Cha nuốt nước mắt viết đơn xin hiến xác con trai

Thứ Sáu, 14/10/2011, 11:27
“Hàng ngày nhìn con trai tôi chết mòn và nhìn áp lực đè nặng lên con dâu mà đau xót không biết làm gì. Tôi có một nguyện vọng, có thể hiến xác con trai tôi để cứu giúp những người đang mắc bệnh nan y cần cứu sống…" - Lá thư ông Phạm Tất Đạt ở số 4 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa gửi cho các cơ quan chức năng bắt đầu bằng những dòng chữ buồn như vậy.

"Hiện nay con trai tôi đã chết não, sống thực vật. Sau 18 tháng, vợ chồng tôi và con dâu đã dồn hết sức cố chạy chữa cho cháu. Thậm chí tôi và con dâu đã bán cả nhà, đón bác sĩ chuyên gia về não ở Quảng Châu sang điều trị mà không ăn thua. Bác sĩ nói, chúng tôi không còn hy vọng gì nữa. Đến giờ phút này, vợ chồng tôi đã 70 tuổi, sức cùng lực kiệt, không còn cách nào hỗ trợ con dâu được nữa. Hàng ngày nhìn con trai tôi chết mòn và nhìn áp lực đè nặng lên con dâu mà đau xót không biết làm gì. Tôi có một nguyện vọng, có thể hiến xác con trai tôi để cứu giúp những người đang mắc bệnh nan y cần cứu sống…"

Lá thư ông Phạm Tất Đạt ở số 4 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa gửi cho các cơ quan chức năng bắt đầu bằng những dòng chữ buồn như vậy. Nỗi đau vì anh con trai sống thực vật hai năm nay đã làm gia đình ông suy kiệt. Đau đớn hơn, tai họa ấy lại bắt đầu từ một vụ án mà theo ông, là chưa công bằng.

Bi kịch từ một vụ án

Ngôi nhà của vợ chồng ông Đạt nằm sâu trong con ngõ số 4 Tôn Đức Thắng ngoằn nghèo. Căn nhà lụp xụp những mảng tường nham nhở. Chiếc ni lông che phòng khách và phòng ngủ gió thổi thông thống, rách tả tơi. Ông Đạt và vợ ngồi lặng yên ở một góc nhà. Những của cải trong ngôi nhà này cũng đã lần lượt vác nón ra đi cùng cậu con trai tội nghiệp của ông bà. Bà vợ nức nở: "Người ta không mong cho con chết đi nhưng nhìn nó thế này tôi không cầm lòng được. Mỗi lần đau, nó cứ co rúm người lại, nghiến răng, nghiến lợi. Tôi không tài nào ngủ được…".

Câu chuyện xảy ra hai năm về trước. Ông Đạt là một thầy thuốc nổi tiếng, chuyên chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo, thế mà giờ chua chát: "Tôi làm thuốc Đông y để cứu người, nhưng thấy vô nghĩa quá. Có lẽ tôi đã nhầm rồi chăng, tôi đã chọn nhầm nghề nên mới có bi kịch hôm nay, đời tôi toàn đi cứu người, nhưng con trai tôi thì tôi bất lực nhìn nó chết từng ngày. Tôi giận quá, bỏ nghề thuốc rồi".

Cũng tại con ngõ số 4 chen chúc người này, vì những mâu thuẫn xô xát, anh Đức bị Trần Mạnh Hùng dùng tua vít đâm trọng thương. Hùng bị toà tuyên án 7 năm tù. Anh Phạm Trí Đức khi được đưa vào Bệnh viện Xanh pôn cấp cứu đã ngừng tim, do bị đâm thủng tâm thất trái. Bình thường chỉ 2 ống thuốc, nhưng anh Đức phải mất 6 ống mới cứu được tim. Nhưng cứu được tim thì chết não.

Hai vợ chồng ông bà Đạt.

"Bác sĩ nói, muốn cứu sống phải có tiền tỷ trở lên. Gia đình chúng tôi không có tiền tỷ nhưng đã xoay xở mọi cách, được hai tháng thì phải ra viện vì không chịu nổi viện phí". Vụ án được xét xử và Trần Mạnh Hùng lĩnh án 7 năm tù, với khoản tiền bồi thường cho gia đình ông Đạt hơn 120 triệu đồng. Nhưng ông Đạt chua xót nói: "Thà nó chết đi còn hơn sống lay lắt thế này. Con trai tôi vốn hiền lành, cả đời không va chạm với ai. Mãi đến 40 tuổi, nó mới lấy vợ, và có cô con gái 2 tuổi. Vợ chồng nó sống cùng gia đình tôi, đang có bao nhiêu dự định…".

