"Chợ đen" phóng xạ hạt nhân thế giới

Thứ Bảy, 04/06/2011, 09:15
Phóng xạ hạt nhân đang trở thành món hàng được nhiều tổ chức tội phạm và các đường dây khủng bố quốc tế thời gian gần đây săn lùng. Giá trị đắt đỏ, sức hủy diệt lớn khiến cho những kẻ ăn trộm lẫn người tiêu thụ đều mong muốn được sở hữu các loại phóng xạ nguy hiểm này trong tay. Nước Mỹ toát mồ hôi khi chiếc vali uranium bị "thất lạc" tận châu Âu và việc Nga phá 950 vụ buôn lậu khác.

Giải cứu chiếc vali chứa phóng xạ bí ẩn và gay cấn như trong phim

Năm 2002, gần một năm sau vụ khủng bố 11/9 nhắm vào tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc khiến hàng ngàn người chết thì bộ phận điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) do Brian Ross đứng đầu, đã tiến hành tổng điều tra các kho chứa phóng xạ uranium để đảm bảo tính an toàn. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì phát hiện một lượng phóng xạ uranium với khối lượng 15 pound (1 pound =0,454kg) đựng trong một chiếc vali đã biến mất.

Khi sự việc trên được hãng truyền thông ABC News tiết lộ mới đây đã  làm bàng hoàng nước Mỹ cũng như các cơ quan chức năng của nước này. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã "chữa cháy" rằng, việc chiếc vali có chứa phóng xạ uranium biến mất chẳng qua là một bộ phận của FBI lấy đi để làm một cuộc "tập dượt" nhằm khẳng định sự nhanh nhạy cũng như khả năng có thể kiểm soát tốt nguồn phóng xạ nguy hiểm của nước Mỹ trước các tổ chức tội phạm.

Song dư luận lại đặt câu hỏi nghi ngờ về vụ "thử nghiệm" đầy nguy hiểm này (vì chẳng may một lượng phóng xạ mà rơi vào tay bọn tội phạm thì hậu quả thật là khôn lường) và cho rằng, có thể một vụ mất tích chiếc vali đựng phóng xạ uranium đã diễn ra, rất may là các nhân viên CIA, FBI và Hải quan Mỹ đã nhanh chóng lấy lại được.

Nguồn tin riêng của ABC News dẫn lời các chuyên gia của FBI và các nhà khoa học cho thấy, vali phóng xạ bị biến mất khỏi kho không quá giàu chất uranium nên không quá nguy hiểm, song thực sự lại là chìa khóa để bọn tội phạm chế tác ra các loại vũ khí giết người hàng loạt. Ngay sau khi chiếc vali uranium "thất lạc", các cơ quan chức trách và các nhà khoa học Mỹ đã cùng nhau vào cuộc điều tra để ngăn cản việc vận chuyển loại phóng xạ nguy hiểm này giữa các nơi ở nước Mỹ cũng như đưa ra nước ngoài.

Chiếc container chở chiếc cặp chứa uranium tại Mỹ.

Từ việc sử dụng mắt thường, chó nghiệp vụ tới việc dùng các tia X-quang để soi xét thì phát hiện rằng, chiếc vali trên đã không còn hiện diện ở nước Mỹ. Việc tìm tòi và xâm nhập các đường dây buôn lậu phóng xạ xuyên châu Âu cũng được các nhân viên FBI đề cập tới. Các nhân viên tình báo Mỹ cũng đã không quản ngại đi tàu hỏa xuyên qua "lục địa già" để khám phá một hành trình buôn lậu phóng xạ nổi tiếng, bắt đầu từ Hungary - Romania, chạy qua dãy núi Alps tới Bulgaria và cuối cùng kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ để tìm ra chiếc vali.

