Cận cảnh cơn bão "ết" ở bản Thái

Thứ Tư, 20/07/2011, 19:31
Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, những mái nhà sàn ở bản Poọng, nơi có dòng sông Mã "gầm lên khúc độc hành" chạy qua nằm lấp ló dưới bóng cây thật thanh bình. Thế nhưng khi vào bên trong, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước tình cảnh của những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, những người già gầy yếu đang gắng gượng sống. Chưa bao giờ, người Thái ở bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa thấy bản làng của mình buồn và heo hắt như lúc này.

Bơ vơ trẻ nhỏ, hiu hắt cảnh già

Sông Mã nơi thượng nguồn trong những ngày tháng 6 nước đục ngầu, hẳn là những cơn mưa đầu hạ đã biến dòng nước vốn trong xanh đổi màu. Chúng tôi vượt qua con sông gắn liền với bài thơ "Tây Tiến" lừng danh của nhà thơ Quang Dũng, men theo sườn núi, trèo lên những đỉnh dốc... và tới bản Poọng vào giữa buổi sáng. Bản vắng và hiu hắt. Mấy đứa trẻ quần áo lem luốc ngồi chơi dưới sàn nhà nhìn đoàn khách lạ bằng ánh mắt ngơ ngác.

Nhìn thấy thằng bé chừng 4-5 tuổi, đen nhẻm ngồi lẻ loi trên bậc cầu thang một ngôi nhà sàn nằm ven ruộng lúa, chúng tôi liền lại gần. Nhiều người đi qua, đàn vịt bầu sợ lạch bạch chạy ra xa, còn thằng bé đứng lên gọi với vào nhà. Không hiểu tiếng của người Thái nhưng chúng tôi đoán, chắc nó báo tin cho người trong nhà biết có khách đến.

Các chiến sỹ Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy Công an huyện Mường Lát đến thăm gia đình có người chết vì "ết" ở bản Poọng.

Khi chúng tôi đến bậc cầu thang cũng là lúc một bà già xuất hiện. Bà mặc váy dân tộc, răng đen, lưng còng  mời khách lên nhà. Chúng tôi bước vào trong, tiếng nan nứa lát sàn nhà kêu cọt kẹt theo từng nhịp chân. Ngôi nhà trống trải, chỉ có đống chăn, đệm cũ để giữa nhà là vật dụng đáng giá. Ở một góc nhà khác là bó củi và hai cái xoong. Bà cụ mời chúng tôi ngồi, thằng bé cũng đến ngồi trọn vào lòng bà. Qua trò chuyện, chúng tôi mới biết, tên bà là Hà Thị Khùm, bà ngoại thằng bé. Bà đến ở nhà này khi bố mẹ thằng bé bị căn bệnh HIV/AIDS "bắt".

Nhắc đến con gái và con rể, mắt bà Khùm rơm rớm. Con rể bà trước đây vốn chăm chỉ làm nương, chăn nuôi. Thế rồi khoảng năm 2002 -2003, trong những lúc nông nhàn, con rể bà hay ngồi cùng đám trai bản và rủ rê dùng thử heroin. Ban đầu chỉ là thử cho biết, vài lần rồi nó trở thành quen và nghiện. Cuộc sống của cả gia đình bắt đầu thay đổi khi con rể bà mê đám thứ khói trắng chết người ấy.

Thay vì đi làm nương, anh này chỉ chăm chăm đem lúa, ngô, con vịt, con gà của nhà đi bán lấy tiền mua thuốc. Khi ở nhà không còn thứ gì có giá trị, anh ta đi làm thuê để lấy tiền mua "thuốc trắng". Chưa dừng lại ở đây, trong những ngày tụ tập cùng đám bạn nghiện, cùng "chia ngọt, sẻ bùi" thứ ma túy chết người, họ đã "tặng" nhau virus HIV. Con rể bà bị lây nhiễm lúc nào anh ta chẳng biết, thế nên anh này lại hồn nhiêm "đem về" cho vợ.

Năm 2008, anh này mất. Hai năm sau, chị Hà Thị Piền, con gái bà cũng ra đi. Vợ chồng chị Piền mất, để lại hai đứa con là Hà Thị Thoái và Hà Văn Thướng. Không còn cách nào khác, bà đành chuyển đến ngôi nhà của vợ chồng chị Piền để trông nom hai cháu. Do tuổi già, sức yếu, bà không thể lên nương, lên rẫy mà chỉ quanh quẩn ở nhà nên con bé Thoái 14 tuổi hiện đang là lao động chính. Từ 5h sáng, Thoái đã dậy để lên nương đến tối mịt mới về. Thương đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn mà cả ngày cắm cúi trên nương rẫy, bà trách mình không còn sức lực để giúp nó.

