Cán bộ quản giáo luôn là người thầy của mỗi phạm nhân

Thứ Tư, 19/10/2011, 10:08
Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp quản giáo, Trung tá Hoàng Văn Quyền, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong công việc. Gắn trọn đời với nơi giam giữ những con người tội lỗi, đối với Trung tá Quyền công việc là một thử thách, cần phải có sự quyết tâm, lòng kiên trì mới có thể hoàn thành được. Sự nghiệp quản giáo của anh cũng đã đi qua một quãng thời gian khá dài, đủ để anh nếm trải một vị ngọt bùi, đắng cay.

Trong suy nghĩ của Trung tá Quyền từ ngày bước vào nghiệp một người quản giáo anh luôn tâm niệm một quan điểm, việc giam giữ phạm nhân không đơn giản là để họ trả hết án mà cao hơn thế, một người cán bộ, chiến sĩ ở trại giam phải giúp những con người phạm tội hiểu ra đúng sai. Người quản giáo phải đóng vai trò là người thầy, giáo dục, định hướng cho những phạm nhân tìm được những con đường đi đúng đắn cho cuộc sống…

Câu chuyện vui về một phạm nhân hoàn lương

Trung tá Quyền bảo rằng, người làm nghề quản giáo vui nhất là khi những phạm nhân hoàn lương tìm được cuộc sống mới tươi đẹp. Đánh giá sự thành công trong công việc của những người quản giáo thì hãy nhìn vào những phạm nhân được họ giáo dục. Càng nhiều người hoàn lương, tìm được cuộc sống mới tươi đẹp thì đồng nghĩa với đó là công việc càng thành công.

Trung tá Quyền chưa bao giờ quá trầm trọng hóa công việc của mình nhưng luôn thực hiện một cách nghiêm túc và với trách nhiệm cao nhất. Có thể nhiều người suy nghĩ rằng công việc của những người quản giáo trong trại giam khá yên tĩnh và ít biến động, tuy nhiên với những người quản giáo, họ luôn phải chuyển động từng giây, từng phút. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghiệp quản giáo là chừng đó năm Trung tá Quyền chưa biết đến một giấc ngủ trọn vẹn. Anh  bảo rằng, kể cả được về nhà với gia đình nhưng trong đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến trại giam vì chỉ cần sơ sẩy một chút xảy ra sự việc thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Mỗi phạm nhân khi vào trại là một kỷ niệm đối với Trung tá Quyền. Anh vui khi thấy các phạm nhân cải tạo tốt, tìm được một cuộc sống mới ngược lại mỗi khi có phạm nhân phá phách, không chịu cải tạo, suy nghĩ của anh lại đau đáu, dày vò chính bản thân mình.

Kể về trường hợp của một phạm nhân tên Hoàng Văn Chính đã từng cải tạo tại Trại giam hồi năm 2000, Trung tá Quyển khẳng định, đây là người làm cho anh nhớ nhất. Chính vào trại với tội danh sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy. Là một con nghiện nặng nên khi vào trại Chính thường xuyên vật vã, co giật mỗi khi lên cơn. Nhờ sự chăm sóc và chữa trị của các cán bộ, quản giáo trong trại mà Chính đã nhanh chóng cắt được cơn nghiện. Tuy nhiên, khi đã cắt được cơn thì Chính lại trở nên ngang ngược không nghe lời của cán bộ.

Chính thường xuyên có những hành động phá phách, thậm chí đánh những phạm nhân khác ở cùng phòng. Biết được chuyện như vậy, Trung tá Quyền đã ngay lập tức xuống phòng giam của Chính, gọi anh ta ra một chỗ riêng để khuyên bảo. Anh nói với Chính rằng, tại sao lại có những hành động như vậy? Việc làm đó chẳng mang lại lợi ích tốt đẹp nào mà chỉ làm mọi người khinh bỉ chính mình. Đã phải vào trong trại cải tạo rồi thì phải tu dưỡng, chịu khó lao động, sống hòa thuận với anh em cùng nhau sửa đổi để mai sau khi trở về cuộc sống mới có thể làm lại được cuộc đời…

Chẳng cần phải dùng biện pháp mạnh hay giam giữ riêng biệt, những lời nói nhẹ nhàng như vậy đã tác động rất mạnh đến suy nghĩ của Chính. Cũng từ sau lần đó, Trung tá Quyền dành sự quan tâm đặc biệt cho Chính. Thường xuyên gần gũi, trò chuyện, chia sẻ Chính những câu chuyện, những suy nghĩ. Trung tá Quyền suy nghĩ, việc thu hẹp khoảng cách giữa cán bộ quản giáo với phạm nhân là việc nên làm, vì khi đó những cán bộ sẽ hiểu được tâm tư, suy nghĩ của từng phạm nhân, từ đó sẽ có những cách tác động đến tâm lý, hành động.

Được sự quan tâm của Trung tá Quyền, Chính trở thành một phạm nhân cải tạo rất tốt. Chịu khó lao động, biết nghe lời chỉ dạy của cán bộ, dần dần Chính trở thành một phạm nhân gương mẫu của cả trại giam. Ngày mãn hạn, khi bước ra đến cổng trại giam, Chính đã ôm chầm lấy Trung tá Quyền và nói rằng: "Em cảm ơn thầy đã chỉ bảo em trong suốt những ngày tháng qua. Nếu không có thầy, chưa chắc bây giờ em đã có ngày trở về như thế này…". Lúc đó, Trung tá Quyền cảm thấy rất xúc động trước những lời nói của Chính.

