Chung cư, trường học, công sở bị "xẻ thịt" thành bãi gửi xe

Thứ Bảy, 04/06/2011, 15:28
Thiếu điểm đỗ xe ôtô đã khiến sân chung cư bị, trường học, trụ sở Uỷ ban, sân bệnh viện… bị “xẻ thịt” thành nơi trông giữ xe trái phép đang là một phần bộ mặt đô thị của Hà Nội hiện nay. Không chỉ thất thoát về tiền bạc, nếu không giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu gửi xe của người dân với hạ tầng đô thị thì việc lấn chiếm không gian của các cơ quan, công sở, chung cư… để lập bãi trông giữ xe vẫn là chuyện nằm ngoài vòng quản lý như hiện nay.

"Xẻ thịt" sân chung cư để trông xe

Khu đô thị Đền Lừ được đưa vào hoạt động khoảng 10 năm nay, ban đầu cơ sở vật chất ở đây tương đối tốt. Nhưng lâu dần, nhiều khoảng không ở đây đã bị biến tướng.

Theo bác Nguyễn Thanh Hiên, một người dân đang sinh sống tại khu đô thị này thì nhiều xe ôtô đang được đỗ tại đây không phải là của người dân trong khu đô thị mà là của những người từ các nơi khác đến gửi. Tình trạng này diễn ra đã lâu. Việc không gian bị chiếm dụng để trông xe tự phát khiến cho dân cư trong khu đô thị mất chỗ chơi, đặc biệt không gian vui chơi của trẻ em đã bị chiếm khiến các em phải chơi xuống lòng đường.

Theo anh Nguyễn Quang Hưng, một người dân đang trú tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội thì anh đã gửi xe tại sân toà nhà A2 Khu đô thị Đền Lừ cách đây 1 năm. Chẳng cần hợp đồng hay bất kỳ giấy tờ nào, anh Hưng chỉ đóng tiền phí gửi xe hàng tháng là 600 nghìn đồng cho nhân viên trông giữ.

Khi chúng tôi hỏi về độ an toàn của bãi trông giữ xe này thì anh Hưng vô tư: "Đảm bảo yên tâm, không xước, không quy định giờ gửi và giờ lấy xe". Có mặt lúc 10h30’ tại tầng 1 nhà A2, Khu đô thị Đền Lừ, chúng tôi nhận thấy có đến hơn 30 chiếc ôtô đang đỗ chình ình chiếm dụng gần hết diện tích sân chung. Ngay cạnh đó là những quán trà đá, cửa hàng tạp hoá cũng tận dụng lối đi chung để bán hàng.

Thiếu bãi đỗ xe ôtô ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đã dẫn đến hiện tượng tận dụng khoảng không chung, vỉa hè, trụ sở Uỷ ban, nhà văn hoá, trường học… để trông giữ xe. Ở một số khu đô thị, tình trạng trông giữ xe không được cấp phép diễn ra rất "nóng" như tại khu vực Làng Quốc tế Thăng long, Khu chung cư Linh Đàm. Ở nhiều toà chung cư mới được xây dựng, do lượng xe ôtô của người gửi quá nhiều đã xảy ra tình trạng phải đặt mua "suất" gửi ôtô với con số hàng chục triệu đồng.

Anh Nguyễn Xuân Lâm, ở khu chung cư trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết: "Nhà tôi chưa có ôtô nhưng đã phải bỏ tiền ra mua suất để ôtô rồi. Khu chung cư này có khoảng 200 hộ sinh sống nhưng bãi đỗ ôtô chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trông giữ của 100 xe ôtô. Nếu không mua bây giờ, sau này có ôtô thì chẳng ai giải quyết cho mình chỗ để".

Ngược lại, ở một số khu chung cư do lượng xe ô tô chưa cao nên bảo vệ đã ngang nhiên nhận trông giữ xe của cả những người dân ngoài khu đô thị, dẫn đến cảnh quan khu dần biến mất, nhường cho chỗ để xe. Bộ mặt đô thị bị lộn xộn, mất mỹ quan, gây ách tắc giao thông đô thị.

Trường học biến thành nơi trông giữ xe trái phép      

Ngày 22/5 chúng tôi tiếp cận một số trường học của Hà Nội để "mục sở thị" việc trông giữ xe ôtô trái phép đang diễn ra. Ở mỗi nơi chúng tôi đến đều đã hiển hiện bức tranh toàn cảnh về việc biến trường học thành bãi trông giữ xe, đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, mặc dù khuôn viên sân trường vẫn còn khá mới, chưa có cây cối xanh tốt như các trường xây dựng lâu năm là hàng chục chiếc xe ôtô lớn nhỏ đỗ chình ình thành từng hàng.

Nếu không có tấm biển to ngoài cổng trường thì hình ảnh này khiến người ta hình dung đây là bãi để xe hơn là trường học. Người bảo vệ đang chỉ dẫn cho các xe ôtô tiếp tục vào sân trường. Ở đây có đủ loại ôtô, từ 4 chỗ, 7 chỗ đến cả chiếc xe khách 24 chỗ. Mặc dù lúc này có nhiều phụ huynh đến đón con, nhưng ôtô vẫn ra vào như đây là bãi trông giữ xe thực thụ.

