Ca sĩ Thu Phương - 9 năm tình cũ

Chủ Nhật, 11/09/2011, 17:29
Những lần trở về Việt Nam trước đây, Thu Phương thường ngồi thu mình lặng lẽ ở một góc quán nhỏ, để không ai có thể nhận ra mình, lặng lẽ ngắm phố phường, lặng lẽ sống với những cảm xúc của mình. Còn lần này, sau 9 năm trở về và đứng trên sân khấu trong một không gian gợi nhớ của riêng mình, chị đã hát và khóc rất nhiều…

1. Còn nhớ, cuộc ra đi vội vã của Thu Phương cách đây 9 năm khiến nhiều người hồ nghi, và cũng không ít người đã hờn trách chị. Nhiều người tỏ ra nuối tiếc, nếu Thu Phương ngày đó ở lại Việt Nam, hẳn giờ đây chị cũng là một diva của làng nhạc.

Còn Thu Phương, chị im lặng. Chị có những lý do của riêng mình. Cuộc sống luôn là sự bất ngờ, và có lẽ, đó là những duyên phận chị không thể đo đếm được trong cuộc đời mình. Chị không muốn thanh minh, bởi Thu Phương biết, chỉ cần một người hiểu mình là đủ. Sự im lặng rất lâu của Thu Phương khiến nhiều người xa rời chị, nhưng Thu Phương không thể chạy theo đám đông, để thanh minh cho mình.

Và chị tin, rồi có lúc chị sẽ trở lại, bằng tiếng hát của mình. Bởi với Thu Phương, hát là một cách trò chuyện với khán giả, tâm sự với khán giả về cuộc sống của mình. Rất nhiều năm, bên Mỹ, Thu Phương đã hát như vậy, mỗi bài hát, đều là một nỗi niềm của chị về những bất an trong đời sống, mà không thể sẻ chia.

Và thực sự thì Thu Phương đã trở lại, trong những ngày Hà Nội chớm vào thu, và trong cái không khí lãng đãng gợi nhớ của thu Hà Nội. Chín năm, một quãng thời gian quá dài cho những đau đớn vật vã trong tâm hồn chị, nhưng cũng đủ để khán giả biết cần đến chị. 

Giờ Thu Phương đã có thể nói về những biến cố đã qua trong đời sống của mình một cách bình an. Giống như chị vừa đi qua một đoạn đời, đủ trải nghiệm để nhìn lại quãng đời đó, bằng sự bao dung và vị tha của một người đã từng có tất cả, rồi đánh mất tất cả nơi đất khách xứ người. Thấm thía nỗi cô đơn, thấm thía thế nào là đau đớn. Và từng phải trốn vào khóc một mình trong bóng tối. "Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau, đôi khi có những ngã rẽ, mình không hề mong muốn, nhưng có lẽ là sự đẩy xô của số phận".

Tôi ngồi trong phòng thu đợi Thu Phương tập hát chuẩn bị cho sự trở lại của chị với khán giả Hà Nội sau 9 năm trong chương trình Không gian âm nhạc số 5. Thu Phương vừa đặt chân xuống Hà Nội, và cũng vừa kịp thưởng thức lại món bún chả ở góc quán quen thuộc xưa khi chị còn là biên chế của Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhiều người vẫn nhận ra chị sau 10 năm, có lẽ vì nụ cười duyên, giọng nói khàn khàn đặc trưng không thể lẫn vào đâu của Thu Phương và cả cái dáng cao lều nghều của chị. Thu Phương không già đi, nhưng chị đằm thắm và quyến rũ hơn, vẻ đằm thắm của một người phụ nữ từng trải, đã đi qua những dâu bể của đời mình. Nhưng mắt chị lúc nào cũng ngân ngấn nước.

Như một đứa con đi xa, sau bao nhiêu bầm dập của cuộc đời, mong tìm lại sự bình yên khi trở về quê. Chị mải mê hát. Nhiều bài hát xưa gắn với tên tuổi của Thu Phương giờ được nhạc sĩ Thanh Phương phối khí lại. Nhưng Phương thì vẫn muốn giữ lại nguyên bản ngày xưa. Chị bảo, bài hát cũng có đời sống riêng của nó, đôi khi mới chỉ cất lên thôi, đã cảm thấy run người vì gợi nhớ, chị muốn giữ lại không khí đó cho riêng mình. Có nhiều bài hát, hơn 10 năm rồi, chị đã không được hát lại, Ngủ ngoan nhé ngày xưa… Chị đã khóc rất nhiều. Bài hát đã chạm vào kỷ niệm, chạm vào nỗi nhớ. Và ám ảnh.

