Can cun: Cuộc đối thoại khó khăn

Thứ Ba, 21/12/2010, 17:01
Để cứu vãn Nghị định thư Kiôđô sẽ hết hạn vào năm 2012, một Nghị định thư duy nhất cho đến hiện nay bắt buộc các nước phải giảm từ 25% đến 40% (thay vì chỉ giảm 7% đến 14%) khí thải gây hiệu ứng nhà kính (KTNK) so với năm 1990, sau khi hội nghị Côpenhagen (Đan Mạch) thất bại hồi năm ngoái, Liên hợp quốc đã triệu tập hội nghị Can cun (Mêhicô) cũng nhằm mục đích này.

Chính vì ý nghĩa rất quan trọng, có tính sống còn với toàn thế giới như vậy, hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Can cun (COP 16) lần này thu hút tới 190 nước tham dự, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn hội nghị cấp bộ trưởng và giai đoạn hội nghị cấp nguyên thủ quốc gia. Các nước dự hội nghị chia thành 2 nhóm rõ ràng: nhóm các nước giàu, khu vực xả KTNK nhiều nhất, lâu năm nhất và nhóm các nước nghèo, nước đang phát triển, nạn nhân chính của thảm họa này.

Vấn đề mang đến hội nghị cũng là cuộc đụng độ lợi ích giữa họ. Các nước giàu, đại diện là Mỹ, nơi KTNK nhiều nhất thế giới, đồng ý phải giảm KTNK nhưng đòi hỏi các nước nghèo, đang phát triển cũng đồng thời phải giảm các loại khí này. Các nước phía Mỹ cũng yêu cầu giảm phần đóng góp mình phải chịu để khắc phục hiệu ứng nhà kính (ước tính là 200 tỷ USD/năm).

Ngược lại, các nước nghèo và đang phát triển, đại diện là Trung Quốc, nước phát ra lượng KTNK chỉ sau Mỹ thì yêu cầu các nước giàu phải giảm trước, giảm nhanh và phải đền bù lớn, không thể đòi hỏi các nước nghèo, đang phát triển giảm như họ vì trình độ công nghệ của các nước này còn thấp.

Chính vì lập trường các bên quá xa nhau như vậy, nên hội nghị kéo dài đến 10 ngày, chương trình nghị sự rất căng thẳng. Dù đến phút chót, hội nghị cũng đạt một số thỏa thuận, nổi bật là đồng ý thành lập "quỹ khí hậu Xanh" do các nước giàu đóng góp, chủ yếu giúp các nước nghèo, với mức đóng góp tăng dần từ 30 tỷ USD/năm tới 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 và một số vấn đề khác; mặc dù Tổng thống nước chủ nhà coi hội nghị là "thành công toàn diện" nhưng dư luận thế giới vẫn không thật phấn khởi.

Trước tình hình này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban ky moon đã phải trấn an: "Không nên đòi hỏi hội nghị Can cun thỏa mãn mọi vấn đề" và thông báo sắp tới, LHQ sẽ tổ chức một hội nghị tương tự như Can cun ở Durban (Nam Phi) để giải quyết tiếp hai vấn đề sinh tử nhất hội nghị Can cun còn để lại, đó là tiếp tục thực hiện Nghị định thư Kiôđô và chống cháy rừng, phá rừng.

Với người Việt Nam, KTNK dường như còn là một vấn đề trừu tượng, mặc dù hậu quả của nó (trái đất nóng lên, nước biển dâng) đang đe dọa cướp đi quê hương, nguồn sống của hàng triệu con người nhưng với nhiều người trên thế giới, đây là hiểm họa lớn nhất mà trái đất phải hứng chịu sau hàng tỷ năm tồn tại.

Vậy hiệu ứng nhà kính là gì khiến cộng đồng quốc tế chia rẽ đến như vậy, cuộc đối thoại khó khăn đến như vậy?

Nhiệt độ trái đất có được là nhờ bức xạ mặt trời xuyên qua bầu khí quyển tới. Một phần nguồn bức xạ này sẽ được tiêu thụ, làm nên sự sống trên trái đất, một phần sẽ được bức xạ tiếp vào vũ trụ. Sự cân bằng về nguồn nhiệt tới và đi tiếp tạo nên sự cân bằng về nhiệt độ của trái đất từ nhiều triệu năm nay. Nhưng sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ nếu bức xạ nhiệt từ trái đất đi vào vũ trụ bị ngăn cản. Trái đất sẽ nóng lên, băng hai đầu cực sẽ tan, nước biển sẽ dâng cao xâm lấn vào đất liền, lụt bão lớn sẽ hoành hành, con người sẽ ốm đau, bệnh tật vì nóng, vì khí hậu thất thường.

Thủ phạm của tình trạng bức xạ nhiệt của trái đất bị giữ lại trong bầu khí quyển là khí thải CO2 (tiếp sau là các khí CFC, CH4, O3, NO3… trong đó CH4 tức mê tan là thủ phạm thứ 2) do con người thải ra từ khói các nhà máy, khí thải ôtô xe máy, cháy rừng… tóm lại từ sinh hoạt hiện đại và sự phát triển công nghiệp dùng năng lượng cũ như than đá, dầu mỏ, củi đốt, điện từ than và dầu mỏ vv… Chính vì vậy, cho đến năm 1750, khi CO2 vẫn cân đối trên toàn trái đất vì lượng CO2 thải ra cân bằng với lượng bị phân huỷ.

Chỉ sau thế kỷ 18, khi cách mạng công nghiệp bùng nổ, lượng CO2 mới tăng vọt, phá vỡ sự cân bằng. Đến nay, lượng khí CO2 tăng bình quân hằng năm là 1,88%, đến năm 2020, phải giảm khoảng 44 tỷ tấn mới hi vọng trái đất chỉ nóng lên thêm 2 độ, một mức tăng tương đối an toàn.

Những khí thải gây hiệu ứng tương tự như trong các nhà kính dùng trong trồng trọt này, không bị các biên giới quốc gia ngăn cản, vì vậy dù là nước nghèo, công nghiệp chậm phát triển như nước ta cũng phải chịu hậu quả do khí CO2 được thải ra từ các nước rất xa mình. Bởi thế, các nước nghèo và đang phát triển có một yêu cầu chính đáng là buộc các nước giàu phải đền bù thiệt hại cho mình để họ có tiền trồng rừng, cải tiến công nghệ, tìm các nguồn năng lượng tái tạo, xử lý rác thải… hạn chế CO2. Nhưng CO2 là chất khí không nhìn thấy, phải mang hàng chục tỷ USD nhìn thấy được đến cho các nước nghèo chỉ vì một lý do khó thấy là một điều cực chẳng đã với các nước giàu, dù gọi là viện trợ, hỗ trợ, hay gì đi nữa.

Cuộc đối thoại khó khăn và những thành công phải nhích lên từng bước nhọc nhằn  tại hội nghị Côpenhagen năm ngoái, hội nghị Cancun năm nay và hội nghị Durban sắp tới chứng tỏ một điều rằng, ở khía cạnh chống biến đổi khí hậu, trái đất là một ngôi nhà chung.

Ngôi nhà chung đó không êm ả do những người sống chung trong một ngôi nhà có những lợi ích khác nhau. Vì tương lai của trái đất và của chính mình, chúng ta phải xích họ lại gần nhau vì ngôi nhà chung, vì quê hương duy nhất của cả loài người

Vũ Duy Thông
.
.
.