Những chuyện chưa kể về tác giả bài thơ "Đi học"

Bí ẩn Hoàng Minh Chính

Thứ Ba, 30/08/2011, 15:12
Từ lâu những vần thơ: "Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em đến lớp" trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh. Đó là những câu thơ trong bài "Đi học" của nhà thơ Hoàng Minh Chính. Nó được tuyển chọn vào chương trình tiếng Việt lớp 2. Và sau đó được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc. Thế nhưng không mấy ai biết đằng sau những vần thơ "trẻ mãi không già" đó là câu chuyện bí ẩn về số phận và cuộc đời của nhà thơ Hoàng Minh Chính.

Mẹ vẫn mong anh về

Trong một lần vô tình tôi được gặp chú Hoàng Quốc Vinh khi chú cầm trên tay hồ sơ của người anh ruột đã mất đến cơ quan báo chí đăng tải tìm mộ. Bất ngờ đó lại là hồ sơ của nhà thơ Hoàng Minh Chính - một liệt sĩ chưa tìm thấy mộ. Được sự đồng ý của chú Vinh chúng tôi về miền trung du Phù Ninh, Phú Thọ. Nơi nhà thơ Hoàng Minh Chính đã lớn khôn và đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu.

Chú Vinh nói: "Nhà chú trên này bây giờ khác xưa lắm rồi! Nhưng những kỷ niệm về anh Chính  thì cả nhà vẫn còn nhớ lắm". Hôm đó biết chúng tôi lên thăm, mẹ Lê Thị Oanh (mẹ của nhà thơ Hoàng Minh Chính) mừng lắm. Đã 94 tuổi, lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng mẹ vẫn còn rất minh mẫn. Mẹ còn nhớ như in những kỷ niệm về người con trai thứ 2 đa tài và thương mẹ. Mẹ nói: "Thằng Chính đi mãi không về! Mấy chục năm nay ngày nào mẹ cũng ngóng nó về. Ba cây vải nó trồng trước ngày nhập ngũ mẹ vẫn giữ mong nó về ăn quả."

Lật dở những trang nhật ký, những bản thảo thơ và một vài bức thư đã ố vàng cho chúng tôi xem. Những ký ức về anh Chính lại ùa về, những giọt nước mắt còn sót lại ứa ra, mẹ nói: "Ngày nhận giấy báo tử mẹ không tin đó là sự thật. Bố thằng Chính bảo, con nó đi làm nhiệm vụ đặc biệt, người ta báo thế thôi chứ rồi nó sẽ về! Vậy mà mãi không thấy về!"

Ngày ấy (1948) khi giặc Pháp càn quét miền Bắc mẹ phải đưa chị Loan (5 tuổi, chị cả) và anh Chính (4 tuổi, thứ 2) từ Yên Thành, Ý Yên, Nam Hà (cũ) lên Phú Thọ. Mẹ nói: "Bố thằng Chính bảo lên Vĩnh Phú, nếu có chết thì cả nhà cùng chết". Vì sự an toàn của con, trong đêm mẹ đặt chị Loan và anh Chính vào 2 chiếc thúng cứ thế ngược sông Lô lên miền kháng chiến.

Mẹ Lê Thị Oanh và chú Hoàng Quốc Vinh bên 3 cây vải nhà thơ trồng trước khi lên đường nhập ngũ.

Mẹ Oanh nở nụ cười hiền hậu và nhớ lại: "Ngày ấy thằng Chính chăm chỉ lắm, giúp đỡ mẹ và các em rất nhiều. Nó hát lại hay nữa, ngày nào cũng hát xẩm cho trẻ con trong xóm nghe. Mọi người trong làng ai cũng yêu quý bởi cái tính chan hòa và lạc quan". Ngày anh Chính học cấp 1, do trường xa mẹ thường xuyên phải đưa anh đi học. Nhưng nhiều hôm mẹ bận, chị bận anh phải đi học một mình. Anh phải băng qua con suối, đồi cọ, rừng chè tới trường. Có lẽ vẻ đẹp đó đã khiến một học sinh có năng khiếu thơ tái hiện trong bài đi học khi anh mới 15 tuổi: "Cọ xòe ô che nắng/ râm mát đường em đi…".

Bản thảo bài thơ "Đi học" của nhà thơ Hoàng Minh Chính.

