Bi kịch sau những vụ thảm sát cả nhà - Mồ côi giữa ngã rẽ cuộc đời

Thứ Ba, 05/07/2011, 16:02
Thật khó mà cầm lòng được khi viết về bi kịch thảm thương của những đứa trẻ bỗng dưng mất cả cha lẫn mẹ, mất cả đứa em máu mủ ruột rà chỉ sau một cơn điên dại của cha hoặc mẹ mình. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, điều đó thật khủng khiếp, nhưng cái cách mà các em phải chứng kiến cha mẹ sát hại lẫn nhau, sát hại chính giọt máu của mình mới là một cơn kinh hoàng ám ảnh kéo dài, mà tôi tin là sẽ để lại vết sẹo thương tổn mãi mãi trong cuộc đời các em.

1. Nửa tháng trôi qua kể từ sau vụ thảm án đau lòng làm 3 người trong một gia đình tử vong, nhưng những người dân sống ở khu 8, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) vẫn bàng hoàng trước sự việc xảy ra. Nhìn con gái của Lương Mạnh Hùng cùng lúc chịu 3 cái tang (bố, mẹ và em trai) chẳng ai giấu được những giọt nước mắt thương cảm.

Nỗi đau tưởng quá sức chịu đựng với cô bé 6 tuổi, cháu Lương Thị Hà (SN 2005). Trong phút chốc, cháu Hà trở thành đứa trẻ côi cút, không cha, không mẹ. Cô bé Hà chỉ là một trong những "nạn nhân" của các bi kịch gia đình thời hiện đại. Vì ghen tuông, vì mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, vì muốn vợ cũ quay lại sinh sống…, người chồng trong lúc thiếu suy nghĩ đã có những hành động mù quáng để lại những đứa trẻ bơ vơ giữa những ngã rẽ cuộc đời. 

Nhắc đến bố mẹ và em trai, cô bé 6 tuổi bật khóc nức nở. Sau bi kịch xảy ra với gia đình, cô bé Hà sống khép kín, cháu ít nói ít cười và cũng rất dễ khóc, sự ngây thơ trong trẻo của cô bé 6 tuổi dường như biến mất. Có đêm đang ngủ, Hà giật mình tỉnh giấc rồi thảng thốt gọi mẹ, "Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu?".

Căn nhà nơi vợ chồng anh Hùng, chị Hương đã từng có những tháng ngày hạnh phúc.

Những chuỗi ký ức kinh hoàng cứ ảm ảnh trong tâm trí non nớt của cô bé: Lúc đó khoảng 20h45’ ngày 30/5, khu 8, xã Hà Thạch chìm trong sự tĩnh mịch. Giữa căn phòng rộng, chị Lê Thị Hương (26 tuổi) vợ Hùng và em trai là cháu Lương Quang Huy (3 tuổi) bị thương tích nặng nằm hấp hối… Ở phía nhà bếp, bố của Hà là anh Lương Mạnh Hùng (29 tuổi) nằm quằn quại trước cửa, chân và tay dính đầy tro bếp.

Rồi sau đó, Hà nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết của bà nội, tiếng bước chân thình thịch của những người hàng xóm xung quanh rồi mọi người hối thúc nhau sắp sửa lại nhà cửa. Khi thấy bố, mẹ và em trai cùng nằm trong chiếc hòm gỗ, Hà cứ mắt tròn mắt dẹt đòi phải đưa mẹ và mọi người ra. Nó còn quá nhỏ để hiểu được những mất mát…

Với người dân sinh sống ở khu 8, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, cặp vợ chồng Hùng, Hương là một đôi trời sinh khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ. Vợ chồng họ đều đẹp người đẹp nết, hay lam, hay làm. Mặc dù mới tách ra ở riêng được khoảng 5 năm nhưng nhờ tích cóp, tằn tiện và chịu thương chịu khó, vợ chồng Hùng, Hương đã xây được một căn nhà khang trang, có đầy đủ tiện nghi cần thiết. Với hai đứa con một nếp, một tẻ trắng trẻo, vô cùng đáng yêu, hạnh phúc của họ từng là niềm mơ ước của nhiều cặp vợ chồng cùng trang lứa.