Tại đây, các loại phóng xạ phần lớn được mang từ các nước thuộc khối Liên Xô (cũ) sang. Nhiều giờ sau khi tới thành phố Istanbul, thành phố được cho là có nhiều điểm buôn bán hàng "chợ đen" phóng xạ nhất thế giới thì các nhân viên điều tra đã phát hiện  chiếc vali nằm ở một toa tàu được che đậy kỹ lưỡng mà mắt thường không phát hiện được, phải nhờ tới sự hỗ trợ của máy chiếu tia X-quang. Các nhân viên điều tra Mỹ đã cần sự giúp đỡ của cơ quan tình báo, chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và đã giải cứu chiếc vali ra một cách bí ẩn.

Chỉ vài tiếng sau, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng để đưa chiếc vali trở lại Hoa Kỳ đã được tiến hành. Chiếc vali được cho vào một thùng gỗ và được buộc trên ngực một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ lực lưỡng, đồng thời được giám sát chặt chẽ. Nó cùng đoàn người len lỏi vào đám đông thành phố náo nhiệt, sau đó được vận chuyển bằng xe tải vượt qua nhiều thành phố, tới một khu cảng để vận chuyển sang Mỹ.

Ống bằng thép chứa uranium trong chiếc vali được quan sát bằng tia X-quang.

Đúng 2h sáng ngày 29/7/2002, chiếc tàu đã chở chiếc containner bên trong có chiếc vali chứa uranium đã lênh đênh trên biển. Trước khi về Mỹ, nó cũng đã ở Áo 25 ngày và ở 7 quốc gia khác, được bảo vệ, theo dõi qua hệ thống màn hình. Chiếc tàu chở container bên trong có chiếc vali vượt qua chiếc cầu Verrazano trước khi cập cảng New York.

Chiếc container đã được đánh dấu đặc biệt đặt riêng ở cảng New York trong khi chiếc tàu đã tìm cách đậu bến tại một khu bãi ở đảo Stalen. Tại đây, Hải quan Mỹ cho biết, có hệ thống bảo vệ chiếc vali khỏi bị đánh cắp. Các nhân viên hải quan cho rằng, chiếc container đã được một hệ thống camera giám sát kỹ lưỡng. Mọi thông tin về hành trình chuyển động cũng như công tác bảo vệ chiếc container đã được báo cáo cho cựu Tổng thống Bush biết rõ.

Ngay sau khi biết thông tin chiếc vali phóng xạ được đưa về, các hãng truyền hình lớn đã đua nhau tới tìm hiểu. Theo người đứng đầu của Ủy ban Hải quan Hoa Kỳ, chiếc container luôn được bảo vệ cẩn mật, chính xác, nếu lơ là thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi các phóng viên muốn được xem những bức ảnh về ống phóng xạ trong chiếc vali do Hải quan Mỹ chụp thì bị từ chối. Cuối cùng, các phóng viên của ABC News đành phải tự chụp ảnh qua hệ thống máy chiếu X-quang.

Sau khi các phóng viên tác nghiệp thì thấy rằng, chiếc ống đựng uranium trong vali tựa như quả bom nhỏ. Tiến sĩ Tom Cochran, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ cho hay, nguồn phóng xạ nguy hiểm, nếu bị thất lạc thì tai họa lớn thực sự xảy ra không chỉ với nước Mỹ. Tuy vậy, sau một thời gian phiêu bạt tại châu Âu thì nó đã trở lại Hoa Kỳ đầy bí ẩn và an toàn.

Những "mẻ lưới" tuyệt vời của Hải quan Nga

Một tiết lộ mới đây của Hải quan Liên bang Nga cho thấy, hết năm 2010, các cơ quan chức năng nước này đã phá trên 950 vụ trộm cắp và buôn lậu các chất phóng xạ để chế tạo ra các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, 85% số vụ buôn lậu được phá ngay trên đất Nga, số còn lại là thuộc lãnh thổ ngoài Nga.

Theo một nhân viên cao cấp của Hải quan Nga, con số trên chỉ là tảng băng nổi trong số nhiều vụ buôn lậu phóng xạ hạt nhân được mang ra khỏi lãnh thổ Nga không được phát hiện.

