Bệnh nhà mạng: Thích thì up, không thích thì gỡ

Thứ Sáu, 06/05/2011, 16:19
Đấy là bệnh chung của một số báo mạng, diễn đàn xã hội đang loạn cào cào hiện nay. Chẳng hiểu có phải vì tranh nhau thông tin hay không, (theo kiểu "nó" có tin "diễn viên A cướp chồng của nữ doanh nhân" thì mình cũng phải có tin "ca sĩ T với nghi án gái bao") mà các nhà mạng thi nhau "up", đánh vào thói tò mò, thích soi đời tư người nổi tiếng của một bộ phận độc giả.

Rõ ràng là lượng truy cập tăng rào rào. Thi nhau "up" đến nỗi, thông tin được đăng tải không hề được kiểm chứng vì không có cơ hội kiểm chứng, vì không có thời gian, hay vì tâm lý: Sai thì sửa, chửa thì... đẻ. Chẳng giống anh báo giấy "bút sa gà chết", đã đăng lên giấy rồi thì có sửa đằng trời, muốn sửa phải "nói lại cho rõ". "Chuột" trong tay ta, chỉ cần mấy cú click, nào hoa hậu, nào ca sĩ, đang khỏa thân cho chiến dịch bảo vệ môi trường, thoắt cái đã trang nghiêm áo dài.

Quyền của nhà mạng thế thì cũng to thật. Nhưng đợi đến khi nhà mạng sửa sai thì khác nào "bắt được vạ má đã sưng". Không phải sưng bình thường mà sưng vù, sưng đến tái tê người ngợm.

Sai thì sửa...

Buổi sáng đẹp trời, tôi vào Google tìm lại bài viết của mình từ cách đây hơn một năm, kết quả là một trang báo mạng đã lấy lại, đẩy lên dài sườn sượt. Sướng rơn người, thật không biết nói gì để cảm ơn trang báo mạng nọ đã chọn bài của mình up lên hầu bạn đọc (thôi thì đăng ở đâu mà có bạn đọc ủng hộ thì cũng là quý đối với cánh nhà báo rồi).

Đọc đến gần hết bài, bỗng tôi giật nảy người vì cái tên tác giả. Lạ hoắc lạ huơ. Cha mẹ ơi, từ thuở cầm bút viết báo, chưa bao giờ tôi có bút danh ấy, rõ ràng là anh chàng nào đó tự tiện lắp tên vào cho đủ khoán bài đây. Tình trạng xào bài, ăn cắp đề tài thì xảy ra như cơm bữa trong làng báo, tôi cũng không lấy đó làm điều, nhưng nếu ăn cắp một cách trắng trợn rồi thay tên mình vào thế này thì rõ là không ổn. Tôi quyết định gọi điện đến tòa soạn trang báo nọ.

Đầu dây bên kia rất nhũn nhặn: "Xin lỗi chị, thế hóa ra đó là bài của chị ạ. Vâng, xin chị cho cái bút danh để chúng tôi điền vào ạ. Chắc tại phóng viên của chúng tôi sơ suất quá...". Kèm theo vài câu thanh minh thanh nga và giọng điệu vuốt ve chả hiểu thế nào mà tôi lại cũng thấy... xuôi xuôi. Vài phút sau thì tên tác giả đã được thay. Sai thì sửa kiểu này quả là đơn giản như... đan dở nhỉ!

Việc thay tên tác giả chỉ là chuyện "con tép đậu trên mép con mèo", bé tí tị tì ti. Có những thông tin được up khiến người trong cuộc nổi da gà, nổi khùng, nổi điên, thậm chí bức xúc và có những hành động quẫn trí không lường hết được hậu quả.

Mới đây nhất, ca sĩ Hiền Thục bị một diễn đàn xã hội lôi ra làm "món nhậu" trong lúc buôn dưa lê. Các nick name tham gia thảo luận về ca sĩ Hiền Thục xung quanh vấn đề "cô là gái bao của một đại gia" với những thông tin kiểu thông tấn xã vỉa hè, kiểu "nghe nói", kiểu "theo nguồn tin riêng". Bằng chứng mà họ đưa ra là "nghe nói" cô này thường có hành động thắm thiết với một đại gia ở sân bay Tân Sơn Nhất, rằng cô này ngày xưa rất nghèo mà bây giờ không thiếu thứ gì.... Đại loại thế.

