"Cánh đồng bất tận" chưa tìm ra đáp số

Thứ Tư, 22/12/2010, 14:05
Với phim "Cánh dồng bất tận", đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình ấp ủ cả hai khát vọng: Phải là phim nghệ thuật và phim phải đạt doanh thu cao. Cái ước ao này là rất chính đáng, là rất nên ủng hộ, là hợp lý hợp tình khi việc sản xuất phim đã bị dứt khỏi bầu sữa bao cấp để tự vẫy vùng trong cơ chế thị trường. Nhưng là bao nhiêu phần trăm dành cho nghệ thuật, bao nhiêu phần trăm dành cho doanh thu đây?

Điều cần nói trước tiên, về phương diện tay nghề đạo diễn, so với phim "Vũ khúc con cò" - tác phẩm điện ảnh phim nhựa đầu tay của chính anh, Nguyễn Phan Quang Bình đã tiến một bước khá dài.

Sau vụ mùa thất bát ê chề của hầu hết các dự án làm phim 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thật vui mừng biết bao khi "Cánh đồng bất tận" làm sôi động, làm sinh sắc lại sinh hoạt điện ảnh vốn đang tù đọng ở nước ta từ mấy năm trở lại đây. Mừng, vì phim phá kỷ lục người xem kéo đến đồng loạt tất cả các rạp chiếu trong toàn quốc và đương nhiên là có doanh thu cao. Mừng hơn nữa vì bộ phim đã dấy lên được phản ứng xã hội, tức sự khen chê mà hình như chưa bộ phim truyện nhựa nào ở xứ mình làm được điều đó.

Ý kiến "chê" (tạm dùng chữ này) cho rằng đạo diễn không hiểu tinh thần cốt truyện và tính cách các nhân vật chính cũng như phong tục, lối sống của bà con cô bác miền Tây ở nguyên tác văn học -ý kiến này có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ BHD đã mua bản quyền tác phẩm văn học sớm nhất, dường như ngay từ khi truyện bùng nổ thành một hiện tượng xã hội.

Lại cũng đừng quên, tham gia "đọc" truyện "Cánh đồng bất tận" còn có cả những tên tuổi rất am tường văn chương: cố vấn cho bộ phim là ông Ngô Thảo, nhà phê bình văn học và sân khấu uy tín. Biên tập chính của bộ phim là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh và truyền hình có thâm niên - Nguyễn Hồ. Công việc chuyển thể từ văn chương qua điện ảnh được ủy thác cho ông Ngụy Ngữ - nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh có tài và có tay nghề. Làm cố vấn "không chuyên" cho đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trong những chuyến đi, về miền Tây còn có nhà văn Nguyễn Quang Sáng- người thông thuộc miền đất quê hương mình như thuộc đường chỉ trong lòng bàn tay.

Nói Đỗ Hải Yến, Dustin Nguyễn, Tăng Thanh Hà diễn "sượng", "không nhập vai" vì Nguyễn Phan Quang Bình chỉ đạo diễn xuất "non"; ngay sau đấy vội khen Lan Ngọc "diễn mà như sống với nhân vật", thử đặt câu hỏi, cô sinh viên năm thứ 3 này cứ cười khóc, đi lại trước ống kính, không cần tới sự chỉ bảo, uốn nắn của đạo diễn và tài năng tự nhiên phát lộ sao?

Trong phim "Cánh đồng bất tận" thể hiện những mâu thuẫn xã hội gay gắt, tính bi kịch trong số phận của các nhân vật rõ ràng được giảm nhẹ hơn trong truyện "Cánh đồng bất tận". Cái cơ cực, cùng quẫn của Sương, bố con Nương, Điền trong phim bị "chê" là đã đặt trên cái nền quá đẹp của những toàn cảnh, những trung cảnh mịn màng, óng ả như nhung lụa.

Trả lời phỏng vấn, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thẳng thắn bộc bạch đó là chủ ý của anh, tuyệt nhiên không phải là điều tình cờ, là sai sót. Chúng ta hãy ủng hộ Nguyễn Phan Quang Bình vì điểm xuất phát này. Bởi trong một công trình chuyển thể từ văn chương lên màn ảnh, cái đáng trân trọng nhất, cái cốt tử nhất chính là sự hấp thụ và biểu đạt chất liệu văn học nhất thiết phải thông qua "lăng kính" chủ quan của người đạo diễn. Mọi sự sao chép, hoặc hốt hoảng, quy hàng trở thành kẻ nô lệ nguyên tác văn chương đều đưa đến những bộ phim non kém.