Với tay nghề thợ xây rất khá, Hùng trở thành một thợ cả, bao thầu được rất nhiều công trình, kinh tế gia đình vì thế cũng rất khá giả. Còn vợ Hùng cũng là cô gái rất xinh xắn, từng là mục tiêu theo đuổi của nhiều chàng trai trong xã. Trước đó, chị Hương cũng có một mối tình đầu với một người ở cùng khu, song vì hai người này vốn có họ nên đã không đến được với nhau.

Thời gian sau đó, chị Hương lấy anh Hùng, cuộc sống của vợ chồng họ đang trong giai đoạn rất thuận lợi, tưởng chừng đã viên mãn nào ngờ... Mâu thuẫn của vợ chồng Hùng, Hương lại phát sinh từ những chuyện rất đời thường. Trong lúc đi xây, anh Hùng vốn hiền lành nên thường bị bạn bè trêu đùa: "Sao mày lại đẻ được thằng con trai xinh thế, chắc đó không phải con mày?". Những câu nói bông đùa đó, vô tình đã gieo vào trong đầu anh Hùng sự ấm ức.

Song vốn tính hiền lành và lại chẳng có bằng chứng gì nên anh Hùng không bộc lộ ra bên ngoài bằng sự ghen tuông, mà thường biểu hiện bằng hành động "đá thúng đụng nia". Vì vậy, giữa hai vợ chồng họ thi thoảng vẫn xảy ra xô xát. Sự việc đó đã được hai bên gia đình nội ngoại ở gần đó xúm vào can ngăn, nhưng thực chất mâu thuẫn bên trong họ thì do chưa được giải quyết triệt để nên vẫn âm thầm diễn ra.

Anh Hùng là người hiền lành nhưng, đôi lần rất cục tính, Hùng có nói với bố mẹ vợ rằng nguyên nhân mâu thuẫn là do chị Hương thiếu tôn trọng chồng, có lúc xưng hô mày tao, không gọi bằng anh… Cách đây một thời gian, người bạn trai đồng thời cũng là mối tình đầu đời của chị Hương đã về quê xây nhà ở gần nơi vợ chồng chị Hương sinh sống, nên có thể vì thế mà anh Hùng càng ghen tuông, bậm bực với vợ…

Ngày 28/5, gia đình bên nội và bên ngoại vẫn thấy anh Hùng và chị Hương đèo nhau đi làm nên nghĩ rằng bát đũa còn có lúc xô, hai bên phải hòa giải để chăm nom, nuôi hai đứa trẻ. Họ không ngờ rằng mâu thuẫn đó vẫn ngấm ngầm tồn tại. 

20h ngày 30/5, cháu Lương Thị Hà đang ngồi thì bất ngờ bị bố đuổi xuống nhà ông bà nội. Từng chứng kiến những lần "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa bố mẹ nên cô bé Hà cun cút đi xuống nhà.  Khi Hà vừa bước ra ngoài thì thấy bố đóng sầm cửa và cài then bên trong. Cháu Hà tiếp tục bước thêm vài bước thì nghe thấy tiếng em trai khóc thất thanh vội quay lại.

Qua khe cửa, Hà kinh hãi thấy bố đang đánh mẹ liền kêu gào gọi bà nội. Bà Phạm Thị Luân nghe tiếng kêu thất thanh của cháu gái lập cập chạy lên thì chứng kiến một cảnh tưởng hãi hùng… Bà Luân vội hô hoán hàng xóm đạp cửa vào nhà nhưng mọi sự đã quá muộn.

2. Những ngày này, Đặng Văn Quang (26 tuổi, trú tại xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) sống trong tâm trạng đớn đau giằng xé khôn nguôi. Quang đếm từng ngày mong vụ án được đưa ra xét xử để được gặp lại gia đình bên vợ, nói một lời tạ tội với những người thân trong gia đình.