Tôi và nhiều khán giả đã khóc khi nghe Thu Phương hát. Nếu ngày xưa, Phương hát Đêm nằm mơ phố, Dòng sông lơ đãng, nhẹ tênh tênh, thì giờ đây, tiếng hát của chị mang cả sự trải nghiệm. Da diết và buồn hơn. Nếu ai chưa từng đi qua những mất mát, thì sẽ không thấm hết thế nào là nỗi đau. Nếu ai chưa từng phải khóc một mình trong đêm nơi đất khách quê người thì không thấm hết thế nào là nỗi nhớ. Phương không đề cao kỹ thuật, mà bằng cảm xúc, và chỉ bằng cảm xúc mà thôi.

Ngày đó, 13 tuổi, cô bé Thu Phương một mình từ Hải Phòng lên Hà Nội, và gia nhập vào đời sống của nghệ sĩ. Ngày đó, Phương đơn độc một mình giữa Hà Nội rộng lớn, nhớ nhà, nên suốt ngày ngồi khóc. Nước mắt đã làm ướt nhòe tâm hồn cô bé đa cảm, từ những ngày thơ bé ấy.

Và có lẽ, đó cũng là khởi nguồn cho những dự cảm về cuộc sống không bình yên sau này của chị. Hà Nội không phải là quê hương, nhưng Hà Nội đã trở thành máu thịt trong tâm hồn Thu Phương khi những ngày đầu tiên chị bước vào con đường ca hát. Là một người phụ nữ cầu toàn, mạnh mẽ, và nhiều tham vọng, chị bảo, cuộc đời sẽ còn nhiều nước mắt nữa, và không ai có thể dám chắc, hạnh phúc hôm nay sẽ là của ngày mai.

Thu Phương tâm sự: "Không phải ai cũng có cơ hội để gặp những biến cố trong đời sống của mình, bởi thế nên đời sống của mình phong phú hơn, có nhiều điều để nói, để tâm sự với khán giả, và có thể tìm thấy mình trong từng bài hát". Những lúc buồn, chị đã hát và khóc, khán giả cũng đã hát và khóc cùng chị. Có một khoảng thời gian, chừng 4 năm, từ 2004-2008, chị đã sống thân phận tha hương nơi đất khách quê người.

Thời đoạn đó, chị thấm hết nỗi đau, sự hy sinh của mình. Tất cả những hào quang của danh vọng hay tiền bạc, mà chị, có lúc đã bị cuốn đi theo nó, cuối cùng chỉ là phù du, trước bản năng làm mẹ, trước những bổn phận của gia đình. Thu Phương đã hát, đã trò chuyện với khán giả bằng âm nhạc, bằng những đau khổ trong đời sống riêng của mình. Và khán giả đã chấp nhận chị dù không phải ai cũng có thể để lại dấu ấn trong đời sống âm nhạc hải ngoại vào những năm tháng đó.

Ca sĩ Thu Phương và con trai Gia Bảo.

Phương hát nhiều những ca khúc của kỷ niệm, hát nhiều về Hà Nội. Và có một giai đoạn, chị hát Trịnh Công Sơn, chị tìm thấy thân phận của mình trong nhạc Trịnh. Đời sống đã có những thay đổi, bản thân mình có nhiều tâm sự hơn, và chị chọn những bài hát có thông điệp gửi cho khán giả. Không còn một Thu Phương hồn nhiên và nhí nhảnh yêu đời của ngày xưa.

Khán giả chia sẻ nhiều hơn những lần chị hát, bởi với Phương, không phải hát cho vui, mà hát để chia sẻ với những biến cố trong đời sống của chị, và chị đã xóa nhòa cái ranh giới giữa chị và khán giả. Giá trị của người nghệ sĩ với chị rất quan trọng, bởi mình không chỉ hát mà còn gửi thông điệp cho khán giả, khiến người ta yêu thương hay hờn giận. Khi hát Biển cạn, hay Sóng về đâu, Phương cảm nhận được nỗi mất mát quá lớn.

Nhiều khán giả đã hỏi chị, sao Phương hát mặn thế, khác hơn người khác, bởi Phương đã phải trả giá bằng những yếu tố có thật trong đời sống. Đó là những năm tháng khủng khiếp, khi mỗi năm chỉ có 2 tuần thôi, trong khoảng thời gian 5 năm, Phương và các con được gặp lại nhau ở một nơi không phải là quê hương mình. Đối với một người phụ nữ yêu gia đình như Thu Phương thì điều đó quả là khủng khiếp. Nhưng rồi chị cũng đã vượt qua, vượt qua được cả nỗi sợ hãi mỗi khi chị nghĩ về ký ức.