Khi còn nhỏ nhà thơ Hoàng Minh Chính đã bộc lộ một tài năng bẩm sinh. Năm 1955, khi mới là một cậu bé 11 tuổi anh Chính đã làm bài thơ: "Viết thư cho bà": Hòa bình vừa mới hôm qua/ Hôm nay viết thư cho bà/ Chữ viết còn run nét bút/ Cháu gửi bà ở phương xa... Hay những câu thơ mộc mạc:  "Hôm qua em bị điểm hai/ Tại vì em chẳng thuộc bài đêm qua…". Khả năng thơ phú của Hoàng Minh Chính được vun đắp khi anh bắt đầu nhập học tại Trường Hùng Vương (Việt Trì, Vĩnh Phú) (1961-1963). Những "Ngày Thơ" nhà trường tổ chức, mọi người bắt đầu biết đến một tài năng trẻ thơ ca qua những tác phẩm: Lạc mẹ, Tập làm thơ…

Lòng yêu nước từ người cha, lòng căm thù giặc thấm đẫm từ những ngày chạy giặc cùng mẹ, chứng kiến giặc càn quét quê hương, đầu năm 1964, khi đang chuẩn bị lên lớp 10 nhà thơ Hoàng Minh Chính quyết định viết đơn xin lên đường nhập ngũ.

Ngồi nhìn tấm di ảnh của nhà thơ Hoàng Minh Chính, mẹ Oanh bùi ngùi nói: "Sáng sớm hôm ấy, khi các anh trong xã kiểm tra công tác chuẩn bị trước lúc lên đường thì nó vẫn chưa chuẩn bị gì và nói với các anh cán bộ xã: Trưa mới đi mà! Để tôi cuốc ít ruộng còn lại cho mẹ rồi lên đường vẫn chưa muộn. Các anh liền can ngăn: Trưa lên đường rồi, ở nhà nghỉ ngơi, thăm hỏi bà con xóm làng! Sự nghiệp cách mạng còn dài, đuổi quân thù rồi về xây dựng quê hương vẫn chưa muộn. Cái thằng! Chuyện đi đánh giặc mà nó cứ xem như đi làm đồng ấy!".

Nói đến  đây mẹ Oanh lặng lẽ đi ra 3 cây vải anh trồng năm nào rồi mẹ khóc: " Không biết hài cốt con đang nằm ở đâu! Mẹ vẫn mong con về Chính ơi…!”.

Tình đơn phương mang ra chiến trường

Trước khi xông pha tuyến lửa, nhà thơ đã kịp gửi cho mẹ một cặp tài liệu. Vài cuốn sổ công tác và những trang nhật ký mà anh ghi chép lại những xúc cảm khi đi qua từng miền của Tổ quốc. Trong cuốn nhật ký một nửa anh ghi những bài học chính trị, nửa còn lại anh viết cho một người con gái. Người mà anh đã dành nửa cuốn nhật ký viết về cô và đã trở thành niềm tin cho một ngày vui đại thắng, đó là cô Cù Kim Hợp, bạn học cùng trường Hùng Vương ngày nào. Câu chuyện tình thật đẹp nhưng cũng thật nhiều trắc trở…

Cô Cù Kim Hợp đang kể lại những kỷ niệm với nhà thơ Minh Chính.

22 giờ, ngày 31/7/1966: "Hợp ơi! Đêm nay là cái đêm nào! Cái đêm thứ nhất cậu xa Việt Bắc, thương Hợp quá, nói với nhau cái gì được nhỉ. Tại sao chúng mình lại gặp nhau, để có nhiều vấn vương thế cậu...

Gặp Hợp rồi đêm về nhớ, ngày thì mong, sao mà khó tả vậy. Những đêm sáng trăng như đêm nay, đẹp lắm Hợp ạ! Tớ ôm cây đàn buồn nhớ Hợp. Đường vào khu bốn xa lắm Hợp nhỉ! Xa như nỗi nhớ của mình ấy Hợp ạ!...".

Khi chúng tôi đọc được những dòng nhật ký này cứ ngỡ giữa cô Hợp và nhà thơ Minh Chính đã có một mối tình sâu nặng. Và, cô là người con gái đêm ngày chờ đợi anh trở về! Thế nhưng, tình yêu Minh Chính dành cho Kim Hợp lại là một tình yêu đơn phương, mối tình mà chàng chiến sĩ trẻ đã mang theo khắp nẻo đường hành quân. Được chú Hoàng Quốc Vinh giới thiệu, chúng tôi may mắn gặp cô nữ sinh năm nào trong thơ của Hoàng Minh Chính. Hiện cô Cù Kim Hợp vẫn đang công tác tại Việt Trì, Phú Thọ. Cô đang có một gia đình đầm ấm, cùng người chồng mở trường tư thục mang tên: Trường THPT Vũ Thê Lang.

Đã gần 70 tuổi, mái đầu đã bạc nhưng cô vẫn toát lên vẻ thông minh, can trường. Cô Hợp tâm sự: "Ngày xưa học ở trường Hùng Vương cô không phải là hoa khôi. Cô chỉ giỏi thể thao và văn nghệ, ngày đó cũng chỉ biết sơ sơ anh Minh Chính thôi". Nở nụ cười hiền hậu cô đùa: "Chắc tại cô hát hay nên anh Chính thích và yêu!". Học hết lớp 9, khi cả nước đang hướng về miền Nam ruột thịt, Hoàng Minh Chính đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Vậy là bao rung động đầu đời ấy đã theo anh ra chiến trường. Hình ảnh cô nữ sinh cùng trường đã in đậm trong anh qua từng câu thơ, từng dòng nhật ký.