Một bộ phim chuyển từ một tác phẩm văn chương là một sự tái tạo lần thứ hai, một chỉnh thể độc lập, chịu sự phán xử lần thứ hai, cũng độc lập với sự phán xử tác phẩm văn chương. Không nên lấy nguyên tác văn học làm thước do duy nhất cho mọi thành bại của bộ phim. Nhà văn Giải thưởng Nobel Gabriel Garcia Marquez, tác giả của "Trăm năm cô đơn" đã nói: "Tôi từng thấy những bộ phim hay làm theo những cuốn tiểu thuyết tồi. Tôi chưa bao giờ thấy một bộ phim hay chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết hay".

Có thể nói, so với hàng chục bộ phim truyện nhựa của điện ảnh chúng ta ra lò trong khoảng chục năm trở lại đây - kể cả chỗ được, chỗ còn chưa được, "Cánh đồng bất tận" bằng vai phải lứa. May sao, điện ảnh xứ ta đã tìm được đỉnh cao để so sánh. Tôi đồng tình với các tác giả nhiều bài viết, tính tới sự hoàn thiện (tức sự khớp khao, đồng bộ) và sức khái quát hóa nghệ thuật, "Cánh đồng bất tận" chưa sánh được với phim "Mùa len trâu".

Tựa như vừa biện hộ cho phim "Cánh đồng bất tận" và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, tôi cũng xin bày tỏ công khai sự trân trọng và đánh giá cao bài viết của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn về bộ phim này. Nói thẳng thừng ra, một trong những bi kịch mà nền điện ảnh xứ mình đang gặp phải là quá thưa vắng, tựa như không có những nhà phê bình nhiệt tâm, thẳng thắn, được trang bị vốn liếng văn hóa và học vấn điện ảnh kỹ càng, đầy đủ để có khả năng chẩn bệnh tinh tường, chuẩn xác như vậy.

Với phim "Cánh đồng bất tận" anh Nguyễn Thanh Sơn đã chỉ ra hai hòn kê chông chênh khiến tòa nhà phim lung lay, chao đảo trước kỳ vọng của người xem. Đó là vai trò của đàn vịt và cặp mắt nhìn của Nương hay của Sương. Đàn vịt trong truyện đông đúc, ồn ã chạy xuyên suốt tác phẩm, tạo nên những cao trào (Sương hiến thân, Nương bị hiếp) và nhất là tạo nên hiệu ứng nổ dây chuyền từ tình huống một qua tình huống hai cho đến tận cuối câu chuyện.

Bầy vịt trong phim hiện ra lèo tèo, thấp thoáng để mất đi đường dây kịch tính trong truyện. Kết cấu phim trở nên rời rạc, có vẻ như chắp nối vì cốt chuyện phần đầu được triển khai qua cặp mắt quan sát của Nương, sang phần sau chuyển qua cặp mắt của Sương. Đấy là những nhận xét rất tinh mà những cây bút tầm tầm chim sẻ không dễ gì có được.

Bài viết của Nguyễn Thanh Sơn về phim "Cánh đồng bất tận", kể cả bài phân trần với Ngô Thị Bích Hạnh, "bà chủ" của Tập đoàn BHD, ít ai ngờ đã vượt qua sự khen chê thường tình về một bộ phim, để đóng vai trò như một cú "sốc điện" cho sinh hoạt điện ảnh nước ta đang thiêm thiếp trong cơn trụy tim mạch bỗng bừng tỉnh. Giở trang báo ngày, báo tuần bây giờ, đọc tới bài viết về phim, y như rằng chỉ gặp những lời khen qua quýt, hời hợt, tỏ rõ người viết không hiểu nghề làm phim và... không xem phim. Nhà báo lụy người làm phim, ngại chê, sợ chê. Công việc P.R cho phim ảnh, về một phương diện nào đó cũng làm đui mù trình độ thưởng thức và thẩm mỹ của người xem.

Sống trong sự tâng bốc, phỉnh phờ của dư luận khen chê như thế, đạo diễn nước ta đã mất thói quen nâng lên đặt xuống kịch bản giàu hoặc ít chất văn học; diễn viên nước ta không còn phải đối mặt với những tính cách, những tâm trạng nhân vật khiến anh hay chị ấy phải bối rối, hoảng sợ và đã quen "ăn non" danh hiệu sao nọ, sao kia. Ngòi bút có vẻ như nghiệt ngã, ne nét của Nguyễn Thanh Sơn hóa ra đã góp phần thẩm định vàng thau trong việc bình giá phim; đã khiến các đạo diễn, các diễn viên đang sống trong hư danh giật thột để nhìn lại mình; đã lay tỉnh công chúng yêu phim để họ trở về với những chuẩn mực phim hay đích thực.