Theo ông Đạt, thì vụ án chưa được xét xử công bằng, con trai ông đã phải gánh chịu một cái chết oan ức, đau đớn, giang dở cả một đời và tương lai đang đợi phía trước. Gia đình Tuấn, từ ngày Đức nằm viện cũng chả có ai đến thăm hỏi nửa câu. Ông Đạt bảo, nếu xử đúng người đúng tội, thì gia đình ông sẵn sàng đứng ra bảo lảnh cho Tuấn.

Hành trình cứu chữa vô vọng

Không có một điều kiệ chăm sóc tốt, thì anh Đức đã không sống được đến tận bây giờ. Cơ thể vẫn lành lặn, không một vết lở loét. Chỉ có điều, anh đang sống thực vật. Nhưng nếu không có một tấm lòng tận tâm của ông Đạt và người vợ của Đức, chị Hạnh, thì Đức cũng không thể sống được. Số tiền mà chị Hạnh và ông Đạt đổ vào đó, không phải là tiền trăm, mà là tiền tỷ.

Cả gia đình ông vẫn kỳ vọng, biết đâu Đông y có thể cho con trai ông một lối thoát. Ông Đạt đã bán tất cả những gia sản cuối cùng, với sự hỗ trợ của con dâu, mời bác sĩ chuyên gia về điều trị não ở Quảng Châu, Trung Quốc sang chạy chữa. Riêng mời được thầy thuốc sang đã mất 7000 USD, còn chưa kể tiền thuốc men, ngót nghét vài chục ngàn đô. Ông Đạt đưa cho tôi một túi đựng đầy vỏ hộp thuốc An cung ngưu mà ông nhờ tận Trung Quốc mang về (mỗi viên trị giá hàng triệu đồng).

Cả những loại hiếm và đắt tiền như sừng tê giác. Sau nhiều đêm không ngủ, ông đã viết: "Sau 18 tháng tích cực cứu chữa, con trai tôi hiện nay tim vẫn còn đập, nhưng còn kém hơn cả một đứa trẻ mới đẻ, vì mới đẻ nó còn biết quẫy đạp tay chân và khóc, còn con tôi thì vô tri vô giác, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, xoắn vặn, co rúm người như bị trói, mắt trợn ngược như muốn lòi ra. Đến tôi cũng không chịu nỗi khi nhìn cảnh tượng đó. Con trai tôi hiện trạng như vậy không thể gọi là sống, mà phải nói là khổ hơn chết hàng trăm lần, giả sử như cháu nhận biết được thực trạng, và hoàn cảnh của gia đình, vợ, con thì tôi tin chắc cháu cũng sẽ vui vẻ tự sát và hiến xác để làm từ thiện cứu giúp mọi người và giải thoát cho vợ con, gia đình khỏi gánh nặng khủng khiếp này, tôi tin cháu sẽ ra đi thanh thản, bỏ lại sự đúng sai, công bằng hay không công bằng trong xã hội, chỉ còn sự vui vẻ khi biết rằng có nhiều người sống khỏe mạnh nhờ một phần cơ thể mình hiến tặng. Tôi rất mong quý cơ quan đăng tải toàn bộ ý kiến của tôi, kể cả nguyện vọng hiến xác lên báo để mọi người biết cách sống cho tốt. Tôi cũng mong các bậc làm cha làm mẹ, có một người con trai cả lại bị thế này thì hiểu và thông cảm cho tâm tư và tình cảm của tôi hiện nay, đúng sai thế nào, ai đồng tình với tôi, hoặc có ai không đồng tình với tôi hay phê phán, lên án tôi thì tôi cũng cảm ơn tấm lòng của các vị, mong các vị lượng thứ và thông cảm cho tôi".

Lá đơn chưa gửi vì còn xin ý kiến con dâu.

