Về người mẹ dã tâm ném 2 con xuống sông:

Chết không được, sống cũng chẳng xong

Thứ Ba, 30/08/2011, 12:42
Vụ án này đeo đẳng tôi suốt 2 năm. Bởi mỗi khi nhắc về nó, tôi thấy đau đến buốt lòng về số phận 2 đứa trẻ chết trong lòng sông Tiên Hưng. Nhắm mắt lại, tôi cũng hình dung ra cảnh người mẹ trẻ ném đứa con nhỏ 2 tuổi xuống sông, rồi khoác vai đứa con lớn cùng nhảy xuống dòng sông tối đen như mực.

Nước sông Tiên Hưng ngày thường cũng êm đềm chảy, nhưng đêm đó cũng không thể nâng đỡ được 2 sinh linh bé nhỏ, không biết bơi. Hai đứa trẻ chỉ vẫy vùng trong nước được một lúc rồi chìm nghỉm. Có lẽ chúng ra đi mà cũng không thể biết được vì sao mình phải chết?

Cái chết oan của hai đứa trẻ vô tội

Người mẹ ném đứa con xuống dòng sông ấy là Trần Thị Xuyến, SN 1980, trú tại xã Hòa Bình (Hưng Hà, Thái Bình). Xuyến kết hôn với chồng là anh Nguyễn Minh Chí từ năm 1998 và 2 người đã có với nhau 2 đứa con trai. Cháu đầu là Nguyễn Minh Hiếu, SN 2000, cháu thứ là Nguyễn Minh Chiến, SN 2008.

Trước khi lấy nhau, anh Chí có yêu một cô gái Hà Nội tên là Hiền nên trong lòng Xuyến lúc nào cũng ẩn chứa sự nghi ngờ. Nhất là từ khi anh Chí đi làm thuê ở Hà Nội thì mối ghen tuông trong lòng người đàn bà này ngày càng nghẹn ứ. Xuyến đề nghị, rồi yêu cầu, rồi bắt chồng không được đi làm ở Hà Nội nữa. Nhưng cuộc sống mưu sinh của người đàn ông không cho phép anh Chí quanh quẩn xó nhà. Anh cũng có sĩ diện, có lòng tự trọng riêng nên không thể nghe lời vợ chỉ vì những chuyện theo anh là sự nghi kị vu vơ.

Thế nhưng, anh đã không làm được cái việc là giải tỏa tư tưởng cho vợ nên sự quyết ra đi của anh càng khiến người đàn bà không làm chủ được tình cảm như Xuyến đổ gục.

Khoảng giữa tháng 4/2009, Xuyến đưa cậu con trai nhỏ lên Hà Nội khám chữa bệnh và nhân thể bắt chồng về nhà. Xuyến không cho chồng lên Hà Nội làm nữa nên giữa hai vợ chồng cãi nhau. Chiều 2/5/2009, khi tôi nhắc đến thời điểm này, chợt thấy phạm nhân Xuyến rùng mình. Đó là một buổi chiều đổ vỡ dẫn đến cái chết oan nghiệt của 2 đứa con trai do Xuyến sinh ra. Chúng là máu thịt của Xuyến, nhưng đã bị Xuyến làm hại theo cái cách của người mẹ yêu con một cách ấu trĩ và thiếu hiểu biết.

Chiều đó, trong lúc cãi nhau, anh Chí tát vợ một cái, đập vỡ kính ở cánh cửa tủ của gia đình. Trong lúc cáu giận, anh Chí đã nói rằng: "Mẹ con cô không có ý nghĩa gì với tôi cả" rồi bỏ đi Hà Nội. Câu nói của anh Chí như giọt nước tràn ly khiến Xuyến rơi vào bi kịch.

Đêm 2/5/2009, Xuyến viết một lá thư cho mẹ đẻ, một lá thư cho chồng để ở giường ngủ. Đến 3h ngày 3/5, Xuyến bế con nhỏ là Chiến và dắt con lớn là Hiếu ra cầu Bổng Thôn, thuộc xã Hòa Bình (Hưng Hà). Nhắm mắt lại tôi cũng hình dung được cảnh tượng diễn ra trong bóng đêm hôm ấy. Giữa cây cầu vắng tanh, chơi vơi 3 mẹ con.

Người mẹ tay bế con nhỏ, tay dắt con lớn, đứng giằng xé giữa việc 3 mẹ con có nên nhảy xuống sông hay không. Sau này, Xuyến kể với các điều tra viên rằng, một giây tích tắc, Xuyến nhìn 2 con và chững lại khi nghĩ đến cảnh chúng đau đớn, chơi vơi giữa dòng nước đen ngòm dưới kia. Nhưng rồi cô ta lại nghĩ, nếu chỉ mình cô ta chết, 2 đứa trẻ sẽ phải sống với dì ghẻ, chúng sẽ khổ trăm lần.

Thôi thì 3 mẹ con xuống dưới kia sẽ đoàn tụ, cô ta sẽ tìm các con để chăm sóc. Ấu trĩ đến thế là cùng. Xuyến đứng trên cầu, đoạn giữa, hai tay bế đứa con nhỏ lúc đó chưa tròn tuổi của mình ném xuống sông, rồi chị ta ôm đứa con đầu 9 tuổi lao xuống sông Tiên Hưng tự sát.

