Cặp vợ chồng thương hồ và những số phận trôi sông

Thứ Sáu, 06/05/2011, 15:59
Vớt xác, cứu người, làm bao chuyện phúc đức nhưng ông bà không bao giờ đòi hỏi bất kỳ sự hàm ơn nào. Trong chiếc thuyền bé cỏn con rách tươm là phương tiện giăng câu kiếm cá đổi cơm thường ngày, cặp vợ chồng thương hồ "trùm" vớt xác ở khu vực cầu Bình Lợi liên tục cười khi được hỏi sau hàng trăm lần "làm phước" ấy có được "đền ơn đáp nghĩa" bao giờ?!

Trong lúc chồng gãi đầu vì chẳng biết phải giải thích thế nào thì bà Hinh thổ lộ: "Cái được không phải tiền bạc mà là ân tình. Nhiều người biết chuyện vợ chồng tôi làm đã ghé thăm động viên, khích lệ, kết nghĩa anh em dù rằng tụi tui nghèo kiết xác và chưa từng "làm phước" gì cho họ".

Cứu người từ thuở 15

Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc, sinh năm 1957, quê ở tỉnh Hưng Yên khi ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hinh, 54 tuổi vừa trải qua đêm trắng giăng lưới thả câu dọc sông Sài Gòn, neo thuyền dưới chân cầu Bình Lợi (khu phố 2, phường 13, quận Bình Thạnh).

Nhìn ông bà dáng gầy guộc, gương mặt nhiều nếp nhăn, da sạm đen, giọng nói sang sảng, nếu không biết trước, có lẽ chẳng ai biết được đấy là "ân nhân" của hàng chục con người và trên 200 xác chết trôi sông.

Vợ chồng ông Ba.

Nở nụ cười méo mó, khắc khổ, ông Chúc tiếp chuyện chúng tôi bằng đôi dòng tự bạch ngắn gọn về cái căn nguyên đưa ông đến với việc vớt xác trên sông không lương, chẳng cần báo đáp: "Tiếng là nguyên quán Hưng Yên nhưng kỳ thực tôi lớn lên trên đất Sài Gòn. Sống trên sông nước nên tôi liên tục gặp xác chết trôi sông. Những lúc như thế, hổng lẽ bỏ mặc người ta, vậy là vợ chồng tôi đưa họ lên bờ, đắp cho họ manh chiếu, thắp nén hương cho họ sớm được siêu linh, mà người thân khi ghé nhận xác cũng đỡ phần đau xót".

Ở tuổi 54 nhưng ông Chúc và vợ có thâm niên hơn 30 năm vớt xác trôi sông. Ngần ấy thời gian hụp lặn, lần mò hàng trăm tử thi chìm dưới dòng chảy, mùi tử khí như là chuyện cơm ăn nước uống hằng ngày. "Hồi năm 15 tuổi tôi đã có duyên với chuyện vớt xác cứu người trên sông rồi đó" - ông Chúc nhớ lại: "Lúc đó gia đình tôi sống dọc con kênh Tham Lương nằm ở cuối đường Thống Nhất, quận Gò Vấp. Bận nọ có một gia đình ở miền Tây chạy ghe mía (chở mía) lên đây nhả hàng chẳng may tông phải cây cầu gỗ bắc ngang. Cú va chạm mạnh khiến chiếc ghe vỡ một bên hông, nước nhanh chóng tràn vào nhấn chìm chiếc thuyền. Chứng kiến cảnh ấy từ đầu đến cuối, tôi hô to rồi lao ra dìu 3 đứa con của cặp vợ chồng ấy vào bờ. Bà con chòm xóm và ông bà già tôi sau đó cũng kịp ứng cứu kịp thời cặp vợ chồng nọ. Lần đó cả gia đình 5 người họ thoát chết và cũng từ đó, cái duyên cứu người, vớt xác nó đến với tôi như định mệnh".

Năm 20 tuổi, ông Chúc lập gia đình. Vợ ông không ai khác là bà Hinh, người cùng quê, cũng xuất thân cơ hàn bám dòng chảy của con kênh Tham Lương làm kế sinh nhai. "Gia đình 2 bên đều nghèo, con đông nên lấy nhau rồi, để hai đứa có điều kiện ra riêng, ông già mới cho vợ chồng tôi chiếc thuyền nhỏ vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh" - bà Hinh bộc bạch: "Năm 1977 vợ chồng tôi theo con nước và neo lại dưới khu vực cầu Bình Lợi đến nay. Nơi này tập trung nhiều dòng chảy, lắm cá tôm và cũng là nơi xác chết trôi tấp về, đồng thời cũng là điểm tự sát lý tưởng của những người chán đời bất cần sự sống".

