Bê bối tình dục của Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF):

Bị bẫy hay ngựa quen đường cũ?

Thứ Sáu, 03/06/2011, 15:38
Sự nghiệp chính trị mà Tổng Giám đốc IMF vun đắp trong suốt 62 năm cuộc đời bỗng chốc biến thành mây khói bởi những lời cáo buộc đầy thống thiết của một cô hầu phòng người gốc Phi 32 tuổi với nhan sắc "thường thường bậc trung".

Bên kia đại dương, người vợ yêu quý Anne Sinclair vẫn kiên quyết bảo vệ sự vô tội của chồng bất chấp việc ngày càng có thêm nhiều phụ nữ lên tiếng tố cáo những hành động đồi bại của ông. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và cái mà dư luận Pháp nói riêng, thế giới nói chung quan tâm nhất chính là "tảng băng chìm" đằng sau việc bắt giữ, dẫn giải, truy tố và xét xử ông Strauss-Kahn.

Tan vỡ giấc mộng chạy đua chức Tổng thống

Có thể khẳng định rằng, dù có được minh oan hay không sau vụ bê bối ở khách sạn Sofitel tại Mỹ, ông Strauss-Kahn cũng khó có khả năng tham gia tranh cử Tổng thống Pháp năm 2012. Đối thủ mạnh nhất trong cuộc đua sắp tới đã ngã ngựa khi chưa tới vạch xuất phát. Bài học cay đắng đối với giới chính trị gia Pháp vốn nổi tiếng hào hoa và quyến rũ.

Sau những phản đối gay gắt về vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn cùng việc đưa ra các cáo buộc rằng đây có thể là một âm mưu chính trị mang tính quốc tế, các thành viên cấp cao của đảng Xã hội Pháp sáng 17/5 đã có cuộc họp khẩn về kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chạy đua với các đảng khác vào vị trí Tổng thống Pháp bởi hạn chót vào đầu tháng 7 cho các ứng viên của đảng này đăng ký tranh cử đang đến gần.

Nhiều nhà quan sát nhận định, mất đi ứng viên Strauss-Kahn quả là "đòn đau" đối với đảng Xã hội bởi 1 ngày trước khi bị bắt, ông Strauss-Kahn vẫn luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Nếu tham gia tranh cử Tổng thống, ngay từ vòng 1 của cuộc bầu cử, ông Strauss-Kahn đã có khả năng giành được khoảng 30% phiếu bầu. Đứng thứ 2 là bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (khoảng 20%). Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy (14%), đứng thứ 3. Thứ 4 sẽ là ứng viên Franois Bayrou (12%). tiếp đến là chính trị gia trẻ Olivier Besancenot (11%), cựu Thủ tướng Dominique de Villepin (5%).

Nhưng sau bê bối của ông Strauss-Kahn, đảng Xã hội buộc phải xem xét lại dàn ứng viên của mình. Những người có thể thay thế ông Strauss-Kahn trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới bao gồm bà Segolene Royal, Martine Aubry và Franois Hollande.

Trong trường hợp nhân vật Ségolène Royal đại diện Đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống lần này thì rất có thể số phiếu thu được trong vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống sẽ chỉ tương đương với bà Marine Le Pen, với 21%. Nếu Bí thư thứ nhất của đảng Xã hội Martine Aubry ra tranh cử Tổng thống thì có thể chỉ thu được khoảng 14% phiếu. Giả thuyết ông Franois Hollande đại diện cho đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống thì số phiếu thu được còn ít hơn, khoảng 10%.

"Đòn cũ, người mới"

Theo nhận định của tờ Le Monde, vụ việc liên quan đến ông Strauss-Kahn sẽ không trở thành tâm điểm chú ý của dư luận nếu ông không phải là Tổng Giám đốc IMF, người được mệnh danh là "nhà thương thảo tài chính bậc nhất thế giới" và đang là ứng viên sáng giá nhất của đảng Xã hội trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee năm 2012.

Nhưng vào thời điểm nhạy cảm như lúc này, bất chấp một sự cố nào, dù nhỏ hay lớn cũng đều có ảnh hưởng xấu đến thanh danh, uy tín và cả tiền đồ của một người như ông Strauss-Kahn. Trên thực tế, đòn tình ái không còn gì mới mẻ đối với chính trường quốc tế bởi từ cổ chí kim, đã có rất nhiều chính trị gia "ngã ngựa" vì "bóng hồng".

Báo chí đăng đậm tin bài về bê bối liên quan đến Tổng Giám đốc IMF.

Lần này ông Strauss-Kahn cũng chỉ là một nạn nhân trong cái gọi là "trò chơi chính trị". Nói thế là bởi vì người tiền nhiệm của ông là Valery Giscard d'Estaing cách đây 4 năm từng "nếm trái đắng" khi cuộc tình ngoài hôn nhân của ông bị phanh phui với chi tiết đầy kịch tính là mỗi lần đi chơi đêm với nhân tình, ông đều phải mượn chiếc Ferrari của người bạn Roger Vadim.

Khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ ngắn ngủi mà ông Strauss-Kahn định dành để thăm cô con gái đang theo học tại New York trước khi tham gia vào các chuyến công tác dài ngày với lịch trình làm việc kín mít nay đã trở thành quãng thời gian "tử thần" đối với ông. Còn căn phòng hạng sang mang số 2086 tại khách sạn Sofitel ở gần Quảng trường Thời đại với số tiền thuê là 3.000 USD/đêm có lẽ sẽ trở thành nơi mà cả gia đình ông Strauss-Kahn không bao giờ muốn tới.

Khoan nói về kết quả các cuộc xét nghiệm y tế, giám định pháp y và giám định ADN mà ông Strauss-Kahn đã phải trải qua hôm 16/5, hay sự hạ hồi phân giải vụ án của Tòa án Manhattan, chỉ cần nhìn nhận vào thực tế câu chuyện và những gì diễn tiến, không ít chính trị gia người Pháp và cả các thành viên cấp cao của đảng Xã hội đều có chung một nhận xét là nhiều khả năng Tổng Giám đốc IMF bị bẫy.

Họ nói thế bởi lẽ cho đến khi ông Strauss-Kahn trình diện trước tòa án, danh tính của cô hầu phòng - nạn nhân của vụ việc vẫn chưa được tiết lộ. Người ta chỉ biết đó là một phụ nữ gốc Phi 32 tuổi, làm việc tại khách sạn Sofitel đã hơn 3 năm và đang phải nuôi một cô con gái 16 tuổi tại khu phố nghèo Bronx. Khi được đồng nghiệp đưa tới Sở Cảnh sát New York để tố cáo vụ việc, cô hầu phòng được trùm kín đầu và sau đó được tuyên bố là đang điều trị tại bệnh viện bởi những vết thương nhỏ có do cô chống cự lại ông Strauss-Kahn.

Người phụ nữ này thừa nhận cô không biết danh tính của vị khách ở phòng 2086 và chỉ có thể nhận diện vị Tổng Giám đốc IMF thông qua mái tóc màu bạch kim đặc biệt của ông. Bản thân cô cũng không thể chắc chắn về khuôn mặt của kẻ đã tấn công mình.

Điểm thứ hai được nhiều người nhắc đến chính là sự nhanh chóng quá đỗi kinh ngạc của cảnh sát New York. Ông Strauss-Kahn được cho là vội vã trả phòng vào lúc 12h30 để rồi sau đó đúng 4 tiếng thì bị cảnh sát bắt giữ tại sân bay quốc tế John F.Kennedy. Phát ngôn viên Sở Cảnh sát New York Paul J.Browne cho biết, họ đã phải cử nhiều nhân viên đi điều tra khắp nơi, lùng tìm tung tích của ông Strauss-Kahn và trưng dụng cả máy bay phản lực, nhờ vào sự can thiệp của cơ quan quản lý sân bay để có thể bắt giữ Tổng Gám đốc IMF khi ông đã ngồi trên ghế máy bay, chuẩn bị hành trình từ Mỹ về Pháp.

Ấy thế nhưng, chi tiết này lại hơi khác với chính lời khai của ông Strauss-Kahn và sự xác nhận của nhân viên lễ tân khách sạn Sofitel bởi trước khi lên máy bay, phát hiện quên điện thoại di động, Tổng Giám đốc IMF đã gọi về khách sạn báo. Vì sao trong lúc vội vàng chạy trốn, người đàn ông 62 tuổi này lại tiết lộ rằng ông đang ở sân bay, chuẩn bị về nước?

Chưa hết, vốn là một người nổi tiếng, khi bị bắt, ông Strauss-Kahn lại không được hưởng bất kỳ một quy chế ngoại giao nào cũng như bị từ chối đóng khoản tiền khổng lồ 1 triệu USD để được tại ngoại cho đến ngày xét xử tiếp theo vào 20/5.

Hé lộ "thành tích bất hảo"

Song cái khó đối với ông Strauss-Kahn vào lúc này chính là sự xuất hiện của 2 người phụ nữ khác, những người đang tiếp tục đưa ra cáo buộc mới về việc ông từng cưỡng bức hay có hành vi sàm sỡ với họ. Tờ Bưu điện New York thì cho hay, con số phụ nữ sẵn sàng ra làm chứng chống lại Tổng Giám đốc IMF đã lên tới 5 người, danh tính của họ xin được giấu kín.

Cũng theo tờ báo này, từ năm 2007, tức là khi mới nhậm chức ở IMF, ông Strauss-Kahn đã bị một nữ nhà báo, tiểu thuyết gia người Pháp tên là Tristane Banon cáo buộc ông định cưỡng bức cô vào năm 2002 nhưng không thành. Trong buổi trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL hôm 16-5, cô Tristane Banon còn kể lại tường tận "vụ tẩu thoát" kinh hoàng của cô khỏi "sự tấn công" của ông Strauss-Kahn. Theo đó, vì là người được vợ thứ 2 của ông Strauss-Kahn đỡ đầu nên cô gái trẻ này đã tới gặp cha đỡ đầu xin tài liệu hoàn thành cuốn sách và phỏng vấn ông.