Lúc chia tay, Trung tá Quyền chỉ dặn Chính rằng: "Điều quan trọng nhất là biết sai và sửa sai. Mong rằng sau khi ra trại, anh có thể làm lại được cuộc đời mình. Tìm được hướng đi đúng đắn…". Rồi thời gian thấm thoát trôi đi, vài năm sau, Trung tá Quyền đã rất bất ngờ khi Chính tìm trở trại giam để thăm anh. Lúc này Chính đã không còn là một con nghiện như trước, anh đã trở thành ông chủ của một trang trại chăn nuôi dê rất lớn ở Bắc Kạn. Chính cũng đã có gia đình, vợ con đề huề.

Nghe thấy Chính kể chuyện như vậy, Trung tá Quyền cảm thấy rất vui trong lòng. Anh vui vì đã có một người tìm được một cuộc sống tốt đẹp và hơn nữa anh cũng thấy rằng công việc của mình đã mang lại một ý nghĩa nào đó cho xã hội dù là rất nhỏ bé…

Làm ông mối cho mối tình trong trại giam

Kể về câu chuyện này, Trung tá Quyền tâm sự, đây là một trong những kỷ niệm về nghề nghiệp mà anh nhớ mãi. Ở giữa nơi tù giam lạnh lẽo, nơi chỉ có phạm và những cánh cửa sắt vô hồn, những tưởng con người sẽ sống trong sự đơn chiếc nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra và Trung tá Quyền là một trong những người tạo ra điều đó. Cách đây vài năm, cả Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn luôn truyền miệng nhau về câu chuyện tình của hai phạm nhân Đoàn Mạnh Phong và Nguyễn Thu Giang. Một điều có vẻ trái với những quy định nhưng nó lại vẫn được diễn ra vì bản thân những người quản giáo ở đây lại ủng hộ.

Cả Phong và Giang đều phải vào trại giam vì tội sử dụng chất ma túy. Cải tạo trong trại giam được một thời gian thì giữa hai người nảy sinh tình cảm với nhau vì trước đó họ đã gặp nhau ngoài xã hội. Tuy nhiên, dù có thích nhau nhưng do quy định của trại giam không được phép yêu đương nên cả hai đều giấu kín tình cảm của mình trong lòng.

Lúc đó, bằng sự quan sát và cảm nhận của mình, Trung tá Quyền đã biết được giữa đôi trai gái này có tình ý với nhau nên anh đã gọi cả hai lên để hỏi chuyện. Anh bảo rằng, dù có tình cảm với nhau thật nhưng hai người vẫn không được phép yêu đương công khai với nhau trong trại giam. Nếu có cần gặp mặt nhau cũng phải có sự đồng ý và giám sát của các cán bộ. Cả Phong và Giang đều hiểu điều đó và hứa sẽ chấp hành đầy đủ nội quy của trại giam.

Từ ngay sau khi được Trung tá Quyền nói vậy, cả Phong và Giang đều cố gắng lao động và chấp hành rất tốt các nội quy mà trại giam đề ra. Thi thoảng hai người muốn được gặp mặt nhau, cho nhau những món quá mà người nhà tiếp tế vào đều xin phép Trung tá Quyền. Trước sự giám sát của cán bộ, Phong và Giang trò chuyện, hỏi thăm nhau, động viên nhau cùng cố gắng lao động để sớm được ra trại.

Có những lần, áo của Phong rách, Giang xin phép quản giáo được khâu vá giúp người yêu. Được sự đồng ý của quản giáo, Giang ngồi đơm lại từng chiếc cúc áo bị mất, vá từng miếng vải bị sờn trên chiếc áo của Phong. Cứ như vậy, thời gian trôi qua, tình yêu của Phong và Giang lớn dần lên trong sự giám sát của các quản giáo ở trại giam. Bản thân Trung tá Quyền và các cán bộ trong trại giam cũng rất cảm thông với hoàn cảnh của đôi bạn trẻ này nên đã cố gắng hết sức tạo điều kiện nhưng vẫn trong quy định của trại giam, giúp họ được gặp mặt nhau ở những trường hợp có thể.

Tết năm đó, mọi người rộn ràng chuẩn bị đón Tết trong trại giam. Buổi liên quan cuối năm có mặt cả cán bộ lẫn phạm nhân, Trung tá Quyền đã cho phép Phong và Giang được cầm tay nhau. Trước mặt tất cả mọi người đôi bạn trẻ đã rưng rưng nước mắt khi lần đầu tiên trong trại giam họ được nắm tay nhau. Cả hai đều rất xúc động khi biết rằng tình cảm của mình đã được mọi người ghi nhận và ủng hộ…

Ngày ra trại, Phong và Giang đều hứa với tất cả mọi người rằng, sẽ cố gắng làm lại cuộc đời để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vài tháng sau ngày đôi bạn trẻ mãn hạn, Trung tá Quyền rất vui khi Phong cầm thiếp mời cưới đến trại giam mời anh đến dự. Trong cảm nghĩ của Trung tá Quyền lúc đó anh cảm thấy trong lòng rộn lên một niềm vui, anh cảm thấy mình đã thành công.

Thành công trong việc tác thành cho đôi bạn trẻ và hơn nữa, công việc của anh đã có được hiệu quả, giúp ích cho một ai đó. Trung tá Quyền không dám kỳ vọng rằng, tất cả những phạm nhân sau khi rời trại đều có thể hoàn lương nhưng suốt chặng đường anh đi qua, đã có rất nhiều người tìm được hướng đi mới, đúng đắn cho mình sau khi đã lầm lỗi

Ngọc Cương - số 54
.
.
.