Những kỷ niệm... rùng mình

Sau những hàn huyên về chuyện mưu sinh trên sông nước, ông Chúc cho biết từ đầu tháng 4 tới nay vợ chồng ông vớt được 3 xác. Xác đầu tiên là một cô gái, lúc vợ chồng ông gặp thì xác đã trương sình. Xác thứ 2 là một cụ bà khoảng 70 tuổi, xác trôi lên tận mé sông Vàm Thuật, ở phường 13, vợ chồng ông Chúc phải mất hơn 10h đồng hồ ngược dòng mới tìm được. "Xác cuối cùng vợ chồng tôi vớt cách đây 3 ngày, đó là thi thể của một phụ nữ tuổi ngoài 30, chừng như chị ấy mang bầu, trong người không có giấy tờ tùy thân. Nhiều người ghé xem đoán định chị ấy có lẽ giận chồng mà làm chuyện dại dột" - bà Hinh nhớ lại.

Bên dòng chảy cuồn cuộn của con sông Sài Gòn lúc con nước lên, vợ chồng người vớt xác tâm sự, xác chết trôi sông kinh khủng không kém gì xác chết bị tai nạn giao thông. Bị ngâm trong nước, không chỉ lở lói da thịt, xác chết trong giai đoạn phân hủy còn bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Chúc kể lại trường hợp vợ chồng ông vớt cái xác đầu tiên: "Hồi giữa năm 1977, sau 3 tháng neo thuyền tại bến mới, lúc tờ mờ sáng, lúc bả nắm mái chèo, còn tôi đang thu tay lưới cuối cùng thì cả hai cùng thấy xác một người đàn ông trong tư thế nằm sấp, lập lờ giữa đám lục bình mà sợ điếng hồn. Cứu người còn sống thì hổng sao chứ vớt người chết thì chưa từng nên khi đó tôi đấu tranh tâm lý dữ lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ nếu xác chết ấy là người thân của mình, hổng lẽ mình bỏ mặc nên đánh liều tay cầm mái chèo, tay dùng sào đẩy xác chết vào bờ rồi tròng dây kéo lên. Lúc được lôi lên bờ, mùi xác chết khiến tôi nôn tại chỗ, cả tháng trời vợ chồng tôi không dám đụng đến thịt cá".

Ấy là chuyện của hơn 30 năm trước, còn bây giờ, vợ chồng ông Chúc quá quen với những hình dạng và mùi hôi thối đặc trưng của xác chết trôi sông. Nhưng dù có quen cỡ nào thì thì thoảng, vợ chồng ông cũng không khỏi rùng mình khi "đụng đến" những xác chết mà ai đó dẫu có gan dạ cỡ nào nếu thấy cũng phải… sây sẩm, rùng mình.

Ực ly rượu nếp cho ấm người, ông Chúc tiếp tục kể lại những kỷ niệm nhớ đời: "Năm 2001, tôi vớt xác chết không đầu. Nhưng lần đó không sợ bằng cái lần vợ chồng tôi vớt xác của một phụ nữ vì giận chồng đã trói chặt con vào mình rồi nhảy cầu tự vẫn. Lúc xác nổi lên, nhìn hai mẹ con dính chặt vào nhau, bà xã tôi sững sờ đến độ để rơi mái chèo…".

Bà Hinh định nối tiếp lời chồng về những kỷ niệm rùng mình liên quan đến xác chết trôi sông nhưng có lẽ do thấy thần kinh của khách không được "thép" nên bà lại thôi. Lúc này ông Chúc nói rằng xác chết được vợ chồng ông vớt có 2 dạng, dạng thứ nhất được vợ chồng ông trong lúc buông câu phát hiện, dạng thứ 2 do chính thân nhân của người bị nạn nhờ. "Khi biết chồng con, mẹ cha vì buồn chuyện gia đình nhảy cầu tự vẫn nhưng không tìm thấy xác, vậy là họ tìm đến nhờ kiếm tìm".

Những lúc như thế, vợ chồng ông động viên, an ủi họ rồi lặng lẽ chống sào đẩy chiếc thuyền con bé tẻo teo, rách nát như cuộc đời mình, miệng lầm bầm khấn cầu người chết phù hộ độ trị giúp vợ chồng ông mau kiếm được thi thể họ. "Chuyện tâm linh khó giải thích lắm chú à!" - bà Hinh tâm tình: "Có nhiều trường hợp thân nhân người chết thuê hàng chục người búa tủa khắp sông, thuê cả thợ lặn lần mò nhưng cuộc tìm kiếm vô vọng. Khi biết vợ chồng tôi, họ đến nhờ, khi tôi hoặc lúc bà xã thắp cây nhang van vái chẳng bao lâu sau thì tìm thấy xác".

Cứu người nhớ không xuể

Đó là tâm tình vớt xác, còn chuyện cứu người, ông Chúc nói "đếm không xuể, kể hổng hết".