Nỗi đau của người vợ

Cách đây 7 tháng, chị Hạnh, vợ anh Đức gom góp mua căn nhà nhỏ này, trong khu tập thể của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Với điều kiện của chị Hạnh và sự hỗ trợ từ phía gia đình, chị có thể thừa sức có một cơ ngơi đàng hoàng ở đất Hà Nội này. Nhưng gần như toàn bộ gia sản của chị đã đổ vào thuốc men và những nỗ lực chạy chữa cho chồng.

Chị Hạnh đã bán nhà, bỏ việc để chăm sóc chồng.

Khi anh Đức bị đánh, vợ chồng chị Hạnh còn ở chung với bố mẹ chồng ở Tôn Đức Thắng. Chị đã phải bán căn nhà bố mẹ để lại ở Trần Hưng Đạo, dồn tiền thuốc men cho chồng. Chị bảo, chị mua nhà về đây cũng có chủ ý cả, xung quanh toàn giáo sư, bác sĩ, khi có sự cố, có thể gọi được ngay. Người bình thường ốm đã khốn khổ, huống gì người liệt não.

"Có lần, nằm điều hòa bị cảm lạnh, nhiễm trùng phổi, chị phải đi thuê cả máy chụp đến tận nơi, chỉ 5 ngày, hết veo bốn chín triệu đồng." Anh Đức nằm co mình trên chiếc giường nhỏ. Da mặt vẫn hồng hào, khỏe mạnh, chỉ có điều, anh nằm bất động không biết đến sự vất vả, khốn khổ của những người sống.

Chị Hạnh ứa nước mắt. Người phụ nữ này cũng có một cuộc đời buồn. Chị đã từng có một đời chồng và hai đứa con. Hồi đó, chị theo chồng sang Đức, hôn nhân đổ vỡ, chị Hạnh ôm con về với bố mẹ. Chị nghĩ, mình sẽ không bao giờ đi bước nữa. Nhưng số phận run rủi thế nào, cho Hạnh gặp Đức. Lúc đó anh Đức đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa có gia đình. "Anh ấy hiền lành, và ít nói. Tôi nghĩ, đời mình cũng may mắn khi gặp anh. Không ngờ, số phận chẳng buông tha tôi".

Chị thuê một người giúp việc. Xin nghỉ hẳn để ở nhà chăm sóc Đức. Chị Hạnh ở nhà, kiêm luôn cả thợ cắt tóc, bác sĩ tại gia và rất rất nhiều những bổn phận khác. Hai năm cạn kiệt cả về tinh thần lẫn của cải, chị Hạnh vẫn nuôi hy vọng về một phép màu kỳ diệu nào đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra với gia đình chị.

"Đến bây giờ thì tôi không còn hy vọng gì nữa. Nhưng nếu không được chăm sóc chu đáo, anh ấy sẽ không khỏe mạnh được như thế này. Ngoài tiền thuê người giúp việc 5 triệu một tháng, hàng ngày tôi còn phải thuê bác sĩ phục hồi chức năng đến tập cho anh ấy. Anh ấy nằm đó, hàng ngày con bé còn được trông thấy bố, được nói chuyện với bố. Nhưng bao nhiêu dự định của vợ chồng tôi, dở dang hết cả. Ngày trước, anh Đức còn cầm tiền đi mua một căn nhà ở phố Hàm Long, chả có giấy tờ gì, giờ tôi cũng không biết ở đâu mà tìm”.  Chị thở dài.

Khi được hỏi về ý định của bố chồng, hiến xác anh Đức cho y học, chị Hạnh buồn rười rượi. "Anh ấy là con của ông bà, ông bà có quyền quyết định. Nhưng giờ anh ấy là chồng tôi, tôi không ngại khó khăn, hai năm qua mà tôi còn vượt qua được nữa là bây giờ. Anh ấy sống thì tôi nuôi, còn anh ấy chết thì tôi chôn. Tôi vẫn chưa nghĩ đến những chuyện xa xôi đó".

Thực ra ý định của ông Đạt không dễ gì nhận được sự chia sẻ của gia đình, bởi dù sao anh Đức vẫn còn sống. Nhưng là một thầy thuốc, ông hiểu, sự sống đó chẳng còn ý nghĩa, mà chỉ là gánh nặng cho gia đình. Ông muốn được làm một điều gì đó tốt hơn cho Đức, để cuộc sống quá ngắn ngủi của anh không trở thành vô nghĩa. Nhưng tôi biết, lòng ông thì đau lắm

Hà Việt – CSTC tuần số 78
.
.
.