Ca sĩ Tùng Dương – Gã quái nhân ẩn trong mụ đàn bà chanh chua

Thứ Sáu, 12/08/2011, 07:28
Một ca sĩ giỏi sẽ mang đến cho bạn những ca khúc hay. Một nghệ sĩ thực thụ khi cất lên tiếng hát sẽ mang đến cho bạn cả thế giới, nơi đó không chỉ có nhạc và lời quyện lại, mà cả không gian thời gian đa chiều trong cơn bão âm thanh hỉ nộ ái ố hoan lạc, khổ đau từ đáy sâu tâm khảm người nghệ sĩ kéo bạn vào tầng sâu hơn của cảm quan - đó là siêu thức. Âm nhạc không chỉ để giải trí đơn thuần mà còn để người ta tỉnh thức và chiêm nghiệm. Và Tùng Dương là một nghệ sĩ như vậy.

Gã quái nhân và trò chơi mê cung âm thanh

Người ta nói Tùng Dương hát nhạc dân gian đương đại, rồi âm nhạc của anh mang nhiều tính thử nghiệm, quái quái… Nhưng trong cuộc chơi sáng tạo bất tận của mình, có lẽ chỉ nên nói Tùng Dương hát nhạc kiểu… Tùng Dương. Gã quái nhân của làng nhạc Việt vẫn đang lột xác từng ngày, mày mò cho mình những con đường lạ lẫm hơn và âm nhạc với Tùng Dương là một hành trình bất tận đi tìm bản ngã. Gã luôn làm mới mình, gã không thỏa mãn, gã muốn tìm cảm giác lạ hơn, mạnh hơn nữa với âm nhạc và không chịu ngồi yên một chỗ.

Thế rồi một ngày nào đó người ta không chỉ phiêu với Tùng Dương trên đĩa nhạc mà còn gặp anh trên sân khấu. Nhỏ bé trong chiếc áo rộng thùng thình và chiếc quần mang hơi hướng Alibaba túm ống mà như anh chia sẻ đó là quần cho… phụ nữ, chân trần, gương mặt nhăn nhúm cùng thân thể vặn vẹo theo tiếng nhạc ma quái, liêu trai, Tùng Dương như nhập đồng trên sân khấu trong ánh mắt lạc thần ám ảnh. Người nghe không chỉ bị cuốn vào chất giọng đẹp, đầy kỹ thuật và biến thiên ngẫu hứng như trò chơi tung hứng của anh mà còn bị tấn công cả về mặt… thị giác.

Không còn ý niệm nào về không gian thời gian, nghệ sĩ phiêu và nhập như biến mất khỏi đời sống, khán giả bị cuốn phăng vào cơn bão âm thanh ảo mộng, lúc đẹp mê hồn lúc đen tối quằn quại. Những nốt nhạc bị vò nhàu cùng những nốt nhạc được chắp cánh bay lên thanh thản, tham sân si đối kháng mạnh mẽ với sự giải thoát, đau khổ và cực lạc đan xen. Những "Giăng tơ", "Con cò", "Liti"… trong thế giới của Tùng Dương vượt xa khỏi sự tưởng tượng của khán giả đã từng biết các ca khúc này, có một điều gì đó khiến họ như rùng mình thảng thốt khi được "chạm" vào tới đáy sâu của ca khúc.

Ở trong cái thế giới mơ hồ như chiều không gian thứ tư đó, Tùng Dương như một vị thần quyền năng hoặc cũng có thể là bóng ma tà mị thâu tóm hồn phách của công chúng.

Hiền triết ẩn trong mụ đàn bà chanh chua

Tùng Dương ở ngoài đời cũng là một ca "bí ẩn", khó nắm bắt. Theo tướng số, Tùng Dương thuộc hình mộc, sinh năm 1983 tuổi Quý Hợi thuộc âm nam, mạng số là đại hải thủy - nước biển lớn. Đứng trước biển lớn người ta thường có hai thái độ, hoặc khiếp sợ và thấy mình nhỏ bé trước đại dương bất tận đầy đe dọa, hoặc muốn vượt biển. Tùng Dương thuộc kiểu người thứ hai.

Tùng Dương nhỏ bé, gương mặt gồ ghề cùng nụ cười hết cỡ nửa như trẻ con hớn hở, nửa ám ảnh như khuôn mặt của gã hề xiếc cô đơn đến tột cùng. Gã là kẻ mồm mép, chanh chua mà bất cứ ai là bạn bè gã cũng từng nếm qua "tài năng" đa đoan này của gã. Nhưng họ đều vui vì khó ai mà lại duyên như gã. Khó ai mà lành như gã. Tùng Dương già trước tuổi, ở gã tỏa ra sự thâm sâu trầm mặc của một nhà hiền triết. Đôi mắt của gã đòi hỏi sự thật, tận cùng của sự thật và đương nhiên Tùng Dương là người thẳng thắn, trực tính và không có nhu cầu mang trên mình một chiếc mặt nạ hoàn hảo kiểu như người của công chúng. "Người ta đâu thể hạnh phúc nếu không được là chính mình", Tùng Dương tâm sự.

