“Cái chết” của hương bồ kết và suối tóc dài

Thứ Tư, 16/03/2011, 10:16
Mẹ tôi đi lấy những quả bồ kết đã được phơi khô đem nướng lên rồi ngâm vào nước để gội đầu. Chao ôi, mùi bồ kết thơm làm sao? Không phải tôi chưa từng gội đầu với bồ kết nhưng tại sao bây giờ tôi mới cảm nhận được vị hương nồng nàn đến vậy. Phải chăng tôi cũng đã tự đánh mất đi những nét quê thuần khiết nhất trong chính suy nghĩ của mình? Phải chăng chính tôi cũng đã khước từ những hương vị ngọt ngào đó để nhận lấy những điều… của cuộc sống hiện đại

Cuộc sống vồn vã, ồn ào đầy khắc nghiệt nơi đô thị đã làm cho tôi quên dần đi mình là một con nhà nòi dân quê chính gốc. Rồi một ngày trên các con phố nhỏ hình ảnh của các bà, các cô gánh từng bó rau muống, từng củ su hào nghêu ngao rao bán đã làm tôi chạnh lòng nhớ về mẹ, nhớ về làng quê đã in dấu tuổi thơ ngọt ngào của mình. Vô tình tôi bắt gặp vị hương thơm quen thuộc mà bao nhiêu năm nay tôi cứ ngỡ như đã lãng quên - mùi bồ kết trên những mái tóc cặp vội của các bà, các cô mỗi sáng. Cái hương thơm nồng nàn dịu ngọt ấy đã đưa tôi về tìm về với mẹ, tìm về những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ.

Đây không phải là lần đầu tiên trong bao năm xa quê tôi trở về, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi trở về với tiếng gọi của lòng mình, tiếng gọi của từng con ngõ nhỏ, tiếng gọi của bờ tre, hàng dâm bụt và những cây bồ kết sai trĩu quả bên góc bờ ao đầu làng. Cảm giác như một người con có lỗi với quê cứ đeo bám lấy tôi suốt dọc đường đi. Về tới đầu làng tôi biết quê tôi có đám cưới. Tới ngõ tôi đã nghe thấy tiếng mẹ, các con tôi đứa nào đứa ấy chạy thật nhanh để được ngồi vào lòng bà. Miệng bỏm bẻm nhai trầu và ánh mắt vui rạng ngời của mẹ khi thấy con cháu về thăm.

Hỏi mẹ tôi mới biết đó là đám cưới con cậu con trai út nhà thím Nhung. Mẹ tôi bảo hai đứa chúng nó yêu nhau đến 5 - 6 năm gì đó, đều được hai bên gia đình quý mến và ủng hộ, vậy mà suýt chút nữa đám cưới không diễn ra được. Theo như lời kể của mẹ cũng chẳng có gì to tát chỉ vì cô bạn gái kia vốn có mái tóc dài óng mượt, để thay đổi hình ảnh của mình trong ngày cưới trở nên xinh đẹp trẻ trung hơn, cô gái liền cắt phăng mái tóc dài của mình cụt đến tận gáy trông thật giống con trai.

Bạn bè của cô ai cũng ủng hộ khen ngợi vì sự thay đổi thời thượng như vậy. Những tưởng mọi người nhà người yêu cũng sẽ đồng tình với quyết định của mình không ngờ ai cũng thấy hụt hững, buồn buồn. Vốn dĩ các bà, các cô người nhà quê chúng tôi vẫn ưa cái mái tóc dài, anh người yêu đi đâu cũng khoe và tự hào người yêu mình dù làm ở thành phố nhưng vẫn giữ được hồn quê. Bà mẹ chồng tương lai rất ưng ý với cô con dâu tương lai. Thời buổi này tìm được một cô gái có mái tóc dài đến ngang lưng đã khó huống chi cô gái ấy đã nuôi mái tóc của mình dài đến thắt lưng, hơn nữa mái tóc thật suông và đẹp. Vậy mà không hiểu cô gái đua đòi hay nghĩ thế nào mà cát phăng cái mái tóc đi, nhìn mà xót hết cả ruột.

Cứ tưởng làm đẹp thế nào bạn trai cũng đồng tình, ai ngờ nhận được sự phản ứng quyết liệt của người yêu. Cả tháng trời cậu người yêu không sang nhà, không quan tâm hỏi han. Kế hoạch cưới đã chuẩn bị cả, thiếp mời đã đưa vậy mà cậu này quyết hủy không tổ chức. Cô gái khóc lóc, xin lỗi rối rít cũng không làm cho cậu ấy động lòng. Thấy vậy hai bên bố mẹ phải vào can thiệp. Thuyết phục mãi anh ta mới chịu cưới đấy. Cũng thật lạ, các cô các cậu bây giờ nghĩ gì không biết, mái tóc dài đẹp vậy mà không ưng lại thích những chuyện lố lăng thì cho là đẹp.

Nghe câu chuyện của mẹ tôi mới thấy chạch lòng, nhớ ngày xưa còn nhỏ mỗi lần gội đầu là tôi lại được mẹ nướng những quả bồ kết khô rồi ngâm với nước nóng trước khi gội. Giờ đây ngay cả bản thân tôi cũng không biết từ bao giờ thấy khó chịu với mái tóc dài như vậy. Mùa hè thì làm cho người ta thấy nóng nực, vướng víu, mùa đông lại tạo cảm giác lười vì lạnh khi gội. Vậy là tôi cũng lựa chọn cắt ngắn để tiện đủ đường.

