Bi kịch của gia đình kẻ giết bác sĩ ở Bệnh viện Vũ Thư - Thái Bình

Thứ Ba, 11/10/2011, 15:03
Những ngày này, về nhà Nguyễn Văn Dũng (hung thủ gây ra cái chết của bác sĩ Phạm Văn Giàu ở Bệnh viện Vũ Thư - Thái Bình), không khí tang tóc vẫn tràn ngập cả căn nhà nhỏ. Bố Dũng gầy sọp đi sau cái chết của người con trai đầu và tội lỗi đau lòng của người con trai thứ hai. Mẹ Dũng không thể nói thành tiếng.

Kể từ khi xảy ra vụ án mạng đau lòng ở Bệnh viện Vũ Thư, nhà Nguyễn Văn Dũng (Hòa Bình - huyện Vũ Thư - Thái Bình) lúc nào cũng đông người qua lại. Dù Nguyễn Văn Dũng chính là đối tượng gây ra cái chết của bác sĩ Phạm Văn Giàu, nhưng với người dân trong xã Hòa Bình, họ vẫn dành cho bố mẹ Dũng nhiều sự xót thương, thông cảm, hơn là sự trách móc. Ngày nào cũng có rất đông người đến thắp hương cho Nguyễn Văn Hùng - anh trai Dũng và trò chuyện, động viên bố mẹ Dũng.

Những người dân ở xã Hòa Bình nói: "Dù thằng Dũng đã gây ra tội, nhưng chúng tôi ai cũng mong nó sẽ được pháp luật khoan hồng, để bố mẹ nó còn chút hi vọng, chút niềm tin vào cuộc sống". Sự cảm thông, chia sẻ của những người hàng xóm xung quanh trong những ngày qua có lẽ là điều an ủi lớn nhất đối với bố mẹ Dũng.

Kể từ sau đêm tang tóc ở Bệnh viện Vũ Thư, gia đình Dũng lúc nào cũng ngập trong không khí tang tóc. Bà Tính - Mẹ Dũng đã khóc đến cạn nước mắt. Mất đi một đứa con trai, một đứa con khác rơi vào vòng lao lý vì tội giết người - hai nỗi đau đó dường như đã vượt quá sức chịu đựng của một người phụ nữ nông dân nghèo khổ và bất hạnh.

Suốt từ hôm gia đình xảy ra chuyện đến giờ, mẹ Dũng cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Lúc tỉnh táo thì gào khóc gọi tên con, lúc lại u u mê mê, nói ra một tràng những từ vô nghĩa, không ai hiểu nổi. Nhà có chuyện buồn, các dì của Dũng đều lên nhà, cùng nhau chăm sóc mẹ Dũng, động viên bà vượt qua cú sốc này. Nhưng thỉnh thoảng bà lại quát mắng mọi người chẳng vì lý do gì. Sau nỗi đau mất mát quá lớn này, dáng người vốn đã bé nhỏ, gầy guộc của bà càng trở nên mong manh hơn.

Nguyễn Văn Hùng - người con trai yểu mệnh

Kể về hai đứa con, bà khóc: "Thằng Hùng con tôi là đứa con ngoan và hết mực hiếu thảo với cha mẹ. Thằng Dũng thì ngày thường thi thoảng có những lúc nghịch ngợm, bướng bỉnh, mải chơi, nhưng nó chưa bao giờ hư hỏng, hỗn láo và gây ra bất cứ điều tiếng gì với làng xóm xung quanh. Tôi không thể hiểu được tại sao chỉ trong một đêm, gia đình tôi lại gặp quá nhiều biến cố đau đớn đến thế".

Vợ chồng ông Tính trước đây vốn là công nhân xây dựng, đi làm thuê trên Hà Nội. Hai ông bà gặp nhau, quen nhau, kết hôn rồi sinh hai anh em Dũng trên đó. Nhưng sau này, phần vì ông Tính muốn về quê cho gần cha mẹ, anh em, phần vì muốn con cái mình được đi học, nên ông Tính đã đưa cả nhà về sống ở xã Hòa Bình - huyện Vũ Thư - Thái Bình. Vì không có hộ khẩu ở xã, nên gia đình ông Tính không được cấp ruộng như những hộ gia đình khác ở đây.

Suốt gần 20 năm nay, cả gia đình 4 người chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng mà ông Tính được cha ruột để lại. Để kiếm đủ cái ăn, cái mặc cho cả gia đình, vợ chồng ông Tính phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Trong khi ông Tính đi làm phụ xây, thì bà Tính ở nhà, ai thuê việc gì làm việc đó. Cuộc sống khó khăn, chật vật, kiếm cái ăn cũng không dễ dàng, nên vợ chồng ông Tính đã không thể nuôi được hai con học hành đến nơi đến chốn. Cả hai người con của ông Tính là Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Dũng đều sớm phải nghỉ học ở nhà.

Từ khi chuyển về Vũ Thư - Thái Bình sinh sống, cả gia đình ông Tính sống trong một căn nhà rộng 10m2 được xây trên một miếng đất nhỏ do bố đẻ ông Tính để lại. Cả căn nhà cấp 4 nhỏ bé chỉ kê được duy nhất một cái giường và chẳng có bất cứ đồ đạc giá trị gì. Bao nhiêu năm nay, vợ chồng ông chỉ có một ước mơ duy nhất là xây một căn nhà lớn hơn, rộng rãi hơn, để có thể kê cho 2 người con trai mỗi người một cái giường.

