Cậu bé mồ côi 9 tuổi bị HIV - Lầm lụi cô đơn trên đồi hoang

Thứ Tư, 20/07/2011, 16:19
Đã tròn 5 năm kể từ ngày bố và mẹ Tuấn vĩnh viễn ra đi. "Tài sản" duy nhất mà họ để lại cho em là căn bệnh thế kỷ HIV. Sự khinh miệt, ghẻ lạnh của người đời đã khiến cậu bé 9 tuổi phải một mình chống lại bệnh tật, đói rét và sự sợ hãi. Hàng ngày Tuấn lang thang khắp phiên chợ nghèo xin ăn, tự ra suối tắm, giặt rũ và uống thuốc khi ốm. Chiều đến, cậu bé trở về ngôi nhà lá hoang lạnh giữa đồi sim và ngước nhìn di ảnh bố mẹ mà tự hỏi: "Sao bố mẹ mãi không về?!"

Cháu không nhớ mẹ vì mẹ mang bệnh về nhà!

Đến xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình không khó khăn để hỏi gặp em Bùi Minh Tuấn. Câu bé mồ côi 9 tuổi mang trong mình căn bệnh HIV. Những người cay nghiệt vẫn thường gọi em là "thằng bé Si đa". Giữa trưa, nắng tháng 6 như đổ lửa xuống miền sơn cước của tỉnh Hòa Bình, chúng tôi bắt gặp Tuấn đang quần mình dưới một rãnh nước. Mọi người nói, đây là nơi Tuấn thường xuyên tắm và chơi đùa.

Khắp người cậu bé, bùn đất dính đầy, chỉ còn hở ra đôi mắt ngơ ngác, ngài ngại nhìn về phía người lạ. Anh Bùi Văn Đỉnh, người chú họ cũng là người thân duy nhất còn ở bên cạnh em nhìn tôi mà nước mắt ngậm ngùi: "Mấy ngày nay vào mùa gặt, Tuấn sang ở với gia đình em. Chú tuốt lúa, cháu lang thang chơi xung quanh. Được một lúc thì mất tăm. May có người báo cháu ở đây".

Vẫn cái quần xà lỏn, cái áo dài rách bươm cùng giọng nói ngượng ngùng mà day dứt, anh Đỉnh tiếp lời như phân trần, thanh minh: "Gần nhà cháu cũng có 1 cái giếng, nhưng lại là giếng tròn, nước sâu lắm. Tuấn thì nhỏ, không thể tự múc nước mà tắm được. Hôm thì cháu ra suối, hôm lại chạy ra rãnh nước vẫy vùng, quần mình cho mát. Nhìn mà ứa nước mắt, anh ạ. Nó cứ lùi lũi, lủi thủi chơi như thế suốt ngày thôi".

Tuấn bên mộ bố.

Con đường nhỏ dẫn về nhà Tuấn từ lâu vắng chân người qua lại. Cây cỏ mọc lan ra khắp lối, ngập bước chân người. Tuấn tung tăng chạy nhảy kiểu chân sáo giữa đám cỏ um tùm, đôi mắt tinh nghịch thi thoảng ngoái lại nhìn xem chúng tôi có đuổi theo kịp em không. "Nhà cháu đây rồi" - Cậu bé đứng trước ngôi nhà lá ẩm thấp, nồng nồng mùi hôi của chăn màn.

Trời ạ, nếu thực sự chưa được báo trước hoặc giả tôi đi cùng một đồng nghiệp nữ nào đó yếu tim, chắc chị đã chạy ra khỏi căn nhà đầy mùi sặc sụa này rồi. Đỉnh lại ngoái đầu sang tôi với đôi mắt thật tội nghiệp. "Nhà" của Tuấn rộng chừng 5m2, lụp sụp, hở toang nằm nép trên một đồi sim, nền nhà lỗ chỗ những hang, hốc được chuột đào lên, bới mùn để lại. Tuấn đưa bàn tay nhỏ bé nhưng đã lấm tấm vết lở loét của ghẻ và mụn chỉ về phía ngôi nhà cũ, giọng hồn nhiên: "Chỗ kia là nhà của cháu ngày xưa. Từ khi bố mẹ cháu mất, không ai sửa, gió thổi sập mất  rồi!".

Cả xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong (Cao Phong, Hòa Bình) vẫn còn nhớ như in cái đám cưới đạm bạc của anh Bùi Văn Duân và chị Bùi Thị Thủy (bố và mẹ Tuấn). Ngày ấy anh gia đình anh Duân nghèo lắm. Cưới chị Thủy, anh cũng chỉ lo được 2 mâm cơm cúng tổ tiên. Xót xa hơn, đến 2 mâm cơm đó cũng là do anh em họ hàng gom góp được 800 nghìn tổ chức cho anh.

