Cần làm rõ trách nhiệm vụ chìm tàu ở Hạ Long

Thứ Ba, 01/03/2011, 15:55
12 người chết trong vụ chìm tàu "3 không" ở Hạ Long: biển không động, thời tiết không xấu, chất lượng tàu không tồi. Nhưng những cái không đó càng đặt ra nhiều day dứt từ vụ án: không phải chỉ có trưởng máy, chủ tàu mà chính cơ quan chức trách ở đây cũng "ngủ quên", nghĩ rằng tàu chỉ chìm ở vùng biển động và chất lượng kém.

1. Bất kỳ nguyên nhân nào, khi xảy ra thảm họa, trách nhiệm đều phải được quy rõ. Tất cả các chủ đò, lái đò, chủ tài, lái tàu và người liên quan phạm một trong các hành vi: vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng; giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Vụ chìm tàu Trường Hải 06 QN 5198 được xác định: Do máy trưởng khi tắt máy tàu đã không đóng các van ở ống thông biển lấy nước hai bên mạn tàu nên khi đầu nối đường ống kim loại ra bơm chung bị bung, dẫn đến nước chảy vào khoang buồng máy. Trong khi đó, thuyền trưởng cũng như các thuyền viên đã bỏ trực đêm, khi nước tràn vào gần đắm tàu mới phát hiện và không kịp xử lý.

Người có trách nhiệm trên bờ cũng "ngủ quên" trước khi thảm họa xảy ra.

Với những diễn tiến khách quan như trên, đây là vụ án gần như hy hữu khi gây thảm hoạ ở đường thuỷ nhưng người vi phạm không bị xử lý bởi một trong các tội danh về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ  (Điều 212 BLHS); tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn (Điều 214 BLHS); tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ (Điều 215 BLHS). Thay vào đó, Công an Quảng Ninh bắt giam thuyền trưởng và máy trưởng tàu Trường Hải 06 để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Trong bất cứ vụ án về tai nạn giao thông đường thuỷ nào từ trước tới nay, nếu người vi phạm bị truy tố bởi các tội danh về an toàn giao thông đường thuỷ, thì mức phạt cao nhất là 15 năm tù (tương ứng mức cao nhất tội phạm rất nghiêm trọng). Như vậy, Bộ luật Hình sự không xác định các tội danh này thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình). Gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 42 người chết ở Quảng Bình, HĐXX tuyên án Nguyễn Xuân Quý (chủ đò) 14 năm tù giam và Nguyễn Minh Mậu (lái đò) 15 năm tù giam - mức cao nhất của tội danh. 

Bài học đắt giá: Không bao giờ được phép chủ quan.

Ở đây, tội danh và khung hình phạt không bao giờ đủ gánh hậu quả họ gây ra. 14 hay 15 năm tù, án tuyên theo luật, nhưng người dân, ngay cả gia đình nạn nhân, họ cũng không thể đành lòng tự nhủ người phạm tội là những thanh niên chân chất, thôn quê như Nguyễn Minh Mậu, Nguyễn Xuân Quý phải trả giá bằng hình phạt tước bỏ quyền sống.

Ở vụ chìm tàu Trường Hải 06, bản án nào dành cho bị cáo cũng đơn giản chỉ là sự áp dụng pháp luật thuần tuý, không thể so sánh bất cứ điều gì, khi mà hậu quả gây ra quá lớn.

3. Trách nhiệm cuối cùng như vậy đã hết? Chủ đò chở quá số người làm chìm đò, chủ đò và lái đò bị phạt tù, thế là xong? Tàu du lịch Trường Hải 06 bị chìm, 12 người chết, thuyền trưởng và máy trưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, rồi cũng xong?

Như thế, điều gì sẽ tiếp sau chìm đò Nông Sơn, Chôm Lôm, Diễm Tín?

Điều gì tiếp sau tàu Trường Hải 06?

Biển không động, gió không mạnh, tàu không kém chất lượng, nghĩa là không có cái gì phải lo ngại? Những thảm hoạ trong cái yên, cái lặng, cái không như vậy còn bi đát và xót xa hơn nhiều thảm hoạ xảy ra vùng gió to sóng dữ.

Thử hỏi: Đã có ông Chủ tịch UBND xã nào bị thôi chức khi để xảy ra thảm hoạ bến đò tại xã mình như Chôm Lôm, Nông Sơn, Diễm Tín?