Đêm ngày 16/8, khi người con trai cả Nguyễn Văn Hùng đột ngột qua đời tại Bệnh viện Vũ Thư, trong nỗi đau mất con, bà Tính vẫn phải lật đật chạy về nhà nhờ người dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đưa xác con trai về. Bà Tính bảo căn nhà quá nhỏ, bà phải nhờ người kê chiếc giường nhỏ ra ngoài sân, nếu không sẽ không lấy đâu ra chỗ mà để bàn thờ và quan tài của Hùng.

Trong nỗi đau tột cùng, bà kể, Nguyễn Văn Hùng - người con trai yểu mệnh của bà - là con lớn và cũng là nguồn động viên lớn nhất đối với vợ chồng bà. Người dân xung quanh đều nói Hùng là một người thanh niên ngoan ngoãn, lành hiền. Biết gia đình khó khăn, Hùng đã nghỉ học từ sớm để đi học nghề rồi về làm thuê cho một công ty sản xuất nhôm kính trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Bà Tính kể, Hùng không bao giờ đi chơi đâu. Ban ngày đi làm, tối về Hùng ở nhà ăn cơm với bố mẹ, xem tivi rồi đi ngủ sớm. Lương công nhân mỗi tháng được 1 triệu rưỡi. Là thanh niên chưa vợ, nhưng Hùng gần như không tiêu pha gì. Mỗi tháng lĩnh lương xong, Hùng chỉ lấy ra vài trăm nghìn để đổ xăng và tiêu pha khi có việc thật cần thiết. Tháng nào Hùng cũng đưa cho mẹ 800.000đồng, để đỡ đần mẹ chuyện cơm áo.

Bà Tính bảo, mấy tháng gần đây, Hùng không đưa tiền nữa. Nhưng Hùng bảo với mẹ: "Con dành mỗi tháng 1 triệu đồng tiết kiệm, con để đến lúc nào đó bố mẹ xây nhà, con sẽ góp vào với bố mẹ". Sau hôm Hùng qua đời, lo chuyện ma chay cho con xong, bà Tính tìm trong chiếc hòm riêng của Hùng thấy có 3 triệu đồng. Số tiền này được Hùng gói lại rất cẩn thận. Có lẽ đó chính là số tiền mà Hùng dành được để ấp ủ ước mơ xây lại nhà cho bố mẹ, nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ đó, thì Hùng đã sớm đi xa.

Bà Tính kể, buổi tối hôm đó sau khi đi làm về, Hùng vẫn khỏe mạnh bình thường, không hề có triệu chứng ốm đau, bệnh tật. Sau khi ăn cơm, Hùng lên giường nằm xem tivi và chơi điện tử. Nhưng đến gần 11h, Hùng đột nhiên kêu đau đầu, khó thở, mặt tái xanh. Lo sợ cho sức khỏe của con trai, bà Tính lập tức kêu Dũng - em trai Hùng đưa anh trai đi cấp cứu trong bệnh viện. Bà Tính không thể ngờ rằng đêm hôm đó, không chỉ vĩnh viễn mất đi người con trai đầu, bà còn phải đón nhận thêm một nỗi đau lớn khi người con thứ hai của mình trong tích tắc bỗng biến thành kẻ sát nhân bị xã hội lên án.

Lúc nhận được tin dữ về con trai, bà Tính gần như ngất lịm đi vì đau đớn. Chưa bao giờ bà có thể tưởng tượng cuộc đời mình lại có lúc tối tăm, bất hạnh đến thế. Bà Tính nói: "Khó khăn, nghèo khổ, vợ chồng tôi đều chịu được. Nhưng nỗi đau này thì thực sự quá sức chịu đựng của tôi. Là một người mẹ mất đi cả hai đứa con, tôi thấy cuộc đời mình giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì nữa".

Không khóc lóc vật vã như vợ, nhưng từ sau khi xảy ra chuyện, ông Tính - bố của Nguyễn Văn Dũng - cũng già hẳn đi. Ông trầm lặng hẳn, không buồn trò chuyện với ai. Mỗi khi phóng viên chúng tôi đặt câu hỏi, ông gần như không nói được gì, chỉ biết lấy tay quệt nước mắt. Ông Tính nói: "không cần biết thằng Dũng con tôi vì sao lại có hành động dại dột như thế, nhưng nó đã sai với pháp luật và đã làm cho cuộc đời chúng tôi sụp đổ hoàn toàn". Những ngày qua, ông Tính chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc cầu Trời khấn phật cho đứa con trai nông nổi của mình thành tâm hối cải và nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Đêm ngày 16/8, sau khi người anh trai Nguyễn Văn Hùng qua đời ở Bệnh viện Vũ Thư - Thái Bình, Nguyễn Văn Dũng đã bất ngờ có hành động bột phát khi đâm chết bác sĩ Phạm Văn Giàu và đâm trọng thương một bác sĩ khác. Và nếu lúc đó không bị người nhà ôm lại để ngăn cản, có thể hậu quả Dũng gây ra không chỉ dừng lại ở đó.

Sau khi gây án, Dũng về nhà cắm một nén hương trước cổng để thắp hương cho anh trai rồi nhờ một người bạn đưa đi trốn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã nhanh chóng điều tra các hướng đi của Dũng. Phát hiện Dũng vẫn còn liên lạc với một số người bạn, các trinh sát đã bí mật bám theo những mối liên lạc này. Ngay gần rạng sáng hôm đó, các trinh sát đã bắt được Dũng khi Dũng chuẩn bị chạy qua cầu Tân Đệ để chạy trốn đi nơi khác. Chỉ vì một phút nông nổi, nóng nảy, Nguyễn Văn Dũng đã làm cho nỗi đau của cha mẹ mình nhân lên gấp bội, làm cho bi kịch của gia đình càng thêm tang thương

Lục Lạc - số 53
.
.
.