Tuy nghèo nhưng đôi vợ chồng trẻ quyết tâm gây dựng cuộc sống gia đình. Kiếm được đồng ra đồng vào rồi dựng nhà, sinh con. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm ả trôi đi. Rồi một ngày chị Thủy đổ bệnh. Anh Đỉnh nhớ lại: "Chị ấy đổ bệnh, phát bệnh nhanh lắm. Chị ho nhiều. Có bữa mẹ đèo con bằng xe đạp đến lớp mầm non còn phải dừng xe lại mà ho. Ho đến phờ phạc, rạc người đi. Mọi người đồn nhau chị Thủy bị lao phổi. Nhà nghèo, chần chừ mãi chị mới để anh Duân đưa đi bệnh viện. Mọi chuyện vỡ lở, sụp đổ trước mắt cả anh Duân và gia đình khi bác sĩ kết luận chị đang mang trong mình "căn bệnh thế kỷ" và đang ở giai đoạn cuối".

Mỗi lần nhìn lên di ảnh mẹ, Tuấn không hiểu tại sao mẹ đi mãi không về.

Hung tin chị Thủy bị HIV không chỉ khiến cả gia đình sốc và cả bản nghèo cũng sốc theo. Người ta bảo nhau phải tránh xa chị, chồng chị và cả đứa con bé bỏng của anh chị ra. Một ngày mưa đầu năm 2006 chị Thuỷ qua đời. Nghiệt ngã thay khi anh Duân cũng chung số phận, phải lĩnh "án tử" đang trực chờ phía trước. Đứa con thơ vừa đầy 3 tuổi cũng mang trong mình căn bệnh quái ác này.

Đám tang của người chết trẻ, đám tang của một con bệnh trở nên vắng ngắt. Người ta mang xác chị Thuỷ chôn ngay quả đồi cạnh nhà. Tất cả diễn ra trong im lặng, nhanh chóng đến như chẳng có gì xảy ra. Chỉ còn lại nước mắt khổ của người cha lặng lẽ rơi bên đứa con thơ mắt ngơ ngác, hỏi mẹ con đi đâu rồi.

Điều gì đến đã đến, Tuấn mất mẹ nay lại không còn cha. Năm 2008 anh Duân cũng ra đi vĩnh viễn. Ngôi mộ của đôi vợ chồng trẻ được đặt cạnh nhau. Anh chị ra đi bỏ lại đứa con thơ mới đầy 4 tuổi. Cô Hải, giáo viên Trường THCS Dũng Phong, một người hiếm hoi cảm thương số phận của Tuấn nhớ lại: "Lúc bố mẹ Tuấn lấy nhau mọi người không biết chị Thủy đã bị HIV từ trước. Ở đây điều kiện kinh tế khó khăn, chẳng mấy ai đi xét nghiệm máu. Nếu biết trước chắc cũng không thành ra thế này!".

Ẩn sau ánh mắt ngây thơ của cậu bé 9 tuổi, chúng tôi cảm được nỗi buồn tủi mà Tuấn phải gánh chịu. Cơ thể của Tuấn gầy còm vì thiếu chất, mình lở loét đầy mụn nhọt, hôi tanh. Nhưng, từ cách nói, cách nghĩ Tuấn là cậu bé láu lỉnh và nhiều tâm sự. Hỏi em có nhớ mẹ không? Tuấn ngước lên bàn thờ nhìn di ảnh mẹ mà nói, giọng nói của đứa bé 9 tuổi nghe rụt rè, lí nhí nhưng hẳn là em không nói dối: "Mẹ đã mang bệnh về cho bố. Cháu chỉ nhớ bố thôi. Bố hay cho Tuấn đi chơi, mùa quà cho Tuấn".

Nơi suối vàng, chị Thủy chắc hẳn vẫn còn chua xót, đớn đau. Nhưng tôi tin chắc một điều rằng, nếu biết mình mang căn bệnh thế kỷ chắc chắn chị đã không lấy anh Duân. Chắc chắn chị không sinh ra cháu Tuấn, để ngày nay cháu mãi cô đơn giữa biển người.

Cô đơn giữa biển người

Người dân ở đây vẫn có câu nói cửa miệng như thế này: rằng có "nước Sơn La" thì có "ma Hòa Bình". Ở đây, người dân dù kinh tế cũng đã phát triển nhiều, đời sống khấm khá hơn nhưng cái chết quá đường đột của anh chị Duân và Thủy đã khiến khắp trong thôn ngoài bản đều phải kinh sợ, phần vì anh chị chết trẻ, phần vì chết bệnh. Ai nấy đều sợ, họ sợ bị lây bệnh, họ sợ bị ma ám.

Cho dù gặp nhiều đau khổ nhưng Tuấn vẫn là cậu bé ngây thơ và hiếu động.

Anh Bùi Văn Đỉnh người khá rắn rỏi, không to cao nhưng nhìn bàn chân và đôi tay dạn dày sương gió, nắng mưa của anh đủ biết việc trèo đèo, vượt suối không phải điều gì quá khó khăn với anh. Vậy mà khi chúng tôi ngỏ ý muốn được anh dẫn ra phần mộ của bố mẹ Tuấn để thắp nén tâm nhang cho anh chị, anh Đỉnh vẫn không giấu được ánh mắt lo lắng và đôi chút sợ hãi.