Rõ ràng là Tùng Dương quái tính và đầy mâu thuẫn trong cách biểu hiện, nhưng bản chất gã là một Phật tử có tính thiện, giàu lòng trắc ẩn, và âm nhạc là cuộc chơi vong thân mà gã đã chọn như một tôn giáo thứ hai của cuộc đời.

Trang phục lạ của ca sỹ Tùng Dương.

Và một điều chắc chắn, gã đang kiếm tìm một điều gì đó. Gã cào sâu trong tâm thức của mình đến bật máu các ý niệm, bản chất của sinh tồn, năng lượng, thế giới siêu hình… nhưng không cố gắng nắm bắt hay gọi tên nó ra. Gã mang tư tưởng của mình vào sự sáng tạo âm nhạc. Với nhiều nghệ sĩ, âm nhạc để thể hiện tâm hồn nhưng với Tùng Dương, âm nhạc chính là tâm hồn. Khi hát, Tùng Dương chính là những nốt nhạc từ tâm hồn đến thể xác, gã bay trong bản tụng ca bất tận của mình.

Từ âm nhạc đến ngoài đời, gã bảo toàn được cái tôi, cực đoan, duy mỹ nhưng gã biết đâu là điểm dừng và thế nào là vừa đủ. Như phương châm sống của gã: "Sống phải biết sao cho đủ".

Điên cũng phải điên cho hay và tỉnh táo

- Không nhiều những nghệ sĩ như anh mang đến cho khán giả các món ăn lạ, và góp phần cho sự chuyển mình của thị trường âm nhạc Việt Nam không chỉ đơn thuần là một nền âm nhạc của ca khúc. Nhưng con đường phía trước còn quá khó khăn, đặc biệt là với thói quen tiếp nhận cái mới của khán giả Việt, anh nghĩ sao về điều này?

- Việt Nam đang dần hình thành mạng lưới của những nghệ sĩ muốn hướng đến tính nghệ thuật cao trong sản phẩm của họ. Họ rất có bản sắc nhưng một cá tính thì không thể làm được gì và rất khó để thay đổi cái gu thẩm mỹ đa chiều của khán giả, nhưng mình phải dần thâm nhập bằng cách cho họ những món ăn lạ, có thể chưa ăn được ngay, chưa thấy hay nhưng với thời gian họ sẽ dần thấy hay.

Giá trị nằm ở chỗ nó tồn tại theo thời gian, chứ không phải giải trí nhất thời trong thoáng chốc. Những người sâu sắc thực sự và cả những người muốn mình là người sâu sắc họ sẽ đón nhận và ép mình nghe theo âm nhạc đang trong sự chuyển mình như vậy. Một con đường mới bao giờ cũng cần những bước đi đầu tiên, nghệ sĩ phải chấp nhận va chạm thậm chí bị ném đá nhiều hơn những lời tán dương và biết mình đang làm gì, tỉnh táo với nó, vậy thôi.

- Nói về chuyện bị ném đá, có thể nhìn ở hai trường hợp. Nhóm Đại Lâm Linh - một trong số những nghệ sĩ tiên phong dấn thân vào cái mới, cái thử nghiệm và dẫu hay, dở họ vẫn được xếp ở "chiếu" nghệ thuật nhưng bị đả kích tơi bời trên sân khấu Bài hát Việt vì món ăn lạ mà họ mang đến và những nghệ sĩ tìm cách nổi tiếng nhanh bằng con đường "thảm họa nhạc Việt" cũng bị dư luận đánh tả tơi. Nhưng về hiệu ứng tạo dư luận, họ đều thành công. Anh nghĩ sao về công chúng và bản thân anh khi bị công kích trên mạng cảm giác của anh thế nào?

- Với chú Đại tôi từng làm việc với chú, và những bài hát của chú thực sự hay nếu dừng lại ở những cái vốn có như Hà Trần với Nhật Thực. Tôi cũng là người tiếp theo hát những ca khúc của chú. Tôi thích nhạc của chú Ngọc Đại, nó rất đẹp, tròn trịa, lãng mạn về tình yêu và bùng nổ theo khía cạnh của nó chứ không nhất thiết phải ép design giọng của mình, bị quá lên như thế sau này. Điều đó gây sốc cho người nghe. Người nghe là người tiếp nhận, họ có quyền phản ứng trước những cái hay cái dở. Có bạo loạn thì vẫn là công chúng. Giữa việc được khen được chê, hay đúng hơn là được tâng lên hay bị "đập" hiệu ứng là như nhau. Những nghệ sĩ thực thụ vẫn sống chung với thảm họa nhạc Việt mà báo đài đang nói.

