Chuyện chàng trai da cam đòi công lý trên đất Mỹ

Thứ Ba, 11/10/2011, 15:20
Đi một bước, hai chân Minh lại đau nhức, buốt nhói. Đi chừng 50m, Minh phải dừng một lúc… nghỉ dưỡng sức. Thế nhưng, chàng trai trẻ ấy đã không ngần ngại hành trình hai chuyến đi dài sang Mỹ và Pháp đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Chàng thanh niên nhiễm chất độc da cam Phạm Thế Minh (An Dương, Hải Phòng) hiện đã có một hạnh phúc trọn vẹn cùng người vợ trẻ và một đứa con thơ 1 tuổi lành lặn, kháu khỉnh.

Di chứng da cam

Tôi tình cờ gặp Minh trong Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với chủ đề "Vì nạn nhân chất độc da cam và vì tương lai nhân loại" diễn ra ngày 8, 9/8 vừa qua. Minh mảnh khảnh, khuôn mặt trí thức với cặp kính cận 1 đi-ốp bên cạnh vật bất ly thân là chiếc nạng sắt màu đen dài chừng 0,5m, anh khó nhọc bước vào hội trường.

Một người đàn ông nước ngoài vỗ vai anh, mỉm cười trao đổi điều gì đó bằng tiếng Anh. Minh giới thiệu với tôi, đó là ông Jitendra Sharma - vị chủ tọa người Ấn trong phiên tòa lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại Paris - Pháp hồi năm 2009. Ông ấy bảo sẽ luôn đồng hành cùng những nạn nhân da cam Việt Nam trong cuộc chiến đòi công lý này.

Bố mẹ Minh đều bị phơi nhiễm chất độc da cam. Năm 1964, bố Minh - ông Phạm Thế Mẩu tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1972, đơn vị của ông đóng quân tại chiến trường Đông Hà, Quảng Trị, ở đây, ông Mẩu gặp gỡ và yêu cô gái văn công quê Hưng Yên theo đoàn đi biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến trường. Đám cưới của hai người được các đồng đội tổ chức tại chiến trường ác liệt, cuối năm 1975, cậu con trai kháu khỉnh mang tên Phạm Thế Minh ra đời, 3 năm sau, con gái Phạm Thị Hoa cũng chào đời.

Trớ trêu thay, Minh vừa ra đời đã mang dị tật. Càng lớn, chân phải cậu càng teo lại, co quắp và mất dần cảm giác. Không muốn tin vào sự thật, ai mách chỗ nào có thuốc hay, thầy tốt, bố mẹ Minh đều gõ cửa tìm đến nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Đến bệnh viện, bác sỹ bảo Minh bị biến dạng cơ thể bẩm sinh, phần chân phải teo cơ, trượt bánh chè.

Phạm Thế Minh.

Đang kể, Minh chững lại, thở dốc. Hóa ra, anh còn mắc bệnh viêm phổi, ảnh hưởng tim mạch, huyết áp cao, rối loạn chức năng gan, suy nhược cơ thể... Hàng tá bệnh trong người khiến Minh suy kiệt, mỗi khi thời tiết thay đổi, những cơn đau lại "kéo" nhau đến hành hạ anh.

Lên 6 tuổi, Minh được đến trường. Bị bạn bè trêu chọc, gọi là "thằng què" khiến cậu mặc cảm ghê gớm. Có hôm, một người bạn ác ý lấy thước kẻ gí vào cái chân khuyết tật, Minh tủi thân, khóc nức nở đòi nghỉ học. "Lúc đó, bố luôn động viên, rồi đặt báo hàng tuần cho tôi. Có hôm sốt sình sịch, ông vẫn lặn lội chở tôi đến trường trên chiếc xe đạp kêu cót két. Ông bảo, con người muốn sống tốt thì phải có tri thức".

 Thế mà năm 2005, bố Minh mất khiến anh chênh chao giữa cuộc đời. Nhìn người mẹ ốm yếu và cô em gái bệnh tật, Minh lấy lại nghị lực thay bố làm chỗ dựa cho cả gia đình.

Năm 1992, Minh đăng ký thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trường trả lại hồ sơ với lý do không nhận học sinh tàn tật. Không nản lòng, anh "ôm" hồ sơ đến Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng xin dự thi. Gặp thầy hiệu trưởng, anh bày tỏ mong muốn được học lấy kiến thức, kỹ năng, ra trường Minh sẽ tự xin việc lấy. Thầy hiệu trưởng quay mặt lắc đầu từ chối chàng thanh niên giàu đam mê và chân thành khuyên anh tìm một lớp dạy nghề dành cho người khuyết tật. Minh tuyệt vọng. Dường như tất cả các cánh cửa vào đời đều từ chối anh chỉ vì anh bị khiếm khuyết cơ thể!