Vụ chìm tàu Trường Hải 06, còn ai phải chịu trách nhiệm? Tỉnh Quảng Ninh ra lệnh kiểm tra đồng loạt các tàu du lịch ở Hạ Long ngay sau thảm họa. Nhưng trước đó, việc kiểm tra thế nào? Họa rồi mới tá hỏa? Thuyền trưởng và máy trưởng đinh ninh rằng tàu neo vào vùng biển lặng, gió nhẹ, máy móc thiết bị tốt nên không thể có tai nạn, thiếu trách nhiệm và ngủ quên. Công ty TNHH Trường Hải cũng đinh ninh như thế, cũng "ngủ quên". Chính quyền địa phương và cơ quan kiểm tra, kiểm định chuyên môn cũng vì vậy "ngủ quên"?

Khi tỉnh giấc, mọi cái giật mình đã muộn!

Cần nhắc lại rằng, vụ bão Chanchu năm 2006, người đứng đầu Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, dẫu ở cách xa nơi xảy ra thảm họa cả nghìn kilômét, cũng đã bị thôi chức.

Thuyền trưởng và máy trưởng tàu Trường Hải 06 sẽ bị xử lý ra sao?

Trong vụ việc trên, các căn cứ dựa trên điều tra sơ bộ do cơ quan CSĐT công bố cho thấy, có thể 2 cá nhân trên đã có hành vi "thiếu trách nhiệm" do không thực hiện (hoặc thực hiện không đúng) nhiệm vụ được giao. Đồng thời, hành vi này gây ra "hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Ở đây, không những thiệt hại về vật chất (thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản…), mà còn là thiệt hại phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...).     

Tội danh "Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng" thường là đối với những người có chức vụ (do bổ nhiệm, do bầu cử.), được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể (như tại vụ chìm tàu này), người có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mặc dù chỉ hoạt động nghề nghiệp đơn thuần (điều khiển tàu...), nhưng hoạt động của họ liên quan đến quyền và lợi ích của người khác.

Lỗi của thuyền trưởng và máy trưởng tàu, nếu theo tội danh này là lỗi vô ý.

Phân tích về hành vi và chế tài có thể áp dụng để xử lý đối với Thuyền trưởng và máy trưởng tàu liên quan tới vụ chìm tàu như trên, là căn cứ theo kết quả điều tra sơ bộ của cơ quan CSĐT công bố. Đối với vụ án này, trong quá trình tố tụng có thể cho thấy, thuyền trưởng và máy trưởng tàu (cũng như phát hiện thêm người vi phạm khác) có hành vi phạm tội khác, thì sẽ xử lý theo tội danh đó (có thể là các Điều 212, 214, 215 BLHS).

Mức phạt cao nhất đối với mỗi tội danh trên là 15 năm tù…

Luật sư Nguyễn Văn Sinh, Công ty Luật TNHH YouMe, Hà Nội

Giật mình?

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh nhận định: Tàu Trường Hải 06 được cấp phép nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long và điểm đỗ nằm trong khu vực vùng vịnh, có các hòn đảo bao quanh nên rất kín gió. Chính vì vậy, loại bỏ khả năng tàu chìm do nguyên nhân thời tiết như dông, gió. Mặt khác, các điểm đỗ trên vịnh đã được các cơ quan chuyên môn khảo sát kỹ lưỡng về luồng tuyến và tầng nước. Về an toàn kỹ thuật của phương tiện, đây là tàu mới hoạt động được 2 năm và đến ngày 29/4/2011 mới đến hạn đăng kiểm nên khả năng chìm tàu do yếu tố này là rất ít. Tất cả các tàu du lịch tại vịnh Hạ Long đều được bảo đảm theo tiêu chuẩn S1, cao hơn mức qui định chung…

Ông Phạm Minh Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa (Bộ GTVT) thì giải thích: Chiếc tàu này không phải bị chìm do tác động của gió, lốc, việc bị chìm do rò nước nên chắc chắn không thể chìm nhanh. Nếu thuyền viên trực ca làm hết trách nhiệm sẽ phát hiện tàu bị rò nước để thông báo cho du khách thoát lên boong tàu.

Đăng Trường - CSTC tuần số 47
.
.
.