Thấy chúng tôi có nhu cầu muốn gửi xe ôtô, người bảo vệ "phát" giá luôn: "800 nghìn/tháng xe 4 chỗ. Buổi sáng 6h30’ lấy xe, buổi chiều thì hơn 5h cho xe vào sân". "Ở trường D giá có 600 thôi!"- tôi thắc mắc. "Đây là giá chung rồi"- người bảo vệ đáp lại. "Ở đây trông cả xe khách nữa à?"- tôi hỏi. "Đấy là xe của đám cưới ở nhà hàng gần đây, chúng tôi trông thêm"- anh bảo vệ trả lời.

Trường học biến thành bãi gửi xe đã dấy lên bao lo ngại trong giới phụ huynh, học sinh khi cảnh quan mô phạm bị phá vỡ, kéo theo nó là hàng loạt những lo ngại như sân trường bị hỏng hóc, cháy nổ, trộm cắp tài sản… Thậm chí, có trường học nhận trông tới 16 chiếc xe ôtô, chủ xe gửi cả chìa khoá cho bảo vệ coi giữ.

Sáng ra, chủ xe đến muộn đã có bảo vệ đánh sẵn xe ra vỉa hè nằm chờ. Không những trông giữ xe trái phép, làm mất cảnh quan môi trường sư phạm mà trường này còn chiếm cả vỉa hè nữa. Sử dụng sân trường để trông giữ ôtô ngoài giờ và ngày nghỉ là việc diễn ra ở nhiều trường học của Hà Nội trong thời gian qua. Một số trường lấy lý do rất… thời sự là nhu cầu của người dân cần gửi xe tăng cao, chúng tôi nhận trông xe là để giải quyết nhu cầu đó.

Trường học bây giờ ngoài chức năng "trồng người" còn kiêm thêm nhiệm vụ đang rất "nóng" của ngành Giao thông vận tải là giải quyết thiếu bãi đỗ xe trong thành phố(?!). Và một số trường học coi việc trông giữ xe như là nhiệm vụ của mình, nếu họ không trông ôtô cho người dân thì hàng trăm, hàng nghìn chiếc ôtô đó sẽ phải đỗ ngoài đường. Và với cách lý giải này thì việc trông giữ ôtô của họ được coi là việc… đương nhiên phải làm.

Phụ huynh, học sinh, dư luận đều nhận thấy sự phi lý ấy. Bởi trường học công lập nhận trông ôtô, khi sân trường bị hỏng thì tiền sửa chữa lại là ngân sách nhà nước. Câu hỏi đặt ra ở đây là tiền trông giữ xe trái phép mỗi tháng lên tới chục triệu đồng rơi vào túi ai? Khi xảy ra tai nạn như hoả hoạn thì ai là người chịu trách nhiệm.

Đây là vấn đề rất nóng đối với ngành Giáo dục, bởi sân trường là nơi vui chơi lành mạnh của học sinh, việc trông giữ ôtô ngoài giờ để thu tiền là sai nguyên tắc. Trong khi Hà Nội đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm lật tẩy các điểm trông giữ xe trái phép, thu phí quá quy định, trốn thuế thì việc trông giữ ôtô trái phép vẫn diễn ra ở nhiều trường học mà không thấy cơ quan chủ quản xử lý; không thấy cơ quan quản lý kiểm tra, xử phạt nghiêm minh?

Ngoài vòng quản lý?

Việc các cơ quan, công sở cũng như các khu chung cư bị "xẻ thịt" biến thành các bãi trông giữ xe không phép, không đảm bảo các yêu cầu theo quy định của UBND TP Hà Nội thì tiền thu được từ dịch vụ này sẽ chảy vào túi ai? Chỉ cần làm phép tính đơn giản, với số tiền trông giữ mỗi chiếc ô tô với giá 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng, thì số tiền thu về lên đến hàng chục triệu/tháng. Theo lý giải của một số Hiệu trưởng nhà trường thì việc tiền thu được từ việc trông giữ ôtô ngoài giờ đều cho hết bảo vệ để họ cải thiện thêm cuộc sống, nhà trường không giữ lại đồng nào.  

Tương tự, một nhân viên của Tổ bảo vệ toà nhà A2 Khu đô thị Đền Lừ cho biết, thì Toà nhà A2 đang trông giữ khoảng 10 xe ôtô đều là của người dân trong toà nhà, không hề nhận trông bất kỳ xe ôtô nào của người dân bên ngoài, mà chỉ có một xe chuyên dụng của một đơn vị gửi "nhờ". Nhân viên Tổ bảo vệ chỉ nhận "bồi dưỡng" chứ không thu bất kỳ khoản tiền nào. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát bằng mắt thường, chúng tôi có thể thấy ngoài những chiếc xe ôtô thường còn có cả những chiếc ôtô… chở hàng cũng đang đỗ ngay dưới khuôn viên của chung cư. 