Vào cuối năm 1964 khi nhà thơ Hoàng Minh Chính đã trở thành một sĩ quan quân đội, anh được cử về Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên) huấn luyện quân đưa vào miền Nam. Như duyên số, chính tại nơi đây anh gặp lại cô nữ sinh Kim Hợp, người mà ngày đêm anh vẫn nhớ thương. Ngày đó cô Hợp là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lên xã Vinh Quang, Đại Từ, Bắc Thái sơ tán.

Trong đêm đốt lửa trại, giao lưu Minh Chính bỗng nhận ra tiếng hát của người mình thầm thương trộm nhớ. Anh đã băng qua bóng đêm hướng về phía ánh lửa vang lên giọng hát đó. Nhưng khi gặp người con gái anh biết nói gì đây? Chỉ biết hỏi thăm vài ba câu về tình hình học tập, sức khỏe rồi lại lặng lẽ trở ra về trải lòng với những trang thơ và nhật ký. Nói đến đây cô Hợp có chút thoáng buồn, cô nói: "Cho đến hôm đó cô vẫn chưa biết tình cảm của Chính. Tại anh ấy không nói gì, chắc có lẽ cũng buồn vì lúc đó cô đã có người yêu rồi".

Cô Hợp lật giở những trang thơ, nhật ký mà Minh Chính gửi lại trước khi vào Nam mà không khỏi chạnh lòng: "Mãi khi cô nhận được những trang nhật ký này, anh Chính đã hy sinh rồi thì cô mới hiểu tình cảm đó không chỉ là tình bạn". Cô Hợp chỉ vào bản thảo được sửa chữa bởi nét bút của nhà thơ Hoàng Minh Chính bài "Đi học" và nói: "Cho đến bây giờ cô mới biết mình là nhân vật trong 2 câu thơ: "cô giáo em tre trẻ/ dạy em h át rất hay…".

Năm 1969, nhà thơ ra Bắc lần 2, trước khi đi B thì nhận được tin Cù Kim Hợp đã có chồng. Anh đã viết lại cho chị một lá thư, có đoạn: "Hôm nay 3/9/1969, sau ba năm chiến đấu được trở về quê hương... Được tin Bác mất, Hợp thì đi lấy chồng. Trong lòng tôi, ai biết vết thương nào đau xót hơn? Mình lại đi B dài, lần thứ hai. Viết mấy chữ gửi thăm Hợp và các cháu...".

Rồi đến 11/1970, tiểu đoàn 227 bổ sung vào Sư đoàn 5. Khi đó Hoàng Minh Chính ở đại đội 13, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, là Đại đội trưởng. Đêm 7/3, để chuẩn bị cho trận đánh anh Minh Chính đã dẫn 11 đồng chí đi trinh sát địch ở Sở 5, sau khi đã chọn được cửa mở, nắm được toàn bộ cách bố trí các lô cốt và hỏa lực của địch thì tổ rút ra. Không may mắn, khi ra đến khu vực bìa rừng cao su thì bị địch phản pháo. Hai đồng chí đã hi sinh, Hoàng Minh Chính bị thương rất nặng ở mặt. Sau đó được đưa về căn cứ bên bờ sông Măng thì Minh Chính đã hi sinh.

Cố nhà thơ Trần Hòa Bình đã từng viết:

Tôi nhận viết lời bình cho sáu bài thơ, trong đó có bài "Đi học" của Minh Chính. Nhưng rồi sức hút của bài thơ tôi đã làm hơn phần việc của mình - đi tìm chân dung nhà thơ của một bài thơ nổi tiếng mà không nhiều người biết rõ về lai lịch. Chuyện trôi qua cũng đã lâu nhưng cứ mỗi khi mùa tựu trường đến, câu chuyện này lại sống lại trong tôi. 

Lúc nhận việc bình thơ thì hào hứng, nhưng đến khi ngồi vào bàn viết tôi mới thật sự thấy vất vả, không biết nên bình bán bài thơ ra sao. Lạ thế, có những bài thơ hay đến mức tự mình thấy... không nên nói gì thêm về nó nữa! Tôi cũng không biết gì nhiều về tác giả Minh Chính, ngoại trừ một thông tin đã tình cờ được nghe từ khá lâu qua đài phát thanh: Minh Chính là một anh bộ đội thời chống Mỹ, trong chùm thơ anh gửi từ chiến trường ra NXB Kim Đồng, có bài "Đi học".

Quang Anh – CSTC tuần số 73
.
.
.