Nhưng điều mà ông rõ là năm nào vợ chồng ông cũng giành giật từ tay thủy thần nhiều sinh mạng mà trong những giây phút nóng giận, lỡ lầm, lúc bi quan tuyệt vọng họ nghĩ quẩn, làm chuyện rồ dại: "Tháng trước, lúc 9h tối, ngủ không được, tôi ra mui thuyền ngồi đốt thuốc, hóng gió thì thấy một phụ nữ lao từ trên cầu xuống dòng chảy. Ngay lập tức tôi phóng xuống nước bơi hết tốc lực bắt kịp cô ấy, cùng lúc đó bà xã tôi chèo thuyền đến phụ tôi dìu đưa cố ấy lên thuyền. Hỏi ra mới biết cô ấy tên Hương, 34 tuổi, vì buồn chồng có nhân tình về hắt hủi vợ con nên cố ấy quyết định quyên sinh để anh chồng ân hận suốt đời". Chỉ tay về mé sông cách chỗ neo thuyền hơn 100m, ông Chúc nói: "Trước đó mấy ngày, tôi cứu một thanh niên khoảng 30 tuổi, vì mặc cảm thua sút bạn bè mà chán sự đời, quyết định chết"…

Vợ chồng ông Ba trong một lần mò xác.

100% trường hợp nhảy cầu tự vẫn vào ban ngày được vợ chồng ông Chúc phát hiện đều được cứu sống. "Trường hợp họ nhảy vào ban đêm như kiểu cô Hương kia rất khó phát hiện, mà nếu có thì cũng khó cứu bởi trời tối đen như mực, chẳng thể định hướng được người nhảy cầu ở điểm nào".

Bà Hinh, tiếp lời chồng: "Cứu người thì dễ nhưng làm sao để họ đừng tiếp tục nhảy cầu hay làm chuyện rồ dại tương tự mới trần ai chú ơi. Phần lớn người nhảy cầu tự tử khi được cứu phản ứng quyết liệt lắm. Có người cố tình vẫy vùng, cũng có người ôm chặt ông nhà tôi cho cả hai cùng chết. Được đưa vào bờ làm hô hấp nhân tạo, tỉnh dậy rồi, có người bưng mặt khóc, người la lối, chửi bới oán trách sao nỡ làm chuyện thất đức, họ muốn chết sao không để cho họ chết? Những lúc như thế tôi với ổng thay phiên nhau động viên an ủi họ".

Với những người tự sát vì cảnh nghèo, ông Chúc chỉ cho họ thấy chiếc thuyền rách nát của mình rồi hỏi họ có nghèo hơn ông không?! Với người buồn chuyện gia đình, vợ ông cũng chỉ vào chiếc thuyền rách nát hỏi họ có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn của cặp vợ chồng có 5 đứa con và cả nhà hàng chục năm trời sống trong chiếc thuyền rách nát, không điện nước, mấy đứa con chẳng được học hành đến nơi đến chốn, vợ bệnh con đau không có tiền đến trạm xá, chỉ biết cắn răng cầu trời khấn Phật cho lướt qua…

"Hổng hiểu sao khi nghe tôi nói, rồi nhìn cái nhà trên sông rách te tua của tôi, những người chán sống hồi tâm chuyển ý, từ oán trách họ chuyển sang cảm ơn. Có người còn đòi kết nghĩa anh em nữa đấy".

Cứu người há dễ để người trả ơn

Khi nhận được xác người thân, thân nhân của tử thi quyết định báo đáp vợ chồng ông Chúc. Người tế nhị thì dúi tiền vào tay vợ chồng ông, kẻ sỗ sàng hỏi thẳng muốn gì, cần gì họ chẳng tiếc. Có người ép quá, để họ vui lòng, vợ chồng ông chỉ nhận số tiền tương đương một đêm buông lưới thả câu.

Trong gió chiều lồng lộng, ông Chúc cất giọng sang sảng: "Nếu tham tiền, có lẽ vợ chồng tôi hổng khó ngặt như vầy. Tiền thì ai cũng ham, cũng cần nhưng nghĩ đến chuyện giữa lúc thân nhân người chết đau đớn vì mất mát người thân, mà mình thì lòng vui vì nhận được đồng tiền của họ, nói thiệt vợ chồng tôi hổng làm được". 

Hơn nửa đời người vớt xác và cứu người, vợ chồng ông Chúc lấy sự hồi tâm chuyển ý của những người được cứu sống và hạnh phúc vỡ òa của những người được giúp tìm thấy xác thân nhân của họ… làm niềm vui.

Năm 2007, tình cờ biết được câu chuyện "cứu người há dễ để người trả ơn" của vợ chồng ông, một Việt kiều Mỹ nhân chuyến về nước đã ghé thăm và đóng tặng vợ chồng chiếc ghe xấp xỉ 90 triệu đồng. "Khi ông Việt kiều kéo chiếc ghe tới trao tặng anh Chúc, ông Việt kiều nắm tay ảnh, mà rằng: "Tôi biết rõ anh vợ chồng anh mà. Anh chị cứu người vớt xác không đòi hỏi, chẳng màng chuyện thù lao. Tôi quý anh chị nên muốn chia sẻ khó khăn với anh, mong anh chị đừng từ chối".

Lúc chia tay, chúng tôi đau đáu trước cảnh sống khá chật vật của vợ chồng ông trong tình cảnh vật giá leo thang chóng mặt mà nguồn tôm cá thì cạn kiệt do sông Sài Gòn ô nhiễm, người như thế rất cần được Nhà nước và nhiều tấm lòng gần xa đãi ngộ

Ng. Thành Dũng – CSTC tuần số 55
.
.
.