Tháng 12/2008, cảnh sát Slovenia đã bắt giữ 3 người Nga sau khi bán 2,2 pound (1 pound=0,454 kg) uranium với giá 1 triệu USD. Cách đây không lâu, Anh Quốc cũng đã yêu cầu trục xuất Andrei Lugovoi, một nhân viên quân cảnh Nga, người bị nghi là đã đầu độc chết cựu nhân viên KGB có tính danh là Alexander Litvinenko - nhân vật này đã bị tắt thở do bị đầu độc bằng một loại hóa chất có tên polonium-210 tại London vào tháng 10/2006.

Theo các chuyên gia tình báo, các chất phóng xạ trên hoàn toàn không đến từ khối Thịnh vượng chung (thuộc Liên hiệp Anh) mà đến từ các nước thuộc khối Liên Xô (cũ). 15 nước thuộc Liên bang Xô viết (cũ) đều có các cơ quan quản lý các chất phóng xạ hạt nhân trước khi liên bang này bị tan rã. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, việc bảo vệ, ngăn chặn đánh cắp phóng xạ tại một số quốc gia trong Liên bang Xô viết có phần bị sao nhãng.

Phóng xạ uranium được bán ngoài chợ đen như một món hàng.

Theo Vladimir Chuprov, người đứng đầu trong lĩnh vực năng lượng thuộc tổ chức Hòa bình xanh của Nga, thảm họa Chernobyl xảy ra vào năm 1986 tại Ucraina khiến cả một vùng đất rộng lớn bị nhiễm phóng xạ, nhiều sinh vật, trong đó có con người bị dị dạng - là lời cảnh tỉnh lớn nhất về việc hổng trong bảo quản các chất phóng xạ nguy hiểm tại Nga cũng như các nước Liên Xô (cũ). Chính vì vậy, việc bảo quản, chống đánh cắp, buôn lậu các loại phóng xạ này là một hành động thiết thực, khẩn cấp trong kỷ nguyên này để ngăn chặn một Chernobyl nữa xảy ra.

Tuy vậy, Pavel Felgenhauer, một chuyên gia phân tích của lực lượng quân cảnh Nga tại Moscow cho rằng, thị trường phóng xạ hạt nhân tại Nga vẫn tồn tại. Nó là hoạt động kinh doanh trong thế giới ngầm của bọn tội phạm. Tuy rằng, các vụ mua bán không hoàn toàn là các năng lượng hạt nhân hay các năng lượng làm giàu plutonium, song nó cần được kiểm soát và ngăn chặn, vì nguy hiểm luôn rình rập. Chỉ một lượng uranium nhỏ mà rơi vào tay bọn khủng bố thì hậu họa quả là khôn lường.

Theo thông tin từ Hải quan Nga, hết năm 2010, nước Nga đã xây dựng hệ thống điều khiển, ngăn chặn các vụ đánh cắp, chế tạo các loại vũ khí từ năng lượng hạt nhân với độ chính xác cao. Còn ông Malcolm Grimston, nhà hoạch định đường lối hạt nhân của Nga cho rằng, việc xây dựng hệ thống ngăn ngừa là một tín hiệu tốt, cần tiến hành càng nhanh càng tốt.

Báo Korea JoongAng Daily hôm 5/11/2010 đưa tin, nhà chức trách Hàn Quốc đã bắt giữ hai người Việt Nam với cáo buộc buôn lậu vật liệu phóng xạ vào nước này. Tang vật thu được gồm 12 vật liệu phóng xạ có đường kính 3mm và dày 0,2 mm, được đưa lậu vào Hàn Quốc qua hành lý xách tay quá cảnh ở sân bay quốc tế Incheon.

Qua điều tra của cảnh sát cho thấy, vật liệu này được cài vào các tấm thẻ bài bằng giấy phục vụ cho việc đánh bạc. Người sở hữu thẻ bài có gắn phóng xạ dễ thắng bạc nhờ bịp bợm

Nguyễn Lai - Nguyễn Mạnh (theo ABC News, Telegraph) – CSTC tuần số 59
.
.
.