Chuyện chỉ có vậy thì cũng vẫn dừng lại ở các trang mạng chuyên dành cho các bà nội trợ tranh thủ lúc con ngủ lên buôn chuyện, những người bạn trên mạng đều ảo, thảng hoặc mới gặp nhau ngoài đời, thế nên tha hồ "chém" mà không bị bóc mẽ.

Hiền Thục, diễn viên Hồng Ánh, Hồ Ngọc Hà.

Nhưng khốn nạn thay, trong một ngày trời... xấu, mưa phùn lẹp nhẹp, có phóng viên báo mạng nọ, không xách xe ra đường được, đành lang thang trên mạng "hóng hớt", bỗng nhiên vớ được câu chuyện các bà nội trợ đang bàn về ca sĩ Hiền Thục, thế là vội vàng gọi điện về cho sếp: "Em có tin nóng rồi sếp ơi, đảm bảo chiều nay mạng mình câu view cứ gọi là chiu chít".

Và cũng chỉ phút mốt, một tin "hot", giật đùng đùng "Ca sĩ Hiền Thục với nghi án "gái bao"" ra đời. Tất nhiên là người viết bài không khẳng định, không bình luận, chỉ "khách quan" đưa tin thế thôi.

Theo kiểu "viết thế đấy, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu". Kiểu "tạo sự kiện" trong thời buổi làm báo khó hơn lên trời thế này khiến các nhà báo chân chính không phục, đến nỗi ngay sau bài viết "Ca sĩ Hiền Thục với nghi án "gái bao", một bài báo khác (có lẽ tác giả là một nhà báo chân chính) đã ra đời với cái tít: "Hiền Thục làm gái bao hay truyền thông bán rẻ ngòi bút?" - một cái tít có thể nói mô tả quá thực và quá đúng cái cách làm báo vô trách nhiệm của một số phóng viên báo mạng hiện nay.

Độc giả hiểu gì ạ, sau khi đọc xong thông tin ấy? Người viết bài này không phải họ hàng hang hốc gì với ca sĩ Hiền Thục, cũng không phải là PV văn hóa chuyên viết bài PR cho người nổi tiếng, và ngoài đời cũng chưa từng gặp mặt ca sĩ Hiền Thục, nhưng tự thấy trong lòng dâng lên một nỗi bức xúc cho cô ấy, trong tâm thế của một độc giả tử tế.

Nhiều lắm những thông tin với nội dung đại loại như thế, đến nỗi một cô bạn làm báo lâu năm, sau bữa cơm trưa văn phòng, ngồi uống nước trà, chép miệng: "Thời buổi làm báo sự kiện ít, buồn như con... chuồn chuồn. Có cô ca sĩ nào hở ngực, anh người mẫu nào lộ ảnh nóng là y như rằng trở thành đề tài hot, có khi tôi với bà phải làm mấy cái nick lên diễn đàn chém gió tả tơi, tung lên vài cái tin hỏa mù, rằng "cô hoa hậu nọ đi cướp chồng", rằng "cô ca sĩ kia từng là gái nhảy" cho anh em làm báo nhảy vào khai thác chơi".

Không hiểu có phải vì tiêu chí phải nhanh, phải hot, mà thông tin đưa lên một vài trang báo mạng không hề được kiểm chứng, hầu hết là thông tin một chiều, dạng "nghe nói". Thậm chí, có phóng viên cất công lò dò vào một số trang mạng xã hội, "hóng hớt" được vài tin vịt, thêm tí mắm tí muối, biến thành bài hot của mình. Làm báo thời "nhanh, hot" kiểu này, ngẫm về khía cạnh đạo đức quả là thấy xa xỉ thế nào.

Khi nhà mạng là "ông bầu"

Thông tin trên blog cũng được khai thác triệt để. Đó là một trong những nguồn tư liệu của nhiều phóng viên hiện nay. Mới đây, diễn viên Hồng Ánh cũng dính "nghi án cướp chồng" - thông tin được khai thác từ FB của một người tạm cho là "bị cướp chồng" với những lời lẽ kết tội diễn viên Hồng Ánh nào "giật chồng", nào "không đủ tư cách, đạo đức".