Bà Khùm bảo rằng, có lần thằng bé Thướng đòi ăn kẹo, ăn thịt nhưng không có tiền mua nên bà vào rừng lấy cây nhớt để bán. Sức bà, dù có gắng đến mấy cũng chẳng lấy được là bao nên cũng chỉ đủ mua cho thằng cháu gói kẹo, còn thịt thì chẳng mua được. Mà cái thằng bé Thướng cũng lạ lắm, suốt cả buổi nó chẳng nói lấy một tiếng nhưng bảo gì nó cũng hiểu.

Nó cầm cái bánh kem chúng tôi cho ăn ngấu nghiến và lặng thinh khi thấy khách ra về. Thế mà đến trật trưa, khi chúng tôi đang ở một nhà khác đã thấy nó ở đấy tự lúc nào. Vẫn với thái độ im lặng, đôi mắt buồn, nó ngồi lặng thinh. Nhìn nó, tôi lại nghĩ đến cái kết quả xét nghiệm HIV chưa được báo kết quả. Bà ngoại nó bảo, sau khi bố mẹ nó chết vì "ết", nó được đưa đi xét nghiệm nhưng chờ mãi chưa thấy báo kết quả. Vô hình trung, cái án "tử hình" cứ treo lơ lửng trên đầu thằng bé 5 tuổi có vẻ mặt buồn rười rượi.

Trẻ em ở bản Poọng được sử dụng nước sạch nhờ hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Ngàn Văn Tượi, năm nay 65 tuổi, còm cõi lắm. Ông khoe với chúng tôi, mới được mổ mắt miễn phí một bên mắt nên bây giờ nhìn thấy đường đi rồi, chứ trước đây mù cả hai mắt, khổ lắm.

"Sắp tới, lại được mổ mắt còn lại, chắc tôi sẽ nhìn rõ hơn", ông Tượi nói. Già cả, gầy yếu, mắt mờ vậy mà hôm nào ông cũng cùng hai đứa cháu là Hà Văn Hoàn và Hà Thị Nhận đi nương. Hôm nay, ông mệt nên nghỉ ở nhà, hai đứa cháu vẫn đang cặm cụi làm nương vì bây giờ đang là mùa tỉa ngô. Bố mẹ các cháu là Hà Văn Miêng, Ngân Thị Tiếng bị chết vì bệnh "ết", mấy ông cháu đành bao bọc nhau mà sống.

Nhìn ngôi nhà sàn không có nổi chiếc chiếu để trải, chỉ có mỗi cái bếp lạnh ngắt ở góc nhà, chúng tôi ái ngái. Những bức phên bằng nứa nứt toác, lưa thưa khiến nắng rọi vào đầy nhà. Với những bức vách này, vào mùa đông hẳn gió thổi vào lồng lộng. "Mùa đông ở đây lạnh lắm, nhiều đêm mấy ông cháu không ngủ được phải ngồi quây quanh đống lửa", ông Tượi cho biết. Buổi chiều, chúng tôi gặp hai chị em Hoàn, Nhận. Nhìn hai đứa bé 11, 14 tuổi dắt díu nhau từ trên nương về, khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, chúng tôi biết chúng vừa trải qua một ngày làm việc vất vả.

Ra vũng nước dưới sân nhà rửa mặt, rửa tay, cô bé Nhận cho biết, đang là mùa làm rẫy nên chúng phải đi làm cả ngày để lấy lúa, lấy ngô ăn. Bố mẹ chết hết, chúng phải bảo ban nhau làm nương, làm rẫy thôi vì không thể dựa vào ai cả. May mà ở bản, nhà nọ sát nhà kia nên khi đêm về còn được bà con, bạn bè trong xóm đến chơi mới đỡ buồn.

Đúng như con bé Nhận nói, cả bản Poọng có mấy chục nóc nhà, nhà nọ sát nhà kia và không có hàng rào ngăn cách. Tính cộng đồng, thân tộc thể hiện rất rõ không gian sống của người Thái. Có lẽ vì thế mà giữa họ có sự gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng thế mà khi chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Mông, ông chẳng giấu giếm mà cho biết, bữa trưa này mấy ông cháu chẳng có gì ăn, phải đợi hàng xóm nấu cơm đem cho.

Cái nghèo, cái khó của gia đình ông Mông không bút nào tả xiết. Ông Mông gầy nhom, ngồi giữa 3 đứa cháu, lớn lên 8, bé lên 2. Nhìn chúng lấm lem, ngơ ngác đến tội nghiệp. Mẹ chúng là chị Hà Thị Cơi, hiện đang đi làm nương. Bố chúng là anh Hà Văn Minh, chết vì "ết" đã hơn một năm. Gia cảnh vốn đã nghèo khó, cộng với người trụ cột gia đình lại nghiện ngập nên cuộc sống của họ ngày càng bi đát.