Điều Quang cảm thấy day dứt nhất là cậu con trai 3 tuổi, kết quả của tình yêu say đắm giữa Quang và vợ là chị Chương Thị Bền. Thằng bé vô tội giờ phải chịu những gánh nặng do sự sai lầm của người cha tội lỗi. Trong căn phòng giam chật chội, Quang nhớ đến những giây  phút vợ chồng đầm ấm hạnh phúc, Quang thèm được nghe tiếng cười trong trẻo của con thơ, tiếng gọi "ba" thân thuộc của nó. Hạnh phúc tưởng giản đơn đó bây giờ cũng trở nên quá xa xỉ đổi với Quang.

Thấy có người lạ, cậu bé 3 tuổi con trai của Quang là Đặng Văn Quân vội chạy vào góc nhà, đôi mắt sợ sệt… Sau vụ thảm án đau lòng, Quân được người thân trong gia đình bên ngoại chăm sóc nuôi dưỡng, các bác, các dì trở thành người mẹ, người cha thứ hai của cháu. Cậu bé ba tuổi quá nhỏ để hiểu những mất mát cháu đang phải gánh chịu nên sau lúc bỡ ngỡ đã trở nên dạn dĩ hơn. Nó vô tư  nô đùa. Thương nhất là những lúc nhớ mẹ, nó hỏi mọi người: “Sao mẹ cháu lại ở trong ảnh thế ạ?”. "Khi nào bố cháu về, bố cháu sẽ mua quà cho cháu mà".

Vì không muốn tuổi thơ của đứa cháu nhuốm những chuyện đau buồn, họ hàng đã giấu nhẹm chuyện ấy đi. Họ dồn hết tình yêu thương cho Quân, như muốn bù đắp những thiệt thòi của Quân. Song tình cảm ấy dù có đủ đầy đến đâu, không thể bù đắp được tình mẫu tử thiêng liêng không thể thay thế…

Quang quen chị Bền hơn 4 năm trước trong một cuộc gặp gỡ thật tình cờ. Ánh mắt trong sáng, vẻ đẹp hồn hậu của cô gái miền sơn cước đã khiến Quang, chàng trai Yên Bái vốn đa sầu, đa cảm mê mệt. Chỉ thời gian ngắn quen biết, cả hai đã nên nghĩa vợ chồng.

Thời gian đầu, Quang về ở rể tại nhà chị Bền ở thôn Mai Hồng 3, xã Tân An, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Thương con gái và con rể, bà Lý Thị Yêu (60 tuổi) cùng mọi người trong gia đình bên ngoại hết lòng giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống của vợ chồng Quang sẽ bình lặng trôi đi nếu không có một biến cố lớn xảy ra.

Quang nhớ lại: Phong tục vùng cao vốn lạc hậu nên vào khoảng năm 2009, gia đình Quang yêu cầu chị Bền phải về xã Lang Thíp, huyện Văn Yên sinh sống, làm tròn bổn phận của một người làm dâu, làm con. "Thuyền theo lái, gái theo chồng" song để thuyết phục được chị Bền thuận tình theo Quang cũng không dễ dàng. Và cũng từ đây, giữa Quang và vợ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ  nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Số là sau khi về Lang Thíp, Quang chẳng có việc làm, "Nhàn cư vi bất thiện", Quang lao vào rượu chè, chẳng để ý gì đến việc gia đình. Bên cạnh đó, chị Bền vốn là con nhà khá giả, được cha mẹ cưng chiều cũng không thích nghi được với cuộc sống của gia đình nhà chồng. Mâu thuẫn muôn thuở giữa mẹ chồng, nàng dâu và các thành viên trong gia đình cứ tích tụ dần, âm ỷ như một ngọn lửa ủ rơm có thể bùng cháy bất cứ lúc nào… Quang ở giữa vì thế cũng lâm vào tình trạng "khó xử", vợ thì đòi về còn gia đình thì cấm con trai chịu cảnh ở rể.

Những mâu thuẫn tưởng giản đơn đó đã không được giải quyết triệt để nên giữa vợ chồng Quang và Bền thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Quang hiền lành nhưng lại cục tính nên trong nhiều lúc nóng giận đã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ, tình cảm vợ chồng vì thế mà cũng bị sứt mẻ. Mâu thuẫn nên đến đỉnh điểm khi chị Bền mang theo đứa con nhỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống, mặc những lời lẽ thuyết phục của chồng.