Những bức xúc riêng của nữ doanh nhân nọ bỗng nhiên được đẩy thành vấn đề chung, thành đề tài hot để độc giả mổ xẻ về tư cách, đạo đức của diễn viên này. Đành rằng là khách quan, đành rằng là đưa thông tin hai chiều (hiểu nôm na là cho cả hai bên phát biểu, bên nào thắng là tùy độc giả quyết định), nhưng vô hình chung, sự kiện nọ đã được hiểu theo một khía cạnh khác, nhất là trong thời điểm nhạy cảm khi diễn viên Hồng Ánh tham gia ứng cử trong một cuộc bầu cử sắp tới.

Có những vấn đề khi được làm rõ thì người trong cuộc đã bị lỡ mất rất nhiều cơ hội. Nhưng quan trọng là những cái lỗi ấy (nếu có) của người nổi tiếng, cũng chẳng ai đưa họ ra được tòa án nào, nhưng hậu quả là bia miệng, là tai tiếng còn theo họ cả đời, vì những cái kết tội rất... báo chí.

Giật nảy người trong thời gian này, là cái thông tin "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nghi án đạo nhạc". (Lại một "nghi án"!). "Nghi án" ấy được vài trang điện tử đăng tải theo nguồn từ "một blogger đặt nghi vấn về việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đạo nhạc, ông đã sáng tác ca khúc "Con mắt còn lại" vào năm 1992 có giai điệu - đặc biệt phần đầu - giống như tác phẩm The syncopated clock do nhạc sĩ Leroy Anderson viết năm 1945.

Tất nhiên là sau đó, các chuyên gia âm nhạc, các nhạc sĩ tử tế đã vào cuộc, phân tích để độc giả thấy rằng, không có chuyện một tượng đài âm nhạc đã đi vào lòng hàng chục triệu người dân Việt Nam với hàng trăm ca khúc bất hủ, lại có hành động xấu xa ấy. Nhưng bỗng thấy giận mấy cái nhà mạng kia, làm báo kiểu ném gói kẹo giữa chợ cho trẻ con lao vào tranh nhau, đứa nào khỏe thì vồ được nhiều, đứa nào yếu, không vồ được kẹo đã đành, lại còn bị đứa khác nó giẫm vào chân, kêu la thảm thiết.

Đưa thông tin từ blog (nghĩa là vẫn còn "theo nguồn tin từ nọ, từ kia) mà không có sự kiểm chứng, đã là sự vô trách nhiệm của người viết, nhưng áp đặt theo tư duy chủ quan của người viết thì còn tệ hơn thế nhiều. Như chuyện cô ca sĩ kiêm người mẫu xinh đẹp Hồ Ngọc Hà, bỗng một ngày dính "nghi án" gọt cằm để tân trang nhan sắc. Thế này thì quá lắm. Gương mặt của cô, cùng lắm là mới chỉnh sửa cái mũi, chứ giờ nó kết thêm cái tội "gọt cằm" thì không thể chấp nhận được, vô căn cứ quá.

Làm báo mà chỉ dựa vào mấy cái tin vịt thì trong một phút, sẽ có rất nhiều kẻ tự tay làm cho mình mấy cái nick ảo, lên mạng kể tội cô nọ, anh kia như đúng rồi, như miếng mồi nhử cho giới truyền thông nhảy vào. Điều ấy có nghĩa là gì, là rất nhiều fan hâm mộ của người nổi tiếng, vì mục đích "dìm hàng" nhau mà sẵn sàng vu cho đối thủ của thần tượng mình những nghi án xấu xa nhất. Lâu nay, từ "nghi án" rất được lạm dụng, mà đã là "nghi án" thì tính xác thực của nó bằng không. Có thể đúng mà có thể sai.

Nghĩ mà thấy đỏ mặt cho cái trách nhiệm định hướng truyền thông mà nhiều nhà báo đang khổ ải mang vác hiện nay. Cái lỗi ấy thuộc về ai, xin thưa một số nhà báo mạng? E là không có câu trả lời chính xác. Thôi đành đổ lỗi cho công nghệ, cho chuột, cho những đường truyền siêu tốc, thế nên up rồi gỡ (nếu sai), gỡ rồi lại up (nếu đúng), nhẹ nhàng, đơn giản, giống như trò ảo thuật mà nghệ sĩ chính là một số nhà báo mạng và ông bầu chính là nhà mạng

Hiền Anh – CSTC tuần số 55
.
.
.