Gạt ước mơ làm giáo viên sang một bên, Minh thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đặt cơ sở ở Hải Phòng. Với tấm bằng cử nhân tiếng Anh trên tay, Minh gõ cửa các cơ quan xin "đầu quân" nhưng một lần nữa, người ta từ chối anh với lý do sức khỏe yếu.

Không khuất phục, năm 1995, Minh tự mở lớp dạy học tiếng Anh tại nhà để kiếm thêm thu nhập. 3 học sinh đầu tiên tiến bộ rõ rệt, tham gia các cuộc thi tiếng Anh cấp huyện, tỉnh… đều đạt giải cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều bạn gọi nhau đến lớp học của thầy giáo "Minh què".

Năm 2001, Minh tổ chức lớp luyện thi đại học và nhiều học viên lớp đã đỗ đại học. Đến nay, hơn 1.500 học viên qua tay Minh đào tạo đều tiến bộ trông thấy, 70% học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng có tiếng như Đại học Hà Nội, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại thương…

Hành trình đòi công lý cho nạn nhân da cam

Minh bảo: "Tôi may mắn hơn những nạn nhân da cam khác là có thể vận động, nhận thức được. Có người sinh ra không lành lặn, có người sống thực vật suốt đời bên giường bệnh, "đốt" rất nhiều tiền để duy trì sự sống, trong khi gia đình họ lại vô cùng nghèo khó…".

Hai lần, Minh tham gia đòi công lý cho nạn nhân da cam VN ở Pháp và Mỹ do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN mời, bởi anh giỏi tiếng Anh, có kiến thức hiểu biết và khả năng giao tiếp, diễn đạt tốt.

Ngày 15,16/5/2009, Hội Luật sư dân chủ thế giới đưa ra sáng kiến lập tòa án lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại Paris - Pháp để xét xử về lương tâm của con người. Phiên tòa đặc biệt này được thực hiện trong hội trường của Trường Đại học Mỏ (Pháp) với sự tham gia của đông đảo sinh viên, các nhà khoa học, luật sư, nhà hoạt động xã hội và nhân dân Pháp.

Phía Mỹ, đại diện chính quyền Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ sẽ tham dự tại phiên tòa. Minh đại diện cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 trong đoàn da cam Việt Nam cùng hai nạn nhân đi cùng là ông Hồ Ngọc Chu (Quảng Ngãi) - cán bộ kháng chiến trực tiếp phơi nhiễm và ông Mai Giảng Vũ - quân nhân quân đội Việt Nam cộng hòa, người trực tiếp rải chất độc da cam xuống VN - sau này cũng trở thành nạn nhân của chính chất hóa học này sang làm nhân chứng tại tòa. Vị chủ tọa người Ấn Độ - ông Jitendra Sharma đã tuyên bố xử lý vắng mặt phía Mỹ tại phiên tòa này.

Phiên toà diễn ra căng thẳng, nghiêm túc với đầy đủ các chứng lý thuyết phục, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) - người trực tiếp khám, chữa những "ca bệnh lạ" của nạn nhân da cam, chị Trần Thị Tố Nga -  phóng viên VN sống ở Pháp có con nhiễm chất độc da cam đã đứng ra làm chứng. Ngoài ra, nạn nhân da cam các nước Mỹ, Hàn Quốc… cũng đồng hành cùng VN trong cuộc chiến công lý này.

Tại phiên tòa, Minh trình bày về hoàn cảnh phơi nhiễm, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày của mình. "Những hình ảnh đau đớn, sống quằn quại của các nạn nhân đã ám ảnh tôi, như cô bé Nguyễn Nam Hải (Kiến An, Hải Phòng) học sinh giỏi đến năm lớp 11 thì bại não, co quắp, nằm một chỗ, sống ngơ ngác; nước mắt ông Nguyễn Văn Thân (An Dương, Hải Phòng) khi đau đớn nghĩ đến ngày ông từ bỏ cuộc đời sẽ không ai chăm sóc cho ba đứa con đặt đâu ngồi đấy, ngờ nghệch, đầu to chi bé, biến dạng cơ thể hoàn toàn…. hiện về như thước phim sống động trước mắt tôi. Nhiều người trong phòng lấy tay lau nước mắt, một số người quay đi không dám nhìn vào những hình ảnh chiếu lên...".

Tòa kết luận: Chính phủ Mỹ sử dụng chất độc da cam trong cuộc chiến tranh tại VN đã phạm tội ác chiến tranh diệt chủng về con người và môi trường. Tòa tuyên bố Mỹ và các công ty hóa chất sản xuất chất dioxin phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân da cam VN.

