Cổ kim công tử

Cậu Hai Miêng Lưu linh miễn tử

Thứ Bảy, 28/05/2011, 16:02
Hiếm có nhân vật nào mà lại có hai chiều dư luận như cậu Hai Miêng. Những thông tin truyền miệng thì cho rằng, đây là một công tử hảo hán, biết bênh vực dân lành. Nhưng có những tài liệu ghi lại thì Hai Miêng chính là người phục vụ quân Pháp đắc lực trong việc cai trị Nam Bộ thời thuộc Pháp.
>> Cổ kim công tử

Bài viết này không đưa một lời khẳng định, mà chỉ viết lại chân dung Hai Miêng thông qua những tư liệu, giai thoại và văn, sách từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Chúng ta hãy xem đoạn trích của nhà văn Hứa Hoành viết về nhân vật lạ lùng ngộ nghĩnh này: "… Cuộc đời Huỳnh Công Miêng, con trai lãnh binh Huỳnh Công Tấn có nhiều nét độc đáo. Huỳnh Công Miêng là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, dám ăn thua đủ với kẻ mạnh hiếp yếu. Các hành vi nghĩa hiệp ấy được dân chúng Nam Kỳ ưa thích, truyền tụng và tôn làm "cậu" và gọi "cậu Hai Miêng".

Công tử Hai Miêng xuất hiện trước tiên ở Nam Kỳ, là "công tử" tiên phong lớp trước, mệnh danh là "miễn tử lưu linh", có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... Thừa hưởng sự nghiệp đồ sộ của cha để lại, cậu Hai Miêng ăn xài huy hoắc, phá phách, coi tiền như rác. Đương thời cậu Hai Miêng ăn chơi khắp lục tỉnh.

Ai cũng nghe danh cậu. Nếu cậu có phạm tội gì nhỏ, cũng không bị truy tố vì Pháp còn nhớ ơn thân phụ cậu. Truyền thuyết về cậu Hai Miêng kể lại rằng: "Có một lần cậu vào thăm quan tham biện Mỹ Tho (Tỉnh trưởng bây giờ) với thái độ hống hách khác thường:

Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm, "Búa xua" (BonJour) ông tham biện, bạc tiền ông để đâu?

Hai câu trên được dân chúng truyền tụng, chứng tỏ hành vi ngang tàng của cậu, không nể bất cứ ai, kể cả viên Tỉnh trưởng người Pháp".

Thực ra, không hề có việc cậu Hai Miêng "bảnh" dường ấy với quan Tây, nhất là quan đầu tỉnh. Cậu có vào gặp cũng chẳng ai thấy và có thấy cũng chẳng thể chứng kiến cuộc gặp trong văn phòng dinh thự quan chi phụ mẫu. Có điều, khi Tây chiếm Nam Kỳ, mượn chuyện cậu Hai Miêng, các sĩ phu yêu nước nay đành cam thúc thủ,  bèn sử dụng cái gọi là "truyền thông vỉa hè" để tạo ra một nhân vật vừa kích động tâm lý xem thường Tây và thỏa mãn ẩn ức nỗi niềm mất nước. Vô hình trung, cậu Hai Miêng trở thành một thứ thần tượng trong lòng người bình dân khắp cõi Nam Kỳ lục tỉnh. Hãy xem tiếp đoạn nói về Huỳnh Công Miêng đã phục vụ nhà nước Đại Pháp trong công cuộc chinh phục An Nam như thế nào, và cũng để hiểu về một nhân vật có hai mặt dư luận, một là kẻ bán nước hại dân, một là anh hùng công tử trong một bộ phận dân chúng:

"… Năm 17 tuổi, Huỳnh Công Miêng, Trần Bá Hựu (em ruột Trần Bá Lộc) Lê Công Phụng, con nuôi của lãnh binh Tấn, được qua Pháp du học Trường La Seyne gần Toulouse. Sau 4 năm, cả ba không đỗ đạt bằng cấp gì cả, nhưng nói trôi chảy tiếng Pháp, về nước được Pháp cho làm thông ngôn, sau thăng ông Phán, Tri huyện... hàm. Đợt sau cậu Hai Miêng có Lê Công Hoàng, Nguyễn Quang Nghiêm (cô cậu với Lộc) đều đậu Tú tài, hồi hương liền được bổ làm Tri huyện ngay.