Nhưng khi vừa gặp cô, ông Strauss-Kahn đã đưa ra điều kiện là chỉ trả lời phỏng vấn nếu được cầm tay cô. Tristane Banon khi đó đã định đệ đơn kiện song mẹ cô là bà Anne Mansouret, một chính trị gia thuộc đảng Xã hội đã thuyết phục con gái bỏ qua vụ việc. Nhưng lần này, nhân vụ việc cô hầu phòng ở khách sạn Sofitel, Tristane Banon đã tự tìm luật sư và quyết tâm kiện Tổng Giám đốc IMF đến cùng.

Một năm sau tuyên bố chấn động của nữ nhà báo này, ông Strauss-Kahn lại lâm vào một bê bối khác khi Ban Giám đốc IMF mở cuộc điều tra về mối quan hệ không đứng đắn giữa ông và một nhân viên trợ tá. Khi đó, ông đã phải lên tiếng xin lỗi đồng nghiệp và gia đình.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó, chuyên viên phân tích kinh tế Piroska Nagy, một người đã có gia đình lại cáo buộc ông có quan hệ tình ái với cô. Cô đã khai rằng chính ông Strauss-Kahn đã sử dụng vị trí, quyền lực của mình để ép cô quan hệ với ông. Đổi lại, ông Strauss-Kahn hứa sẽ cất nhắc cô ở vị trí cao hơn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng điều tra, Tổng Giám đốc IMF được tuyên bố trong sạch…

Tháng 5/2010, một nhà văn được biết đến dưới cái tên Cassandre đã cho xuất bản cuốn sách của mình với tiêu đề: "DSK: Bí mật về một ứng của viên Tổng thống đầy tiềm năng" (DSK là bí danh mà người Pháp thường gọi ông Strauss-Kahn". Trong cuốn sách này, tác giả đã dựng chân dung về Tổng Giám đốc IMF như một người nghiện tình dục và chỉ thích những phụ nữ hấp dẫn.

Tác giả thậm chí còn khuyến cáo rằng, sở thích này của ông Strauss-Kahn có thể làm hại chính ông trong bước đường tham gia tranh cử Tổng thống. Bà Anne Sinclairm, người vợ thứ 3 của ông Strauss-Kahn cũng có lần phải thừa nhận rằng chồng bà là một người đàn ông quyến rũ và thích nhìn gái đẹp. Ngoài những lùm xùm trong chuyện tình cảm, ông Strauss-Kahn còn từng đối mặt với cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền nhưng sau đó lại được minh oan.

Cuộc tìm kiếm người thay thế ở IMF

24h đồng hồ sau khi Tổng Giám đốc bị bắt giữ, IMF đã tạm chỉ định Phó Tổng Giám đốc IMF John Lipsky giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc IMF. Đến chiều 16/4, tức khi ông Strauss-Kahn được dẫn giải tới nhà tù Rickers Island, Ban Giám đốc IMF có cuộc họp khẩn tại New York. Nhiều thành viên cấp cao của tổ chức tài chính quốc tế này đã đề nghị xem xét việc yêu cầu ông Strauss-Kahn từ chức.

Nhiều nhà phân tích khác thì cho rằng đây là thời kỳ khó khăn và đen tối đối với IMF bởi ngay cả quyền Tổng Giám đốc IMF hiện nay cũng bị các chuyên gia đánh giá là thiếu nhiều yếu tố để trở thành một Strauss-Kahn thứ hai, vốn được ca tụng là đã có những ảnh hưởng to lớn đến bức tranh kinh tế chính trị và xã hội châu Âu thời gian qua. Hơn nữa, theo kế hoạch được đưa ra hồi đầu tuần trước, ông John Lipsky sẽ tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 8 tới.

Hiện châu Âu đang đau đầu vì họ chưa tìm được ứng viên nào đủ năng lực để ngồi vào chiếc ghế cao nhất tại IMF cho dù bảng danh sách các ứng viên được đề cử đã có tới 10 người gồm Mohamed El-Erian, Stanley Fischer (người Israel); cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown; nhà cải cách kinh tế người Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis; cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbruec; Axel Weber (người Đức); nhân vật đi đầu trong cải cách kinh tế ở Ấn Độ Montek Singh Ahluwalia; Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde; Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico Agustin Carstens và cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Trevor Manuel. Theo Thời báo Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagrade đang được coi là ứng viên sáng giá nhất và nếu được bầu chọn, bà sẽ trở thành nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của IMF. Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại định đề cử Zhu Min, cố vấn đặc biệt của IMF và là cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế học thì ủng hộ những ứng viên đến từ các quốc gia mới nổi như Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và cả Hàn Quốc. Tuy nhiên, thông thường theo quy luật bất thành văn, IMF sẽ do một người châu Âu điều hành và Ngân hàng Thế giới (WB) do một người Mỹ điều hành

Huyền Chi – CSTC tuần số 59
.
.
.