Mẹ tôi vừa nói và đi lấy những quả bồ kết đã được phơi khô đem nướng lên rồi ngâm vào nước để gội đầu. Chao ôi, mùi bồ kết thơm làm sao? Không phải tôi chưa từng gội đầu với bồ kết nhưng tại sao bây giờ tôi mới cảm nhận được vị hương nồng nàn đến vậy. Phải chăng tôi cũng đã tự đánh mất đi những nét quê thuần khiết nhất trong chính suy nghĩ của mình? Phải chăng chính tôi cũng đã khước từ những hương vị ngọt ngào đó để nhận lấy những điều… của cuộc sống hiện đại

Thấy mẹ nói vậy tôi biện minh cho việc giới trẻ ngày nay không thích để tóc dài là vì rất bất tiện lại mất thời gian. Dùng dầu gội vừa tiện lại hiệu quả trong việc gọt sạch những bụi bẩn do ô nhiễm môi trường trong thời kỳ hiện đại hóa đưa lại. Thấy tôi nói vậy mẹ liền đưa ra những chứng cứ hùng hồn về các tác hại khi dùng dầu gội đầu của thanh niên làng tôi ngày nay.

Mẹ bảo thằng con trai nhà bác Hồng, năm nay mới học lớp 11 đua đòi bạn bè dùng dầu gội đầu mấy năm nay nên tóc đã bị đổi màu liên tục, lúc thì màu đỏ lòm, lúc lại thấy mái tóc chuyển sang màu xanh hoặc màu tím. Hay như cái Lan nhà thím Hưởng mái tóc dài óng ngày nào nay xơ xác vì do dùng quá nhiều dầu gội đầu. Cái ngắn cái dài  xõa xượi ra cả mặt, khi chúng chào thì cứ phải ghé vào tận mặt mới biết được là ai. Rồi đến cái Vi nhà bên cạnh ngoan ngoãn là thế, vậy mà 2 năm trở lại đây, đua đòi với các chị lớn dùng dầu gội tóc đã bị hỏng giờ trông như những sợi miến ấy. Không những thế mẹ tôi còn bảo dầu gội đầu còn làm mất đi màu đen óng của mái tóc, thay vào đó là những mái tóc màu vàng, màu cam xơ xác như rơm.

Mẹ tôi bảo bây giờ đang là mùa đông chứ những mái tóc ấy mà gặp cái nắng gắt của mùa hè thì dễ bị bùng cháy như chơi. Mẹ nói rằng ví như các bà, các cô ngày xưa không biết chữ, trình độ tiếp cận văn hóa hạn chế mà dùng những loại dầu độc hại ấy đã đành, vậy mà thời buổi các anh các chị được đi học đầy đủ, tiếp cận thông tin hàng ngày mà không chịu tìm hiểu tác hại của những thứ đó. Cứ bảo đấy là hàng của Tây, Tây gì mà nghe bọn trẻ nó gọi tên đã thấy "ngứa cả tai" như "ghét anh sầu đời" (dầu gội Head & Shoulder), hay như dầu gội "già rồi" (dầu gội Rejoice), "dầu gội soăn sun" (dầu gội Sunsilk) nghe đã thấy nó độc hại mà thanh niên thời nay vẫn dùng.

Để tìm hiểu sao mẹ tôi lại có thành kiến với dầu gội đầu đến vậy, tôi cùng cô con gái nhỏ đi một vòng quanh làng. Những con ngõ nhỏ ngày xưa nay không còn nữa, những bờ ao làng đã vắng bóng từ lâu. Và hình ảnh cây bồ kết trong tôi đã biến mất. Xưa kia cả làng tôi đếm vội cũng có tới hơn 10 cây bồ kết, mỗi khi đến mùa hái quả thì hầu như góc sân nhà ai cũng có ít bồ kết để phơi. Quả như lời mẹ tôi nói không sai, tôi cùng cô con gái đi từ đầu làng đến cuối làng không hề bắt gặp một mái tóc dài của những cô gái mới lớn. Những mái tóc cắt tỉa như vuông cụp, đuôi cá, đầu lá với những màu sặc sỡ được nhuộm màu theo mốt xanh, đỏ, tím vàng

Nghĩ lại câu chuyện mẹ tôi kể về đám cưới tôi lại nhớ đến 2 câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Bính:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê

Mẹ tôi, bác tôi, cô tôi những người phụ nữ quê mùa không hiểu thế nào là vi tính, hiện đại. Nói đến văn minh thì nghĩ rằng nó to lắm, xa xôi lắm, chắc phải người Thủ đô mới biết mặt mũi hình thù ra sao. Vậy mà những con người tưởng như quê mùa ấy, lạc hậu ấy lại đang đảm nhiệm trọng trách gìn giữ cái hồn vóc của quê hương mà chính những người như thế hệ chúng tôi đang tự đánh mất nó.

Trước đây khi người ta nói rằng: đầu hai thứ tóc -  thì mọi người sẽ liên tưởng đến những ông những bà ở tuổi trung niên. Nhưng bây giờ nếu có một ngày bạn trở về quê tôi vô tình nghe thấy câu nói ấy thì đó là người ta đang nói đến các cậu nam thanh nữ tú quê tôi - được gọi là những chủ nhân tương lai của đất nước đang hàng ngày tiếp cận những luồng văn hóa tiên tiến, những kiến thức sâu rộng mà thời đại này mang lại. Đằng sau những hiểu biết ấy, thanh niên quê tôi lại vô tình không biết chính họ đã và đang  tự đánh mất đi những điều tốt đẹp nhất, kỳ diệu nhất đã góp phần tạo nên tâm hồn người Việt

Quỳnh vi
.
.
.