Không thể đổ lỗi cho công chúng về việc họ tiếp nhận gì. Tôi đánh giá cao công chúng, không cần biết nguồn gốc, địa vị, học thức của họ nhưng họ luôn có nhu cầu nâng cao phẩm chất, thẩm mỹ và muốn tiếp thu những cái mới. Bản thân tôi cũng bị chê tơi bời trên mạng, đọc những comment đó nhiều khi mình buồn đến không muốn hát nữa. Nghệ sĩ họ nhạy cảm lắm còn công chúng lại có những xốc nổi của riêng mình. Mình cần tỉnh táo để biết cái nào là cái điên hay và cái điên nào là nhất thời. Và đừng quên dù anh có làm gì, lạ đến đâu thì lạ cũng phải có tính thuyết phục.

- Và anh thì không bao giờ chiều theo lỗ tai của công chúng mặc dù cái điên của anh khá tỉnh táo và tiết chế vừa đủ?

- Tôi nghĩ rằng, những người làm nghệ thuật tạo ra những thứ âm nhạc như thế nào để định hướng công chúng chứ không có chuyện công chúng định hướng nghệ sĩ phải hát gì cho họ nghe. Định hướng ở đây là âm nhạc của anh luồn lách được vào người ta, hay thì ở lại, không hay thì người ta không tiếp nhận. Đừng bao giờ đổ lỗi cho công chúng là họ chỉ chạy theo những cái nhất thời, nhất thời thì chỉ là nhất thời giải trí và công chúng cũng mải miết đi tìm thứ âm nhạc phù hợp với mình. Thời cuộc nó như vậy, thời điểm này nó như vậy, đang bị bão hòa, những nghệ sĩ thực thụ và những nghệ sĩ nói thẳng là "giả cầy" tự nhận mình là nghệ sĩ đang bị đồng hóa, gây ra nhiều bất lợi cho thẩm mỹ khán giả.

- Có thể nhận thấy một vài nghệ sĩ đang dần bứt khỏi cái khuôn bó hẹp của một ca khúc. Bằng bản phối tuân thủ theo một concept chặt chẽ, kết hợp với hiệu ứng tiếng ồn, ánh sáng, âm thanh ngoài đời sống, rồi trình diễn đương đại trên sân khấu… để phá bỏ mọi giới hạn của các loại hình nghệ thuật, tạo tương tác đa chiều với công chúng. Nhưng vấn đề ở chỗ công chúng vẫn đang quen với cách tiếp nhận ca khúc, nghệ sĩ bắt họ phải nuốt một khối lượng lớn các hình thức nghệ thuật không đơn thuần là giải trí nữa là rất khó. Với Tùng Dương, một ca khúc được anh hát lên gần như dưới dạng "song tác" cùng tác giả, anh đưa ý đồ nghệ thuật của mình vào và biến thành cuộc chơi của mình?

- Người ca sĩ và người nghệ sĩ chỉ khác nhau ở điểm đó. Nhiều ca sĩ không thể với tới danh hiệu nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì có thể là ca sĩ, là một người hát hay nhưng còn hơn thế. Tôi muốn nói đến những nghệ sĩ chân chính. Họ luôn tìm bản ngã của họ và dung hòa giữa yếu tố khách quan, họ không sáng tác ra những đứa con tinh thần nhưng họ không phụ thuộc vào tất cả các yếu tố khách quan. Họ là lần sáng tác thứ hai của tác phẩm. Thử hỏi những nhạc sĩ tự hát cho nhau nghe những sáng tác của mình, tác phẩm có thể thành hình hài không. Đây là mối quan hệ tương hỗ và khi nghệ sĩ làm thăng hoa được tác phẩm, họ cùng làm bật lên phẩm chất của tác phẩm, đó là công sức của cả một ê kip thực hiện.

Nước ngoài cũng vậy, những Madonna, Celine Dion… dù họ cũng có sáng tác của mình nhưng hầu hết họ phải đặt hàng những ca khúc viết đó như đóng giày cho họ. Hình mẫu của một nghệ sĩ đương đại là vừa sáng tác, vừa chơi nhạc và cần những cộng sự ê kip của mình. Có bột mới gột nên hồ, và họ phải là linh hồn!

Tùng Dương rất hứng khởi khi làm việc cùng Lê Cát Trọng Lý, cô ấy rất là trẻ, cũng là nghệ sĩ, cũng là cô gái mong manh, trải nghiệm theo cách của mình, cô ấy vừa đàn hát vừa sáng tác, có thể biết mỗi thứ một tí nhưng chính ý thức của cô ấy làm tôi phục. Cô ấy biết mình muốn gì và trở thành một hình mẫu như thế nào. Bản thân Dương cũng muốn như vậy, không muốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện ngoại cảnh, nếu có bài thì hát không có ai đưa bài thì chẳng lẽ mình ngồi chờ 10 năm mới ra album?

- Xin cảm ơn anh!

Thiên Ca – CSTC tuần số 70
.
.
.