Đứng tần ngần trước ngôi nhà của bé Tuấn, giọng anh phân vân: "Ở đây hoang vu! Ngày trước, chính tay mình đào hai huyệt mộ chôn cất anh chị đấy chứ. Nhưng đến giờ cũng không nhớ vị trí ngôi mộ ở đâu. Lâu rồi có ai dám bén mảng đến gần đâu".

Chỉ tay về phía đằng xa, nơi cỏ mọc lúp xúp, chẳng thấy lối đi, anh bảo giờ muốn đến thăm mộ anh chị Duân đường khó đi đấy. Ngày đó bố mẹ Tuấn được chôn cất cách nhà khoảng 400m nhưng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được phần mộ của anh chị. Cỏ gai mọc kín lối đi, hai ngôi mộ không được xây cất nên bị mưa xói mòn, gần như mộ không cao hơn nền đất xung quanh chút nào, chỉ còn trơ ra vài cục đá. Điểm duy nhất để dễ nhận ra phần mộ chính là hai cọc tre khô được cắm trên mỗi phần mộ. Tuấn ngây thơ hỏi: "Mộ bố cháu đâu?". Khi biết được mộ bố, Tuấn cứ thế nằm lên, có lúc áp mặt vào phần bia đá có ghi lờ mờ tên của bố. Đôi bàn tay nhỏ bé của em nhổ những cọng cỏ xung quanh mộ bố.

Đã gần giữa trưa, nắng quá đầu ngọn tre, chiếu thẳng vào mặt cậu bé. Mồ hôi nhễ nhại lẫn với dòng nước mắt mặn chát, miệng bé cứ rinh rích: "Các bạn hay đánh con lắm, lại còn ném đá nữa. Chúng nó bảo con là thằng si đa, bắt ếch. Không bạn nào chơi với con, bố ơi!". Chứng kiến cảnh tượng này tất cả chúng tôi không ai cầm nổi nước mắt. Anh Đỉnh vốn là người mạnh mẽ nhưng cũng không giấu được cặp mắt đỏ hoe: "Thằng Tuấn không biết đường tìm đến mộ bố mẹ nó. Nó nhớ bố lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì!"

Cứ vào chủ nhật hàng tuần, Tuấn lại lang thang ra chợ phiên xin ăn. Một đứa trẻ mồ côi, có HIV khiến không ít người xa lánh. Anh Lượng, người dân sống gần khu chợ kể, thằng Tuấn thường xuyên đi xin ăn ở khu chợ này. Người tốt thì cho em đồng bánh, cái kẹo hay vài nghìn mua mỳ tôm, người khác thì sợ sệt xua đổi em với không thiếu những lời miệt thị: "Thằng si đa kia! Cút ngay, sáng ra cứ bị mày ám. Làm sao mà tao bán hàng được?".

Chị Hải nhìn Tuấn áo quần bê bết mà không khỏi xót xa: "Có hôm mình đi dạy về, qua chợ thấy có bà mắng Tuấn té tát, bảo tiền đâu mà ngày nào cũng cho mày. Mình chạy tới bảo cháu nó nhỏ bé, có tội gì sao bác mắng nhiếc ghê quá". Vợ chồng chị Hải cũng là số ít trong những người ở đây quan tâm, hỏi han tình hình của Tuấn. Mắt người giáo viên trẻ rơm rớm: "Cái cún (con gái anh chị) cũng ngang tuổi Tuấn. Mỗi lần nhìn cháu lê lết, lang thang là mình cứ ứa nước mắt, nghĩ sao nó tội nghiệp, đáng thương thế".

Bố mẹ Tuấn chết, ngôi nhà ngày xưa cũng phá bỏ. Bác bá đằng nội để Tuấn sống trong túp lều cạnh nhà mà gần như chẳng mấy quan tâm cháu. Mãi gần đây khi "nhà" của em rách nát quá, nhiều người nói quá họ mới để bé lên sống ở trong gian để thóc lúa của gia đình, sắm cho em cái sàn nằm ngủ, chiếc màn đã úa màu và cái chăn đắp tạm mỗi khi lạnh giá.

Nghe đâu bác bá Tuấn nợ nần nhiều, giờ cũng bỏ đi lang bạt đâu đó, đã lâu lắm chưa về nhà. Còn lại hai người con trai đang học cấp II ngày ngày ở nhà trông nom nhà cửa. Tuấn càng thêm côi cút, đói ăn thường xuyên. Tôi cũng nghe đâu trường hợp của Tuấn có trợ cấp, hàng tháng được gần 800 nghìn đồng. Nhà của Tuấn cách trụ sở UBND xã không xa, vậy mà giờ đây bé Tuấn vẫn ngày ngày phải sống trong đói khổ, bệnh tật đầy người cùng sự đớn đau trong tâm hồn của đứa bé mới lên 9

Tiêu Phong – CSTC tuần số 67
.
.
.