùng khép kín và  những người trong cuộc rất cảnh giác. Cũng có những người đã coi việc bán trứng là một nghề để kiếm tiền trong một thời gian nhất định. Vấn đề này có lẽ đến lúc phải có một chế tài pháp lý điều chỉnh. Trong một bài viết khác, chúng tôi sẽ đề cập tới bạn đọc

Đinh Hiền - Ngọc Anh - CSTC tuần số 53
.
.
.