Năm 2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam VN tổ chức đoàn khảo sát làm công tác vận động tại Mỹ để có những động thái tích cực cùng Chính phủ VN khắc phục hậu quả chiến tranh. Chuyến đi kéo dài từ ngày 13/4 đến 16/5/2010, gồm 2 người, trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Những nơi đoàn đến vận động gồm các nghị sỹ Mỹ, các chức sắc tôn giáo, Hội Sinh viên Việt - Mỹ, học sinh phổ thông tại các trường trung học... ở 7 bang lớn như: Chicago, New York, Califonia...

Chuyến sang Mỹ lần này, Minh sẽ nói về thảm họa da cam ở VN bằng tiếng Anh cùng với những đoạn clip ngắn quay cảnh nạn nhân da cam/dioxin ở Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ chiến đấu với bệnh tật. Anh rất xúc động trước giọt nước mắt của một cựu chiến binh Mỹ tên là Lewis, bang Califonia - người đã ra sân bay đón đoàn về nhà mình ở trong 5 ngày trước khi đoàn sang New York. Lewis hỏi thăm tình hình sức khỏe gia đình, thỉnh thoảng bối rối cúi nhìn đôi chân teo tóp của anh. "Biết tôi là nạn nhân thế hệ thứ 2 nhiễm chất độc da cam từ bố, ông ấy đã khóc. Ông ấy bảo đã rất ân hận, day dứt nhưng không có điều kiện quay lại Việt Nam giúp đỡ họ".

Sức ép của công luận bước đầu đã tác động đến thái độ và hành động của ngành lập pháp và hành pháp Mỹ, buộc Mỹ phải nhượng bộ đưa ra Quốc hội xem xét và có những phiên điều trần về trách nhiệm của họ đối với VN. Những động thái tích cực như thông báo tài trợ 34 triệu USD cho dự án tẩy rửa môi trường ở sân bay Đà Nẵng, chi kinh phí chăm sóc sức khỏe của nạn nhân da cam tại VN là 3 triệu USD/năm từ 2007 - 2009, bỏ ra 15 triệu USD để khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam năm 2010… nhưng nếu so với số tiền hàng tỷ USD mỗi năm mà Chính phủ Mỹ trợ cấp cho các cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở VN thì còn quá ít ỏi.

Phạm Thế Minh giờ đã là chủ nhiệm Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Hướng Dương (An Dương, Hải Phòng). Chi hội chất độc da cam của trung tâm ra đời năm 2010, là cầu nối để những nhà hảo tâm, tổ chức quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam được giao lưu, chia sẻ, đồng cảm. Anh mỉm cười khi nói về tổ ấm của mình.

Yêu nhau 10 năm, nhưng đến năm 2009, đám cưới mới diễn ra. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên Trường Tiểu học An Hưng (An Dương, Hải Phòng) đã cảm mến thầy giáo "Minh què" giàu nghị lực, tình nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai da cam. Trước khi cưới, Minh thỏa thuận: "Khi nào có thai, hai vợ chồng sẽ đến các trung tâm y tế để khám. Nếu có vấn đề gì về di chứng dioxin thì anh sẽ giải phóng cho em".

Huyền nhìn vào mắt anh, thẳng thắn: "Bởi em yêu ý chí, nghị lực, trái tim anh. Em yêu những tổn thương mà anh chịu đựng, yêu chiếc nạng sắt của anh. Dù sau này thế nào, em vẫn sẽ luôn ở bên anh…". Cưới nhau 2 năm, vợ chồng anh sinh được một cháu trai kháu khỉnh nặng 2,9kg, hoàn toàn lành lặn. Cậu bé hơi nhỏ so với độ tuổi nhưng khuôn mặt sáng sủa, đôi mắt tinh nhanh và khá hiếu động. Đôi khi bất giác nhớ lại hình ảnh cô bé Nam Hải khiến anh hoảng sợ. Nỗi lo mơ hồ đè nặng người bố trẻ vừa chớm mầm hạnh phúc.

Chợt có tiếng điện thoại reo, tiếng phụ nữ dịu dàng xen lẫn tiếng trẻ con bi bô, anh mỉm cười phân trần, "bà xã" gọi điện cho tôi đấy! Minh bảo, "có một thứ hi sinh mà tôi luôn tôn thờ và cảm phục, đó là tình yêu mà cô ấy đã dành cho tôi". Nhìn ánh mắt ngập tràn niềm vui của anh, tôi hiểu, anh đang hạnh phúc - anh luôn thầm cảm ơn người phụ nữ đã vượt qua mặc cảm, khó khăn để làm vợ một nạn nhân da cam, tiếp thêm nghị lực cho anh trong cuộc chiến đòi công lý cho bao nạn nhân khác

Hồng Tâm - số 53
.
.
.