Trường hợp cậu Hai Miêng lúc mới về nước, Pháp cho cậu phục vụ dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc, hy vọng cậu thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa lập công. Khi Lộc đem quân ra Bình Thuận, Khánh Hoà, Hai Miêng cũng có mặt trong đoàn quân đó. Lần này Lộc lập kế bắt mẹ của lãnh tụ nghĩa quân tra khảo, đe dọa giết để Mai Xuân Thưởng về hàng. Kế sách ấy tuy cũ, dã man nhưng hiệu quả…"

Nhưng cũng truyền thuyết dân gian lại chữa cháy cho nhân vật mà họ thần tượng, quyết không để có tì vết…

"Pháp kích động cậu Hai Miêng lập công, nhưng công việc ấy không hợp với bản tính hào phóng của cậu. Cậu vốn ghét những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, bênh vực người cô thế, và rất oán ghét bọn cường hào ác bá. Chán nghề chém giết, cậu Hai Miêng xin xuất ngũ để sống cuộc đời của một kẻ "miễn tử lưu linh", ngồi ghe hầu chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Cậu Hai Miêng sống cuộc đời ngoại hạng, vượt xa các công thức đương thời. Lúc mới về nước, cậu chỉ thích võ nghệ, luyện côn quyền (một loại võ khí cổ, chỉ dùng sức mạnh), múa kiếm. Cậu nổi tiếng anh hùng khắp xứ. Vì không muốn bị ràng buộc, làm tay sai cho Pháp. Cậu trả chức tước Pháp ban cho. Hàng ngày cậu đi đá gà, uống rượu, hối me (một thứ cờ bạc) thả giàn…".

Dân gia bèn chế tạo và gán cho cậu Hai Miêng cách hành xử và bản lĩnh của một "siêu-nhân": "Có lần cậu đi xuống Giồng Tháp để hốt me, nhiều đàn em theo để mang một bao bạc giấy, thứ bạc con cò, rất có giá trị hồi cuối thế kỷ 19. Cậu Hai Miêng cầm chén hốt me, có các thủ hạ là Bảy Danh, Ba Ngà, Tám Hổ lo vừa tiền và chung tiền.

Sòng me nào có cậu cũng ăn thua rất lớn. Lúc sòng bạc tan, cậu ra về, đi ngang qua một vườn xoài, thấy nhiều trái xoài vừa chín ửng vàng, trông rất ngon lành, cậu kêu chủ nhà hỏi mua. Chủ nhà bằng lòng, đi lấy cây sào tới hái. Cậu cười, nói:

- Để tôi hái cho, khỏi cần sào!

Nói xong, cậu giậm chân, nhún mình, nhảy lên bứt một lượt mấy trái xoài chín cây. Ai nấy đều khen ngợi".

Tại Gò Công và vùng Sài Gòn Chợ Lớn, bài vè cậu Hai Miêng và những điển tích kiểu thần thoại như vậy khá phổ biến. Thực ra lại là kế hoạch của thực dân. Những kẻ cộng tác thuở đầu với chúng như Tổng đốc Lộc, Lãnh binh Tấn… đều chết cả.

Nhằm khuyến khích người Việt tham gia trong guồng máy cai trị (tất nhiên là cấp thấp) có gì bằng cho họ biết nếu tham gia với thực dân Pháp đàn áp dân chúng vùng đất bị trị, thì ngoài việc được thưởng công hậu hĩnh mà đến đời con, đời cháu cũng được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Chính vì vậy, khi chính trị đã hoàn toàn ổn định từ những năm đầu thế kỷ 20, hoàn toàn mất hẳn loại truyền thuyết như vậy. Vì không còn cần nữa!

Tuy vậy, giới bình dân cũng tin và còn điểm xuyết thêm cho… đã nữa:

Trong "Thơ Cậu Hai Miêng" có đoạn mở đầu như sau:

Nam Kỳ có cậu Hai Miêng,

Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công.

Cậu Hai là bực anh hùng,

Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh!

Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh…"

Người Gò Công lớn tuổi, hẳn ai cũng nhớ chuyện cậu Hai Miêng ra tay đánh cặp rằn Tây vì ức hiếp dân phu đào Ao Trường Đua:

"Khi Pháp cho đào Ao Trường Đua (xung quanh là đường vòng đua ngựa), bắt dân phu trong tỉnh Gò Công phục dịch, làm sưu cực khổ. Họ cưỡng bách lao động như tù khổ sai: ban ngày đào đất, đắp lộ, ban đêm ăn ngủ tại chỗ. Hết toán này tới toán khác thay phiên, còn bị cặp rằn (tức giám thị) đánh đập như súc vật vì muốn công việc mau xong.