2. Thu Phương đã tìm được bến đỗ bình yên cho mình, bên cạnh một người đàn ông, đủ lớn để chị dựa dẫm.  Thực ra, Thu Phương chưa kết hôn, dù chị đã có với Dũng Taylor một cậu con trai năm nay đã hơn 2 tuổi. Sự đổ vỡä khiến chị cẩn trọng hơn trong lựa chọn. Nhiều người cho rằng, Thu Phương "tham vàng bỏ ngãi" trong mốái quan hệ mới này của chị. Phương không thanh minh, chỉ cảm thấy chị  bình yên, và tìm được chỗ dựa cho mình. Dẫu Phương là người mạnh mẽ, nhưng đàn bà mạnh mẽ bao nhiêu cũng cần lắm một bờ vai để dựa. Và chị biết, chị đang yên lành trên bờ vai ấy. Cái quan trọng là chị cảm thấy hạnh phúc, và tìm được bình an trong hạnh phúc đó.

Thu Phương là con gái Hải Phòng, mà con gái Hải Phòng vốn dĩ "ăn sóng nói gió", lại cầu toàn, nên đôi khi tự chuốc khổ vào chính mình. Nhưng có lẽ, lúc này, chị bình yên hơn bao giờ  hết, bình yên trong bổn phận của một người phụ nữ của gia đình, được che chở, được nương bóng.

Thu Phương giờ là vậy. Chị dành tâm trí cho gia đình, và chăm sóc con cái. Hàng ngày chị vẫn đi chợ, tự tay nấu nướng từng món ăn cho gia đình. Có lẽ đây là khoảng thời gian chị có nhiều cơ hội để căn chỉnh đời sống của mình. Đó là hạnh phúc của Thu Phương. Xưa, một tuần chị nhận 5 show diễn, thì giờ đây Thu Phương có thể chỉ nhận 2 show, còn lại chị ở nhà, chăm chút gia đình. Chị thấy quý giá từng giây phút của hạnh phúc, cái hạnh phúc mà chị đã phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt.

Thu Phương nói: "Tôi không bao giờ muốn trả giá thêm một lần nữa, nếu có ai hiểu tâm trạng của một con người đã từng có tất cả và đánh mất tất cả, bây giờ họ có được hạnh phúc, họ sẽ biết quý giá nó vô cùng". Một người mẹ đã từng hy sinh, hiểu được cái giá của sự hy sinh, nên chị ôm ấp các con, cho các con một đời sống thuần Việt ngay giữa thành phố hiện đại và xa lạ với văn hóa Á Đông. Các con của Thu Phương đều nói tiếng Việt rất giỏi. Chị đang làm tất cả, bằng sự đảm đang khéo léo, bằng cả sự cực đoan nữa, để giữ cho mình một mái ấm bình yên.

Con người, trong hành trình đi tìm kiếm không phải ai cũng may mắn có được hạnh phúc, nhưng với Thu Phương thì tôi tin, hạnh phúc đang tìm về trú ngụ trong căn nhà của chị.

Dũng Taylor

“Phương là người cầu toàn, nhiều khán giả chỉ thấy một Thu Phương trên sân khấu, mà không hiểu Phương là người của gia đình. Mục đích của Phương, gia đình là chính. Phương đem hết cái văn hóa Á Châu đi Mỹ, và hơi cực đoan nữa. Phụ nữ bên đó người ta đi chợ một tuần một lần, Thu Phương đi chợ mỗi ngày, sẽ rất vất vả, nhưng cô ấy cảm thấy hạnh phúc khi làm được những điều đó đối với gia đình. Tôi đã gánh bớt vai trò của người chồng trong gia đình cho Phương, đó cũng là lý do vì sao cô ấy dịu dàng hơn, nữ tính hơn.

Từ khi lấy Phương, tôi thấy Phương làm khi Phương thích, chứ không phải làm vì cần tiền. Phương muốn có thời gian cho gia đình, và tất cả không được trả giá bằng kinh tế. Trước khi quen Phương, tôi có thể tổ chức 5 show diễn, nhưng giờ chỉ 1-2 thôi, vì sẽ không có thời gian cho gia đình. Phương đến làm cho tôi bỏ bớt công việc đi.

Tôi sống bên Mỹ 30 năm, thấy người phụ nữ như Phương làm ra tiền mà sao phải gánh vác nhiều quá. Điều này làm cho tôi hiếu kỳ tìm hiểu. Lúc đó, tôi làm bạn với cả Huy và Phương. Nhưng khi sự việc xảy đến nhiều, tôi thấy cách Phương đối đầu với nó khiến tôi phục cô ấy và ngày càng gắn bó hơn. Mỗi đêm, Phương đều thức đến 4, 5 giờ sáng để trò chuyện cùng con vì khác múi giờ. Tính tôi ngang nhưng Phương đã cho tôi cách sống chia sẻ, bàn thảo với nhau. Từ mối quan hệ cộng sinh lạnh lùng, tôi đã yêu Phương vì nể phục và thương cô ấy".

Khánh Linh – CSTC tuần số 74
.
.
.