Dòng sông đêm vẫn lặng lẽ, êm ả như mọi ngày nhưng sức của 2 đứa trẻ đâu thể chới với mãi. Chúng sặc nước, rồi chìm sâu mãi xuống đáy sông. Còn người mẹ dốt nát đến mức ngu xuẩn ấy bị nước đánh trôi vào cách bờ khoảng 10m, không chết. Cái sự không chết ấy đối với người khác là may mắn, nhưng với Xuyến, đó là sự bắt đầu một bi kịch mới, đớn đau gấp vạn lần. Bi kịch của kẻ bị trời đất trừng phạt: chết không được, sống cũng không xong.   

Đập đầu xin được hưởng án tử hình

Ngày ấy, khi vụ án xảy ra, cứ nghĩ đến số phận 2 đứa trẻ đáng thương mà tôi thấy căm giận làm sao người mẹ ác độc và ngu xuẩn. Nhưng thời điểm ấy, do tâm trạng của Xuyến không tốt nên các điều tra viên của Công an tỉnh Thái Bình chỉ thông báo nội dung vụ án và đã đề nghị chúng tôi không gặp phạm nhân. Rồi vụ án đưa ra xét xử.

Có lẽ Xuyến là phạm nhân duy nhất một mực yêu cầu được cho nhận mức án cao nhất là tử hình. Nhưng xét các tình tiết vụ việc, trong phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Xuyến 20 năm tù giam. Chẳng có phiên tòa nào mà sau khi HĐXX tuyên án, bị cáo lại khóc nức nở bởi vì mức án quá nhẹ. Xuyến gào lên ngay tại phiên tòa, đòi phải được xử tử hình…

Không được chết, Xuyến lại kháng cáo, yêu cầu được xử phúc thẩm. Thế nhưng, luật pháp có quy định, lần xử phúc thẩm, HĐXX vẫn tuyên y án. Người mẹ tội lỗi gần như ngất xỉu tại phiên tòa bởi mức án vẫn quá nhẹ so với yêu cầu của cô ta.

Nước mắt đắng và sợi dây níu Xuyến với cuộc đời

Khi biết Xuyến về thi hành án tại Trại giam Ninh Khánh, tôi vẫn canh cánh trong lòng muốn gặp một lần người phụ nữ đã giết chết chính 2 đứa con đẻ của mình do sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết ấy. Tôi ngồi với Xuyến vào một buổi chiều đầu tháng 8, trời đất lầm xầm mưa.

Hai năm đã trôi qua nhưng dường như quá khứ đau buồn vẫn chưa hề một phút buông tha người mẹ tội lỗi ấy. Xuyến ngồi câm lặng trong cảnh chiều u ám. Cô mặc cả với tôi, sẽ nói chuyện, nhưng không nhắc đến những việc đã qua. Tôi hỏi Xuyến về bố mẹ cô, về hoàn cảnh gia đình. Xuyến ứa nước mắt kể về người mẹ.

Bố Xuyến cũng bỏ mẹ con Xuyến đi lấy vợ hai từ lâu lắm rồi. Lớn lên, Xuyến đã quen không có bố, chỉ có người mẹ chắt chiu, tảo tần nuôi Xuyến. Tuổi thơ thiếu tình thương của người cha đã ám ảnh Xuyến thật nhiều. Bởi mẹ bị bệnh tim nên cuộc sống của hai mẹ con rất nghèo, nhà dột nát, nhiều đêm mưa, hai mẹ con ngồi nép vào nhau mà mẹ vẫn ướt rượt.

Những lần mẹ Xuyến suy tim, thấy mẹ nhợt nhạt, lịm dần đi, Xuyến cuống cuồng chạy đi gọi mọi người cấp cứu cho mẹ. Và lần nào cũng vậy, do bệnh tình của mẹ nên trong Xuyến luôn đau đáu cảm giác sợ mẹ sẽ mãi mãi ra đi, lúc đó không biết đứa trẻ thiếu cả mẹ lẫn cha như cô sẽ sống ra sao.

Có lẽ chính vì tuổi thơ khốn khó ấy mà Xuyến quá nhạy cảm với những sự kiện xảy ra với mình. Khi nghi ngờ chồng mình có quan hệ với người yêu cũ, trong lòng Xuyến luôn đớn đau, day dứt. Cô cứ sợ một ngày nào đó, rồi cô sẽ rơi vào bi kịch giống mẹ, mất chồng và các con cô sẽ mất cha. Xuyến lại bị bệnh tim giống mẹ nên dường như cô cũng khó chịu đựng hơn mọi người trước các biến động xấu của cuộc đời.

Trong tiềm thức, Xuyến chỉ còn biết nghĩ đến cái chết. Trước khi gây ra vụ án này, đã hai lần, Xuyến nghĩ đến cái chết. Lần thứ nhất, Xuyến dùng dây điện vào chậu thau rồi đổ nước vào để điện giật chết 2 mẹ con (lúc đó Xuyến mới sinh con lớn). Lần thứ hai, cô ta mua 10 lít xăng tẩm vào người để đốt, nhưng được mọi người phát hiện nên vụ tự sát không thành.