Trường học, công sở, bệnh viên, Uỷ ban… bị lấn chiếm không gian để trông giữ ôtô thì ai là người chịu trách nhiệm? Theo ông Nguyễn Quang Lượng, Đội trưởng Đội Thanh tra cơ động, Thanh tra GTVT: Nếu theo quy định của Nhà nước về các bãi trông giữ xe thì các bến, bãi trông giữ xe trong khuôn viên nhà trường, công sở là các bãi trông giữ xe không phép. Tuy nhiên, trách nhiệm của Thanh tra GTVT là kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe tại vỉa hè, lòng đường.

Đối với các bến, bãi trông giữ xe bên trong các nhà trường, cơ quan, khu chung cư… trách nhiệm kiểm tra, xử lý lại thuộc về các cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương. Trước đây, lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội đã kết hợp với Sở Tài chính đi kiểm tra các bến, bãi trông giữ xe tại một số bệnh viện. Tuy nhiên, hình thức xử lý mới chỉ dừng lại ở việc thu quá giá so với quy định

Theo ông Nguyễn Phong Anh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thì do chúng ta không có được quy hoạch bài bản và dài hơi từ trước, nên đã xảy ra tình trạng quá tải điểm đỗ xe. Chính vì vậy mà hiện nay các điểm đỗ xe thường xuyên phải chạy theo nhu cầu. Do thiếu điểm trông giữ nên người dân có phương tiện phải tìm đến các điểm trông giữ xe tự phát, trông giữ trái phép là điều dễ hiểu. Có cầu thì ắt có cung, nên hoạt động trông xe trái phép, lấn chiếm sân trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc để trông xe phát triển rất mạnh và nhanh. Đặc biệt càng ở các quận nội thành thì nhu cầu này càng bức bách.

Hiện tại phần lớn những điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ ở khu vực trung tâm đều đã "quá quá" tải. Để giải quyết được tình trạng này, vấn đề mấu chốt vẫn là quy hoạch, xây dựng hạ tầng các điểm trông giữ xe. Nhưng để đầu tư xây dựng một điểm trông giữ xe hiện đại, quy mô hiện nay rất tốn kém. Với mức thu như quy định hiện tại thì không có lợi nhuận nên hầu như các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa tại các khu vực trung tâm để tìm địa điểm đầu tư xây dựng bãi trông giữ xe chẳng khác chuyện mò kim đáy bể.

Việc ôtô đăng ký mới cứ tăng theo cấp số nhân, trong khi cơ sở hạ tầng không "phình" ra được khiến cho các bãi trông giữ xe trái phép mọc rất nhanh trước việc gần như là bất lực của các cơ quan chức năng. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu bức xúc của người dân về chỗ gửi xe với việc lấn chiếm không gian trường học, công sở, bệnh viện… làm nơi để xe thì không chỉ thất thoát về tiền bạc mà vấn đề ở đây là có xử lý được hay không hay vẫn để nằm ngoài vòng quản lý như hiện nay?

* Bà Phan Quỳnh Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết: Do công tác quy hoạch còn thiếu bãi đỗ xe, nhu cầu gửi xe của người dân sống gần trường rất cao, nhà trường thấy thế đã tạo điều kiện cho họ gửi xe. Hiện nay trường đang trông giữ 15 chiếc ôtô từ 4 đến 7 chỗ, với giá 600 nghìn đồng/tháng, trong đó có 4 xe của giáo viên trong trường gửi. Nhà trường nhận trông ôtô ngoài giờ, buổi sáng phải lấy xe trước 6h30’, buổi tối 18h30’ mới được đưa xe vào, cuối tuần thì gửi cả ngày nên không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Tiền phí thu được từ trông giữ xe đều giao cho nhân viên bảo vệ, nếu sân trường có hỏng hóc thì bảo vệ phải chịu trách nhiệm sửa chữa. Việc trông giữ ôtô này là tình trạng chung diễn ra ở nhiều công sở, trường học trên địa bàn thành phố.

Gần đây, Phòng Giáo dục đào tạo quận Cầu Giấy đã yêu cầu nhà trường báo cáo việc này và nhà trường đã làm báo cáo gửi đi rồi. Nếu nhà trường không trông giữ ôtô thì mỗi đêm có hàng chục chiếc xe phải để ở ngoài đường. Có thể trong thời gian tới, nếu dư luận, báo chí có ý kiến, nhà trường sẽ không cho duy trì gửi xe nữa". 

*  Theo thống kế của Thanh tra GTVT Hà Nội, đến hết tháng 12/2010, trên địa bàn TP Hà Nội có 121 điểm trông giữ ôtô, xe máy trong đó các điểm có phép là 50 điểm và không phép là 71 điểm.

Điều đáng buồn là trong danh sách của các điểm trông giữ xe không phép này lại không thiếu tên của các trường học, cơ quan, công sở như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Bạch Mai, Công viên văn hoá Đống Đa, Bể bơi thiếu nhi, Bệnh viện U bướu, Công ty Thực phẩm Hà Nội, Ban Bảo vệ Trường THCS Nguyễn Du…

Hằng Hương – CSTC tuần số 60
.
.
.