Tháng 6/2010, chị Bền đã làm đơn ra tòa, cương quyết đòi ly hôn. " Cả giận mất khôn", trong những lúc tức giận Quang thường cho rằng nguyên nhân của việc vợ chồng bỏ nhau là do bà Yêu (mẹ vợ của Quang). Vì thế, Quang thường chửi bới gia đình mẹ vợ… Trước thái độ bất hiếu của Quang, đã có lần bà Yêu đuổi Quang ra khỏi nhà.

Và bi kịch đớn đau ấy đã xảy ra vào trưa 3/4. Hôm đó, Quang cùng một người họ hàng đến nhà anh Chướng Văn Tài, ở thôn Mai Hồng, xã Tân An, huyện Văn Yên (Tài là anh vợ của Quang) ăn Tết Thanh Minh.

Rồi Quang gục xuống, nhớ lại: Hôm đó em uống nhiều lắm, "rượu vào lời ra", khi ấy em đã quay lại gặp vợ với ý định thuyết phục cô ấy quay về nhà sinh sống, nào ngờ… Cũng như những lần trước vợ em khăng khăng từ chối. Cho đến lúc bị vợ và mẹ vợ đuổi ra khỏi nhà thì em không thể kiềm chế được nữa. "Tất cả là tại rượu chị ạ, vì em mà đứa con trai 3 tuổi giờ thành kẻ mồ côi, em có tội với cháu", Quang gào lên một cách thảm thương.

Khi thấy chị Bền bỏ ra ngoài sân, Quang liền chạy theo đánh vợ. Bà Yêu thấy con gái bị đánh đã cùng mọi người chạy ra can ngăn, nhưng sức của ba người phụ nữ không thể chống lại được Quang. Quang xô đẩy, đùn ba người phụ nữ ngã xuống ao. Cố hết sức, chị Bền ngoi ngóp bò lên bờ thì Quang tiếp tục xông vào đánh vợ… Và rồi trong cơn điên loạn, Quang đã dùng chiếc ghế gỗ ở gần đó đập vào đầu bà Yêu. Cùng lúc này, chị Bền tỉnh lại đã bị Quang đánh liên tiếp vào người vợ. Cơn cuồng nộ của Quang đã cướp đi sinh mạng của bà Yêu cùng chị Bền…

Những đứa trẻ như cháu Hà, cháu Quân trở thành nạn nhân của các bi kịch gia đình. Đến thời điểm này, các cháu đều được họ hàng và những người thân trong gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng. Song có một điều ai cũng có thể hiểu, đó là tình cảm đó không thể thay thế được tình mẫu tử thiêng liêng mà các cháu đã bị tước đi. Trở về, trong tôi vẫn day dứt một điều, khi thiếu sự quan tâm của cha, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, những đứa trẻ ấy có đủ vững tin để sống, trở thành người có ích cho xã hội?

Thượng tá Đinh Văn Phúc, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ: Vụ án này cũng rút ra bài học trong công tác phòng ngừa từ cơ sở, nếu ngay từ khi sự việc xảy ra, cấp ủy các ban ngành đoàn thể ở địa phương phối hợp với gia đình cùng vào cuộc thì hậu quả đau lòng sẽ không xảy ra.

Về phía gia đình anh Hùng và chị Hương, chưa nhận thức đầy đủ về các mâu thuẫn, họ biết anh Hùng hiền lành nhưng không biết rằng rất nóng tính nên việc hòa giải chỉ mang tính chất nửa vời. Đối tượng gây ra bi kịch đã tử vong, nhưng có lẽ việc làm của anh ta sẽ bị toà án lương tâm phán quyết.

Những cảnh tượng rùng rợn trên sẽ ám ảnh cháu Hà trong nhiều năm sau này, vì thế gia đình hai bên cần phải hỗ trợ về tinh thần, giúp đỡ cháu vượt qua những sang chấn tâm lý, trở thành người có cuộc sống bình thường. 

Xuân Mai – CSTC tuần số 64
.
.
.