Khi anh Minh chết, 5 mẹ con, ông cháu đang ở trong một túp lều lụp xụp. Sau này, khi một người trong bản dựng được ngôi nhà sàn mới, đã cho gia đình ông ngôi nhà sàn cũ này. "May mà người ta thương cho cái nhà, nếu không ông cháu tôi chẳng có chỗ mà ăn ở", ông Mông khoe.

Ông Mông và 3 đứa cháu mồ côi.

Khi nghe ông Mông nói, nhà không còn cái ăn,  chúng tôi nhìn những đứa trẻ mà xót xa. Con bé con chưa đầy hai tuổi cứ khóc, nó nói với ông bằng tiếng của người Thái, chúng tôi nghe không hiểu nhưng nghĩ là nó đòi ăn. Rất may, trước khi vào đây chúng tôi có mang theo sữa tươi, bánh mì, mì tôm, phần để làm quà cho bọn trẻ trong bản, phần để ăn đường nếu nhỡ bữa. Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều xé gói sữa, bóc bánh cho đám trẻ.

Con bé chị dù đã 8 tuổi nhưng có lẽ lần đầu cầm gói sữa tươi của Vinamilk nên không biết cách làm sữa phụt ra ngoài. Thấy thế, anh quay phim đi tìm quanh nhà được cái bát men, chúng tôi liền đổ sữa vào cho con bé con 2 tuổi uống. Nhìn chúng, cả đoàn chúng tôi ai cũng ái ngại. Thế là lại góp tiền đưa ông Mông mua thêm đồ ăn cho các cháu.

Vì sao nên nỗi?

Trước khi ma túy, rồi HIV/AIDS tràn qua, bản Poọng rất thanh bình. Do tập quán canh tác, sinh sống đặc trưng của người Thái là sống ở nơi vùng trũng, có ruộng lúa nước, có sông, suối nên mọi gia đình trong bản đều đủ lúa ăn, ngô để chăn nuôi. Những cánh rừng già giáp biên giới Việt - Lào cũng cho người dân bản Poọng những sản vật quý như thuốc nam, mật ong...

Thế nhưng, cuộc sống êm đềm ấy bỗng nhiên bị đám trai bản đi làm ăn xa và cả những kẻ đua đòi đem heroin về phá mất. Trước đây, chỉ với vài chục nghìn, người ta mua được heroin chiêu đãi cả nhóm. Cứ tưởng rẻ là mua được mãi để dùng, nhưng khi đã dùng rồi thì nghiện. Mà nghiện thì phải dùng nhiều hơn, dùng liên tục, thế nên heroin đã làm cho những trai bản, những gia đình có người nghiện trở nên cùng quẫn.

Tôi hỏi anh Vi Văn Thuận, trưởng bản rằng, tại sao nhiều thanh niên, đàn ông ở bản Poọng lại dễ bị lôi kéo sử dụng ma túy như vậy, anh Thuận bảo rằng, thường thì khi đi làm nương về họ tụ tập đến nhà nhau chơi. Thông thường trong những đêm như vậy, chỉ có chén rượu là thứ đồ giải khuây duy nhất. Thế nhưng, khi một, rồi hai thanh niên trong bản tập tành hít heroin, họ đã đi mua rồi rủ mọi người trong bản cùng sử dụng.

Do thiếu hiểu biết, do bị lôi kéo nên cả hội cùng hùa vào. Khi chưa lên Mường Lát, chưa đến bản Poọng, tôi chưa từng nghe đến việc người ta dùng nước lấy từ mó (khe nước chảy ra từ trong núi), nước trà nhạt để thay nước cất. Nước cất không sẵn, kim tiêm cũng hiếm là điều dễ hiểu, thế nên họ dùng chung bơm kim tiêm và kết quả là virus HIV lây lan tràn lan.

Chỉ vài năm, thanh niên, đàn ông - những lao động chính trong các gia đình bị suy kiệt sức khỏe và lần lượt ra đi. Có những ngày vào khoảng năm 2008, bản có 2 người chết. Tính đến nay, cả bản có 39 người chết vì HIV/AIDS, trong đó có 4 cặp vợ chồng.

Anh Hà Văn Sùng, Trưởng Công an xã Tam Chung cho biết, ma túy đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của dân bản. Có lần, một người bố đã đến báo Công an xã việc con trai họ sang bên kia biên giới mua heroin bởi không chịu nổi sự phá phách của anh này.

Hậu cơn bão "ết" đã để lại cho bản Poọng di chứng nặng nề, đó là những đứa trẻ mồ côi, người già không có con nương tựa. Hiện nay, ở bản Poọng không có người nghiện mới, các cháu thiếu niên đã nhìn thấy rõ tác hại của ma túy mà tránh xa nó. Mong rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cuộc sống của các cháu bé mồ côi, người già ở bản Poọng sẽ sớm vượt qua khó khăn

Cao Hồng – CSTC tuần số 66
.
.
.