Cho đến đêm 3/5/2009, khi mọi người xung quanh đã yên giấc, Xuyến lặng lẽ viết 2 lá thư tuyệt mệnh rồi đưa 2 đứa con nhỏ ra bờ sông. Oái ăm thay, dòng sông đêm ấy đã cuốn trôi 2 đứa nhỏ, nhưng đã bắt Xuyến phải sống, để đau đớn với chính bi kịch do cô gây ra bởi sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết của mình.

Cầu Bổng Thôn, nơi Xuyến ném 2 con xuống sông.

Duy nhất Xuyến chịu nói chuyện cởi mở và để nước mắt rơi khi kể về người mẹ. Xuyến bảo rằng, cả đời mẹ Xuyến khổ quá, khổ vì chồng, nay lại đau đớn vì con. Hằng tháng, Xuyến cố gắng cải tạo thật tốt để được thưởng một lần gọi điện thoại về nhà thăm mẹ. Mỗi lần nghe tin mẹ đi viện, lòng Xuyến lo lắng, bồn chồn. Chính người mẹ là sợi dây còn níu Xuyến lại với cuộc đời này.

Trong một lần lên thăm Xuyến, mẹ bảo: "Bây giờ mẹ chỉ còn con, con mà nghĩ quẩn là mẹ chết theo con đấy". Và thế là, mỗi lần đau khổ muốn đoạn tuyệt cuộc đời, Xuyến lại nghĩ đến mẹ. Chính vì thế, Xuyến đành chấp nhận cuộc đời, sống không ra sống, chết cũng chẳng xong của mình. Cô chỉ mong khi mình ra khỏi trại giam, mẹ vẫn còn sống để được báo đáp những ngày cuối đời cho mẹ.

Được sống là án phạt đau lòng nhất

Ngồi nói chuyện với Xuyến, bao giận dữ tôi tích tụ 2 năm nay cho lần gặp mặt người đàn bà giết hại 2 đứa con mình đã dần tan. Giờ tôi thương Xuyến nhiều hơn, bởi cô sẽ phải sống trong bi kịch của sự đau khổ, ân hận dày vò suốt quãng đời còn lại.

Cứ tưởng tượng cảnh Xuyến ngồi ôm đống quần áo mà ầu ơ như ru con, tôi thấy đắng lòng. Người mẹ nào chẳng thương con, Xuyến cũng thương con da diết, chỉ trách rằng cách thương con của Xuyến không đúng và đã khiến các cháu phải vĩnh viễn ra đi khi mới ở cái tuổi chưa biết gì về cuộc đời. Khi tôi nói với Xuyến điều ấy, cô cúi đầu thật thấp, lí nhí xin phép cán bộ về phòng giam và vội vàng ra khỏi căn phòng làm việc của chúng tôi.

Ngoài trời mưa nặng hạt, tôi không kịp ngăn Xuyến chạy ra ngoài sân. Nhìn người đàn bà đau khổ ấy ngửa mặt giữa trời mưa để nước mưa hòa lẫn nước mắt ân hận, xót xa, lòng tôi cũng nặng trĩu nỗi buồn. Tôi đề nghị các quản giáo cho Xuyến được khóc trong mưa một chút nữa thôi, để biết đâu, nước mưa sẽ gột rửa được nỗi đau, và chắc cũng chỉ được một phần nhỏ nỗi đau, nỗi ân hận bao ngày tháng qua dày vò Xuyến.

Đột nhiên, tôi có một ao ước, tôi muốn bi kịch đau khổ của Xuyến được thật nhiều người biết, để có thể, một người mẹ nào đó rơi vào bi kịch gia đình như Xuyến, đang có ý định lôi theo những đứa con vô tội vào vòng xoáy của cái chết cùng mình, kịp dừng tay lại. Bởi các cháu bé đâu có tội tình gì, cách thương con và suy nghĩ ấu trĩ như Xuyến sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Thượng úy Hoàng Thị Hiệp, Đội giáo dục Phân trại 3 Trại giam Ninh Khánh cho biết, ngày mới vào trại, Xuyến như người tâm thần, cứ lặng lẽ và lẩn thẩn như một cái bóng. Ban đêm, khi các phạm nhân trong phòng ngủ thì Xuyến thức, cứ lần giở quần áo ra gấp rồi lại đi từ đầu phòng đến cuối phòng, rồi lẩm bẩm nói chuyện một mình. Có phạm nhân kể rằng, đang đêm, tự nhiên giật mình tỉnh dậy, hoảng hốt vì thấy Xuyến ngồi ôm quần áo như hình đứa trẻ rồi ầu ơ ru, nước mắt chảy dài. Có lẽ chỉ trong bóng tối, Xuyến mới nghĩ rằng mình tìm thấy các con và trò chuyện được với các con. Tội nghiệp!

T. Hòa - P. Thủy – CSTC tuần số 73
.
.
.