Một buổi sáng, cậu Hai Miêng đi ngang qua đó, thấy cảnh làm việc quần quật mà còn bị đánh như trâu ngựa. Nổi máu anh hùng, cậu liền thộp ngực một tên cai mã tà (cảnh sát bây giờ) hung ác, đấm đá luôn. Cai Phi, cặp rằn đều bị cậu cho ăn mấy bạt tai, rồi cậu bắt họ đội đất chạy lên chạy xuống như mấy người dân đang bị hành hạ. Ngoài ra cậu còn quất cho họ mấy roi.

-Tao đánh chúng bây coi tụi bây có đau như dân phu hay không?

Chuyện về công tử Hai Miêng còn được đẩy xa tới mức:

Hồi trước ở miền Nam, thấy ai ăn ở tánh nết ngang tàng, ông bà ta thường nói:

Cậu Hai, cậu chớ có lo,

Hết tiền, cậu cứ xuống kho lấy xài.

Lại một câu chuyện khác về chuyện đụng độ giữa cậu Hai Miêng với bọn cường hào ác bá mới nổi lên ở xứ Nam Kỳ thuộc địa:

"Có một lần đoàn ghe hầu mấy chiếc của cậu Hai Miêng ngao du tới xứ Bạc Liêu. Lúc đó nhằm mùa khô, nhiều ghe chài đến "ăn lúa" tại nhà các đại điền chủ. Lúc đó, dưới bến sông, trước nhà anh em ông chủ Thời, chủ Vận diễn ra cảnh vác lúa xuống ghe rộn rịp như cái chợ. Ở địa phương này, dân chúng ai cũng ngán hai anh em chủ Thời, chủ Vận. Ông chủ Thời có một cô con gái tên là "cô Hai Sáng". Dân chúng khắp trong vùng này không ai dám nói đến chữ "Sáng" như "buổi sáng", "hồi sáng mai", mà phải nói lại "buổi sớm", "sớm mới"... thì đủ biết thế lực hai ông ấy ra sao.

Khi mấy chiếc ghe hầu của cậu Hai Miêng do thủ hạ chèo đi ngang qua, vô tình ông chủ Thời trông thấy, kêu một đứa bạn (người ở đợ) gần đó, hỏi lớn:

- Ghe của ai đi dưới sông đó bây?

Nghe câu hỏi phách lối ấy, cậu Hai Miêng tức giận. Cậu cho ghe ghé lại. Thấy cô Hai Sáng đang đứng chơi dưới bến, cậu Hai Miêng liền cho tay chân bộ hạ bắt cô ta trói lại, và kéo lên cột buồm.

Khi biết đó là cậu Hai Miêng, quan tham biện Pháp còn nể, ông chủ Thời xuống nước nhỏ, năn nỉ. Ông thương lượng với cậu Hai Miêng "xin chuộc" cô Hai Sáng bằng một bao cà ròn giấy bạc. Khi ông chủ Thời năn nỉ xin tha cho cô Hai Sáng, cậu Hai Miêng bằng lòng, mở trói cho cô Hai Sáng, rồi gia nhân ôm bao cà ròn đầy nhóc giấy bạc xuống ghe, chèo đi. Từ đó, ông chủ Thời, chủ Vận bớt hống hách với dân làng".

Hình ảnh của một "nghĩa sĩ thất thời" hội tụ đủ tính cách hảo hớn theo cách Nam kỳ được hoàn chỉnh dần theo thời gian và sự đóng góp của nhiều thời kỳ và nhiều tầng lớp dân gian để trở thành điển tích:

"Tuy có học bên Tây, nhưng cậu Hai Miêng cũng có ít nhiều tác phong của bọn du côn do ảnh hưởng của Thiên địa hội. Ông cai tổng Lê Quang Chiều, người Phong Điền, Cần Thơ, là thúc phụ của bác sĩ Lê Văn Hoạch (thông tin này chúng tôi chưa kết luận nhưng tôn trọng tác giả của điển tích, chúng tôi vẫn giữ nguyên - người viết), có soạn quyển "Quốc âm Thi Hiệp Tuyển", trong đó, có bài thơ ca ngợi cậu Hai Miêng:

Số hệ ai làm hỡi cậu Miêng?

Ba mươi tám tuổi du huỳnh tuyền. (1857-1895)

Sao lờ Bến Nghé xiêu người ngó,

Khói toả Cầu Kho thăm vợ hiền.

Đúng bực phong lưu trời vội dứt

Những trang hào kiệt đất không kiêng.

Cho hay khuất bóng danh còn tạc,

Nhựt báo đòi nơi đã khắp truyền.

Huỳnh Công Miêng mất năm 1895, được an táng trong một ngôi mộ lớn ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là Trần Đình Xu)"

Song Minh – CSTC tuần số 58
.
.
.