Trở lại với phim "Cánh đồng bất tận". Vậy điều gì đã là nguyên cớ dẫn tới tình trạng "chưa chín tới" của bộ phim này? Các bài viết về phim đưa ra nhiều kiến giải khác nhau. Chưa bắt trúng mạch văn học của Nguyễn Ngọc Tư? Chọn chưa đúng diễn viên cho vai? Kết cấu phim chưa chặt bởi chưa khai thác hết chất bi kịch trong toàn câu chuyện cũng như trong tâm trạng của từng nhân vật... Theo tôi, nguyên nhân hình như nằm ở một phía khác.

Ký hợp đồng rất sớm với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, hiển nhiên đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã rung động thật sự với từng trang văn của truyện vừa "Cánh đồng bất tận", đồng thời anh cũng linh cảm ngay được những lợi thế nằm sẵn trong truyện này giúp bộ phim tương lai hấp dẫn người xem đến rạp.

Nguyễn Phan Quang Bình bỏ công phu đến 6, 7 năm để tìm hiểu, suy nghĩ và đầu tư cho bộ phim truyện nhựa thứ 2, hẳn anh rất trân trọng giá trị văn học của tác phẩm đồng thời cũng phải tính toán kỹ càng đến đồng vốn chi ra, đồng lời thu vào. Chọn lựa dàn diễn viên, địa điểm và thời gian ghi hình anh cũng đi bằng hai cây gậy chống ấy. Nếu "Cánh đồng bất tận" - phim có được làm giảm độ gay gắt của những xung động xã hội cũng dễ dàng thông cảm cho các tác giả, bởi lý do thường tình: không ai dại gì chi ra cả chục tỷ để rồi giới kiểm duyệt bắt bỏ phim lưu kho.

Vâng, với phim "Cánh dồng bất tận", đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình ấp ủ cả hai khát vọng: Phải là phim nghệ thuật và phim phải đạt doanh thu cao. Cái ước ao này là rất chính đáng, là rất nên ủng hộ, là hợp lý hợp tình khi việc sản xuất phim đã bị dứt khỏi bầu sữa bao cấp để tự vẫy vùng trong cơ chế thị trường. Nhưng là bao nhiêu phần trăm dành cho nghệ thuật, bao nhiêu phần trăm dành cho doanh thu đây? Công thức pha chế của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và BHD liệu đã chính xác chưa? Công thức ấy sẽ ra sao, đặc biệt với tạng cảm xúc và giọng điệu rất riêng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư?

Trên thế gian này đã có biết bao nhà sản xuất phim lớn, những tên tuổi đạo diễn lừng danh của các nền điện ảnh tiên tiến đều mơ ước hai yêu cầu nghệ thuật và doanh thu xoắn bện với nhau, nhưng cũng không phải bao giờ họ gặt hái được thành công. "Titanic", "Avatar" được coi là những bộ phim đạt kỷ lục doanh thu nhưng có ai xếp là những kiệt tác điện ảnh? Và những "Xa mãi châu Phi", "Bệnh nhân người Anh", "Dương cầm"… những kiệt tác điện ảnh đâu đã trở thành những bộ phim đạt kỷ lục doanh thu? Ở nước mình thì những "Thương nhớ đồng quê", "Đời cát", "Trăng nơi đáy giếng"… ngay cả tới "Mùa len trâu" đâu đã "cháy vé" trong từng buổi chiếu?

Tôi lờ mờ cảm nhận, phim "Cánh đồng bất tận" gặp trục trặc trên đường tới với dư luận người xem có lẽ vì đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chưa tìm ra đáp số của bài toán khó này. 

Đạo diễn Mỹ gốc Nga Sergei Mikhalkov Konchalovsky, tác giả của những bộ phim xuất sắc như "Người thầy đầu tiên", "Một ổ quý tộc", "Tình ca Siberi", "Chuyến tàu định mệnh"… từng nói: "Mỗi bộ phim là một thể nghiệm. Và suốt cuộc đời làm phim cũng là một thể nghiệm". Phim "Cánh đồng bất tận" là một thể nghiệm của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và Tập đoàn BHD. Thể nghiệm mà thu hồi vốn nhanh, chắc không lỗ; thể nghiệm mà không một ai nghi ngờ về tính nghiêm túc và tính nghệ thuật của bộ phim- với hai lý do này thôi, xin chúc mừng đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và Tập đoàn BHD! N

Tô Hoàng - Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu số 34
.
.
.